1

Khi nào cần đi khám phụ khoa?

Phụ nữ trên 21 tuổi nên đi khám phụ khoa định kỳ, tương tự như khám sức khỏe tổng quát. Tuy nhiên, một số trường hợp sẽ cần khám phụ khoa thường xuyên hơn.
Khi nào cần đi khám phụ khoa? Khi nào cần đi khám phụ khoa?

Khám phụ khoa là gì?

Khám phụ khoa là quy trình kiểm tra sức khỏe của các cơ quan trong hệ sinh dục nữ, gồm có âm đạo, cổ tử cung, ống dẫn trứng, âm hộ, buồng trứng và tử cung.

Khi nào nên đi khám phụ khoa?

Không có khuyến nghị nào cụ thể về thời điểm và tần suất cần khám phụ khoa, nhưng phụ nữ nên đi khám mỗi năm một lần. Tùy thuộc vào bệnh sử của mỗi người mà bác sĩ sẽ đề nghị tần suất đi khám cụ thể. Phụ nữ nên bắt đầu khám phụ khoa từ tuổi 21 trừ khi có các vấn đề sức khỏe khác cần đi khám sớm hơn. Thông thường phụ nữ trẻ cần đi khám phụ khoa trước khi bắt đầu dùng một biện pháp tránh thai.

Phụ nữ trên 21 tuổi nên đi khám phụ khoa định kỳ, tương tự như khám sức khỏe tổng quát. Tuy nhiên, một số trường hợp sẽ cần khám phụ khoa thường xuyên hơn, ví dụ như có tiền sử gia đình bị ung thư, đặc biệt là các bệnh ung thư xảy ra ở hệ sinh dục. Ngoài ra, cần đi khám ngay khi có những biểu hiện như chảy máu âm đạo hay khí hư bất thường và những dấu hiệu nghi ngờ là ung thư buồng trứng, u nang buồng trứng, bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng như là các bệnh phụ khoa khác.

Cần chuẩn bị những gì?

Nếu bạn chưa bao giờ khám phụ khoa trước đây thì cần cho bác sĩ biết khi đặt lịch hẹn để được hướng dẫn. Nên đi khám khi không có kinh nguyệt nhưng nếu đi khám vì gặp vấn đề bất thường về chu kỳ kinh nguyệt thì có thể cần đến trong thời gian có kinh.

Không quan hệ tình dục đường âm đạo, không đưa bất cứ thứ gì vào âm đạo và thụt rửa trong ít nhất 24 tiếng trước khi khám phụ khoa.

Quy trình khám phụ khoa

Khi đi khám, bạn sẽ cần cởi đồ ở thân dưới và quấn một tấm vải choàng quanh hông. Sau đó nằm lên bàn khám, hai chân mở rộng và đặt lên bàn đạp ở hai bên. Quá trình khám phụ khoa được thực hiện qua các bước sau:

Khám trực quan

Đầu tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra trực quan (quan sát bằng mắt) âm đạo và âm hộ để xem có những dấu hiệu như đỏ, kích ứng, tiết dịch hoặc triệu chứng của các bệnh lây truyền qua đường tình dục, ví dụ như vết loét hay không.

Kiểm tra bằng mỏ vịt

Tiếp theo, bác sĩ sẽ đưa dụng cụ mỏ vịt vào âm đạo. Mỏ vịt là một dụng cụ bằng kim loại không gỉ hoặc nhựa được dùng trong khám phụ khoa. Lúc này cần hít thở sâu, cố gắng thả lỏng cơ sàn chậu và cơ bụng để bác sĩ có thể đưa mỏ vịt vào một cách dễ dàng.

Xét nghiệm Pap

Một số trường hợp sẽ cần làm xét nghiệm Pap (Pap smear hay phết tế bào cổ tử cung). Trước khi tháo mỏ vịt, bác sĩ dùng tăm bông, thìa nạo hoặc bàn chải quệt lên cổ tử cung nhằm lấy mẫu tế bào. Mẫu tế bào này được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Phương pháp xét nghiệm này giúp phát hiện ung thư cổ tử cung.

Khám bằng tay

Bác sĩ đeo găng tay, bôi trơn và đưa hai ngón tay vào âm đạo trong khi dùng tay kia để sờ nắn quanh bụng. Bước này nhằm phát hiện những thay đổi bất thường trong tử cung hoặc buồng trứng.

Trong quá trình khám bằng tay, bác sĩ có thể xác định được kích thước tử cung, phát hiện mang thai cũng như là bất kỳ sự bất thường nào ở ống dẫn trứng.

Cuối cùng, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra trực tràng bằng cách đưa ngón tay vào hậu môn và âm đạo để xem có điểm gì bất thường ở vùng mô giữa hai cơ quan hay không.

Kết quả

Bác sĩ sẽ cho biết ngay lập tức nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Tuy nhiên, phải vài ngày sau thì mới có kết quả xét nghiệm Pap. Tùy thuộc vào kết quả khám phụ khoa mà bác sĩ sẽ kê thuốc và yêu cầu tái khám nếu cần.

Lợi ích của khám phụ khoa

Khám phụ khoa là điều cần thiết để kiểm tra tình trạng sức khỏe sinh sản và tình dục của phụ nữ. Việc đi khám phụ khoa định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các vấn đề nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng, chẳng hạn như ung thư hoặc một số bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục.

Khám phụ khoa có đau không?

Quá trình khám phụ khoa sẽ hơi khó chịu và sau đó có thể sẽ xảy ra hiện tượng đau rát hoặc ra máu. Nếu sợ thì có thể đi cùng với một người thân hoặc bạn bè khi đi khám. Điều này sẽ tạo tâm lý yên tâm và đỡ căng thẳng, lo lắng hơn.

Bác sĩ sẽ thực hiện nhẹ nhàng và bôi trơn các dụng cụ để giảm tối đa cảm giác đau đớn. Hãy cố gắng bình tĩnh, thả lỏng để quá trình kiểm tra diễn ra suôn sẻ và thoải mái nhất. Nếu cảm thấy đau thì hãy nói ngay với bác sĩ để điều chỉnh.

Hỏi đáp

Phụ nữ dưới 21 tuổi, không gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào nhưng đã quan hệ tình dục thì có cần đi khám phụ khoa không? Và những người trên 21 tuổi nhưng chưa quan hệ tình dục thì sao?

Khám phụ khoa định kỳ là điều cần thiết trọng đối với tất cả phụ nữ. Phụ nữ dưới 21 tuổi và đã quan hệ tình dục nên bắt đầu khám phụ khoa ít nhất một lần một năm. Khi đi khám, bác sĩ sẽ tư vấn về quan hệ tình dục an toàn, các biện pháp tránh thai và nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Những người trên 21 tuổi và chưa quan hệ tình dục cũng nên đi khám phụ khoa hàng năm để kiểm tra sức khỏe hệ sinh dục.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: khám phụ khoa
Tin liên quan

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây