1

Ưu điểm của kỹ thuật gây tê cạnh sống - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Gây tê cạnh sống

  • Gây tê cạnh sống là kỹ thuật tiêm thuốc tê gần với các rễ thần kinh tuỷ đi ra từ lỗ ghép ở trong khoang cạnh sống để vô cảm hoặc giảm đau theo phân đoạn ở ngực hoặc lưng.
  • Hugo Sellheim là người đầu tiên thực hiện kỹ thuật gây tê cạnh sống năm 1905 và sử dụng kỹ thuật này để giảm đau trong phẫu thuật bụng.
  • Năm 1911, Arthur Lawen đã cải tiến kỹ thuật của Sellheim và gọi là kỹ thuật “gây tê dẫn truyền cạnh sống” (paravertebral conduction anesthesia).
  • Năm 1919, Kappis đã hoàn thiện kỹ thuật gây tê cạnh sống vẫn đang được sử dụng cho đến nay để vô cảm cho phẫu thuật bụng.
  • Sau khi được sử dụng thường xuyên trong giai đoạn đầu, gây tê cạnh sống bị lãng quên một thời gian dài cho đến năm 1979, khi Eason và Wyatt mô tả kỹ thuật luồn catheter vào khoang cạnh sống. Từ đó tới nay, gây tê cạnh sống được áp dụng nhiều hơn để gây tê ức chế dẫn truyền thần kinh hướng tâm để giảm đau sau mổ hoặc chấn thương lồng ngực.

Ưu điểm của kỹ thuật gây tê cạnh sống

  • Là kỹ thuật đơn giản, dễ học, dễ thực hiện hơn gây tê ngoài màng cứng ngực.
  • Thực hiện an toàn ở cả các bệnh nhân được an thần và thở máy.
  • An toàn và chính xác hơn khi đặt catheter dưới quan sát của nội soi lồng ngực.
  • Có thể thực hiện gây tê cạnh sống một bên hoặc hai bên.
  • Ức chế dẫn truyền cảm giác, vận động và giao cảm.
  • Duy trì ổn định về huyết động.
  • Giảm nhu cầu sử dụng opioid ở bệnh nhân sau mổ.
  • Tỷ lệ tai biến, biến chứng thấp.
  • Bảo tồn được cảm giác bàng quang.
  • Không gây mất vận động chi dưới.
  • Cho phép bệnh nhân vận động sớm.

Kỹ thuật

Chuẩn bị bệnh nhân

  • Kỹ thuật có thể được thực hiện ở tư thế ngồi, nằm nghiêng (nghiêng về bên đối diện) hoặc nằm sấp.
  • Tư thế ngồi cho phép xác định mốc chọc một cách dễ dàng và bệnh nhân thoải mái hơn.
  • Cổ gấp vào ngực, lưng cong ra sau, hai vai cân đối như tư thế gây tê ngoài màng cứng ngực.
  • Bệnh nhân được tiêm thuốc an thần để giảm lo lắng và giảm đau.

Thuốc và phương tiện

  • Thuốc tê bupivacain lọ 0,5% 20 mL, hoặc ropivacain lọ 0,5% 20mL, epinephrin ống 1mg, 1 mL. Các thuốc giảm đau họ opioid phối hợp với thuốc tê như fentanyl ống 500 mcg, 10 mL, morphin ống 10 mg, 1 mL.
  • Kim tủy sống hoặc kim ngoài màng cứng dài 10 cm, có chiều vát ngắn, kích cỡ kim từ 18-22 G, hoặc bộ catheter perifix để luồn catheter vào khoang cạnh sống.
  • Các phương tiện theo dõi, cấp cứu: monitor, ambu, đèn và ống nội khí quản.

Xác định mốc chọc kim

  • Xác định mức gây tê (rễ thần kinh tuỷ) dựa vào vị trí phẫu thuật.
  • Xác định rễ thần kinh tuỷ sau khi xác định mỏm ngang đốt sống.
  • Ở đoạn ngực, mỏm ngang được xác định ở cùng mức với gai sau đốt sống phía trên (ví dụ mỏm ngang đốt sống T4 cùng mức với gai sau đốt sống T3).
  • Xác định đỉnh gai sau ở đường giữa, từ C7 xuống, hoặc đường nối cực dưới hai xương bả vai tương ứng với T7, hoặc đường nối hai mào chậu tương ứng với L4.
  • Đánh dấu vị trí cách đỉnh gai sau 2 cm sang phía bên.
  • Sát trùng vùng định chọc, gây tê tại chỗ ở các vị trí chọc kim bằng lidocain.

Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây