1

Thuốc tiền mê - bệnh viện 103

1. Đại cương

Định nghĩa: thuốc tiền mê được sử dụng cho bệnh nhân trước khi tiến hành vô cảm và phẫu thuật do bác sỹ gây mê chỉ định khi khám tiền mê hoặc khám bệnh nhân trước phẫu thuật.

Mục đích sử dụng thuốc tiền mê: an thần, gây ngủ, giảm đau, giảm chuyển hóa, giảm tiết, ức chế phản xạ có hại, giảm tác dụng phụ của thuốc tê – thuốc mê, tăng tác dụng của thuốc tê – thuốc mê và phòng ngừa dị ứng.

2. Các thuốc tiền mê

2.1. Các thuốc an thần

2.1.1. Họ benzodiazepin

– Có tác dụng chống lo lắng, an thần, gây ngủ, gây quên, chống co giật, thư giãn và chống loạn nhịp tim.

– Thuốc hay dùng:

  • Seduxen uống liều 0,2 mg/kg, tiêm tĩnh mạch 0,15 mg/kg.
  • Midazolam tiêm tĩch mạch liều 0,1- 0,15 mg/kg.

2.1.2. Họ bacbiturat

– Có tác dụng làm dịu và gây ngủ. Ngày nay nhóm thuốc này ít được sử dụng trong tiền mê phẫu thuật, chủ yếu dùng để an thần trong các can thiệp chẩn đoán hình ảnh (nội soi, siêu âm, chụp Xquang..)

– Thuốc hay dùng là gacdenal tiêm bắp hoặc tĩnh mạch 1- 4 mg/kg.

2.1.3. Họ buterophenon

– Có tác dụng an thần, gây ngủ, chống nôn, giãn mạch nhẹ, đôi khi có dấu hiệu ngoại tháp.

– Hiện nay nhóm này dùng làm thuốc tiền mê khi bệnh nhân có nguy cơ buồn nôn hoặc nôn sau mổ. Droperidol tiêm tĩnh mạch liều 0,03-0,14 mg/kg.

2.2. Thuốc giảm đau trung ương

–  Có tác dụng giảm đau, an thần, gây ngủ nhưng không gây quên và có nguy cơ gây buồn nôn, nôn sau mổ.

– Thuốc sử dụng:

  • Morphin tiêm bắp, liều 0,1- 0,2 mg/kg
  • Dolargan tiêm bắp, liều 1-1,5 mg/kg

2.3. Nhóm thuốc giảm tiết

– Hiện nay, nhóm thuốc giảm tiết được sử dụng trong tê vùng với mục đích giảm tiết và đề phòng rối loạn thần kinh thực vật. Với trẻ em cần phải cân nhắc kỹ khi sử dụng atropin vì có thể gây tăng thân nhiệt.

– Thuốc sử dụng:

  • Atropin  tiêm bắp hoặc tĩnh mạch, liều 0,015 – 0,02 mg/kg.
  • Scopolamin tiêm bắp hoặc tĩnh mạch, liều 0,3 mg/kg

2.4. Thuốc kháng histamin tổng hợp

– Có tác dụng làm giảm hoặc mất tác dụng dị ứng khi bệnh nhân có tiền sử dị ứng hoặc do các thuốc khác gây ra.

– Thường sử dụng pipolphen, phenergan.

2.5. Thuốc giảm tiết dịch dạ dày

– Đề phòng bệnh nhân hít phải dịch dày khi gây mê phẫu thuật cho bệnh nhân béo phì, bệnh nhân mang thai, mổ ngoại trú…

– Thường dùng thuốc ức chế thụ cảm thể H2 tác dụng nhanh: tagamet uống 2 viên 200 mg trước mổ 1 giờ.

3. Các cách phối hợp thuốc

3.1. Các yếu tố để lựa chọn thuốc và liều lượng thuốc

– Tuổi và cân nặng người bệnh.

– Phân loại thể trạng người bệnh theo ASA (Hiệp hội gây mê Hoa kỳ).

– Trạng thái tâm lý của người bệnh.

– Sự chịu đựng của bệnh nhân đối với thuốc.

– Tính chất và mức độ của phẫu thuật.

3.2. Các công thức tiền mê

Thực tế chưa có thuốc tiền mê nào đáp ứng đủ các tiêu chuẩn ở trên. Cần có sự phối hợp thuốc một cách hợp lý đối với người bệnh để đạt được tác dụng mong muốn và giảm tác dụng phụ.

– Thuốc an thần

– Thuốc giảm đau

– Thuốc an thần kết hợp thuốc giảm tiết

– Giảm đau kết hợp thuốc giảm tiết

– Thuốc an thần kết hợp thuốc giảm đau và thuốc giảm tiết

– Trấn tĩnh kết hợp thuốc giảm đau, kháng histamin và thuốc giảm tiết. Sự phối hợp kinh điển: aminazin + dolargan + pypolphen + atropin còn gọi dung dịch coktaillitique.

4. Một số lưu ý

4.1. Đường sử dụng

– Đường uống: chủ yếu cho mổ phiên, người lớn tuổi.

– Đường tiêm (dưới da, bắp thịt, tĩnh mạch): chủ yếu dùng cho phẫu thuật cấp cứu và trẻ em.

– Đường trực tràng (thụt giữ thuốc): chủ yếu dùng cho trẻ em.

4.2. Chăm sóc bệnh nhân sau khi thuốc tiền mê

Bệnh nhân nằm tại giường bệnh (hoặc xe vận chuyển bệnh nhân), theo dõi sát mạch, huyết áp, nhịp thở.

Nguồn: Bệnh viện 103

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây