1

Virus zika lây qua muỗi đốt, truyền máu và quan hệ tình dục - Bệnh viện 108

Virus Zika:

  • Là loại virus lần đầu tiên được phát hiện trên khỉ ở Uganda năm 1947, tên của loại virus này được đặt theo tên khu rừng Zika- nơi lần đầu tiên nó được phát hiện.
  • Nguồn gốc virus chủ yếu vùng nhiệt đới châu Phi. Năm 2015 virus Zika xuất hiện ở Brazil, các quốc gia Mỹ Latinh và đảo Caribe.
  • Đây là căn bệnh mới nổi quan trọng bởi nó gây ra dị tật cho trẻ sơ sinh.

Triệu chứng:

  • Thời gian ủ bệnh Zika khoảng 2-12 ngày sau khi bị muỗi đốt. Khoảng 75-80% số bệnh nhân bị nhiễm virus Zika không có biểu hiện lâm sàng.
  • Các bệnh nhân có biểu hiện bệnh thường nhẹ.
  • Bệnh nhân thường khởi phát cấp tính với các biểu hiện sốt nhẹ (37,8-38,5 ° C), mệt mỏi, mọc ban dát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân, viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược.
  • Một số ít bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa. Cần chỉ định theo dõi siêu âm thai đối với phụ nữ có thai nghi nhiễm virus Zika để có thể phát hiện biến chứng thai nhi đầu nhỏ.

Con đường lây truyền:

  • Các chủng muỗi Aedes có thể gây lây truyền virus Zika bao gồm A. africanus, A. aegypti, A. vitattus, A. furcifer, A. apicoargenteus, và A. luteocephalus. Khi muỗi hút máu người hay động vật bị nhiễm virus Zika, virus sẽ nhân lên trong cơ thể muỗi và ủ bệnh sau 10 ngày có thể gây truyền virus cho người hoặc động vật khác.
  • Một cá thể muỗi nhiễm virus Zika có thể truyền virus cho các thế hệ muỗi con cháu.
  • Ngoài lây truyền qua muỗi đốt là con đường chủ yếu, còn nhiều đường lây truyền khác có thể làm truyền virus Zika như lây truyền từ mẹ sang thai nhi, lây truyền qua quan hệ tình dục.
  • ARN của virus Zika cũng đã được phát hiện trong máu, nước tiểu, tinh dịch, dịch não tủy, nước ối và sữa của các bệnh nhân nhiễm virus Zika.

Dị tật trẻ sơ sinh:

  • Nghiên cứu ở 35 trẻ Brazil với đầu nhỏ, CT sọ và siêu âm xuyên sọ đã phát hiện tình trạng vôi hóa lan tỏa trong não.
  • Khoảng 1/3 số trường hợp có sự di cư tế bào bất thường làm đảo lộn cấu trúc não như hội chứng não mịn (lissencephaly) hay hội chứng phì đại cuốn não (pachygyria).
  • Giãn não thất thứ phát do teo vỏ não hay các cấu trúc dưới vỏ cũng thường gặp. Một số trẻ có hạn chế vận động khớp bẩm sinh (arthrogryposis) do khiếm khuyết thần kinh vận động chu sinh.
  • Teo võng mạc bẩm sinh cũng được ghi nhận ở các trẻ có dị tật đầu nhỏ sơ sinh.
  • Các dị tật này có thể xuất hiện khi mẹ bị nhiễm virus Zika trong bất kỳ quý nào của thai kỳ.

Phòng bệnh: 

  • Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh do virus Zika. Phòng bệnh chủ yếu bằng hạn chế đi đến vùng lưu hành dịch Zika. Các cá nhân trong vùng dịch áp dụng các biện pháp hạn chế muỗi đốt như: Mặc quần áo kín, sáng màu, dùng các thuốc xua đuổi côn trùng, nằm màn...
  • Tại vùng có dịch cần triển khai các biện pháp diệt muỗi như: Đảm bảo vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng đọng nước, đậy kín các chum, bể hoặc thả cá diệt loăng quăng, diệt muỗi bằng bẫy...
  • Cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với người bị nhiễm virus Zika.
  • Mặc dù đã phát hiện ARN của virus Zika trong sữa nhưng chưa có bằng chứng lây truyền virus Zika qua bú mẹ nên chưa có khuyến cáo kiêng cho con bú trong khi mẹ nghi ngờ hoặc xác định bị nhiễm virus Zika.

Nguồn: Bệnh viện 108

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Video có thể bạn quan tâm
Tin liên quan

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây