1

Gan Nhiễm Mỡ

Gan nhiễm mỡ là gì?

Gan nhiễm mỡ là một bệnh lý xảy ra khi chất béo tích tụ trong gan. Bình thường gan của chúng ta luôn có một lượng nhỏ chất béo, đây là điều bình thường, nhưng khi lượng chất béo tăng cao thì lúc này lại trở thành một vấn đề sức khỏe.

Gan là cơ quan lớn thứ hai trong cơ thể, chỉ đứng sau da, có vai trò xử lý chất dinh dưỡng từ thực phẩm, đồ uống và lọc các chất có hại từ máu.

Quá nhiều chất béo trong gan có thể gây viêm gan, điều này sẽ làm tổn hại gan và hình thành sẹo. Trong trường hợp nghiêm trọng, những mô sẹo này sẽ dẫn đến suy gan.

Khi nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ là do thói quen uống nhiều rượu thì được gọi là bệnh gan nhiễm mỡ do rượu. Còn nếu bị mắc bệnh kể cả khi không uống nhiều rượu thì tình trạng này được gọi là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

Các loại bệnh gan nhiễm mỡ

Có hai loại bệnh gan nhiễm mỡ là gan nhiễm mỡ do rượu và gan nhiễm mỡ không do rượu.

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu lại được chia thành gan nhiễm mỡ không do rượu đơn thuần, viêm gan nhiễm mỡ không do rượu và gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ.

Bệnh gan nhiễm mỡ do rượu gồm có gan nhiễm mỡ do rượu đơn thuần và viêm gan nhiễm mỡ do rượu.

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (non-alcoholic fatty liver disease - NAFLD) xảy ra khi chất béo tích tụ trong gan ở những người không uống nhiều rượu.

Nếu sự tích tụ chất béo không gây viêm và không đi kèm với các biến chứng khác thì tình trạng này được gọi là gan nhiễm mỡ không do rượu đơn thuần.

Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu

Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (nonalcoholic steatohepatitis - NASH) là một loại bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Tình trạng này xảy ra khi sự tích tụ chất béo thừa trong gan gây viêm gan.

Nếu gan tích tụ chất béo thừa, bị viêm dù bạn không uống nhiều rượu thì bác sĩ có thể chẩn đoán bạn bị viêm gan nhiễm mỡ không do rượu.

Khi không được điều trị, viêm gan nhiễm mỡ không do rượu sẽ gây xơ gan. Dần dần, tình trạng này sẽ phát triển thành xơ gan giai đoạn cuối (xơ gan mất bù) và suy gan.

Bệnh gan nhiễm mỡ do rượu

Uống nhiều rượu là thói quen rất có hại cho gan. Khi bị tổn thương, gan sẽ không thể chuyển hóa chất béo một cách bình thường. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng tích tụ chất béo và gây bệnh gan nhiễm mỡ do rượu (alcoholic fatty liver disease - ALFD).

Gan nhiễm mỡ do rượu là giai đoạn đầu tiên của bệnh gan do rượu.

Nếu không bị viêm và không có biến chứng khác thì tình trạng này được gọi là gan nhiễm mỡ do rượu đơn thuần.

Viêm gan nhiễm mỡ do rượu

Viêm gan nhiễm mỡ do rượu (Alcoholic steatohepatitis - ASH) là một loại bệnh gan nhiễm mỡ do rượu, xảy ra khi lượng chất béo trong gan tăng cao và gây viêm gan. Tình trạng này còn được gọi là viêm gan do rượu.

Khi có nhiều chất béo tích tụ trong gan, gan bị viêm và bạn thường xuyên uống nhiều rượu thì có khả băng bạn đã bị viêm gan nhiễm mỡ do rượu.

Nếu không được điều trị đúng cách, viêm gan nhiễm mỡ do rượu sẽ gây xơ gan và cũng có thể phát triển thành xơ gan mất bù rồi suy gan.

Để điều trị gan nhiễm mỡ do rượu, điều đầu tiên cần làm là ngừng uống rượu.

Gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ

Gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ (acute fatty liver of pregnancy - AFLP) là một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng có thể xảy ra trong thai kỳ. Nguyên nhân của tình trạng này đến nay vẫn chưa được xác định rõ.

Gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ thường xảy ra trong vòng 3 tháng cuối của thai kỳ. Nếu không được điều trị, bệnh sẽ gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

Nếu bạn đang mang bầu và được chẩn đoán mắc bệnh này thì bác sĩ thường sẽ đưa ra lời khuyên sinh con càng sớm càng tốt và bạn sẽ được theo dõi, chăm sóc cẩn thận trong vài ngày sau khi sinh.

Sức khỏe gan có thể sẽ trở lại bình thường trong vòng một vài tuần sau sinh.

Đọc thêm về tác hại của rượu đối với sức khỏe

Các giai đoạn của gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ tiến triển qua 4 giai đoạn:

  • Gan nhiễm mỡ đơn thuần: có chất béo thừa trong gan.
  • Viêm gan nhiễm mỡ: lượng chất béo thừa gây viêm trong gan.
  • Xơ gan: tình trạng viêm gan gây hình thành mô sẹo, xơ.
  • Xơ gan mất bù hay xơ gan giai đoạn cuối: mô sẹo trong gan lan rộng.

Xơ gan mất bù là tình trạng có thể gây suy gan và có khả năng đe dọa đến tính mạng. Khi bệnh đã sang đến giai đoạn này thì không còn cách nào có thể phục hồi những tổn thương trong gan được nữa. Vì thế nên cần ngăn chặn bệnh gan nhiễm mỡ tiến triển thành xơ gan mất bù.

Triệu chứng gan nhiễm mỡ

Trong nhiều trường hợp, gan nhiễm mỡ không biểu hiện các triệu chứng rõ rệt nhưng người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc cảm thấy khó chịu, đau ở vùng trên bên phải của bụng.

Một số người bị gan nhiễm mỡ còn gặp phải các biến chứng, bao gồm hình thành mô sẹo trong gan, được gọi là xơ gan.

Xơ gan có các triệu chứng như:

  • Ăn không ngon
  • Sụt cân
  • Suy nhược cơ thể
  • Mệt mỏi
  • Chảy máu cam
  • Ngứa ngáy
  • Da và tròng trắng mắt chuyển màu vàng (bệnh vàng da)
  • Xuất hiện các cụm mạch máu giống như mạng nhện dưới da
  • Đau bụng
  • Trướng bụng
  • Sưng chân
  • Ngực nở ở nam giới
  • Đầu óc lơ mơ, không tỉnh táo

Khi phát triển sang xơ gan giai đoạn cuối, bệnh có thể đe dọa đến tính mạng.

Tìm hiểu thêm về xơ gan

Nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ xảy ra khi cơ thể sản sinh ra quá nhiều chất béo hoặc chuyển hóa chất béo kém hiệu quả. Lượng chất béo thừa được tích tụ trong các tế bào gan và gây ra bệnh gan nhiễm mỡ.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên sự tích tụ chất béo này. Ví dụ, thói quen uống quá nhiều rượu là nguyên nhân gây ra bệnh gan nhiễm mỡ do rượu. Đây là giai đoạn đầu tiên của bệnh gan do rượu.

Ở những người không uống nhiều rượu thì khó xác định nguyên nhân gây bệnh hơn nhưng thường là do một trong các yếu tố sau:

  • Béo phì
  • Mức đường huyết cao
  • Kháng insulin
  • Nồng độ mỡ máu (lipid máu) cao, đặc biệt là triglyceride

Ngoài ra còn có các nguyên nhân ít phổ biến hơn như:

  • Mang thai
  • Giảm cân quá nhanh
  • Một số loại bệnh nhiễm trùng gan, chẳng hạn như viêm gan C
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc, như methotrexate (Trexall), tamoxifen (Nolvadex), amiodorone (Pacerone) hay axit valproic (Depakote)
  • Tiếp xúc với các chất độc hại

Các yếu tố nguy cơ

Uống nhiều rượu là yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh gan nhiễm mỡ.

Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố duy nhất. Nguy cơ mắc bệnh này cũng sẽ tăng cao nếu bạn:

  • bị béo phì
  • bị kháng insulin
  • mắc bệnh tiểu đường tuýp 2
  • có hội chứng buồng trứng đa nang
  • đang mang thai
  • có tiền sử bị bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm gan C
  • đang dùng một số loại thuốc có tác dụng phụ gây hại cho gan như methotrexate (Trexall), tamoxifen (Nolvadex), amiodorone (Pacerone) và axit valproic (Depakote)
  • có nồng độ cholesterol cao
  • có nồng độ triglycerie cao
  • lượng đường trong máu (đường huyết) cao
  • bị hội chứng chuyển hóa

Gen di truyền cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Có nghĩa là nếu có người thân trong gia đình bị gan nhiễm mỡ thì bạn cũng rất dễ bị bệnh.

Chẩn đoán gan nhiễm mỡ

Để chẩn đoán gan nhiễm mỡ, bác sĩ sẽ lấy bệnh sử, tiến hành thăm khám lâm sàng và làm một số xét nghiệm.

Lấy bệnh sử

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị gan nhiễm mỡ thì sẽ hỏi về:

  • Tiền sử gia đình mắc các bệnh về gan
  • Thói quen uống rượu và các thói quen sinh hoạt khác
  • Bất kỳ vấn đề về sức khỏe nào mà bạn đang mắc phải
  • Các loại thuốc bạn đang dùng
  • Những thay đổi gần đây về sức khỏe

Thăm khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ ấn lên bụng để kiểm tra gan có bị to ra hay không. Đây là một trong những dấu hiệu của viêm gan.

Tuy nhiên, đôi khi gan có thể bị viêm mà không to lên. Do đó, không thể chỉ dựa vào việc thăm khám lâm sàng đê kết luận viêm gan mà phải làm một số xét nghiệm nữa.

Xét nghiệm máu

Để chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ thì cần làm xét nghiệm máu để xác định các chỉ số men gan, ví dụ như alanine aminotransferase (ALT) hay aspartate aminotransferase (AST).

Men gan cao là dấu hiệu của viêm gan. Mặc dù bệnh gan nhiễm mỡ là nguyên nhân dẫn đến viêm gan nhưng lại không phải là nguyên nhân duy nhất.

Do vậy, nếu kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số men gan tăng cao thì vẫn cần làm thêm các xét nghiệm bổ sung để xác định nguyên nhân gây viêm.

Chẩn đoán hình ảnh

Thông thường sẽ cần làm thêm một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh sau đây để kiểm tra lượng mỡ thừa hoặc các vấn đề khác xảy ra ở gan:

  • Siêu âm gan
  • Chụp CT
  • Chụp MRI

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể sử dụng cả kỹ thuật FibroScan – một kỹ thuật siêu âm đàn hồi mô gan. Kỹ thuật này dùng sóng âm thanh tần số thấp để đo độ độ cứng của mô gan và giúp phát hiện sự hình thành sẹo.

Sinh thiết gan

Sinh thiết gan là cách tốt nhất để xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh gan.

Trong quá trình sinh thiết gan, bác sĩ đưa kim qua da vào gan và lấy một mẫu mô nhỏ để phân tích. Bạn sẽ được gây tê tại chỗ để giảm bớt cảm giác đau.

Phương pháp xét nghiệm này giúp xác định xem bạn có bị bệnh gan nhiễm mỡ hay xơ gan hay không.

Điều trị gan nhiễm mỡ

Hiện nay vẫn chưa có loại thuốc nào được phê chuẩn cho mục đích điều trị bệnh gan nhiễm mỡ. Các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành để tìm ra loại thuốc điều trị căn bệnh này.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc điều chỉnh một số thói quen sống có thể giúp đẩy lùi bệnh gan nhiễm mỡ, ví dụ như:

  • Hạn chế hoặc bỏ hẳn rượu
  • Thực hiện các biện pháp giảm cân an toàn
  • Thay đổi chế độ ăn uống

Nếu bệnh đã gây biến chứng thì bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị bổ sung. Ví dụ, để điều trị xơ gan, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc hoặc chỉ định phẫu thuật.

Xơ gan có thể dẫn đến suy gan và nếu bệnh đã tiến triển đến giai đoạn này thì bạn có thể cần phẫu thuật ghép gan.

Lối sống và chế độ ăn

Lối sống

Thay đổi lối sống là điều đầu tiên cần thực hiện trong quá trình điều trị gan nhiễm mỡ. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng hiện tại mà những thay đổi này có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh. Những thay đổi này gồm có:

  • Giảm lượng rượu tiêu thụ hoặc tốt nhất là bỏ hẳn
  • Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày

Chế độ ăn

Nếu bạn bị bệnh gan nhiễm mỡ thì cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống để cải thiện tình trạng và giảm nguy cơ biến chứng. Cụ thể, bạn nên:

  • Ăn nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật như trái cây, rau củ, các loại đậu và ngũ cốc (nguyên cám).
  • Hạn chế tiêu thụ carbohydrate tinh chế, chẳng hạn như đồ ngọt, cơm trắng, bánh mì trắng và các sản phẩm từ ngũ cốc tinh chế khác.
  • Tránh các loại thực phẩm có chất béo bão hòa (trans fat) như thịt đỏ hay đồ chiên rán.
  • Tránh các loại thực phẩm có chất béo chuyển hóa ví dụ như các loại đồ ăn vặt chế biến sẵn.
  • Hạn chế hoặc bỏ hẳn rượu.
  • Cắt giảm lượng calo trong khẩu phẩn ăn hàng ngày để giảm cân nếu bạn thừa cân.

Ngoài ra, một số nghiên cứu đã cho thấy rằng việc dùng viên uống bổ sung vitamin E có tác dụng ngăn ngừa và điều trị tổn thương gan do bệnh gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên, không nên lạm dụng vì việc bổ sung vitamin E quá liều sẽ gây ra một số tác hại cho sức khỏe.

Do đó, phải luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc, thảo dược tự nhiên hoặc thực phẩm chức năng nào. Một số sản phẩm thực phẩm chức năng hoặc biện pháp tự nhiên có thể gây hại cho gan hoặc tương tác với các loại thuốc bạn đang dùng.

Tìm hiểu thêm về một số thay đổi khác trong chế độ ăn để kiểm soát bệnh gan nhiễm mỡ

Ngăn ngừa gan nhiễm mỡ

Để ngăn ngừa gan nhiễm mỡ và các biến chứng đi kèm, bạn cần có một lối sống với các thói quen lành mạnh như:

  • Không uống rượu hoặc uống vừa phải
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh
  • Có chế độ ăn cân bằng, khoa học
  • Có biện pháp kiểm soát lượng đường, triglyceride và cholesterol trong máu
  • Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày
  • Ngoài ra nếu như bạn bị bệnh tiểu đường thì cần tuân thủ đúng theo kế hoạch điều trị và lời khuyên của bác sĩ.

Triển vọng điều trị

Khi bệnh mới chỉ ở mức độ nhẹ, những tổn thương gan do bệnh gan nhiễm mỡ gây ra có thể được khắc phục, cải thiện đáng kể bằng các thay đổi về lối sống. Những thay đổi này giúp gan không bị tổn thương thêm và ngăn ngừa hình thành xơ gan. Nhưng khi một phần lớn mô gan đã bị thay thế bằng mô xơ thì lúc này bạn sẽ bị xơ gan mất bù và không thể phục hồi được nữa.

Xơ gan mất bù sẽ làm tăng nguy cơ ung thư gan và suy gan. Đây đều là những biến chứng có thể gây tử vong.

Do đó, cần tuân theo kế hoạch điều trị của bác sĩ và duy trì lối sống lành mạnh để làm chậm tối đa tốc độ phát triển của bệnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 8 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây