1

Ung thư thực quản và những điều cần lưu ý để phòng tránh - Bệnh viện K

BVK – Đang điều trị ung thư thực quản tại Bệnh viện K, ông Trần Văn N. 66 tuổi quê tại Nam Định cho biết "Tôi phát hiện căn bệnh này cách đây không lâu, thời gian đầu chỉ nghĩ ho, viêm họng bình thường nhưng uống thuốc mãi không đỡ. Hơn tháng sau thì thấy nuốt nghẹn, chán ăn nên đi khám thì được biết mình không may mắc căn bệnh này". Ung thư thực quản là căn bệnh khá phổ biển ở cả hai giới, bệnh thường phát triển thầm lặng, ở giai đoạn đầu không có nhiều dấu hiệu rõ ràng dễ gây lầm tưởng với những bệnh lý thông thường khác. Chỉ đến khi bệnh tiến triển ở giai đoạn muộn hơn các triệu chứng mới rõ ràng nhận thấy như nghẹn, khó nuốt, đau rát cổ họng.......

Để tránh gặp điều đáng tiếc như bệnh nhân N. việc xác định các yếu tố làm tăng nguy cơ bị ung thư thực quản là bước đầu tiên để tiến đến dự phòng căn bệnh này.

Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản

  • Tuổi:  ung thư thực quản thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi, phần lớn các bệnh nhân mắc bệnh ở tuổi 50, 60.
  • Lạm dụng rượu, bia và thuốc lá: nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn khoảng 8 – 10 lần so với người bình thường. Thời gian hút càng lâu, nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Nếu vừa hút thuốc lá, vừa uống rượu mạnh, sẽ càng có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn.
  • Những người thừa cân, béo phì sẽ có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn. 
  • Người có bệnh lý về thực quản: loét thực quản kéo dài làm tăng nguy cơ bị ung thư thực quản. Tổ chức ở đáy thực quản có thể bị hoại tử nếu dịch vị dạ dày thường xuyên bị trào ngược lên thực quản hay gặp trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Các tế bào ở thực quản thay đổi nhiều và bắt đầu trở nên giống các tế bào ở dạ dày, đây là một tổn thương tiền ung thư và có thể phát triển thành bệnh ung thư biểu mô tuyến của thực quản.
  • Những người có chế độ dinh dưỡng chưa khoa học, lạm dụng chất béo, thiếu các vitamin A, B2, C; duy trì thói quen ăn uống nhiều thực phẩm có chứa chất nitrosamin...
  • Bệnh nhân từng có tiền sử mắc các bệnh ung thư ở vùng đầu cổ

Các biểu hiện của bệnh ung thư thực quản

Nuốt nghẹn: là triệu chứng dễ cảm nhận và gặp ở đa số bệnh nhân ung thư thực quản. Lúc đầu, bệnh nhân thường có biểu hiện khó nuốt nhưng không cảm thấy đau.

Khi bệnh nặng hơn, khó nuốt sẽ kèm thêm đau. Lúc đầu, bệnh nhân chỉ khó nuốt với thức ăn rắn, về sau khó nuốt với cả thức ăn lỏng, thậm chí nuốt nước bọt cũng thấy đau và khó thực hiện.

  • Thường xuyên có hiện tượng chảy nước bọt kèm theo hơi thở mùi hôi khó chịu, ợ hơi, sặc khi ăn uống.
  • Sụt giảm cân rõ rệt, xảy ra tình trạng mất nước và dần dần là suy kiệt do không ăn và nuốt được.
  • Thường xuyên bị đau lưng, phía sau xương ức hoặc hai xương bả vai.
  • Có thể cảm thấy rát họng, ho kéo dài, thậm chí ho ra máu.
  • Thường xuyên cảm thấy nôn, buồn nôn.
  • Các biểu hiện khác có thể bắt gặp khi khối u phát triển như tức nặng, cảm giác vướng vùng họng, khó thở, khạc đờm, khàn giọng,...

Tuy nhiên, chỉ dựa vào các triệu chứng bệnh (tiêu biểu là nuốt nghẹn, khó nuốt) là chưa đủ để kết luận mắc căn bệnh này. Việc chẩn đoán ung thư thực quản còn dựa vào các chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm cận lâm sàng khác. Để chẩn đoán chính xác ung thư thực quản, bệnh nhân cần được nội soi kết hợp với siêu âm và sinh thiết để có thể nhìn thấy hình ảnh bất thường về hình dạng của thực quản cũng như các tổ chức ung thư hoặc các bất thường của tổ chức dẫn đến ung thư hoặc các tổn thương khác.

Các giai đoạn ung thư thực quản

Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư thực quản, các bác sĩ sẽ bước vào đánh giá giai đoạn của bệnh ung thư với 4 giai đoạn sau:

  • Ung thư thực quản giai đoạn 1: tế bào ung thư nằm ở lớp trên cùng của thành thực quản.
  • Ung thư thựa quản giai đoạn 2: là khi tế bào ung thư đã xâm lấn đến tổ chức bạch huyết lân cận, tuy nhiên chưa ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể.
  • Ung thư thực quản giai đoạn 3: trong vùng cạnh thực quản, tế bào ung thư đã xấm lấn tổ chức và bạch huyết, ảnh hưởng đến lớp sâu hơn của thành thực quản.
  • Ung thư thực quản giai đoạn 4: tế bào ung thư đã xâm lấn đến các bộ phận khác của cơ thể như: gan, phổi, não, xương. Ở giai đoạn này, cần sử dụng các phương pháp y học như: Chụp cắt lớp vi tính, xạ hinh xương, nội soi phế quản để chẩn đoán bệnh.

Điều trị ung thư thực quản cần phụ thuộc vào một số yếu tố như: kích thước, sự lan tỏa của khối u và tình trạng chung của bệnh nhân, bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định phẫu thuật hay hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch .... Tuy nhiên phẫu thuật là biện pháp chủ yếu. Thông qua phương pháp phẫu thuật, khối u sẽ được lấy cùng với một phần hoặc toàn bộ thực quản, tổ chức bạch huyết kệ cận và các tổ chức khác trong vùng.

Thời gian qua Bệnh viện K đã ứng dụng kỹ thuật hiện đại, thực hiện phẫu thuật nội soi 3D điều trị ung thư thực quản. Vừa qua Bệnh viện K tổ chức Hội thảo về chuyên đề phẫu thuật nạo vét hạch 3 vùng trong điều trị ung thư thực quản, ngoài việc ứng dụng kỹ thuật nội soi 3D thì trong tương lai gần, Bệnh viện K sẽ tiếp tục ứng dụng phẫu thuật nội soi Robot Davinci thế hệ Xi vào phẫu thuật ung thư thực quản. Việc ứng dụng phẫu thuật nội soi Robot vào điều trị ung thư thực quản sẽ mang lại lợi ích cho người bệnh, phẫu thuật tinh tế hơn, dễ dàng hơn, an toàn và hiệu quả hơn trong nạo vét hạch 3 vùng.

Lời khuyên để phòng tránh căn bệnh này mà bạn cần lưu ý

  • Không hút thuốc lá: đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra ung thư thực quản. Lý do là bởi trong khói thuốc lá có chứa các chất kích thích độc hại gây kích thích tế bào ung thư thực quản. Chính vì thế việc để phòng ung thư thực quản chúng ta cần tránh hút thuốc lá.
  • Hạn chế lạm dụng uống bia rượu: do uống rượu trong thời gian dài sẽ gây hậu quả nặng nề, làm phá hủy niêm mạc thực quản và dạ dày.
  • Áp dụng chế độ ăn khoa học và chia nhỏ bữa ăn trong ngày: chế độ ăn uống nhiều rau quả, trái cây sẽ giúp chúng ta ngăn ngừa hiệu quả bệnh ung thư thực quản. Vì thế cần ưu tiên các thực phẩm chứa nhiều chất xơ, nhiều đạm và giàu protein, rau xanh, ngũ cốc, trà xanh…. Bên cạnh đó, cần tránh xa những thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán nhiều lần, đồ cay nóng…cũng giúp ngăn ngừa tổn thương ở thực quản, phòng ung thư thực quản hiệu quả.
  • Duy trì trọng lượng hợp lý và có chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt khoa học
  • Áp lực công việc, thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi, stress... là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở dạ dày – thực quản trong đó có ung thư. Vì thế ngoài việc tuân thủ một chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, chúng ta nên có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, stress kéo dài ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
  • Tuy nhiên việc tầm soát ung thư là yếu tổ quan trọng nhất để phòng ngừa và phát hiện sớm căn bệnh này, đặc biệt với những bệnh nhân có tiền sử viêm thực quản kéo dài, ung thư vùng cổ... cần thăm khám bác sĩ thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh và điều trị hiệu quả.

Nguồn tham khảo: Bệnh viện K

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Tin liên quan
Ung thư thực quản và trào ngược dạ dày thực quản
Ung thư thực quản và trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư thực quản.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây