1

Ung thư dạ dày - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

I. Tổng quan

Ung thư dạ dày là loại ung thư xảy ra tại dạ dày, đây là một túi cơ, nằm giữa bụng, ngay bên dưới các xương sườn. Chức năng chính của dạ dày là nhận và giữ thức ăn khi chúng ta ăn vào, sau đó giúp phân hủy và tiêu hóa chúng.

Ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến ở nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có vùng Đông Nam Á. Ở Việt Nam là bệnh thường gặp, đứng hàng thứ 3-4 trong tất cả loại ung thư

II. Dấu hiệu và nguyên nhân của ung thư dạ dày

Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư dạ dày bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Đầy bụng, cảm giác khó tiêu sau ăn
  • Ợ nóng kéo dài và ngày càng nặng
  • Buồn nôn, nôn ói  kéo dài mà không rõ nguyên nhân
  • Đau bụng vùng trên rốn
  • Sụt cân

Khi có các đấu hiệu và triệu chứng kể trên, bạn nên thăm khám bác sỹ chuyên khoa để xác định chính xác tình trạng bệnh của mình.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây bệnh cụ thể chưa được xác định. Tuy nhiên, có mối liên quan rõ rệt giữa chế độ ăn nhiều loại thực phẩm hun khói và ướp muối với ung thư dạ dày. Ngày nay, việc bảo quản thức ăn bằng điện lạnh đã góp phần làm giảm tỉ lệ ung thư dạ dày.

Nhìn chung, ung thư bắt đầu khi có sự đột biến xảy ra trong DNA của tế bào.

Các đột biến làm cho các tế bào phát triển và phân chia với tốc độ nhanh chóng, chúng cũng không chết theo chương trình như các tế bào bình thường mà tiếp tục sống và tập trung lại thành một khối bướu, sau đó xâm lấn đến các cấu trúc lân cận. Các tế bào ung thư từ khối u có thể vỡ ra và lan rộng khắp cơ thể.

Yếu tố nguy cơ:

Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày bao gồm:

  • Chế độ thức ăn mặn và nhiều thực phẩm xông khói
  • Chế độ ăn ít trái cây và rau quả
  • Ăn nhiều thực phẩm nhiễm aflatoxin nấm
  • Tiền sử gia đình mắc ung thư dạ dày
  • Nhiễm vi trùng Helicobacter pylori
  • Viêm dạ dày mãn tính
  • Thiếu máu ác tính
  • Hút thuốc lá
  • Polyp dạ dày

III. Chẩn đoán ung thư dạ dày:

Xét nghiệm chẩn đoán ung thư dạ dày bao gồm:

Nội soi dạ dày. BV Hoàn Mỹ Sài Gòn sử dụng bộ soi dạ dày với ánh sáng giải tần hẹp giúp tìm ra ung thư sớm dạ dày phương pháp này là dùng một ống nhỏ có gắn camera đưa qua cổ họng vào dạ dày của bạn để tìm kiếm dấu hiệu của ung thư. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào, bác sỹ sẽ lấy một phần mô tại vị trí đó để phân tích (hay còn gọi là sinh thiết).

Chẩn đoán hình ảnh: chụp cắt lớp điện toán (MSCT), hoặc chụp X-quang dạ dày cản quang với barium.

Xác định giai đoạn của ung thư dạ dày:

Xác định được giai đoạn của ung thư sẽ giúp bác sỹ lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất. Các xét nghiệm và phẫu thuật giúp đánh giá giai đoạn của ung thư bao gồm:

Chẩn đoán hình ảnh: chụp cắt lớp điện toán (MSCT) hoặc Cụp Positron cắt lớp(PET).

Các giai đoạn của ung thư dạ dày:

  • Giai đoạn 1: khối u được giới hạn trong lớp niêm mạc của thành dạ dày. Các tế bào ung thư có thể đã lan đến một số hạch bạch huyết lân cận.
  • Giai đoạn 2: khối u ung thư ở giai đoạn này đã ăn sâu đến lớp cơ của thành dạ dày. Các tế bào ung thư lan đến nhiều hạch bạch huyết hơn.
  • Giai đoạn 3: ở giai đoạn này khối u có thể đã phát triển qua tất cả các lớp của thành dạ dày và lan rộng đến các cấu trúc lân cận. Hoặc nó có thể chỉ là khối ung thư nhỏ nhưng đã lây lan rộng rãi đến nhiều hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn 4: ung thư đã lan rộng đến các vùng xa của cơ thể.

IV. Điều trị:

Lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào giai đoạn của ung thư, sức khỏe tổng quát, hoặc theo yêu cầu của bệnh nhân.

Phẫu thuật:

Mục đích của phẫu thuật là loại bỏ khối ung thư dạ dày. Lựa chọn phẫu thuật bao gồm:

  • Loại bỏ các khối u ở giai đoạn sớm khỏi niêm mạc dạ dày: đối với những ung thư rất nhỏ và được giới hạn trong lớp niêm mạc dạ dày, bác sỹ có thể cắt bỏ khối u tại chỗ qua nội soi tiêu hóa trên, nghĩa là dùng một ống soi đưa qua cổ họng vào dạ dày của bạn, sau đó dùng một thiết bị đặc biệt để cắt bỏ khối u, bảo vệ các mô khỏe mạnh tại niêm mạc dạ dày.
  • Cắt bỏ một phần dạ dày có chứa khối u: trong phương pháp này các bác sỹ phẫu thuật chỉ cắt bỏ một phần dạ dày bị ảnh hưởng bởi khối u ung thư.
  • Cắt bỏ toàn bộ dạ dày: phương pháp này cắt bỏ toàn bộ dạ dày và một số mô xung quanh, sau đó nối thực quản với ruột non để tái lập sự lưu thông của thức ăn trong hệ thống tiêu hóa của bạn.
  • Loại bỏ các hạch bạch huyết để tìm tế bào ung thư: các bác sỹ phẫu thuật kiểm tra và loại bỏ các hạch bạch huyết ở vùng bụng của bạn để tìm tế bào ung thư.
  • Phẫu thuật để làm giảm các triệu chứng: cắt bỏ một phần dạ dày để làm giảm triệu chứng trong những trường hợp ung thư ở giai đoạn muộn. Trong trường hợp này, phẫu thuật không thể chữa khỏi bệnh ung thư, nhưng nó giúp cho bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn.

Phẫu thuật có nguy cơ chảy máu và nhiễm trùng. Bên cạnh đó, nếu một phần hoặc toàn bộ dạ dày của bạn bị cắt bỏ, bạn có thể gặp vấn đề về tiêu hóa.

Xạ trị:

Liệu pháp xạ trị sử dụng chùm tia cao năng lương, như X-quang và proton, để tiêu diệt tế bào ung thư.

Xạ trị có thể được sử dụng trước phẫu thuật để thu nhỏ một khối u dạ dày, tạo thuận lợi để phẫu thuật cắt bỏ nó. Xạ trị cũng có thể được sử dụng sau phẫu thuật để loại bỏ những tế bào ung thư còn sót lại xung quanh dạ dày của bạn sau phẫu thuật. Xạ trị thường được dùng kết hợp với hóa trị. Trong trường hợp ung thư tiến triển, xạ trị có thể được dùng để giảm các triệu chứng gây ra bởi một khối u lớn.

Xạ trị liệu pháp có thể gây tiêu chảy, khó tiêu, buồn nôn và nôn ói.

Hóa trị:

Hóa trị là điều trị bằng thuốc có sử dụng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc hóa trị sẽ đi khắp cơ thể bệnh nhân, tiêu diệt các tế bào ung thư đã lan rộng ra khỏi dạ dày của họ.

Hóa trị có thể thực hiện trước phẫu thuật, giúp thu nhỏ khối u để phẫu thuật cắt bỏ dễ dàng hơn. Hóa trị cũng được dùng sau phẫu thuật để tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể. Hóa trị thường được kết hợp với xạ trị. Hóa trị cũng có thể được dùng đơn lẻ ở những bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn để làm gỉam các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư.

Tác dụng phụ của hóa trị tùy thuộc vào loại thuốc được sử dụng. Mỗi loại ung thư sẽ có thuốc hóa trị thích hợp với nó.

Điều trị trúng đích:

Liệu pháp điều trị trúng đích là sử dụng thuốc tấn công vào những điểm bất thường bên trong tế bào ung thư. Các thuốc điều trị trúng đích được dùng trong ung thư dạ dày bao gồm:

  • Trastuzumab (Herceptin) cho các tế bào ung thư dạ dày tiết ra quá nhiều HER2.
  • Ramucirumab (Cyramza) dùng cho ung thư dạ dày tiến triển không đáp ứng với các điều trị khác.
  • Imatinib (Gleevec) dùng cho ung thư mô đệm đường tiêu hóa.
  • Sunitinib (Sutent) dùng cho ung thư mô đệm đường tiêu hóa.
  • Regorafenib (Stivarga) dùng cho ung thư mô đệm đường tiêu hóa.

Xét nghiệm các tế bào ung thư cho phép bác sỹ có thể lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp cho bạn.

Chăm sóc giảm nhẹ:

Chăm sóc giảm nhẹ là chăm sóc y tế đặc biệt tập trung vào giảm đau và các triệu chứng do một bệnh nghiêm trọng gây ra. Các chuyên gia chăm sóc giảm nhẹ sẽ làm việc với bạn, gia đình và bác sỹ của bạn để hỗ trợ bổ sung cho quá trình chăm sóc liên tục của bạn. Chăm sóc giảm nhẹ có thể được sử dụng trong khi trải qua các phương pháp điều trị xâm lấn khác, chẳng hạn như phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị.

Khi chăm sóc giảm nhẹ được sử dụng cùng với tất cả những phương pháp điều trị thích hợp khác, người bịnh ung thư có thể cảm thấy tốt hơn và sống lâu hơn.

Chăm sóc giảm nhẹ được cung cấp bởi một nhóm các bác sỹ, điều dưỡng, và các chuyên gia được đào tạo đặc biệt khác nhằm mục đích cải thiện chất lương cuộc sống cho bệnh nhân ung thư và gia đình họ.

V. Làm sao để tránh bị ung thư dạ dày

Không có nguyên nhân rõ ràng gây ra bệnh ung thư dạ dày vì vậy chúng ta không có cách nào để ngăn chặn nó. Nhưng chúng ta có thể giảm nguy cơ ung thư dạ dày bằng những thay đổi nhỏ trong cuộc sống hằng ngày, chẳng hạn như:

  • Tập thể dục thường xuyên
  • Ăn nhiều trái cây và rau quả
  • Giảm lượng thức ăn mặn và thực phẩm xông khói
  • Bỏ thuốc lá
  • Nếu bạn có yếu tố nguy cơ gia tăng ung thư dạ dày, hãy tư vấn với bác sỹ chuyên khoa, nội soi dạ dày định kỳ để tìm kiếm dấu hiệu của ung thư sớm.

Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây