1

Giảm đau cánh tay và vai sau điều trị ung thư vú

Đau cánh tay và vai là hiện tượng thường gặp sau khi điều trị ung thư vú. Vậy phải làm thế nào để khắc phục?
Giảm đau cánh tay và vai sau điều trị ung thư vú Giảm đau cánh tay và vai sau điều trị ung thư vú

Sau khi điều trị ung thư vú, nhiều bệnh nhân thường bị đau nhức ở cánh tay và vai, đa phần là ở cùng một bên với bên vú được điều trị. Ngoài ra còn có hiện tượng căng cứng, sưng và giảm khả năng chuyển động của cánh tay và vai. Đôi khi, phải vài tháng sau khi điều trị thì những biến chứng này mới xuất hiện.

Hiện tượng đau nhức này có thể là do nhiều nguyên nhân, ví dụ như:

  • Ca phẫu thuật gây sưng hoặc cũng có thể là do cần phải dùng các loại thuốc mới và dẫn đến sự hình thành mô sẹo, khiến tay cử động kém linh hoạt hơn trước.
  • Các tế bào mới hình thành sau khi xạ trị có nhiều xơ hơn và khả năng co giãn kém.
  • Một số phương pháp điều trị ung thư vú, chẳng hạn như thuốc ức chế aromatase có thể gây đau khớp hoặc làm tăng nguy cơ loãng xương; nhóm thuốc taxan gây tê, châm chích và đau.

Tuy nhiên, có một số bài tập đơn giản mà bạn có thể bắt đầu trong vòng vài ngày sau phẫu thuật và tiếp tục duy trì trong quá trình xạ trị hoặc hóa trị để giảm bớt các vấn đề này. Bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến ​​của chuyên gia vật lý trị liệu trước khi bắt đầu điều trị ung thư để được hướng dẫn cụ thể. Hiện nay có nhiều chuyên gia trị liệu chuyên phục hồi chức năng và điều trị phù bạch huyết sau điều trị ung thư.

Mặc dù khi điều trị ung thư cơ thể sẽ rất mệt mỏi và đau nhức nhưng vẫn nên cố gắng thực hiện các bài tập. Đây là cách rất hiệu quả trong việc giảm cảm giác khó chịu và giảm nguy cơ xảy ra các triệu chứng khác trong tương lai. Các bài tập này thường đơn giản và không mất nhiều thời gian. Chỉ cần lưu ý mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, không nên bắt đầu tập luyện khi đói hoặc khát và lên kế hoạch tập vào thời điểm phù hợp nhất trong ngày. Nếu như bất kỳ bài tập nào làm tăng cảm giác đau thì nên dừng lại, nghỉ ngơi và chuyển sang bài tập khác. Cứ tập từ từ và đừng quên thở đều trong lúc tập.

Các bài tập đầu tiên

Dưới đây là một số bài tập mà bạn có thể thử trong khi ngồi. Có thể bắt đầu trong vòng vài ngày sau phẫu thuật hoặc khi có hiện tượng phù bạch huyết nhưng vẫn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ bài tập nào.

Bạn có thể ngồi trên mép giường, ghế dài hoặc trên ghế không có tay vịn. Tập mỗi động tác dưới đây một hoặc hai lần mỗi ngày. Nếu cảm thấy như thế là hơi nhiều thì có thể tập hai ngày một lần và sẽ vẫn có hiệu quả. Mỗi lần lặp lại 5 cái, sau đó tăng dần lên 10. Lưu ý tập chậm và đúng động tác. Việc tập chậm sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn. Nếu tập quá nhanh thì có thể gây đau hoặc co thắt cơ.

1. Nhướn vai

Thả lỏng hai cánh tay ở hai bên và nâng cao vai lên phía tai. Giữ nguyên trong vài giây và lại thả lỏng. Sau đó tiếp tục lặp lại.

2. Kéo căng vai

Thả lỏng hai cánh tay và ép chặt hai xương vai ở sau lưng vào với nhau. Cố gắng giữ vai ở vị trí bình thường, không nhướn vai. Giữ nguyên tư thế này trong vài giây và sau đó thả lỏng.

3. Giơ tay ngang ngực

Hai tay chắp lại và giơ lên ngang ngực. Bằng cách này, bên cánh tay khỏe hơn và linh hoạt hơn sẽ hỗ trợ cho bên yếu, căng hơn. Nâng cánh tay lên từ từ rồi lại hạ xuống nhẹ nhàng cho đến khi nào cảm thấy đau thì dừng lại, không cố hạ xuống hoặc nâng cao thêm.

Sau khi thực hiện những bài tập này trong vài ngày hoặc vài tuần và khi cảm thấy tay đã đỡ căng thì có thể thử giơ cánh tay lên cao quá ngực rồi dần dần cao qua đầu.

4. Gập khuỷu tay

Đầu tiên thả lỏng cánh tay với lòng bàn tay hướng về phía trước. Sau đó gập khuỷu tay lên cho đến khi chạm vào vai. Cố gắng nâng khuỷu tay lên cao ngang ngực rồi duỗi thẳng cánh tay và hạ xuống.

Nhóm các bài tập thứ hai

Sau khi thực hiện các bài tập trên trong khoảng một tuần thì có thể thêm các bài tập sau:

1. Hai tay ngang vai

Thả lỏng cánh tay, hướng lòng bàn tay về phía trước và bắt đầu nâng hai cánh tay thẳng sang hai bên đến khi ngang vai, không nâng cao hơn. Sau đó hạ xuống nhẹ nhàng.

2. Tay chạm đầu

Thực hiện giống như bài tập trên nhưng trước khi hạ tay xuống thì gập khuỷu tay xem có thể chạm vào cổ hoặc đầu được hay không. Sau đó, duỗi thẳng khuỷu tay và hạ cánh tay xuống một cách nhẹ nhàng.

3. Đưa tay trước sau

Có thể thực hiện bài tập này trên ghế dài, ghế không có tay vịn hoặc ở tư thế đứng. Đầu tiên, thả lỏng cánh tay ở hai bên người với lòng bàn tay hướng vào trong. Sau đó đưa tay hết cỡ về phía sau, khi nào thấy đau thì dừng. Tiếp theo lại đưa về phía trước đến ngang ngực. Lưu ý, chỉ đưa tay nhẹ nhàng, không vung mạnh. Tiếp tục lặp lại.

4. Tay sau lưng

Chắp hai tay ra sau lưng và cố gắng đưa lên trên về phía xương vai. Giữ nguyên tư thế như vậy trong vài giây và sau đó từ từ hạ xuống.

Nếu thấy cảm giác đau tăng lên thì ngừng hoặc tập chậm lại. Sau khi tập xong, nghỉ ngơi và uống nước. Nếu khi bắt đầu tập động tác mới mà thấy nhức hoặc căng cứng cơ vào ngày hôm sau thì bạn cũng đừng lo vì đây là điều bình thường. Hiện tượng này khác với các cơn đau thông thường và chỉ cần tắm nước nóng là sẽ đỡ. Dù nhức hay căng cơ thì vẫn nên tiếp tục tập mỗi ngày. Còn nếu cảm thấy các cơn đau tăng lên khi thực hiện các bài tập mà nhiều ngày vẫn không đỡ thì nên nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia trị liệu phục hồi chức năng.

Mặc dù việc thực hiện các bài tập ngay sau khi điều trị ung thư vú có thể giảm bớt các cảm giác khó chịu nhưng có thể sẽ vẫn thấy đau hay có cảm giác căng cứng ở cánh tay và vai. Đây là điều bình thường. Nhưng nếu như đã tập mà tình hình vẫn không cải thiện, càng trở nên nặng hơn hoặc gặp các triệu chứng mới thì nên nói chuyện với bác sĩ.

Có thể sẽ cần chụp X-quang hoặc cộng hưởng từ MRI để bác sĩ có thể chẩn đoán và đề xuất các phương án điều trị.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: ung thư, ung thư vú
Tin liên quan

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây