Tế bào gốc tạo máu là gì?
1. Tế bào gốc là gì? Tế bào gốc tạo máu là gì?
Tế bào gốc là các tế bào có thể biệt hóa thành các loại tế bào khác và cũng có thể phân chia để tạo ra nhiều loại tế bào gốc hơn.
Tương tự như vậy, tế bào gốc tạo máu là các tế bào có thể tự làm mới chính mình hoặc tự sao chép để sản xuất ra các loại tế bào máu chuyên biệt khác nhau với các chức năng khác nhau. Cụ thể là từ một tế bào gốc tạo máu ban đầu có thể tạo ra tế bào hồng cầu với chức năng vận chuyển oxy, tế bào bạch cầu có nhiệm vụ trong hệ thống miễn dịch cơ thể và tiểu cầu đóng vai trò trong quá trình đông cầu máu. Vì đời sống của các tế bào máu chuyên biệt rất ngắn, như chỉ khoảng 120 ngày đối với hồng cầu, cơ thể cần phải thay thế chúng liên tục; do đó, tế bào gốc tạo máu đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Tế bào gốc tạo máu có dạng hình tròn, nhân tròn, giống với tế bào lympho, và tỷ lệ tế bào chất/nhân thấp nhằm đáp ứng với tính chất tăng sinh liên tục. Về vị trí, tế bào gốc tạo máu sống trong tủy xương - mô xốp bên trong xương dài như xương đùi, xương chậu, đốt sống và xương sườn. Bên cạnh đó, tế bào gốc tạo máu cũng được tìm thấy rất nhiều trong nhau thai và dây rốn của trẻ sơ sinh cũng như với số lượng nhỏ trong máu ngoại vi.
2. Vai trò của tế bào gốc tạo máu là gì?
2.1. Tạo máu
Tế bào gốc tạo máu đóng vai trò cốt lõi trong quá trình tạo máu, tức sản xuất ra các tế bào trong máu.
Tế bào gốc tạo máu có thể bổ sung thay thế tất cả các loại tế bào máu và cũng tự làm mới. Đồng thời, một số lượng nhỏ tế bào gốc tạo máu có vai trò tự tăng sinh thành tế bào gốc, nhằm duy trì số lượng tế bào gốc nói chung trong cơ thể, sẵn sàng dùng tới khi có nhu cầu.
Đặc tính này của tế bào gốc tạo thành nền tảng cơ sở lý thuyết cho kỹ thuật cấy ghép tủy xương.
2.2. Tồn tại dạng thể ngủ
Các tế bào gốc tạo máu, giống như tất cả các tế bào gốc trưởng thành, hầu hết tồn tại trong trạng thái không hoạt động hay “thể ngủ”. Chính điều này sẽ giúp cho các tế bào tồn tại trong thời gian dài trong môi trường tủy xương thiếu oxy.
Khi có nhu cầu cần sử dụng, các tế bào gốc tạo máu sẽ được kích thích bằng sự chết hoặc tổn thương tế bào. Lúc này, các tế bào gốc tạo máu sẽ thoát khỏi sự im lặng và bắt đầu phân chia lại một cách tích cực, tạo ra các tế bào máu chuyên biệt.
Bất kỳ rối loạn quá trình chuyển đổi này có thể dẫn đến cạn kiệt tế bào gốc tạo máu cũng như hệ quả là gây thiếu máu trầm trọng.
2.3. Tính vận động
Tế bào gốc tạo máu có tiềm năng vận động cao hơn các tế bào máu chưa trưởng thành khác để vượt qua hàng rào tủy xương. Theo đó, chúng có thể di chuyển trong máu từ tủy xương trong xương này sang xương khác. Chính điều này cho phép các tế bào gốc tạo máu được thu hoạch với số lượng ít trực tiếp từ máu.
Nếu cư trú trong tủy xương, các tế bào gốc tạo máu sẽ phát triển thành hồng cầu, tiểu cầu còn nếu cư trú trong tuyến ức, các tế bào gốc tạo máu sẽ phát triển thành tế bào lympho T.
3. Ghép tế bào gốc tạo máu là gì?
Ghép tế bào gốc tạo máu là ghép tế bào gốc tạo máu đa năng, thường có nguồn gốc từ tủy xương, máu ngoại vi hoặc máu cuống rốn. Đây có thể là đồng ghép với tế bào gốc của chính bệnh nhân được sử dụng hay từ một cặp sinh đôi giống hệt nhau hoặc dị ghép là dùng tế bào gốc đến từ một người hiến tặng.
Kỹ thuật này thường được thực hiện cho những bệnh nhân mắc một số bệnh ung thư máu hoặc tủy xương, chẳng hạn như đa u tủy hoặc bệnh bạch cầu. Trong những trường hợp này, hệ thống miễn dịch của người nhận thường bị phá hủy bằng xạ trị hoặc hóa trị trước khi ghép tủy nhằm bảo vệ các tế bào gốc sau khi ghép vào không bị tấn công. Chính vì thế, nhiễm trùng và đào thải mảnh ghép sẽ là hai biến chứng thường gặp đáng sợ sau khi ghép tủy.
4. Cách lựa chọn nguồn tế bào gốc tạo máu để cấy ghép
Việc lựa chọn nguồn tế bào gốc tạo máu để cấy ghép là hoàn toàn phụ thuộc vào bệnh lý mà người chuẩn bị được cấy ghép đang mắc phải. Bên cạnh đó, các yếu tố giúp xác định khả năng tự ghép là tuổi tác, sức khỏe của tủy xương hay sức khỏe tổng quát của người bệnh. Tuy nhiên, nếu mắc phải ung thư hoặc các bệnh khác trong tủy xương, bác sĩ sẽ phải yêu cầu dị ghép.
Người hiến tủy để dị ghép thường là người thân trong gia đình, thường gặp nhất là anh chị em ruột, hay chỉ là một người hiến vô danh, là tế bào gốc từ máu cuống rốn vô danh nếu đáp ứng đúng các tiêu chí tương đồng HLA.
5. Cách thức theo dõi như thế nào sau khi ghép tủy?
Sau khi cấy ghép, bệnh nhân cần phải theo dõi nội trú trong bệnh viện khoảng 4 tuần với môi trường cách ly tuyệt đối. Điều kiện này sẽ giúp cho người bệnh hạn chế nhiễm trùng, ngay cả đối với các tác nhân lành tính nhất. Bất cứ tình trạng viêm nhiễm nào trên các đối tượng này cũng đều sẽ gây ra bệnh cảnh nghiêm trọng, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng vì hệ thống miễn dịch của người bệnh đã bị ức chế hoàn toàn, không còn khả năng bảo vệ cơ thể.
Chỉ khi tiêu chuẩn về huyết học đã đạt được, như công thức máu đã trở lại mức an toàn, quá trình ghép tủy với được tạm đánh giá là thành công và người bệnh được xuất viện, hẹn theo dõi ngoại trú sau mỗi một tuần đến hai tuần tùy vào tình trạng sức khỏe.
Ngoài ra, tính thành công của ghép tủy còn được đánh giá qua khả năng kiểm soát ung thư, như một số loại bệnh bạch cầu và ung thư hạch. Lúc này, sự thuyên giảm với không còn dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh ung thư là bằng chứng xác thực nhất. Tuy nhiên, sau khi cấy ghép, người bệnh vẫn cần gặp bác sĩ và làm các xét nghiệm để theo dõi bất kỳ dấu hiệu ung thư hoặc biến chứng nào từ việc cấy ghép.
Tóm lại, toàn bộ các tế bào máu được tạo ra là từ tế bào gốc tạo máu. Chúng có vai trò không chỉ bù đắp các thiếu hụt về số lượng mà sẽ chỉnh sửa khi gặp bệnh lý. Chính kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu đã cứu sống rất nhiều người mắc bệnh lý huyết học ác tính, giúp cho họ có một cuộc sống mới khỏe mạnh hơn, hoàn hảo hơn.
Ho rát họng có đờm là một vấn đề phổ biến có thể gặp ở bất kỳ ai. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là viêm amidan, cảm cúm, viêm họng, thậm chí là ung thư vòm họng.
Viêm phế quản là một bệnh lý phổ biến trong xã hội ngày nay mà nhiều người có thể mắc phải. Tuy viêm phế quản không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của người bệnh.
Ho, sốt đau họng là những triệu chứng thường gặp cùng lúc và có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ nguyên nhân, cách nhận biết và những phương pháp hiệu quả để giảm nhẹ và xua tan những triệu chứng này.
Là một phần quan trọng của hệ hô hấp, họng thường mắc phải nhiều bệnh lý khác nhau. Các bệnh về họng có thể đơn giản chỉ là viêm họng hoặc có thể nghiêm trọng hơn như viêm amidan, viêm thanh quản và thậm chí ung thư họng.
Thời điểm giao mùa, các trung tâm Y tế đang ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhi mắc viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma. Đây là một bệnh thường xuất hiện trong mùa giao mùa, đặc biệt làm lây lan nhanh chóng.