1

Đầu gối đau dữ dội là do đâu?

Hầu hết mọi người đều bị đau đầu gối vào một thời điểm nào đó trong đời. Thể thao, tập thể dục và các hoạt động khác có thể gây căng cơ, viêm gân và các chấn thương nghiêm trọng ở dây chằng và sụn.
Đầu gối đau dữ dội là do đâu? Đầu gối đau dữ dội là do đâu?

Mức độ nghiêm trọng của cơn đau đầu gối ở mỗi người là khác nhau và phụ thuộc vào các yếu tố như nguyên nhân gây đau và độ tuổi. Ở một số người, tình trạng đau đầu gối nghiêm trọng đến mức gây cản trở các hoạt động hàng ngày. Một số người lại chỉ gặp phải cơn đau nhẹ nhưng lại kéo dài dai dẳng và cũng làm giảm khả năng vận động. Mức độ đau cũng có thể thay đổi theo thời gian. Cơn đau có thể xảy ra ở những vị trí khác nhau trên đầu gối.

Theo một báo cáo nghiên cứu, vị trí bị đau phổ biến nhất ở đầu gối là giữa đầu gối, ở khớp nối xương đùi với xương ống chân (xương chày). Khu vực phổ biến thứ hai là ở vùng xương bánh chè. Cơn đau cũng có thể xảy ra ở nhiều khu vực trên đầu gối cùng lúc.

Dưới đây là một số nguyên nhân gây đau đầu gối nghiêm trọng.

Chấn thương dây chằng đầu gối

Đau đầu gối có thể là do chấn thương dây chằng. Dây chằng là mô kết nối xương đùi với các xương ở cẳng chân (xương chày và xương mác). Dây chằng có chức năng giữ các xương này lại với nhau và giữ cho đầu gối ổn định.

Đứt hoặc rách dây chằng đầu gối là những chấn thương thể thao rất phổ biến và có thể xảy ra với dây chằng chéo trước (anterior cruciate ligament - ACL), dây chằng chéo sau (posterior cruciate ligament - PCL) và dây chằng bên trong gối (medial collateral ligament - MCL).

Chấn thương dây chằng đầu gối cũng có thể xảy ra do tai nạn, chẳng hạn như tai nạn lao động hay tai nạn giao thông.

Dây chằng chéo trước là dây chằng chính chạy qua giữa khớp nối xương đùi và xương ống chân. Đứt dây chằng chéo trước là loại chấn thương dây chằng phổ biến nhất ở vận động viên.

Rách dây chằng chéo trước có thể xảy ra do chấn thương trong khi thực hiện các chuyển động trong thể thao, chẳng hạn như:

  • Bắt đầu hoặc dừng chuyển động đột ngột
  • Chuyển hướng đột ngột
  • Nhảy lên và tiếp đất không chuẩn xác
  • Va chạm với người khác

Các triệu chứng của chấn thương dây chằng đầu gối gồm có:

  • Đau đột ngột, dữ dội ở đầu gối
  • Đau kéo dài khi đi lại
  • Tiếng nổ hoặc tiếng “tách” ở đầu gối
  • Đầu gối đột ngột mất vững, dẫn đến té ngã hoặc đi lại khó khăn
  • Sưng trong vòng 24 giờ sau chấn thương

Bất kỳ chấn thương dây chằng nào cũng có thể dẫn đến đau đầu gối dữ dội và có thể phải phẫu thuật để điều trị.

Rách sụn chêm

Sụn ở khớp gối cũng có thể bị tổn thương và dẫn đến đau đầu gối.

Sụn là mô bán cứng (chắc nhưng dẻo dai, linh hoạt) bao phủ đầu xương. Sụn đầu gối gồm có hai sụn chêm ở hai bên khớp: sụn chêm trong nằm ở bên trong khớp gối, có hình chữ C, dài khoảng 5-6cm và sụn chêm ngoài (nằm ở bên ngoài khớp gối, có hình chữ O).

Rách sụn chêm là một dạng chấn thương phổ biến và thường phải phẫu thuật. Không giống như chấn thương dây chằng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, rách sụn chêm thường xảy ra do một chuyển động duy nhất. Ví dụ, cú vặn hoặc xoay đầu gối đột ngột có thể khiến sụn chêm bị rách.

Người cao tuổi dễ bị rách sụn chêm hơn vì sụn chêm bị suy yếu và mỏng đi theo thời gian. Các dấu hiệu rách sụn ở đầu gối gồm có:

  • Tiếng nổ nhỏ ở đầu gối
  • Đau đầu gối
  • Ngay sau khi sụn bị rách, đầu gối sẽ có cảm giác đau và khó chịu. Sau đó, tình trạng đau và cứng khớp ngày càng trở nên trầm trọng
  • Đầu gối mất vững
  • Giảm phạm vi chuyển động khớp gối

Viêm khớp

Viêm khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trên cơ thể nhưng khớp gối là một trong những khớp dễ bị viêm nhất. Viêm khớp là một tình trạng mạn tính, thường trở nên nặng hơn theo thời gian và khi tình trạng quá nghiêm trọng có thể sẽ phải điều trị bằng phẫu thuật.

Có nhiều loại viêm khớp và ba loại phổ biến nhất là viêm khớp dạng thấp, viêm khớp sau chấn thương và thoái hóa khớp.

Các triệu chứng của viêm khớp ở đầu gối gồm có:

  • Sưng và đau khớp
  • Cứng khớp
  • Giảm phạm vi chuyển động của khớp

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm các mô trong khớp, dẫn đến viêm và sưng đau. Tình trạng viêm mạn tính dẫn đến tổn thương và mất sụn.

Trên thế giới ước tính có khoảng 20 triệu người bị viêm khớp dạng thấp và tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ cao hơn từ 2 đến 3 lần so với nam giới. (1)

Các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp cũng tương tự như các loại viêm khớp khác ở đầu gối, gồm có:

  • Đau khớp
  • Sưng khớp
  • Cứng khớp
  • Giảm phạm vi chuyển động của đầu gối

Viêm khớp sau chấn thương

Khớp gối có thể bị viêm sau một chấn thương nghiêm trọng ở đầu gối, ví dụ như gãy xương hay đứt (rách) dây chằng. Các chấn thương như gãy xương có thể làm mòn bề mặt khớp và dẫn đến viêm khớp theo thời gian.

Chấn thương đầu gối có thể làm hỏng sụn ở khớp gối và dẫn đến các triệu chứng như:

  • Đau khớp
  • Sưng khớp
  • Cứng khớp

Thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất, xảy ra do sụn ở đầu xương bị hao mòn. Thoái hóa khớp chủ yếu xảy ra ở người từ 50 tuổi trở lên do sụn bị hao mòn theo thời gian và lúc này, sụnn đã bị mất đi đủ nhiều khiến các đầu xương cọ xát với nhau và gây ra triệu chứng. Thoái hóa khớp thường xảy ra ở khớp gối, khớp háng, khớp cột sống và các khớp nhỏ ở bàn tay.

Ngoài tuổi tác, các yếu tố khác làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp còn có thừa cân, di truyền, từng bị chấn thương trước đó, nhiễm trùng, bệnh tật (chẳng hạn như ung thư hoặc bệnh gout) và làm các công việc phải mang vác nặng hoặc thực hiện chuyển động lặp đi lặp lại.

Các triệu chứng thoái hóa khớp gối gồm có:

  • Đau đầu gối
  • Giảm phạm vi chuyển động
  • Cứng khớp gối
  • Sưng khớp
  • Đau khi ấn lên đầu gối
  • Khớp gối biến dạng và mất vững
  • Tình trạng đau ngày càng nặng theo thời gian

Theo một nghiên cứu vào năm 2018 trên Arthritis Research & Therapy, tình trạng đau đầu gối kéo dài trên 1 năm thường là biểu hiện của bệnh thoái hóa khớp. (2)

Chẩn đoán nguyên nhân gây đau đầu gối

Các phương pháp chính để chẩn đoán viêm khớp và các vấn đề ở khớp gối khác là chụp X-quang và khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, mức độ đau, khả năng cử động và chức năng của khớp gối, mức độ hoạt động, tiền sử chấn thương hoặc bệnh lý khác và tiền sử gia đình (chẳng hạn như có người thân trong gia đình bị viêm khớp).

Ngoài ra cần tiến hành một số xét nghiệm để xác định loại viêm khớp ở đầu gối.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu giúp phát hiện sự hiện diện của kháng thể anti-CCP - một loại kháng thể liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp. Sự hiện diện của những kháng thể khác có thể là dấu hiệu chỉ ra những bệnh tự miễn xảy ra trên phạm vi rộng hơn, chẳng hạn như bệnh lupus. Ở người mắc những bệnh lý này, tình trạng viêm xảy ra trên khắp cơ thể.

Xét nghiệm dịch khớp

Bác sĩ sẽ hút một lượng nhỏ dịch bên trong khớp của người bệnh để phân tích. Nếu dịch khớp có tinh thể urat thì nguyên nhân gây đau đầu gối có thể là do bệnh gout. Mặc dù bệnh gout đa phần xảy ra ở khớp ngón chân cái nhưng cũng có thể xảy ra ở đầu gối. Sự hiện diện của vi khuẩn trong dịch khớp là dấu hiệu cho thấy khớp gối bị nhiễm trùng.

Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh

Chụp X-quang giúp xác định các dấu hiệu của bệnh viêm khớp, chẳng hạn như khoảng cách giữa các đầu xương trong khớp bị thu hẹp, có gai xương hay lệch trục khớp.

Chụp cắt lớp vi tính (CT) và cộng hưởng từ (MRI) tạo ra hình ảnh chi tiết hơn về xương và mô mềm, do đó các phương pháp này được sử dụng phổ biến hơn để chẩn đoán chấn thương và nguyên nhân gây sưng khớp. Ví dụ, nếu nghi ngờ người bệnh bị rách sụn chêm hoặc đứt dây chằng, rất có thể bác sĩ sẽ yêu cầu chụp MRI.

Điều trị đau đầu gối do viêm khớp

Tình trạng viêm khớp sẽ tiến triển nặng hơn theo thời gian và mức độ đau đầu gối sẽ ngày càng tăng. Những trường hợp viêm khớp nghiêm trọng có thể phải phẫu thuật để giảm các triệu chứng và cải thiện chức năng khớp.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể phẫu thuật. Các phương pháp điều trị bảo tồn để giảm đau đầu gối do viêm khớp là dùng thuốc và các biện pháp điều trị tự nhiên, ví dụ như điều chỉnh thói quen sống và tập thể dục.

Phương pháp điều trị cụ thể sẽ tùy thuộc vào các yếu tố như mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, tuổi tác, mức độ hoạt động và các bệnh lý khác mà người bệnh đang mắc.

Thông thường, người bệnh sẽ thử các phương pháp điều trị ít xâm lấn trước, chẳng hạn như giảm cân nếu thừa cân và dùng thuốc, sau đó nếu tình trạng không cải thiện thì mới cần phẫu thuật.

Các phương pháp điều trị tại nhà

  • Giảm cân: Ở những người thừa cân hoặc béo phì, giảm cân sẽ giúp giảm áp lực lên khớp gối và nhờ đó giúp giảm đau. Hiệp hội Nghiên cứu Thoái hóa khớp Quốc tế (OARSI) khuyến nghị những người thừa cân nên giảm 5% cân nặng trong khoảng thời gian 20 tuần. (3, https://www.oarsi.org/sites/default/files/docs/2014/non_surgical_treatment_of_knee_oa_march_2014.pdf
  • Tập thể dục: Ở người bị thoái hóa khớp, thường xuyên tập các bài tập tăng cường sức mạnh và giãn cơ đầu gối có thể giúp cải thiện chức năng khớp và khả năng vận động. Điều này còn giúp giảm đau và cứng khớp. Cả các bài tập trên cạn và tập thể dục dưới nước như bơi lội đều có lợi cho người bị thoái hóa khớp.
  • Chườm nóng và lạnh: Chườm nóng giúp giảm đau, cứng khớp và chườm lạnh giúp giảm sưng viêm.
  • Dụng cụ hỗ trợ: Có nhiều dụng cụ hỗ trợ giúp người bị viêm khớp đi lại vững vàng hơn và thực hiện các hoạt động hàng ngày dễ dàng hơn, ví dụ như gậy, nạng hay khung tập đi, gậy lấy đồ,…
  • Phương pháp điều trị bổ sung, gồm có dùng thực phẩm chức năng, tinh dầu và châm cứu.
  • Thuốc giảm đau đường uống: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen và aspirin là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến để điều trị bệnh thoái hóa khớp gối. Các loại thuốc này giúp giảm viêm và giảm đau.
  • Thuốc giảm đau tại chỗ: Ngoài thuốc giảm đau đường uống, bạn cũng có thể dùng thuốc giảm đau tại chỗ - các loại thuốc được bôi ngoài da. Các loại thuốc này giúp làm giảm cơn đau nhẹ do viêm khớp. Vì không đi vào máu nên thuốc giảm đau tại chỗ ít gây tác dụng phụ hơn so với thuốc giảm đau đường uống.

Thuốc tiêm

  • Corticoid (corticosteroid): Triamcinolone acetonide là một loại thuốc trong nhóm corticoid và là loại thuốc điều trị viêm khớp gối hiệu quả nhất. Thuốc được tiêm trực tiếp vào đầu gối và hoạt chất được giải phóng từ từ trong khoảng thời gian 3 tháng sau khi tiêm. Điều này giúp duy trì tác dụng giảm đau, sưng tấy lâu hơn và giảm một số tác dụng phụ của steroid, chẳng hạn như tăng đường huyết.
  • Axit hyaluronic: Mặc dù cần nghiên cứu thêm nhưng đây cũng là một phương pháp điều trị viêm khớp gối. Tiêm axit hyaluronic giúp bổ sung chất bôi trơn cho khớp gối, nhờ đó giúp giảm đau và cải thiện phạm vi chuyển động của khớp.

Phẫu thuật

Hai loại phẫu thuật chính để điều trị viêm khớp gối là phẫu thuật cắt xương thay khớp.

Phẫu thuật cắt xương chủ yếu được chỉ định cho người trẻ tuổi như một giải pháp để trì hoãn việc thay khớp. Trong ca phẫu thuật, bác sĩ sẽ cắt bỏ một phần xương và sau đó nắn chỉnh phần xương còn lại để cải thiện chức năng khớp và giảm đau.

Nếu khớp gối chỉ bị hỏng một phần thì có thể chỉ cần loại bỏ và thay phần bị hỏng (thay khớp gối bán phần). Còn nếu khớp gối bị hỏng nặng thì sẽ phải thay toàn bộ khớp gối (thay khớp gối toàn phần).

Tóm tắt bài viết

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây đau đầu gối, gồm có chấn thương và các bệnh lý như viêm khớp. Bạn nên đi khám càng sớm càng tốt nếu đầu gối bị đau dữ dội hoặc kéo dài. Bất kể là nguyên nhân nào, nếu để lâu không điều trị, tình trạng sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng, có thể dẫn đến biến dạng và mất chức năng khớp gối.

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau và mức độ nghiêm trọng mà phương pháp điều trị có thể là chườm nóng/lạnh, vật lý trị liệu, thuốc giảm đau, tiêm thuốc hoặc phẫu thuật.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây