1

Thông tin về gây mê, gây tê và những lưu ý dành cho bệnh nhân - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Các bác sỹ gây mê – hồi sức của Bệnh viện sẽ chịu trách nhiệm trong việc gây mê và hồi tỉnh an toàn cho người bệnh. Bài viết sau xin cung cấp một số thông tin giúp người bệnh hiểu rõ hơn các vấn đề về  gây mê, gây tê và hồi tỉnh.

A. Bác sĩ gây mê

Bác sĩ chuyên khoa gây mê có nhiệm vụ:

  • Đánh giá sức khoẻ của bệnh nhân, thảo luận với bệnh nhân về phương thức gây mê giảm đau cho từng trường hợp phẫu thuật cụ thể.
  • Thảo luận về những nguy cơ của phương thức gây mê đã được chọn lựa.
  • Đồng thuận với bệnh nhân về một phương án gây mê và kiểm soát đau.
  • Chịu trách nhiệm gây mê kiểm soát đau cho bệnh nhân, theo dõi chăm sóc bệnh nhân trong phẫu thuật và ngay sau phẫu thuật.
  • Bác sĩ gây mê phải có bằng cấp, chứng chỉ chuyên khoa gây mê hồi sức hợp lệ.

B. Các thể loại gây tê, gây mê

1- Tiền mê:

 Tiền mê (khởi mê) là thuốc dùng cho bệnh nhân trước khi gây mê để giải lo âu. Chúng không thường xuyên được sử dụng. Bệnh nhân có thể được gây mê toàn thân, gây tê tại chỗ, gây tê từng vùng hoặc gây tê, mê phối hợp.

a- Gây mê toàn thân: Gây mê toàn thân là phối hợp nhiều loại thuốc giúp bệnh nhân ngủ mê và không đau đớn trong suốt thời gian phẫu thuật. Các thuốc được tiêm vào tĩnh mạch hoặc hít vào phổi dưới dạng khí. Một ống thở (nội khí quản) được đặt vào khí quản để giúp bệnh nhân thở trong khi mê. Ống này sẽ được rút ra khi bệnh nhân hồi tỉnh sau cuộc phẫu thuật.

b- Gây tê tại chỗ: Gây tê tại chỗ được dùng để gây tê một phần nhỏ trên cơ thể bệnh nhân. Nó được dùng khi các dây thần kinh được tiếp cận dễ dàng bằng thuốc nhỏ giọt, thuốc xịt, thuốc gel thoa hoặc thuốc tiêm.

c- Gây tê vùng: Khi gây tê một vùng rộng lớn của cơ thể, ví dụ: gây tê ngoài màng cứng hoặc gây tê tuỷ sống. Các kỹ thuật này được dùng để chặn đứng cơn đau trong khi phẫu thuật. Bệnh nhân có thể tỉnh hoặc ngủ (do dùng thêm thuốc an thần hoặc thuốc mê toàn thân) trong suốt cuộc phẫu thuật khi gây tê vùng hoặc gây tê tại chỗ.

C. Bệnh nhân cần lưu ý một số thông tin sau trước khi gây mê để phẫu thuật

Bệnh nhân sẽ ít có nguy cơ tai biến do gây mê khi thực hiện các điều sau đây:

  • Giảm cân trước phẫu thuật để cải thiện chức năng tuần hoàn và hô hấp. Nếu thừa cân, giảm một số cân sẽ giảm đáng kể các nguy cơ khi gây mê.
  • Bỏ hút thuốc lá ít nhất 6 tuần trước phẫu thuật để tạo cơ hội cho phổi và tim cải thiện hoạt động. Hút thuốc làm giảm lượng oxygen trong máu và làm tăng các vấn đề về hô hấp trong và sau phẫu thuật.
  • Nên mang theo đến bệnh viện tất cả các thuốc đang dùng, các thuốc tự mua dùng không có chỉ định của bác sĩ, các loại thuốc thảo dược và đưa chúng cho bác sĩ gây mê kiểm tra. Báo cho bác sĩ gây mê tất cả các lần dị ứng và phản ứng phụ của thuốc mà bạn đã gặp phải.
  • Giảm uống rượu vì rượu có thể làm giảm tác dụng của thuốc gây mê. Tuyệt đối không được uống rượu trong vòng 24 giờ trước phẫu thuật.
  • Báo cho bác sĩ gây mê biết nếu có dùng các thuốc gây nghiện.
  • Nếu đang dùng Aspirin, Warfarin, Persantin, Clopidogrel (Plavix và Iscover) hoặc Asasantin, hãy hỏi các bác sĩ phẫu thuật và gây mê xem có cần ngưng thuốc trước phẫu thuật hay không vì chúng có thể ảnh hưởng đến vấn đề đông máu. Không được tự ý ngưng các loại thuốc kể trên nếu chưa có ý kiến của các bác sĩ.
  • -Báo cho bác sĩ phẫu thuật và gây mê biết nếu bệnh nhân đang dùng thuốc tránh thai.

 Bạn cần báo cho các bác sĩ ở bệnh viện và bác sĩ gây mê biết nếu có những vấn đề sau đây:

  • Các bệnh lây nhiễm
  • Các lần phẫu thuật trước
  • Các bệnh nặng đã hoặc đang mắc
  • Răng giả, mão răng, răng lung lay hoặc các vấn đề khác về răng hàm mặt
  • Các bệnh mãn tính cần điều trị lâu dài bao gồm đái tháo đường, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn, tăng huyết áp.
  • Dị ứng hoặc bất dung nạp thuốc các loại.

D. Phục hồi sau phẫu thuật

  • Sau phẫu thuật, các điều dưỡng trong phòng hồi sức sẽ theo dõi sát cho đến khi bệnh nhân hồi tỉnh hoàn toàn. Sau đó bệnh nhân sẽ được đưa trả về khu Phẫu Thuật Trong Ngày để nghỉ ngơi cho đến khi phục hồi hẳn rồi về nhà.
  • Bệnh nhân cần báo cho điều dưỡng nếu có các tác dụng phụ của thuốc mê, như nhức đầu, buồn nôn, hoặc nôn. Bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng một số thuốc để giảm bớt triệu chứng hoặc sẽ dùng thuốc giảm đau sau mổ, các thuốc khác và dịch truyền nếu cần thiết.

E. Những điều cần tránh sau khi gây mê toàn phần

Gây mê toàn thân sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của bệnh nhân trong thời gian 24 giờ. Để đảm bảo an toàn

  • Không điều khiển tất cả các loại xe cộ.
  • Không vận hành tất cả các loại máy móc, kể cả các dụng cụ nấu nướng.
  • Không đưa ra những quyết định quan trọng hay ký vào những văn bản có tính pháp lý.
  • Không uống rượu, không dùng các chất có thể ảnh hưởng đến tâm thần, không hút thuốc lá. Chúng có thể phản ứng với các thuốc gây mê còn tồn đọng trong cơ thể.
  • Nên có người lớn chăm sóc trong đêm đầu tiên sau gây mê phẫu thuật.

F- Các nguy cơ của gây mê từng vùng

  • Hiếm gặp tổn thương các tổ chức chung quanh (ví dụ mạch máu, phổi)
  • Tổn thương thần kinh, do xuất huyết, nhiễm trùng hoặc các nguyên nhân khác.
  • Tổn thương thần kinh gây yếu, tê vùng cơ thể do thần kinh đó chi phối. Biến chứng này thường nhẹ và có thể phục hồi lại sau một thời gian ngắn. Tổn thương thần kinh rất hiếm khi nặng hoặc để lại di chứng vĩnh viễn. Đối với gây tê ngoài màng cứng hoặc gây tê tuỷ sống,  tổn thương có thể gây liệt nửa người dưới của cơ thể (paraplegia) hoặc toàn bộ cơ thể (quadriplegia).

Các nguy cơ khác của gây tê tuỷ sống hoặc gây tê ngoài màng cứng là:

  • Nhức đầu. Thường chỉ là tạm thời nhưng có thể nghiêm trọng và kéo dài nhiều ngày.
  • Đau lưng. Thường chỉ là tạm thời do tổn thương ở vị trí tiêm thuốc. Ít khi là biến chứng lâu dài.
  • Tiểu khó. Thường chỉ là tạm thời, nhưng đối với một số đàn ông có thể cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa tiết niệu.

Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây