1

Trường hợp Chảy máu mũi do Vắt chui vào mũi - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Vắt chui vào mũi là một trong những nguyên nhân có thể gây hiện tượng chảy máu mũi. Qua những lần đi công tác tại cơ sở, BS. Nguyễn Quang Quí - Chuyên Khoa Tai Mũi Họng (BV Hoàn Mỹ Sài Gòn) đã phát hiện được 3 trường hợp chảy máu mũi do vắt chui vào mũi

1. Một số đặc điểm về vắt 

  • Tại Việt Nam có 3 loài Vắt (Heamadipsa):  Vắt xanh thường sống ở các tỉnh Trung du và miền núi phía bắc. Vắt đen và vắt vàng thường thấy ở khu vực miền Trung –Tây Nguyên và Đông Nam Bộ
  • Vắt sống trên cạn và thường có mặt nơi đát ẩm thấp (khác với loài đỉa chuyên sống dưới nước).
  • Trọng lượng trung bình hơn 100mg, dài khoảng 3-5 cm có giác bám ở đầu và đuôi.
  • Vắt cùng họ hàng với đỉa, nó cũng hút máu và hút rất nhiều (có thể lớn gấp 8 đến 10 lấn trọng lượng cơ thể), do có chất Hirudin trong dạ dày làm cho máu nó hút vào không bị đông lại.
  • Thông thường vắt bám hút máu ngoài da, thỉnh thoảng có trường hợp chui vào các hốc cơ thể.

2. Đặc điểm các ca lâm sàng

  • Các bệnh nhân đều sống hoặc vào vùng có vắt sinh sống (cụ thể 1 người sống ở rừng, 1 người có vào rừng và 1 người làm việc ở nông trường cà phê). Bệnh nhân bao gồm người lớn và cả trẻ em (8 tuổi).
  • Cả 3 trường hợp đều đi khám vì chảy máu mũi kéo dài, có trường hợp biết chảy máu do vắt nhưng y tế ở địa phương không lấy được vì vắt chui vào sâu.
  • Khám lâm sàng tất cả người bệnh đều bị Viêm mũi xoang, trường hợp vắt to có thể thấy khối nâu đen qua banh mũi, thậm chí lấp ló thành sau họng. Nội soi thấy vắt nằm trong các khe: có 2 trường hợp vắt no tròn nằm trong khe giữa, 1 trường hợp vắt nhỏ nằm ở khe trên.
  • Các trường hợp vắt to sau khi đặt thuốc tê thì lấy tương đối dễ, duy có trường hợp vắt nhỏ nằm ở khe trên khuất sâu khó thấy và khó lấy (vì khó thao tác và vì vắt bám rất chắc )

3. Tác hại của vắt khi nằm trong mũi họng

  • Nếu vắt nằm trong mũi ở các ngách khe thì khi đó vắt trở thành dị vật gây phù nề xuất tiết tắc nghẽn đưa đến viêm mũi, viêm xoang
  • Vắt là di vật sống, khi hút máu nó tiết ra chất chống đông máu Hirudin do đó khi nằm trong mũi họng nó có thể hút máu gây mất máu và chảy máu kéo dài
  • Vắt có thể gây tác hại nguy hiểm nếu bám hút ở các mạch máu lớn hoặc di chuyển xuống hạ họng thanh quản có thể là dị vật đường thở.

Nhận xét:

  • Chảy máu mũi do vắt chui vào tuy rất hiếm gặp ở thành phố, tuy nhiên trước một trường hợp chảy máu mũi thì ngoài các nguyên nhân thông thường hay gặp, chúng ta cũng không quên nghĩ đến vắt chui vào mũi, nhất là khi bệnh nhân đã từng ở hay du lịch đến nơi có thể có vắt.
  • Cả trẻ nhỏ và người lớn đều có thể bị vắt chui vào gây chảy máu mũi.
  • Ngoài việc Hỏi bệnh sử, thăm khám lâm sàng thì Nộị soi Tai Mũi Họng đóng vai trò lớn trong việc phát hiện cũng như xử trí.
  • Chúng ta cũng nên dự phòng trường hợp vắt chui vào mũi trong trường hợp cần vào rừng hay đến nơi có nhiều vắt sinh sống. Nên khám bệnh sớm khi có dấu hiệu nghi ngờ.

Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây