1

Vi phẫu thuật: Kỷ nguyên mới cho ngành ngoại khoa - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Không phải như các từ mà mọi người có thể hay gặp hơn là đại phẫu, trung phẫu và tiểu phẫu - nói về quy mô và mức độ phức tạp, nặng nề của cuộc phẫu thuật. Vi phẫu thuật không phải là tiểu phẫu - phẫu thuật nhỏ. Vi phẫu thuật là những phẫu thuật sử dụng đến kính hiển vi với độ phóng đại thông thường từ 10 - 20 lần để phẫu tích, khâu nối những mạch máu, thần kinh có kích thước chỉ khoảng 1mm, đường kính bằng những sợi chỉ từ 15 - 42 micron (khoảng 1/10 đường kính của sợi tóc). Vậy vì sao phải khâu nối những mạch máu thần kinh nhỏ như vậy? Để làm gì? 

Trong thực tế, dù không hề muốn nhưng đôi khi bạn có thể chứng kiến những tai nạn mà một phần của cơ thể bị đứt rời, đặc biệt là các ngón tay, ngón chân, trong lao động sử dụng các loại máy cắt, máy cưa. Bạn làm gì với một nạn nhân đến với 10 ngón tay được bọc riêng một gói nhét trong túi quần của người khác? Khoảng 30 năm trước ở Việt Nam (trên thế giới là 40 năm), câu trả lời là xã hội lại có thêm 1 người thương tật nặng vĩnh viễn.

Mang tính thời sự và bi hài hơn là nhiều vụ đánh ghen mà ông chồng hay người tình bị đối phương tiện tay xẻo luôn "dụng cụ gây án". Nếu là trước kia thì dù có ngậm ngùi thương tiếc đến mấy thì nạn nhân cũng đành chia tay anh bạn nhỏ, rồi chấp nhận cuộc đời thường xuyên phải đi "nhầm" vào toilet nữ vì không thể đái đứng được.

Vấn đề mà phẫu thuật kinh điển (trong chuyên môn gọi là phẫu thuật quy ước) không làm được là dù có gắn kết lại các ngón tay, có khâu lại phần dương vật bị đứt rời với gốc của nó thì các mạch máu cũng đã bị đứt và không thể cấp máu để nuôi dưỡng những phần bị đứt rời đó (mà lại toàn những thứ háu ăn, cần nhiều máu để nuôi). Vi phẫu thuật ra đời là để trả lời cho câu hỏi đó.

Khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, cố GS.TSKH. Nguyễn Huy Phan - người đã dành tâm huyết cả đời để ứng dụng, phát triển kỹ thuật vi phẫu ở Việt Nam đã thực hiện những ca vi phẫu đầu tiên ở BVTwQĐ 108. Để thấy hết được sự đóng góp của GS. Phan, cần phải hình dung trên thế giới cũng mới chỉ phát triển kỹ thuật đó được hơn 10 năm và điều kiện khó khăn về kinh tế của Việt Nam lúc bấy giờ. Một sợi chỉ khâu vi phẫu lúc đó có giá hàng tạ gạo và đâu có dễ dàng để mua. Không phải vô tình mà đầu bài báo có nói đến chuyện xuất khẩu gạo của Việt Nam, vì muốn phát triển tốt khoa học kỹ thuật cần có phát triển kinh tế đã. Nói nôm na là "có thực mới vực được vi phẫu".

Tất nhiên, điều gì cũng sẽ có hai mặt. Muốn có một giấc mơ đẹp cần phải có một giấc ngủ ngon và sâu giấc, nếu không thì sẽ chỉ gặp ác mộng. Vi phẫu thuật cũng vậy. Thành công mang đến cho người bệnh sự thật về giấc mơ đẹp, bác sĩ cũng thấy hạnh phúc và tự hào. Nhưng thất bại cũng rất đau đớn. Bệnh nhân có thể chết ngất khi thấy trên mặt mình là một mảng da chết xám ngắt, đen sì.

Bác sĩ có thể mất ăn, mất ngủ khi ca phẫu thuật không thành công, mạch máu nối bị tắc hay muôn vàn những rắc rối khác. Với trình độ chuyên môn tốt và có kinh nghiệm, các phẫu thuật viên vi phẫu có thể đạt tỷ lệ thành công tới 98 - 99 % nhưng không bao giờ là 100%. Dù sao, những thành công, giá trị của vi phẫu thuật đã mở ra hẳn một kỷ nguyên mới cho nền ngoại khoa nói riêng và y học nói chung. Rất nhanh chóng và cập nhật, ngày nay, vi phẫu thuật đã được xem như một kỹ thuật cơ bản, ứng dụng hầu hết trong các chuyên khoa của các bệnh viện lớn ở Việt Nam.

Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây