1

Thương tổn vùng ổ mắt và phương pháp điều trị - bệnh viện 103

Chấn thương gẫy xương vùng hàm mặt do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng trong giai đoạn hiện nay nguyên nhân chủ yếu là do tai nạn giao thông. Những nghiên cứu gần đây cho thấy cơ cấu gẫy xương vùng mặt đã thay đổi, tỷ lệ gẫy xương tầng giữa mặt (GXTGM) cao hơn hẳn so với gẫy xương hàm dưới (GXHD) (3/1).

Khối xương tầng giữa mặt (TGM) gồm 13 xương (6 đôi xương và một xương lẻ) được gắn với nhau thành một khối vũng chắc bởi khớp răng cưa. Các xương tầng giữa mặt có hình thù đa dạng được sắp xếp chồng lên nhau từ trước ra sau, từ trên xuống dưới nên không thể nhìn thấy được trên film chụp quy ước do bị che khuất.

Trong khối xương TGM có các khoang hốc tự nhiên chứa những cơ quan giữ chức năng quan trọng của vùng đầu mặt cổ (ngũ quan), trong đó ổ mắt đóng vai trò đặc biệt đối với cuộc sống của con người. TGM còn liên quan chặt chẽ với sọ não ở phía trên mà trực tiếp là nền sọ trước và nền sọ giữa. Khi bị chấn thương gẫy xương TGM thường có những thương tổn kết hợp vùng sọ não, nhãn cầu và ổ mắt, hệ thống sàng hàm, khoang miệng.

Những thương tổn này đe doạ nghiêm trọng đến sự sống và chức năng của cơ thể và các cơ quan. Khi xử trí cấp cứu, điều trị GXTGM cần phải hết sức chú ý đến  thương tổn kết hợp và kết hợp với các chuyên khoa (Mắt, TMH, Sọ não) để cứu sống tính mạng bệnh nhân và phục hồi tối đa chức năng của các cơ quan.

Điều trị GXTGM phải đạt được 2 yêu cầu là phục hồi chức năng, thẩm mĩ của khuân mặt và các cơ quan. Để thực hiện được hai yếu tố này, cần phải làm tốt xử lý cấp cứu kỳ đầu và điều trị cơ bản ở tuyến chuyên khoa và kết hợp với các chuyên khoa (mắt, TMH, sọ não) mới dem lại hiệu quả điều trị cao.

1. Giải phẫu

1.1. Cấu trúc xương ổ mắt.

Ổ mắt là một hốc xương hình quả lê được cấu tạo nên bởi 7 xương: Xương hàm trên, xương gò má (XGM), xương trán, xương lệ, xương vòm miệng, xương sàng và xương bướm. Ổ mắt có kích thước như sau: Thể tích ổ mắt là 3 cm3, chiều cao bờ ổ mắt là 40 mm, chiều rộng bờ ổ mắt là 35mm, chiều sâu ổ mắt là 40 – 50mm. Khoảng cách từ sau nhãn cầu đến lỗ thị giác là 25mm.

* Trần ổ mắt (thành trên): Được tạo thành bởi xương trán và cánh nhỏ xương bướm, có hố tuyến lệ ở bên ngoài tham gia cấu trúc một phần của nền sọ trước.

* Thành ngoài ổ mắt: được tạo bởi mỏm trán của xương gò má, xương trán và cánh lớn xương bướm, có củ ổ mắt (Whinall) là chỗ bám của dây chằng ổ mắt. Thành này có khớp trán – gò má rất rễ bị gẫy rời khi GXTGM.

* Thành trong ổ mắt: Do mỏm lên xương hàm trên (XHT), xương giấy và thân xương bướm cấu tạo thành, nằm cạnh các xoang sàng, xoang bướm và các khoang mũi. Phần trong của thành ổ mắt rất dễ gẫy, ống lệ dễ bị tổn thương.

* Sàn ổ mắt (thành dưới): Tạo bởi XHT, XGM và xương khẩu cái, có rãnh và ngách dưới ổ mắt. Sàn ổ mắt mỏng, là mặt trên xoang hàm. Trong GXTGM thành này dễ bị gẫy sập và tổ chức phần mềm dưới và hai bên nhãn cầu dễ bị rơi thụt xuống xoang hàm làm lệch trục nhãn cầu, hoặc thụt nhãn cầu xuống dưới ra sau.

* Các khe và lỗ:

  • Khe ổ mắt trên: Là phần cách cánh bướm lớn và cách bướm nhỏ, có dây III, IV, VI và nhánh thứ nhất (nhánh mắt) của dây V và các sợi giao cảm đi qua.
  • Khe ổ mắt dưới: Được giới hạn bởi xương bướm, XHT, xương khẩu cái và nằm giữa thành ngoài và sàn ổ mắt. Khe này có nhánh thứ hai (nhánh hàm trên) của dây V, dây thần kinh gò má. Dây thần kinh dưới ổ mắt (nhánh của dây hàm trên) đi vào rãnh dưới ổ mắt và ống dưới ổ mắt chi phối cảm giác mi dưới, má, môi trên và răng hàm trên.

Gẫy vỡ 1/3 trong sàn ổ mắt thường kèm theo rối loạn cảm giác ở vùng chi phối của dây ổ mắt.

  •  Ngách lệ mũi: Đi từ hố tuyến lệ xuống đến ngách mũi dưới.
  •  Ống thị giác: Ống thị giác dài từ 8 – 10mm, nằm trong cánh nhỏ xương bướm, được ngăn cách với khe ổ mắt trên bởi thành xương. Dây thần kinh thị giác, động mạch mắt, các dây thị giác đều đi qua ống thị giác. Đầu ống ở phía ổ mắt gọi là lỗ thị giác. Khi chấn thương GXTGM, vỡ sập nún ra sau của thành ổ mắt, ống thị giác có thể bị sập, mảnh xương rời, máu tụ, phụ nề quanh vùng này dễ bị chèn ép hoặc đứt giây thần kinh thị giác ảnh hưởng đến thị lực ở mức dộ khác nhau.

1.2. Các thành phần mô mềm trong ổ mắt.

* Thần kinh thị giác trong ổ mắt: Đoạn thần kinh thị giác trong ổ mắt được tính từ lỗ thị giác đến cực sau nhãn cầu, dài 25 – 30mm, hơi trùng và uốn cong chữ S để có thể di chuyển vận động theo nhãn cầu.

* Vòng Zinn: là vòng xơ sợi được tạo bởi nguyên uỷ chung của các cơ trục. Vòng Zinn bao quanh lỗ thị giác và phần giữa của khe ổ mắt trên. Lỗ tạo bởi vòng Zinn gọi là lỗ vận nhãn, có các dây III, VII, IV và nhánh mắt của dây V đi qua.

* Các cơ vận nhãn: Các cơ vận nhãn tạo nên sự vận động của nhãn cầu và mi mắt: 4 cơ trục xuất phát từ vòng Zinn, cơ nâng mi xuất phát từ trên vòng Zinn ở cánh nhỏ xương bướm, hai cơ chéo lớn và chéo bé ở phía trên và phía dưới ổ mắt có tác dụng kéo nhãn cầu lên và xuống. Khi chấn thương gẫy xương ổ mắt hệ thống cơ này có thể bị liệt, bị kẹt vào khe giữa hai mảnh xương gây ra lác hay hạn chế vận nhãn về một phía nào đó.

* Tuyến lệ: Nằm trong hố xương trán ở phía trên ngoài ổ mắt, gồm một thuỳ lớn ở hốc mắt và một thuỳ nhỏ ở mi mắt. Các ống tuyến từ hai thuỳ mi và đổ vào kết mạc cùng đồ trên phía ngoài.

* Mỡ ổ mắt: là tổ chức đóng vai trò đệm bảo vệ nhãn cầu và mi mắt. Các khối mỡ nằm sau vách ổ mắt và trước cơ vòng mi.

1.3. Mi mắt.

* Da mi: Đây là phần da mỏng mảnh nhất cơ thể và không có lớp mỡ dưới da. Lớp tổ chức đệm dưới da rất lỏng lẻo giúp cho nhãn cầu vận động thường xuyên một cách rễ dàng. Nếp gấp mi trên cách bờ mi tự do khoảng 8 – 11mm (tuỳ theo chủng tộc). Nếp gấp này tương ứng với chỗ cân cơ nâng mi bám vào các bó cơ vòng mi và cũng nằm gần hoặc ngang bờ trên sụn mi. Ở mi dưới cũng có nếp gấp mi nhưng không rõ ràng, có khi chỉ là một ghờ nhỏ tạo nên danh giới phân biệt da sụn mi và da mi.

Mỗi da mi trên và da mi dưới là một đơn vị thẩm mỹ của mi mắt. Khi làm phẫu thuật tạo hình mi cần chú ý tôn trọng nếp gấp mi và đơn vị thẩm mỹ mi mắt.

* Các cơ vận động mi mắt.

  • Các cơ nhắm mi: Cơ vòng cung mi là cơ nhắm mắt chính của mi, khi cơ co làm chi khe mi hẹp lại. Cơ vòng mi đượcchia thành 3 phần: Phần trước sụn, trước ổ mắt và phần trước vách. Các phần trước sụn và trước vách tham gia vào động tác tự động của mi, phần trước ổ mắt  tham gia chủ yếu vào các động tác tự động của mi, phần trước ổ mắt tham gia chủ yếu và động tác chủ động là nhắm mắt.
  • Các cơ nâng mi: Gồm cơ nâng mi và cơ sụn trên (cơ Muller). Cơ nâng mi bắt nguồn từ đỉnh ổ mắt ngay trên vòng Zinn, đi toả từ trên xuống đến bờ sụn mi. Cơ Muller nằm sau cân cơ nâng mi, đi xuống phía dưới và bánm dọc theo bờ trên sụn mi trên. Cơ Muller co sẽ nâng mi trên được 2mm, nếu liệt sẽ dẫn tới sụp mi nhẹ (Hội chứng Horner).

* Sụn mi: Là tấm mô liên kết đóng vai trò như bộ khung của mi mắt, nó bám vào màng xương ở phía trong và phía ngoài. Sụn mi trên rộng hơn sụn mi dưới, chỗ rộng nhất sụn mi trên là 10 – 12mm, còn sụn mi dướichỉ có 4mm. Sụnmi dầy 1mm và thon về hai đầu.

* Kết mạc: Là lớp biểu mô gai không sừng hoá, có hai phần kết mạc là kết mạc mi và kết mạc nhãn cầu. Góc tạo bởi hai phần két mạc tạo thành cùng đồ.

1.4. Mạch máu, thần kinh ổ mắt.

* Hệ thống mạch máu:

  • Nguồn cung cấp chủ yếu cho ổ mắt là động mạch mắt (nhánh của động mạch cảnh trong), một phần từ động mạch hàm trong và động mạch mặt (nhánh của động mạch cảnh ngoài). Động mạch mắt có nhiều vòng nối với động mạch cảnh ngoài qua vòng quanh ổ mắt.
  • Tĩnh mạch mắt trên là tĩnh mạch dẫn lưu chính của ổ mắt, nó xuất phát từ phần trên hốc mắt, đi về phía sau khe ổ mắt trên, đổ vào xoang hang.

* Thần kinh:

  • Cảm giác cho vùng quanh ổ mắt là nhánh mắt và nhánh hàm trên của dây V.
  • Các cơ vòng mi, cơ tháp mũi, cơ nhăn mày, cơ trán do các nhánh dây VII chi phối.
  • Thần kinh giao cảm và đối giao cảm chi phối co giãn đồng tử, tiết nước mắt, vận động cơ bám da, co giãn mạch máu của mi mắt.

1.5. Dây chằng góc mắt.

Hình dạng của khe mi được duy trì bởi dây chừng góc mắt trong và dây chằng góc mắt ngoài. Dây chằng góc mắt trong bám vào  mào lệ trước và mào lệ sau, khi đến phía ngoài túi lệ nhập vào làm một, sau đó tách ra thành nhánh trên và nhánh dưới để bám vào sụn mi trên và sụn mi dưới. Dây chằng góc mắt ngoài bám vào củ ổ mắt ngoài ở mặt trong của bờ ổ mắt, phân ra hai nhánh vào sụn mi trên và sụn mi dưới. Trong chấn thương vết thương quanh ổ mắt, nhất là những vết thương ở hai góc mắt. Khi tiến hành phẫu thuật ở vùng góc mắt cũng cần chú ý tránh gây tổn thương dây chằng, nếu bắt buộc phải can thiệp thì tiến hành khâu tái tạo dây chằng góc mắt để duy trì hình thể khe mi cân đoói của hai mắt.

2. Lâm sàng và chẩn đoán

2.1. Phân loại gẫy xương tầng giữa mặt.

2.1.1. Phân loại theo vị trí và tính chất gẫy xương.

Các tác giả phân loại theo cách này đều  lấy xương hàm trên làm trung tâm, sau đó phân loại gẫy xương theo từng vị trí và tính chất di lệch của từng mảnh gẫy. Cho tới nay cách phân loại này không được sử dụng do tính chất gẫy xương đã thay đổi.

2.1.2. Phân loại gẫy xương theo Le Fort.

Le Fort (1901) đã lấy XHT làm trung tâm, đã mô tả GXTGM làm 3 loại theo thứ tự từ thấp đến cao.

  • Gẫy Le Fort I (còn gọi là gẫy Guerine): Là GXTGM thấp, đường gẫy liên quan chủ yếu ở cung răng hàm trên và bờ khuyết lê hai bên. Gẫy Le Fort I còn gọi là gẫy tách cung răng khỏi XHT.
  • Gẫy Le Fort II: Là GXHT theo hình tháp (gãy tầng giữa mặt kiểu trung tâm), đường gẫy đi từ xương hàm trên, qua thành trước xoang hàm ếch vào trong lên 1/3 trong bờ dưới ổ mắt, chếch lên thành trong hốc mắt, cắt ngang qua xương chính mũi, ở phía sau ngoài đường gẫy  đi qua lồi củ xương hàm, qua 1/3 giữa chân bướm.
  • Gẫy Le Fort III:  Là gẫy tách khối xương sọ mặt khỏi nền sọ. Đường gẫy đi ngang qua khớp mũi trán, khớp trán gò má, qua tấm sàng và phần cao chân bướm, kèm theo gẫy thành trong và thành ngoài ổ mắt. Đương gẫy kéo ra ngoài gây tổn thương một phần cánh bướm và đi qua xương gò má – cung tiếp. Gẫy Le Fort III  thường kèm theo gẫy vỡ nền sọ, xương đá và chấn thương sọ não, chảy máu nền sọ trước.

3.1.3. Phân loại GXTGM hiện nay.

Trong những năm gần đây, nhiều tác giả đã có nhiều cách nhìn nhận GXTGM dựa vào hai yếu tố: Tính chất phức tạp của gẫy xương, thứ hai là chẩn đoán tương đối chính xác của XQ vùng hàm mặt. Lâm Ngọc Ấn (1994) đã đề nghị phân loại GXTGM ra làm 3 loại chính.

  • Loại I: là gẫy xương kiểu Le Fort điển hình
  • Loại II: Là GXTGN thể trung tâm, chủ yếu là gẫy XHT và một phần xương mũi hai bên và khối xương mũi đẩy lùi ra sau.
  • Loại III: Là GXTGM hai bên ngoại vi, liên quan đến thành ngoài ổ mắt, xương gò má cung tiếp.

Tất cả các phương pháp phân loại GXTGM dù có chi tiết hay khái quát đến đâu cũng không thể hiện hết tính chất phức tạp của loại gẫy xương này trên lâm sàng.

2.2. Lâm sàng gẫy xương tầng giữa mặt.

2.2.1. Lâm sàng chung.

* Các triệu chứng chức năng

  • Đau ở TGM sau chấn thương: Các vị trí đau hay gặp là xương hàm trên, dọc bờ dưới ổ mắt, thành ngoài ổ mắt và gốc mũi, đau từ xương ổ  mắt dọc ra ngoài đến dễ cung tiếp. Đau tăng khi tỳ ép cung răng hàm trên lên đầu hoặc cắn chặt hai hàm răng vào nhau.
  • Có rối loạn chức năng ăn nhai do di lệch sai khớp cắn.
  • Hạn chế vận động hàm dưới do di lệch hàm trên sang bên và gẫy sập gò má – cung tiếp chèn vào mỏm vẹt xương hàm dưới.
  • Rối loạn chức năng vận động nhãn cầu và suy giảm thị lực (xem phần triệu chức về mắt).
  • Rối loạn thông khí liên quan đến chấn thương mũi, sàng.

* Triệu chứng thực thể.

  • Nhìn: Mặt sưng nề nhanh ở vùng dưới và xung quanh ổ mắt, làm mắt không thể mở và không thể nhìn được do sưng nề. Xung huyết quanh ổ mắt tạo thành quầng tím bầm dưới da gọi là “dấu hiệu đeo kính dâm”.
  • Nếu quan sát ngay sau chấn thương hoặc đã giảm sưng nề có thể gặp hai bên tầng giữa mặt mất cân đối, gò má bên bị gẫy thường thấp dẹt hơn bên lành, cung tiếp bị lõm xuống hoặc gồ cao. Sống mũi bị sập lõm bè ra tạo nên hình ảnh mũi yên ngựa.

– Khám ngoài mặt:

  • Có các điểm đau cố định ở thành ngoài và bờ dưới ổ mắt, gốc mũi và cạnh sống mũi, xương gò má và cung tiếp.
  • Sờ thấy gờ lồi lõm bất thường tương ứng với vị trí có điểm đau cố định, bờ dưới ổ mắt đôi khi bị thụt lõm sâu ra phía sau, có thể thấy lạo xạo xương gẫy vụn vùng gò má hoặc tiếng lép bép của tràn khí dưới da vùng dưới ổ mắt.

– Khám trong miệng:

  • Cung răng hàm trên bị lắc lư di dộng toàn bộ hoặc một bên (dấu hiệu ngăn kéo), xệ thấp kèm theo di lệch sang bên hoặc di lệch xoắn vặn về một bên
  • Sai khớp cắn: Thường gặp dưới các dạng sau: sai khớp cắn trung tâm, khớp cắn hở, hai hàm răng không cắn khít được vào nhau, cung răng hàm trên dãn rộng chờm ra ngoài cung răng hàm dưới hoặc bị xoay lệch vào trong cung răng hàm dưới.
  • Khám niên mạc: Bầm rập tụ máu hoặc rách niêm mạc lợi ngách tiền đình. Vòm miệng cứng có vết thương chạy dọc từ trước ra sau  tương ứng với các đường gẫy xương khẩu cái.
  • Khám mũi: Chảy máu ra nghách mũi giữa ra lỗ mũi trước hoặc nghách mũi sau xuống họng, chèn Mèche mũi phía sau không thể cầm máu được.

2.2.2. Tổn thương ở mắt.

Ngoài triệu chứng thương tổn xương và phần mềm quanh ổ mắt, còn có những triệu chứng liên quan đến chức năng nhãn cầu:

* Thị lực: Có khoảng 25 – 30 % BN GXTGM bị thay đổi thị lực theo 3 mức độ ( theo bảng phân loại Snellen.E).

– Thi lực giảm ít và tạm thời, có thể phục hồi sau chấn thương một thời gian ngắn.

– Thị lực thấp: 3/10 >Thị lực ≥ 1/10. Loại giảm thị lực này có thể tiến triển theo hai hướng:

  • Thị lực tốt lên sau một thời gian điều trị.
  • Thị lực ngày càng tiến triển xấu đến mất thị lực hoàn toàn.

– Mất thị lực hoàn toàn (mù): Có hai loại mất thị lực gặp trên lâm sàng:

  • Mất thị lực ngay sau chấn thương: Loại mất thị lực cấp tính này xảy ra khi có tổn thương dây thần kinh thị giác do sự chèn ép hoặc cứa đứt giây thị giác bởi các mảnh xương gẫy ở khu vực khe thị giác. Cũng có thể gặp mất thị lực do xuất huyết nội nhãn.
  • Mất thị lực từ từ: Thường do phù nề hoặc máu tụ trong hốc mắt ở khu vực hậu nhãn cầu gây chèn ép dần dần khi mức độ phù nề và khối lượng máu tụ tăng lên.

Trên lâm sàng khi mới chấn thương bệnh nhân còn nhìn rõ hoặc chỉ giảm thị lực, sau một thời gian nhất định (vài giờ đến vài ngày) thị lực càng giảm nhiều đến mất hoàn toàn.

* Rối loạn vận động nhãn cầu: Xảy ra trong các trường hợp sau: do bị két tổ chức phần mềm, các cơ trực (hay gặp ở cở trực trong và cơ trực ngoài) vào các khe đường gẫy ở thành ổ mắt, do gẫy sập gẫy di lệch quá lớn thành ổ mắt vào trong ra sau bờ ổ mắt và xương gò má (bờ dưới + thành ổ mắt) đẩy nhãn cầu vào trong lên trên, do phù nề máu tụ quanh nhãn cầu cũng đẩy nhãn cầu về một phía nhưng diễn ra chậm hơn; do gẫy sập mảng lớn sàn ổ mắt và xương lệ sàng kéo theo tổ chức phần mềm bị “rơi” xuống xoang hàm và kéo sang khoang mũi sàng.

Những biểu hiện của tối loạn vận động nhãn cầu gồm:

  • Nhìn đôi: Tuỳ theo mức độ di lệch của trục nhãn cầu bên nhấn thương mà có biểu hiện nhìn đôi khác nhau cả về khoảng cách của hai hình và về cự ly giữa vật và nhãn cầu.
  • Lác: Hay gặp nhất là lác ngoài do gẫy sập thành dưới ngoài mắt kéo theo tổ chức phần mềm làm hạn chế vận động nhãn cầu vào trong. Cũng có gặp lác trong ở góc độ nhỏ nhưng hiếm.
  • Thụt lõm nhãn cầu ra sau xuống dưới: Đây là kết quả của gẫy sập sâu phía sau của các thành ổ mắt hoặc gẫy sập sàn ổ mắt làm cho nhãn cầu “rơi” xuống thấp. Thụt lõm nhãn cầu ra sau chỉ thấy rõ khi hết sưng nề, làm cho hai mắt mất cân đối cả về độ cong nhãn cầu và độ rộng khe mi.
  • Đẩy lồi nhãn cầu ra trước: Hay gặp trong trường hợp gẫy sập xương gò má, thành ỏ mắt di lệch lớn vào trong và ra sau kết hợp với phù nề máu tụ lớn ở khu vực hậu nhãn cầu. Mắt lồi kèm theo lác, khe mi rộng, giảm thị lực ở các mức độ khác nhau.

* Những thương tổn ở mi mắt.

– Sụp mi: Gặp trong trường hợp vết thương bầm dập hoặc có vết thương ở mi trên cung mày hoặc vùng thái dương. Sụp mi có thể phục hồi sau chấn thương, nhưng cũng có thể sụp mi không hồi phục phải làm phẫu thuật treo mi.

– Vết thương mi mắt: Gặp ở hai mức độ:

  •  vết thương rách mi đơn thuần: Cần khâu đúng vị trí giải phẫu để tránh co kéo gây lệch mi, xệ hoặc hếch mi nhắm mắt không kín.
  •  Vết thương có tổn khuyết bờ mi và da mi: Cần làm thủ thuật tạo hình mi ngay từ thì đầu để tái tạo hình thể mi và phục hồi chức năng mi mắt.

* Tổn thương đường lệ: Gặp trong gẫy xương bờ dưới góc trong ổ mắt có kèm theo tổn thương dây thân kinh dưới ổ mắt (nhánh dây V). Các mảnh xương gẫy di lệch gây chèn ép hoặc tổn thương đường lệ ở mức độ khác nhau:

– Rối loạn cảm giác vùng dưới ổ mắt, cạnh mũi, môi trên cùng bên.

– Chảy nước mắt liên tục sau chấn thương.

– Góc mắt trong bị biến dạng, kéo xệ xuống thấp, dây chằng góc mắt trong bị đứt gây biến dạng khe mi.

2.3. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh trong GXTGM.

2.3.1. Chụp XQ quy ước:

Để chấn đoán bước đầu và tương đối chính xác thương tổn TGM, thường chỉ định các thế phim chụp quy ước sau:

– Chụp thẳng nghiêng mặt: Hai tư thế này cho phép xác định gẫy Le Fort I,II, gẫy vách ngăn mũi, sống mũi, gẫy trụ sau hàm trên, một phần xương gò má.

– Chụp tư thế Blondeau (hoặc Warte’s) và Hirtz: Thường được chụp thành bộ 2 phim, có thể xác định được đường gẫy theo Le Fort I, II, III, gẫy xương gò má – cung tiếp (có thể so sánh hai bên để thấy rõ), gẫy sống mũi, thành trong và thành ngoài ổ mắt. Trên hai phim này cón phát hiện gẫy vỡ thành trước xoang hàm và tràn dịch máu trong xoang. Đặc biệt trên phim Blondeau có thể thấy rõ hình ảnh gẫy sập gò má có di lệch làm biến dạng bờ dưới – ngoài hốc mắt.

– Chụp lỗ thị giác: Giúp xác định những thay đổi cấu trúc xương, biết được tình trạng thu hẹp khe thị giác sau chấn thương, có giá trị chẩn đoán và tiên lượng những trường hợp giảm hoặc mất thị lực.

– Thế chụp Stenvet: GXTGM cao có liên quan trực tiếp với nền sọ, những trường hợp GXTGM có kèm theo chảy máu tai và biểu hiện của chấn thương sọ não. Có chỉ địng chụp ở tư thế này chủ yếu nhằm phát hiện gẫy vỡ xương đá.

Do cấu trúc của khối xương TGM rất phức tạp, sắp xếp chồng chéo lên nhau nên các phim quy ước sẽ bị chồng hình, không thể phát hiện hết các đường gẫy ở sâu phía sau trong GXTGM.

2.3.2. Chụp cắt lớp vi tính (CLVT – C.T Scanner).

Kỹ thuật chụp CLVT ra đời được ứng dụng ngay vào chẩn đoán gẫy xương vùng hàm mặt nói chung và gẫy xương TGM nói riêng. Nhờ có CLVT khắc phục được chồng hình khi chụp XQ quy ước TGM.

* Chỉ định:

– Chỉ định tuyệt đối: Tất cả các bệnh nhân bị giảm thị lực, thị lực thấp và mất thị lực hoàn toàn.

– Chỉ định tương đối: BN thị lực bình thường nhưng gẫy phức hợp thành ổ mắt có di lệch nhiều.

* Kỹ thuật chụp CLVT khối xương TGM.

– Giới hạn chụp: Từ gai mũi đến bờ trên ổ mắt.

– Các thế chụp: Cororal và Axial.

– Bước 1: Lập trình kỹ thuật chụp.

  • Hướng cắt: Chếch lên đầu 20 – 250 so với đường lỗ tai – đuôi mắt.
  • Số luợng lớp cắt: 20 – 25 lớp.
  • Độ dầy mỗi lớp: 3 – 4mm.
  • Hướng nhẩy: 3mm.

– Bước 2: Tiến hành chụp theo hai kỹ thuật:

  • Kỹ thuật chụp các lớp cắt đơn.
  • Kỹ thuật chụp quét xoắn ốc.

– Bước 3: Dựng ảnh khối xương TGM có giá trị chẩn đoán tương đối chính xác vị trí, số lượng và mức độ di lệch của cá mảnh xương trong GXTGM. Đối với những chấn thương xương ổ mắt, chụp CLVT còn giúp rất nhiều trong chẩn đoán và xử lý kịp thời những trường hợp giảm và mất thị lực.

Nguồn: Bệnh viện 103

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây