1

Viêm tuyến nước bọt dưới hàm và dưới lưỡi - bệnh viện 103

Viêm tuyến nước bọt dưới hàm hoặc tuyến dưới lưỡi gặp ở hai dạng: Viêm cấp và mạn tính. Viêm tuyến dưới lưỡi đơn thuần rất ít gặp, thường gặp ở thể kết hợp viêm tuyến dưới hàm và dưới lưỡi. Cho nên phần này chủ yếu trình bày viêm tuyến dưới hàm. Bệnh lý viêm tuyến dưới hàm thường xảy ra do các yếu tố:

– Sự lan tràn các ổ viêm nhiễm xung quanh vào các tuyến như: viêm lan toả sàn miệng, viêm hạch, viêm xương hàm…

– Do dị vật trong ống tuyến dưới hàm gây cản trở lưu thông, ứ trệ nước bọt gây viêm tuyến.

Các quá trình viêm tuyến nước bọt dưới hàm ít khi liên quan đến bệnh lý đường tiêu hoá.

Về giải phẫu bệnh lý: Tuỳ theo mức độ viêm nhiễm mà có các biểu hiện khác nhau. Trong giai đoạn viêm thanh dịch cấp tính có biểu hiện phù nề thâm nhiễm và trương tế bào biểu mô ống tuyến. Nước bọt đặc quánh xen lẫn các tế bào biểu mô bong ra và xác bạch cầu. Ở giai đoạn viêm mủ, trong ống tuyến thâm nhiễm đầy bạch cầu đa nhân, trong nhu mô tuyến có những ổ xuất huyết, phù nề nhiều, cũng có thể thấy những áp xe nhỏ có liên quan với nhau, có khi tạo thành ổ lớn chứa đầy mủ.

Trong giai đoạn viêm mạn tính, ống tuyến dãn rất rộng do các thành cơ ống bị liệt và mất trương lực. Trong tuyến có hiện tượng tăng sinh tổ chức liên kết giữa các tiểu thuỳ (tuyến phì đại).

Viêm tuyến nước bọt dưới hàm cấp tính.

Lâm sàng:

Bệnh nhân đau sưng vùng dưới hàm, khô miệng, đau tăng khi ăn nhai, nuốt. Có khi bệnh nhân đau quá không dám ăn. Bệnh nhân có kèm theo sốt ở các mức độ khác nhau.

Sờ ở vùng tuyến dưới hàm thấy thâm nhiễm viêm chắc và đau, không phân biệt danh giới tuyến với tổ chức xung quanh. Sờ dọc ống tuyến qua đường trong miệng cũng thấy viêm thâm nhiễm to hơn bình thường, miệng ống tuyến phù nề, viêm đỏ, không thấy tiết dịch nước bọt hoặc tiết ít nước bọt quánh.

  • Ở giai đoạn viêm mủ, ở vùng dưới hàm sưng nề lớn, thâm nhiễm phản ứng ra tổ chức xung quanh. Sờ dọc ống tuyến qua đường trong miệng cũng thấy viêm thâm nhiễm to hơn bình thường, miệng ống tuyến phù nề, viêm đỏ, không thấy tiết dịch nước bọt hoặc tiết ít nước bọt quánh.
  • Ở giai đoạn viêm mủ, ở vùng dưới hàm sưng nề lớn, thâm nhiễm ra tổ chức xung quanh, da phản ứng đỏ cả một vùng dưới hàm và tăng cảm. Từ miệng ống tiết ra dịch mủ màu trắng. Viêm tuyến dưới hàm cấp ở giai đoạn này dễ nhầm với viêm mô tế bào lan toả.

Chẩn đoán viêm tuyến dưới hàm cấp dựa vào nhứng triệu chứng sau:

  • Đau vùng tuyến dưới hàm, đau tăng khi ăn uống và vận động hàm dưói.
  • Sờ thấy khối lượng tuyến tăng, đau hoặc thâm nhiễm ra xung quanh.
  • Ống Wharton phản ứng, nước bọt đặc hoặc có mủ, miệng ống tuyến viêm đỏ.
  • X quang: Chụp cản quang không có giá trị chẩn đoán vì thuốc bơm rất khó không thể vào sâu tổ chức tuyến.

Điều trị

– Tại chỗ: Xúc miệng bằng dung dịch Nabica 0,5 – 1% hâm nóng 40 – 45oC. Ngoài ra xoa dầu long não bằng gạc khô. Lý liệu bằng hồng ngoại và sóng ngắn, cho ăn thức ăn kích thích tăng tuyến nước bọt hoặc dùng pilocarpin 10% cho 5 – 6 giọt/lần, 3 lần trước bữa ăn.

– Dùng kháng sinh kết hợp giảm đau chống viêm 7 – 10 ngày.

– Nếu viêm tuyến giai đoạn hoá mủ cấp có lan tràn ra tổ chức xung quanh tiến hành trích tháo mủ ở thời điểm và vị trí thích hợp.

Viêm tuyến nước bọt dưới hàm mạn tính.

Viêm tuyến dưới hàm mạn tính có thể xảy ra do rối loạn chức năng tiết dịch, do nhiễm lạnh đột ngột, hoặc sau đợt viêm cấp không được điều trị tích cực có hiệu quả. Chính sự rối loạn quá trình tiết là cái nền cho quá trình viêm mạn tuyến dưới hàm tiến triển. Nhiều khi cũng không xác định rõ nguyên nhân của viêm tuyến dưới hàm mạn tính.

Giải phẫu bệnh lý: Thấy quá trình tăng sinh cả nhu mô tuyến và tổ chức kẽ. Nhu mô tuyến dần dần bị thâm nhiễm tổ chức Lympho.

Lâm sàng:

Đau âm ỉ kéo dài liên tục làm người bệnh lúc nào cũng cảm thấy vướng tức khó chịu. Bệnh nhân vẫn ăn uống được, khi ăn đau tăng, không có cảm giác ngon miệng.

Sờ vùng tuyến thấy tuyến nước bọt to hơn bình thường, có giới hạn rõ với tổ chức xung quanh. Da trên mặt tuyến thay đổi. Ống tuyến không có phản ứng thâm nhiễm, miệng ống bình thường, dịch nước bọt ít, có lẫn gợn mủ hoặc chất nhầy niêm mạc.

Sau một thời gian tăng sinh hai loại tổ chức khối lượng tuyến ngày càng tăng, chắc, có khi nhìn thấy rõ ở vùng dưới má hoặc nhầm lẫn với một u tuyến. Lượng nước bọt giảm tiết dần cho đến khi mất chức năng. Nếu có đợt viêm cấp bùng phát, tuyến sưng to hẳn kèm theo sốt ở các mức độ khác nhau.

Trên Xquang tuyến:

Ống tuyến bình thường hoặc hơi giãn rộng và đều, nhu mô tuyến thuốc ngấm không đều, có chỗ mất hẳn nhu mô.

Điều trị:

Khi điều trị viêm mạn tuyến dưới hàm cần xem xét thời gian, mức độ bệnh và tình trạng phá huỷ nhu mô tuyến.

Các biện pháp:

– Dùng các loại thức ăn, thuốc kích thích tăng tiết nước bọt, kết hợp bơm thông ống tuyến và bơm kháng sinh vào tuyến.

– Lý liệu pháp.

– Uống hoặc bơm vào tuyến Lipiodol 30%.

– Dùng kháng sinh, giảm đau, chống viêm trong những đợt viêm cấp bùng phát.

– Phẫu thuật cắt tuyến dưới hàm: Chỉ định cho những trường hợp viêm mạn tính kéo dài, tổ chức tuyến xơ cứng mất dần chức năng.

Sỏi tuyến nước bọt.

Sỏi tuyến nước bọt là bệnh thường gặp trong các bệnh tuyến nước bọt. Hay gặp sỏi tuyến nước bọt dưới hàm, rất ít gặp sỏi tuyến mang tai. Sỏi tuyến hay gặp ở lứa tuổi trưởng thành, rất ít gặp ở trẻ em , nam nhiều hơn nữ.

Bệnh sinh:

Mặc dù bệnh lý rất rõ ràng về mặt lâm sàng nhưng về cơ chế bệnh sinh và bệnh căn của sỏi tuyến nước bọt vẫn chưa được chứng minh đầy đủ.

Có một số quan điểm hình thành sỏi như sau:

– Sự thay đổi thành phần và hoạt tính lý hoá của nước bọt dẫn đến sự lắng đọng các muối vô cơ hình thành sỏi tuyến. Lúc đầu một cục muối nhỏ hình thành bám vào thành ống tuyến, sau các chất nhầy và các chất hữu cơ bám dần và lắng đọng cục muối tạo ra cụa sỏi to dần.

– Chức năng nhu động của ống tuyến giảm ở những vị trí gấp khúc tạo sự ứ đọng nước bọt và muối vô cơ, dần dần hình thành sỏi tuyến nước bọt.

– Hình thành sỏi tuyến nước bọt liên quan đến quá trình viêm nhiễm trước đó của tuyến. Tuyến bị viêm làm thay đổi thành phần hoá học, độ pH nước bọt, kết hợp với rối loạn tiết, có những đoạn ống bị ứ đọng các chất hữu cơ làm quá trình lắng đọng muối vô cơ nhanh và dễ dàng.

–  Thuyết những hạt dị vật trôi ngược vào ống tuyến (mẩu xương cá, vụn thức ăn, vụn que tăm, hạt chì, viên sạn nhỏ…) hoặc bị đẩy ngược vào ống tạo thành trung tâm cho quá trình hình thanh sỏi tuyến.

Thành phân hoá học của sỏi tuyến gồm chủ yếu là các chất vô cơ phosphatcanxi (80%), Cacbonatcanxi (10%), vết của các chất natri, magie, kali, sắt…

Các chất hữu cơ có thể gặp: Tế bào biểu mô, xác vi khuẩn, nấm, chất nhầy.

Độ lớn của viên sỏi rất khác nhau từ đầu tăm đến quả trứng gà.. Hình thái viên sỏi cũng khác nhau tuỳ theo vị trí khu trú. Sỏi ống tuyến thường có hình oval hoặc tròn nhẵn, sỏi nhu mô tuyến có hình thù đa dạng và xù xì. Có một số trường hợp sỏi vô cơ không cản quang.

Hình ảnh lâm sàng không liên quan đến thời gian mắc bệnh, kích thước và vị trí, hình thể viên sỏi. Sỏi ở ống tuyến gặp nhiều hơn sỏi nhu mô tuyến.

Lâm sàng:

Biểu hiện lâm sàng của sỏi tuyến nước bọt tuỳ thuộc chủ yếu vào vị trí của viên sỏi trong tuyến. Nếu sỏi ở trong ống tuyến biểu hiện lâm sàng rõ hơn sỏi trong nhu  mô tuyến

Lúc đầu sỏi dưới hàm có thể trầm lặng trong thời gian khá lâu. Dần dần, nó biểu lộ bằng những triệu chứng tắc nước bọt và nhiễm khuẩn.

Thoát vị nước bọt: triệu chứng Garel xảy ra trong bữa ăn, tự nhiên tuyến dưới hàm xưng to phồng lên do sỏi là tắc nước bọt, ứ lại trong tuyến. Tự nhiên nước bọt lại thoát ra được, chảy tự nhiên và hết xưng tuyến. Không gây đau.

Cơn đau nước bọt: một danh từ dùng để chỉ cơn đau do sỏi như cơn đau bụng (colique), đúng ra là cơn đau do sỏi. Nó là một tai biến cơ học, do sỏi di chuyển trong tuyến gây ra với những co thắt của thành ống đẩy sỏi đi. Morestin đã tả rõ cơn đau do sỏi như sau:

“Giữa bữa ăn, bệnh nhân thấy đau chói ở luỡi và sàn miệng. Đồng thời thấy phồng khá to và rất nhanh vùng trên xương móng, đẩy cao niêm mạc dưới lưỡi. Đau dịu dần và hết khi tống được một tia nước bọt ra khỏi lỗ ống. Sưng bớt dần, đôi khi mấy giờ sau mới hết hẳn”.

Thường tuyến dưới hàm cũng xưng phồng to và cả lỗ ống Wharton nề, đỏ. Những cơn đau có thể kế tiếp nhau và có khi tự tống ra được qua lỗ ống một vài viên sỏi nhỏ.

Khám lúc này, chỉ thấy sàn miệng cương nề, lỗ ống nề đỏ. Sờ dọc ống Wharton đôi khi thấy sỏi cứng thường lẫn trong niêm mạc bị sưng, cương nề, cứng, đau.

Ống Wharton bị viêm biểu lộ bằng đau dọc ống và sờ đau, nhất là vùng tren của sỏi. Vuốt dọc ống Wharton có thể thấy mủ đặc chảy ra qua miệng lỗ ống.

Những cơn đau và nhiễm khuẩn nhẹ như vậy có thể tái diễn sau vài tuần, vài tháng.

May nhất là sỏi tự tống ra được hoặc phẫu thuật lấy sỏi ra, thì các triệu chứng kể trên sẽ hết. Không để lại di chứng. Nếu không sẽ xảy ra những hiện tượng nhiễm khuẩn nặng hơn như:

Viêm tấy vùng sàn miệng: Bệnh nhân đau dữ dội cả vùng sàn miệng, lan lên tai, không ăn, nuốt, nói được. Đau suốt ngày đêm làm bệnh nhân không ngủ được. Há miệng hạn chế, chỉ bớt khi mủ thoát ra được qua lỗ ống. Bệnhnhân khạc nhổ luôn miệng, đôi khi lẫn cả mủ. Sốt nhẹ hoặc nặng, sức khoẻ bị ảnh hưởng vì đau và hạn chế ăn uống. Đôi khi tình trạng bi đát gần như trong viêm tấy lan toả kiểu Ludwig.

Khám thấy vùng dưới hàm có xưng, gồ, đôi khi kèm hạch nhỏ. Há miệng bị hạn chế ở khoảng 2 cm vì đau nhức. Lưỡi bị đẩy lên cao và sang bên lành, hạn chế cử động, không thè ra được, vì hãm lưỡi bị kéo vào giữa đám xưng tấy ở sàn miệng. Sàn miệng cương nề, sưng đỏ bên có sỏi, đôi khi lan sang cả bên đối diện vùng trước ống. Chỗ sỏi hay khu trú nề đỏ, sưng hơn, lỗ ống nổi gồ, loét, có rỉ mủ đặc. Sờ bằng hai tay, trong và ngoài miệng thấy vùng gồ đau liên tục, suốt tù lỗ ống, dọc ống Wharton vào tới tuyến, nề, hơi cứng, ít khi phát hiện ra sỏi vì cả vùng đó đang bị viêm nhiễm, sưng cứng, tấy đỏ, trừ khi sỏi to, có thể phát hiện được nếu có kinh nghiệm. Có thể dùng một kim tiêm chọc vào chỗ đau nhất thấy đụng vào sỏi cứng thì tốt nhất.

Diễn biến có thể tốt, bệnh bớt dần sau khi mủ thoát ra được cùng với sỏi, và trở thành tình trạng mạn tính. Hiếm hơn, viêm nhiễm lan toả cả vùng sàn miệng, tiên lượng nặng nề hơn.

Viêm tuyến dưới hàm: Viêm tuyến dưới hàm xảy ra thường do quá trình viêm nhiễm liên tiếp của ống Wharton, hoặc hiếm hơn, do sỏi trong tuyến gây ra.

Đột nhiên, bệnh nhân thấy đau dữ dội vùng dưới hàm, có thể lan lên tai, nuốt thấy vướng, đau, có sốt nhẹ, tuyến dưới hàm gồ, sưng đau. Vùng sàn miệng cương đỏ, nề, xưng đau như tả ở trên.

Với kháng sinh, triệu chứng bớt dần, Diễn biến tới viêm mạn tính, để lại tuyến xơ cứng, to, gồ ghề. Hoặc hiếm hơn viêm lan mạnh, da nóng đỏ, đau, tiến tới mưng mủ, vỡ mủ để lại lỗ rò ngoài da.

Chẩn đoán:

Chẩn đoán dựa trên tiền sử những cơn thoát vị và cơn đau nước bọt, và viêm xơ tuyến dưới hàm hoặc phlegmon sàn miệng.

Nếu kim chọc vào đúng sỏi thì tốt nhất. Nếu không thấy có thể chụp X quang không chuẩn bị:

Tư thế Belot: Phim cắn giữa hai hàm răng, tia theo đường thẳng góc 900 thấy rõ những sỏi ở ống Wharton, nhất là ở phần trước.

Tư thế Bonneau: Phim cắn như trên, nhưng đầu ngả sang bên lành, tia từ sau vai bên sỏi lướt mặt trong góc hàm. Hình chụp thấy rõ cả tuyến và phần sau ống Wharton.

Nhưng nên nhớ rằng vì sỏi có những mức độ cản quang khác nhau, thường là ít cản quang, nên cần chụp tia mềm và nhanh.

Có thể chụp X quang tuyến dưới hàm sau khi bơm 1-2 ml Lipiodol qua ống Wharton. Chụp theo tư thế hàm chếch thấy rõ ống Wharton to có thể viêm giãn không đều, đường kính không đều, có khi như như chuỗi hạt hoặc có khi ống Wharton chỉ ngấm ở phía trước sỏi rồi tắc lại ở chỗ có sỏi hoặc qua được sỏi nhưng rất ít: chỗ có sỏi biểu lộ bằng hình không ngấm thuốc.

Những phim chụp sau khi thuốc đã được thải hồi, tức làkhoảng 15 phút, một ngày hay vài ngày sau, có thể thấy những hình đặc biệt hơn: thuốc lipiodol còn tồn tại khu trú thành cột với hình khuyết, tròn ở vùng khúc sau của ống Wharton. Bình thường lipiodol được thải ra hết sau 3-4 ngày. Trong sỏi có tổn thương ống và tuyến, thuốc thải hồi lâu hơn.

Điều trị:

Điều chủ yếu và trước tiên là phải làm vệ sinh răng miệng tốt và dùng kháng sinh nếu có nhiễm khuẩn:

Sỏi ở ống Wharton: Nếu sỏi nhỏ dùng thuốc lợi tiết nước bọt như cồn Jaborandi nồng độ 1/5 (XX giọt 3 lần mỗi ngày) có thể tống sỏi được ra.

Tốt nhất, dùng phẫu thuật theo đường trong miệng, có thể gây tê hoặc mê. Tế nhị nhất là phải khu trú được sỏi và khi rạch niêm mạc miệng và tách bóc, đừng để sỏi di chuyển và chìm mất trong đám tổ chức mô lỏng lẻo đang bị viêm nhiễm dưới sàn miệng. Dùng kim tiêm khu trú sỏi. Sau đó dùng hai kẹp cầm máu nhỏ, loại Leriche, kẹp sâu hai đầu sỏi, ngang ống Wharton để cố định sởi không cho di chuyển vào sau ống. (có thể dùng một kim cong to với sợi chỉ line khâu kéo phía sau vị trí của sỏi), Sau đó gây tê, rồi rạch ngang hoặc dọc ống, trên hòn sỏi, rạch trẳng một nhát ngọt, tới sỏi và lấy ra. Không cần khâu phục hồi ống.

Trong trường hợp viêm cấp sàn miệng do sỏi, có khi phải can thiệp như một cấp cứu. Lúc này dễ dàng hơn chỉ cần rạch tháo mủ ở sàn miệng, có thể sỏi theo đó ra luôn, kết quả tốt rõ rệt tức thì.

Sỏi ở sâu, đầu tuyến hoặc trong tuyến

Sỏi ở phía tận cùng ống, gần tuyến, khó lấy qua đường trong miệng và đôi khi phải qua đường ngoài da và thường phải phẫu thuật cắt bỏ tuyến dưới hàm luôn. Tuyến dưới hàm thường đã bị viêm nhiễm nhiều lần và xơ hoá nên thường có chỉ định cắt bỏ tuyến dưới hàm. Nhưng với những công trình nghiên cứu gần đây, những tuyến nước bọt được gán cho vai trò lưỡng diện, không những chỉ tiết nước bọt cần thiết cho ăn, nuốt nhai, tiêu hoá mà còn có chức năng nội tiết, gần như của tuyến tuỵ, tuy rằng ít quan trọng hơn.

Do đó một số tác giả khuyên nên cố gắng tránh phẫu thuật cắt bỏ tuyến. Đặc biệt, Lemaitre khuyên như sau: “Đối với tôi, chỉ cắt tuyến dưới hàm trong hai trường hợp: trong những ca hiếm, có sỏi trong tuyến và trong những ca hiếm hơn nữa, có biến chứng ở tuyến như mưng mủ, biến chuyển biểu mô”.

Thực ra, chỉ nên cắt bỏ tuyến dưới hàm khi đã không còn khả năng điều trị phục hồi bảo tồn chức năng. Chỉ khi nào tuyến đã bị viêm nhiễm nhiều lần và có xơ hoá rõ rệt về lâm sàng và X quang, hãy nên cắt bỏ.

Nguồn: Bệnh viện 103

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Video có thể bạn quan tâm
KHÔNG CÒN BỐC SỐ - QUÊN ĐI NỖI LO XẾP HÀNG - Dịch vụ đặt lịch miễn phí tại Bệnh Viện Nhi Đồng KHÔNG CÒN BỐC SỐ - QUÊN ĐI NỖI LO XẾP HÀNG - Dịch vụ đặt lịch miễn phí tại Bệnh Viện Nhi Đồng 01:43
KHÔNG CÒN BỐC SỐ - QUÊN ĐI NỖI LO XẾP HÀNG - Dịch vụ đặt lịch miễn phí tại Bệnh Viện Nhi Đồng
Cảnh ba mẹ “tay xách, nách mang” đưa con đi khám sớm sẽ không còn nữa với 5 phút đặt lịch tại nhà️
 3 năm trước
 715 Lượt xem
GIỚI THIỆU VẮC XIN MỚI PHÒNG BỆNH THỦY ĐẬU - BÍ QUYẾT PHÒNG BỆNH MÙA ĐÔNG XUÂN CHO TRẺ EM VÀ NGƯỜI LỚN GIỚI THIỆU VẮC XIN MỚI PHÒNG BỆNH THỦY ĐẬU - BÍ QUYẾT PHÒNG BỆNH MÙA ĐÔNG XUÂN CHO TRẺ EM VÀ NGƯỜI LỚN 03:00
GIỚI THIỆU VẮC XIN MỚI PHÒNG BỆNH THỦY ĐẬU - BÍ QUYẾT PHÒNG BỆNH MÙA ĐÔNG XUÂN CHO TRẺ EM VÀ NGƯỜI LỚN
Vắc xin Varilrix dành cho trẻ em từ 9 tháng tuổi và người lớn - duy nhất có tại Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC, cho hiệu quả phòng bệnh lên đến...
 3 năm trước
 648 Lượt xem
MỘT NGÀY THEO CHÂN MC KHÁNH VY THỰC HIỆN QUI TRÌNH "HIẾN" YÊU THƯƠNG CHO CÁC BỆNH NHI MỘT NGÀY THEO CHÂN MC KHÁNH VY THỰC HIỆN QUI TRÌNH "HIẾN" YÊU THƯƠNG CHO CÁC BỆNH NHI 05:24
MỘT NGÀY THEO CHÂN MC KHÁNH VY THỰC HIỆN QUI TRÌNH "HIẾN" YÊU THƯƠNG CHO CÁC BỆNH NHI
Có mặt từ sáng sớm, MC Khánh Vy an toàn nhẹ nhàng vượt qua hàng rào khai báo y tế vô cùng bài bản chặt chẽ tại BV, cô gái đáng yêu tay xách nách...
 3 năm trước
 952 Lượt xem
ĐĂNG KÝ 1 GÓI - 40 DANH MỤC KHÁM, TẦM SOÁT HƠN 80 BỆNH LÝ ĐĂNG KÝ 1 GÓI - 40 DANH MỤC KHÁM, TẦM SOÁT HƠN 80 BỆNH LÝ 01:16
ĐĂNG KÝ 1 GÓI - 40 DANH MỤC KHÁM, TẦM SOÁT HƠN 80 BỆNH LÝ
- Giảm tới 2 triệu các gói khám định kì- Tặng Voucher nhà hàng 5* trị giá 500K cho nhóm 4 người>> Đăng ký tại hotline: 093 223 2016 -...
 2 năm trước
 597 Lượt xem
Tin liên quan
Dùng thuốc trị bệnh về tuyến giáp trong thời gian mang thai!
Dùng thuốc trị bệnh về tuyến giáp trong thời gian mang thai!

Rất nhiều thai phụ băn khoăn rằng, không biết sử dụng thuốc trị bệnh về tuyến giáp trong thời gian đang mang thai có an toàn không? Để giải đáp thắc mắc trên, mời các bạn cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây