Chế độ ăn uống dành cho người bị gút: Nên ăn gì, kiêng gì?
Bệnh gút là gì?
Bệnh gút là một loại viêm khớp gây sưng và đau đớn dữ dội, đột ngột ở các khớp mà thường là khớp ở ngón chân cái.
Gần một nửa số ca bệnh gút có triệu chứng sưng đau ở khớp ngón chân cái nhưng các triệu chứng bệnh cũng có thể xảy ra ở khớp ngón tay, cổ tay, đầu gối và gót chân.
Các đợt bùng phát triệu chứng bệnh gút được gọi là các cơn gút cấp, xảy ra khi nồng độ axit uric trong máu tăng cao. Axit uric là một sản phẩm được cơ thể tạo ra khi chuyển hóa purin - một hợp chất tự nhiên có trong một số loại thực phẩm.
Nồng độ axit uric trong máu tăng cao sẽ tích tụ thành tinh thể trong các khớp xương. Điều này gây viêm và sưng đau dữ dội ở các khớp. Cơn gút cấp thường xảy ra vào ban đêm và kéo dài 3 – 10 ngày.
Nguyên nhân chính gây ra bệnh gút là do cơ thể không thể đào thải axit uric một cách hiệu quả. Kết quả là lượng axit uric thừa tích tụ, kết tinh và lắng đọng trong các khớp. Trong một số trường hợp, nguyên nhân là do cơ thể tạo ra quá nhiều axit uric do di truyền hoặc do chế độ ăn uống có quá nhiều purin.
Tóm tắt: Bệnh gút là một loại viêm khớp gây sưng và đau đớn đột ngột, dữ dội ở các khớp. Bệnh này xảy ra do có quá nhiều axit uric trong máu, dẫn đến tích tụ tinh thể axit uric trong các khớp xương.
Chế độ ăn ảnh hưởng đến bệnh gút như thế nào?
Ở những người mắc bệnh gút, một số loại thực phẩm có thể làm tăng nồng độ axit uric trong máu và kích hoạt cơn gút cấp.
Đó thường là những thực phẩm chứa nhiều purin. Quá trình chuyển hóa purin trong cơ thể sẽ tạo ra axit uric.
Đây không phải vấn đề đáng lo ngại đối với những người khỏe mạnh vì cơ thể có khả năng đào thải lượng axit uric dư thừa.
Tuy nhiên, những người bị bệnh gút lại không thể đào thải axit uric một cách hiệu quả. Do đó, chế độ ăn nhiều purin sẽ dẫn đến tích tụ axit uric và gây ra cơn gút cấp.
Nghiên cứu chứng minh rằng hạn chế thực phẩm giàu purin kết hợp với dùng thuốc có thể ngăn ngừa các đợt bùng phát bệnh.
Các loại thực phẩm chính kích hoạt cơn gút cấp gồm có nội tạng, thịt đỏ, hải sản và rượu bia. Những thực phẩm này đều có chứa lượng purin từ vừa đến cao.
Tuy nhiên, không phải loại thực phẩm nhiều purin nào cũng có hại cho người bị bệnh gút. Nghiên cứu cho thấy rằng các loại rau có hàm lượng purin cao không gây ra các cơn gút cấp. (1)
Mặt khác, đường fructose và đồ uống có đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút và tần suất xảy ra cơn đau gút cấp, mặc dù không chứa nhiều purin. Lý do là bởi đường thúc đẩy một số quá trình tế bào và điều này dẫn đến tăng nồng độ axit uric trong máu.
Một nghiên cứu gồm có hơn 125.000 người tham gia đã phát hiện ra rằng những người ăn nhiều đường fructose nhất có nguy cơ mắc bệnh gút cao hơn 62% so với những người ăn ít nhất. (2)
Trong khi đó, nghiên cứu cho thấy rằng các sản phẩm từ sữa ít béo, thực phẩm làm từ đậu nành và viên uống bổ sung vitamin C có thể giúp làm giảm nồng độ axit uric trong máu và ngăn ngừa cơn gút cấp. (3)
Các sản phẩm sữa nguyên kem và sữa có hàm lượng chất béo cao không ảnh hưởng đến nồng độ axit uric.
Tóm tắt: Tùy thuộc vào hàm lượng purin mà các loại thực phẩm có thể làm tăng hoặc giảm nồng độ axit uric trong máu. Tuy nhiên, đường fructose có thể làm tăng nồng độ axit uric mặc dù không chứa nhiều purin và một số loại rau củ dù giàu purin nhưng lại không gây ra cơn gút cấp.
Người bị bệnh gút cần kiêng những thực phẩm nào?
Những người mắc bệnh gút cần tránh các loại thực phẩm chứa nhiều purine.
Những thực phẩm có trên 200mg purin trong mỗi 100g khối lượng được coi là có hàm lượng purin cao.
Bệnh nhân gút cũng nên hạn chế tối đa các loại đồ ăn thức uống có nhiều fructose và thực phẩm có lượng purine ở mức trung bình cao (150 – 200mg purine trong mỗi 100g khối lượng). Những thực phẩm này đều có thể kích hoạt các đợt bùng phát bệnh.
Dưới đây là một số loại thực phẩm có hàm lượng purin từ trung bình đến cao và thực phẩm chứa nhiều fructose mà người bị gút cần phải hạn chế tối đa:
- Nội tạng: gan, cật, lách, tim, lòng, óc…
- Thịt thú rừng: nai, chồn, hoẵng …
- Cá biển: cá trích, cá thu, cá ngừ, cá đuối, cá mòi,…
- Hải sản: tôm, cua, ghẹ, bạch tuộc, sò, hàu,…
- Đồ uống có đường, đặc biệt là nước ép hoa quả đóng chai và nước ngọt có ga
- Thực phẩm chứa nhiều đường fructose như mật ong, mật hoa Agave (mật cây thùa)…
Ngoài ra, nên tránh các loại thực phẩm chứa carb tinh chế như bánh mì trắng, bánh ngọt và bánh quy. Mặc dù những thực phẩm này không chứa nhiều purin hoặc fructose nhưng lại nghèo dinh dưỡng và có thể làm tăng nồng độ axit uric.
Tóm tắt: Người bị bệnh gút cần hạn chế ăn các loại thực phẩm như nội tạng, thịt thú rừng, cá biển và hải sản, đồ uống có đường, carb tinh chế và thực phẩm chứa nhiều đường fructose.
Có thể ăn những loại thực phẩm nào?
Mặc dù người bị bệnh gút có ít lựa chọn thực phẩm hơn so với người khỏe mạnh nhưng vẫn có rất nhiều loại thực phẩm giàu dinh dưỡng mà lại có hàm lượng purin thấp.
Thực phẩm được coi là có hàm lượng purin thấp khi chứa dưới 100mg purin trong mỗi 100g khối lượng.
Dưới đây là một số thực phẩm chứa ít purin an toàn cho người bị bệnh gút:
- Trái cây: Nói chung, tất cả các loại trái cây đều tốt cho người bị gút. Quả anh đào (cherry) thậm chí còn có tác dụng làm giảm nồng độ axit uric và giảm viêm, nhờ đó ngăn ngừa cơn gút cấp.
- Rau củ: Người bị gút có thể ăn được tất cả các loại rau củ như rau xanh, khoai tây, cà rốt, củ cải, su hào, nấm, cà tím….
- Các loại đậu: Đậu lăng, đậu đen, đậu xanh, đậu trắng, đậu Hà Lan, đậu nành, đậu phụ….
- Quả hạch và hạt: Óc chó, hạnh nhân, hạt dẻ cười, hạt điều, vừng, chia, hạt hướng dương,…
- Ngũ cốc nguyên hạt: Yến mạch, ngô, gạo lứt và lúa mạch….
- Các sản phẩm từ sữa: Tất cả các sản phẩm từ sữa đều an toàn cho người bị gút nhưng tốt nhất nên chọn sữa ít béo.
- Trứng
- Đồ uống không đường như nước lọc, cà phê và trà.
- Thảo mộc và gia vị: Gừng, tỏi, hành, rau mùi, húng, quế, bạc hà…
- Dầu thực vật: Dầu hạt cải, dầu dừa, dầu ô liu, dầu đậu nành, dầu gạo, dầu đậu phộng, dầu hạt lanh...
Thực phẩm nên ăn vừa phải
Ngoài nội tạng, thịt thú rừng và hải sản, hầu hết các loại thịt đều an toàn cho người bị gút, miễn là ăn ở mức độ vừa phải. Chỉ nên ăn 1 - 2 lần mỗi tuần và mỗi lần ăn 110 – 170 gram.
Những thực phẩm này chứa hàm lượng purin ở mức trung bình, thường là 100 – 200mg trong 100 gram khối lượng và ăn quá nhiều sẽ gây ra cơn gút cấp.
Các loại thực phẩm mà người bị gút nên ăn ở mức vừa phải gồm có:
- Các loại thịt: thịt gà, vịt, bò, lợn, bê, cừu, dê…
- Các loại cá nước ngọt: cá chép, cá trắm, cá diêu hồng, cá rô phi, cá trôi, cá quả…
- Cá hồi
Tóm tắt: Những thực phẩm mà người bị gút có thể ăn là tất cả các loại trái cây và rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo, trứng và các loại đồ uống không đường. Các loại thịt, cá hồi và cá nước ngọt có thể ăn ở mức độ vừa phải, mỗi tuần 1 – 2 lần và mỗi lần không quá 170 gram.
Thay đổi lối sống
Ngoài chế độ ăn uống, một số thay đổi trong lối sống cũng có thể giúp giảm tần suất các cơn gút cấp.
Giảm cân
Ở người bị bệnh gút, thừa cân hoặc béo phì có thể làm tăng nguy cơ bệnh bùng phát.
Lý do là bởi vì thừa cân có thể dẫn đến kháng insulin – tình trạng mà cơ thể không thể sử dụng hormone insulin một cách hiệu quả để chuyển đường trong máu vào các tế bào. Kháng insulin cũng sẽ làm tăng nồng độ axit uric trong máu.
Nghiên cứu cho thấy giảm cân có thể giúp giảm tình trạng kháng insulin và giảm nồng độ axit uric ở những người thừa cân.
Tuy nhiên, không nên giảm cân quá nhanh bằng cách ăn kiêng khắc nghiệt. Nghiên cứu cho thấy giảm cân đột ngột có thể làm tăng nguy cơ xảy ra cơn gút cấp. (4)
Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục đều đặn cũng là một cách hiệu quả để ngăn ngừa cơn gút cấp.
Tập thể dục không chỉ giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh mà còn giữ cho nồng độ axit uric ở mức thấp.
Một nghiên cứu được thực hiện ở 228 nam giới cho thấy những người chạy bộ trên 8km mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh gút thấp hơn 50% so với những người không chạy bộ. Lý do dẫn đến điều này một phần cũng là do những người chạy bộ có cân nặng thấp hơn.
Uống đủ nước
Uống đủ nước hàng ngày giúp giảm nguy cơ mắc bệnh gút vì khi có đủ nước, cơ thể sẽ đào thải lượng axit uric thừa dễ dàng hơn qua nước tiểu.
Nếu tập thể dục nhiều thì việc cung cấp đủ nước cho cơ thể lại càng quan trọng vì trong quá trình vận động, cơ thể bị mất rất nhiều nước qua mồ hôi.
Hạn chế uống rượu bia
Đồ uống có cồn là nguyên nhân phổ biến gây ra các cơn gút cấp bởi sau khi uống rượu bia, cơ thể sẽ ưu tiên đào thải cồn thay vì đào thải axit uric. Điều này dẫn đến sự tích tụ axit uric trong các khớp.
Một nghiên cứu gồm có 724 người tham gia cho thấy rằng uống rượu vang, bia hoặc rượu mạnh làm tăng nguy cơ xảy ra cơn gút cấp. 1 đến 2 đơn vị cồn mỗi ngày làm tăng nguy cơ lên 36% và 2 đến 4 đơn vị cồn mỗi ngày làm tăng nguy cơ lên 51%.
Bổ sung vitamin C
Nghiên cứu cho thấy uống bổ sung vitamin C có thể giúp làm giảm nồng độ axit uric và ngăn ngừa các đợt bùng phát bệnh. Lý do có thể là bởi vitamin C giúp thận đào thải nhiều axit uric hơn qua nước tiểu.
Tuy nhiên, một nghiên cứu lại chỉ ra rằng uống vitamin C không có tác dụng cải thiện bệnh gút.
Số lượng nghiên cứu về lợi ích của việc bổ sung vitamin C trong điều trị bệnh gút vẫn chưa có nhiều nên cần nghiên cứu thêm để có thể đưa ra kết luận chính xác.
Tóm tắt: Giảm cân, tập thể dục, uống đủ nước, hạn chế rượu bia và uống bổ sung vitamin C có thể giúp ngăn ngừa các cơn gút cấp.
Tóm tắt bài viết
Bệnh gút là một dạng viêm khớp gây đau đớn đột ngột, dữ dội ở các khớp.
Ngoài dùng thuốc, điều chỉnh chế độ ăn uống cũng là một cách để kiểm soát tình trạng bệnh.
Các loại thực phẩm và đồ uống có thể gây ra cơn gút cấp gồm có nội tạng, thịt thú rừng, một số loại cá, hải sản, đồ uống có đường và rượu bia.
Mặt khác, trái cây, rau củ tươi, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ đậu nành và các sản phẩm từ sữa ít béo có thể giúp làm giảm nồng độ axit uric trong máu và nhờ đó ngăn ngừa cơn gút cấp.
Một số thay đổi về lối sống cũng sẽ có lợi cho người bị bệnh gút, chẳng hạn như duy trì cân nặng khỏe mạnh, tập thể dục đều đặn, uống đủ nước, hạn chế rượu bia và bổ sung vitamin C.