1

Phương pháp cắt amidan - bệnh viện 103

1. Một số cơ sở giải phẫu học trong phẫu thuật cắt amydan.

1.1 Hố Amydan:

Amydan nằm gọn trong một cái hố của màn hầu gọi tên là hố amydan. Hố amydan có 3 mặt được tạo thành bởi 3 cơ bắp : cơ của trụ trước (tức cơ lưỡi – màn hầu), cơ của trụ sau (tức cơ họng – màn hầu) và phần ngòai cùng là cơ khít họng. Phẫu thuật cắt amydan không được gây tổn thương rách nát cho 3 cơ này.

1.2 Khoang quanh Amydan:

Giữa khối amydan và hố amydan là một khỏang tổ chức liên kết rất lỏng lẻo và dễ dàng bóc tách được gọi tên là khoang quanh amydan. Khoang tổ chức liên kết dễ dàng bóc tách này có thể ví như khoang tổ chức dễ bóc tách nằm giữa múi cam với vỏ cam. Thủ thuật cắt amydan sẽ lợi dụng khoang dễ bóc tách này (còn gọi là vỏ amydan) dễ bóc tách làm rời khối amydan ra khỏi thành họng.

1.3 Chân cuống amydan và động mạch Amydan :

Amydan có một chân cuống gần phía cực dưới với mạch máu chính của nó là động mạch amydan (nhánh của động mạch khẩu cái đi lên). Trong thủ thuật này phải chú ý đến chân cuống, và cấm máu cuống động mạch amydan là một thì quan trọng của phẫu thuật. Thông thường nếu tiêm tê đốt chân cuống này rồi cắt gọn bằng thòng lọng thì  ít chảy máu.

1.4 Các khoang họng kế cận Amydan và các mối liên hệ mạch máu, thần kinh vùng cổ:

Cần nhớ rằng cơ khít họng ở vòng ngòai của hố amydan là giới hạn của phẫu thuật, nếu vượt qua đó sẽ gặp tất cả những mối nguy hiểm lớn : do chạm thương vào các động mạch và tĩnh mạch lớn, vào các dây thần kinh cổ, vào các khoang liên kết đi ra quanh cổ…

2. Cắt amydan trẻ em bằng phương pháp Sluder.

Phương pháp Sluder mang tên một thầy thuốc TMH : ông Greenfield Sluder (1865-1928) gốc Anh, giáo sư đại học Saint Louis ở Bắc Mỹ, ông đã sáng tạo ra dụng cụ để cắt nhanh amydan cho trẻ em, đồng thời cả với phương pháp dễ sử dụng dụng cụ này. Về sau ông Charles Ballenger giáo sư TMH ở Đại học Chicago đã cải tiến thêm dụng cụ cho dễ sử dụng và do đó dụng cụ này được mang tên : dụng cụ Sluder – Ballenger.

2.1 Nguyên tắc – nội dung – chỉ định.

Nguyên tắc cơ bản của phương pháp  Sluder là dưới gây mê, sẽ đưa toàn bộ khối amydan cho chui qua một lỗ cửa sổ của dụng cụ, rồi có một lưỡi dao đè chặt cuống amydan, đồng thời phối hợp một ngón tay + dụng cụ để tách đứt khối amydan ra ngoài một cách nhanh chóng.

Điều kiện đòi hỏi của phương pháp: amydan tương đối to, có chân cuống, di động dễ dàng, dễ bóc tách không bị dính chắc vào hố amydan.

Do những điều kiện này nên phương pháp Sluder chủ yếu áp dụng cho bệnh nhân trẻ nhi và thiếu niên.

Đặc biệt ở một số trẻ nhi (quãng 6 – 8 tuổi), viêm amydan thường có kèm cả viên VA nên một số thầy thuốc có chỉ định cắt amydan và nạo VA cùng một lúc. Với kinh nghiệm thực tiễn hiện nay thì vấn đề này nên chỉ định dè dặt.

Phương pháp Sluder bắt buộc phẫu thuật viên phải sử dụng cả hai bàn tay phối hợp cùng một lúc và đòi hỏi cả tay trái cũng phải làm y hệt như tay phải, do đó kỹ thuật đòi hỏi phải qua một sự tập dượt khá công phu.

2.2 Chuẩn bị bệnh nhân.

Làm các xét nghiệm cơ bản, máu chảy, máu đông, công thức máu, đếm hồng cầu và tiểu cầu, tìm abumin niệu và glucose niệu, làm X quang tim phổi, khám toàn thân, kiểm tra gan, lách, tim, phổi, hệ thống hạch.

Nếu có nghi ngờ về khả năng chảy máu, cần làm thêm thời gian Quick (trên 80% là bình thường) hoặc tìm tỷ lệ prothrombin (trên 80% là bình thường), xác định nhóm máu. Nếu nghi ngờ có bệnh lao, cần chụp X quang phổi, làm BCG test.

Nếu trẻ có tiền sử dị ứng nặng đặc biệt là hen suyễn thì cần tiến hành một kiểm tra dị ứng học và trẻ cần được điều trị kháng histamin, giải mẫn cảm trước khi chỉ định phẫu thuật. Trong năm ngày liền trước hôm mổ : cho thuốc tăng cường đông máu (vitamin K, calcium, thrombin, adrenoxyl…). Tăng cường vệ sinh răng miệng và sát khuẩn mũi. Buổi tối trước ngày mổ, cho trẻ nhi uống si rô an thần nhẹ (sirô phenergan).

Buổi sáng hôm mổ cắt, trẻ phải hoàn toàn nhịn ăn và uống. Hiện nay chủ trương không dùng an thần và thuốc ngủ tiền phẫu vì sẽ làm kéo dài thời gian hồi sức hậu phẫu cho trẻ nhi.

2.3 Dụng cụ.

Một khay men to tiệt khuẩn, trong có :

  • Một banh miệng kiểu Doyen.
  • Một đè mưỡi khuỷu.
  • Hai kẹp Kocher dài 22cm đầu cong.
  • Một chén đựng nước oxy già và một số cục bông cầu.

Ngòai ra cần chuẩn bị thêm máy hút và mặt nạ ngửi oxy. Chú ý rằng: lưỡi cắt của dụng cụ Sluder – Ballenger có 3 cỡ to nhỏ khác nhau, cần chọn cho đúng cỡ với amydan cần cắt.

2.4 Vô cảm.

2.4 .1 Gây mê.

Cần phải gây mê cho những trẻ nhi, đặc biệt tuổi quãng 6 – 8 tuổi. Đứa trẻ được quấn tròn cả chân tay trong một chiếc khăn to và được một y tá bế giữ trên ghế, giống như khi nạo VA. Thầy thuốc đeo đèn Clar, đặt cái banh miệng vào hàm đứa trẻ và bắt đầu cho tiến hành gây mê. Sau đây là kiểu thông dụng gây mê nhanh theo cách làm của Sluder :

Gây mê nhanh bằng ethylchlorure với mặt nẹ Camus. Nếu không có mặt nạ có thể tạm thay bằng một miếng gạc gấp tám, to bằng bàn tay úp kín lên mũi và miệng đứa trẻ. Kỹ thuật viên gây mê đứng cạnh đứa trẻ, khuỷu tay trái kẹp giữ đầu đứa trẻ và bàn tay trái cầm mặt nạ hoặc miếng gạc úp kín vào mặt đứa trẻ, tay phải xì thuốc ethylclorure vào mặt nạ hoặc vào miếng gạc.

Mức độ gây mê vừa phải, không sâu lắm và làm trong thời gian ngắn, chỉ dùng trung bình 3 –5ml thuốc mê qua 5 – 6 lần xì thuốc, đến khi đứa trẻ bắt đầu ngáy đều, cổ mềm và bắt đầu mất phản xạ giác mạc thì có thể bỏ gây mê ra để phẫu thuật viên tiến hành cắt amydan. Đứa trẻ vẫn tiếp tục ngủ trong vòng hơn một phút nữa, đó là thời gian vừa đủ để thầy thuốc cắt hết cả hai amydan. Những năm gần đây đã sử dụng những thuốc mới : halothan, ethran thay cho ethylclorure.

Gây mê sâu : những năm gần đây, với sự ra đời của nhiều lọai thuốc mới, gây mê qua tĩnh mạch (ketamin, droperidol, thiopenthal…) một số thầy thuốc TMH chọn phương pháp gây mê sâu : trẻ nhi nằm trên bàn mổ theo tư thế Rose, đầu để dốc xuống thấp (để bệnh nhân không hít phải máu).

Phương pháp gây mê sâu có lợi là thầy thuốc không bị động về vấn đề thời gian, có thể cầm máu chu đáo dễ dàng, nhưng có bất tiện là mất nhiều thời gian hồi sức và phải huy động một tổ chức gây mê phức tạp hơn.

2.4.2 Gây tê tại chỗ

Đối với một số trẻ quãng 12 – 15 tuổi chịu hợp tác với phẫu thuật viên trong lúc mổ thì có thể áp dụng gây tê tại chỗ.

Không nên tiêm tê trực tiếp vào các cột màn hầu vì sợ làm sưng phồng thay đổi giải phẫu, mà nên bôi tê vùng lưỡi gà, thành sau họng, đáy lưỡi và quanh amydan bằng một dung dịch cocain 5%.

Nhưng cần thiết phải tiêm tê thật tốt chân cuống amydan bằng một mũi kim đâm qua trụ trước (điểm 1/3 dưới nối với 2/3 trên), đâm ngang tầm hàm rằng dưới, đâm sâu khoảng 1cm và bơm vào 2 – 3ml novocain 1% hoặc xylocain 1%. Khi thuốc vào đầy khoang amydan, thầy thuốc sẽ nhìn thấy khối amydan bị đẩy lồi lên. (Nếu tiêm novocain thì cần làm nghiệm pháp thử phản ứng ở da triước tiên).

2.5 Kỹ thuật cắt amydan bằng dụng cụ Sluder – Ballenger

Thầy thuốc sử dụng độc nhất dụng cụ Sluder – Ballenger nhưng phải biết sử dụng cả hai tay : cầm Sluder bằng tay phải khi cắt amydan bên phải, sau đó chuyển dụng cụ sang tay trái khi cắt amydan bên trái của bệnh nhân.

Kỹ thuật cắt nhanh và gọn được thực hiện qua bốn giai đọan hay bốn thì. Để tiện cho việc dẫn giải trên hình vẽ, chúng tôi mô tả phẫu thuật viên cầm dụng cụ ở tay phải để cắt amydan bên phải bệnh nhân.

Thì 1: Động tác múc bê amydan lên và quay ngang Sluder :

Sử dụng Sluder như một cái đè lưỡi, thầy thuốc ấn đè lưỡi thấp xuống và chú ý để lỗ cửa sổ của Sluder ở đúng ngay phía dưới của cực trái dưới amydan.

Rồi với động tác bê lên, cho cực đó lọt hẳn vào trong cửa sổ.

Khi cực đó đã lọt vào cửa sổ thì thầy thuốc làm động tác quay ngang Sluder làm cho mặt cửa sổ ở một bình diện ngang mặt với thầy thuốc lúc đó, cán Sluder đã xoay ngang tì mạnh vào mép trái đứa trẻ. Cửa sổ Sluder vẫn ngậm một nửa dưới amydan, nó đẩy amydan về phía trước và đẩy phồng trụ trước lên.

Thì 2: Động tác ần amydan cho chui toàn bộ vào lỗ cửa sổ.

Thầy thuốc dùng ngón tay trỏ của tay trái miết lên trụ trước của amydan và đẩy amydan cho chui lọt tòan bộ qua lỗ cửa sổ cho tới khi đầu ngón tay cảm nhận thấy rõ vòng cung cửa sổ : đó là dấu hiệu chỉ rõ amydan đã chui lọt hoàn toàn.

Ngay khi đó, tay phải thầy thuốc bóp chặt Sluder lại để làm cho lưỡi dao (không sắc) sập xuống đóng chặt cửa sổ và nghiến chặt lấy cuống amydan. Sau động tác này, tòan bộ amydan đã nằm ở mặt sau của lưỡi Sluder, còn ở mặt trước là trụ trước cùng với trụ sau. Thầy thuốc có thể nghiêng chéo lưỡi Sluder để nhìn kiểm tra.

Thì 3: Bóc tách và làm đứt amydan

Tay phải vẫn bóp chặt cán Sluder (không để amydan tuột ra khỏi cửa sổ) còn tay trái luồn ngón trỏ gập cong lại để miết quanh vòng cửa sổ từ trên xuống dưới rãnh lưỡi – amydan. Đồng thời khi đó tay phải đưa cửa sổ xoay ngược chiều với động tác miết của ngón tay trái, tức là đưa cửa sổ xoay từ dưới lên trên.

Động tác miết của ngón tay kết hợp đồng thời với động tác xoay ngược chiều của cửa sổ, sẽ làm amydan bị bóc đứt rời cùng một lúc khỏi trụ trước và trụ sau, nó bị dính vào lưỡi Sluder và đưa ra khỏi miệng đứa trẻ. Tránh mọi động tác lôi rứt đơn thuần vì như vậy sẽ làm rách nát amydan và gây chảy máu. Cắt xong amydan phải, thầy thuốc lập tức chuyển dụng cụ sang tay trái để cắt amydan trái của đứa trẻ : sẽ nhắc lại với tay trái đầy đủ ba thì của phẫu thuật vừa mô tả ở trên.

Thì 4: Cầm máu

Khi cắt xong hai amydan, người y tá phụ mổ nhanh nhẹn cúi gập đầu đứa trẻ ra phía trước để máu thóat ra ngòai miệng, tránh không để đứa trẻ hít thở phải máu. Rồi thầy thuốc cả tay phải và tay trái dùng hai kẹp Kocher cặp sẵn bông cầu có tẩm  nước oxy đem ép chặt vào hai hố amydan, hai kẹp đặt chéo nhau hình chữ X trong miệng đứa trẻ, đầu nó vẫn cúi gập về phía trước, vào trong một khay quả đậu hứng máu. Độ 2 – 3 phút thì bỏ bông cầu ra. Thầy thuốc kiểm tra lại hố mổ : nếu còn sót amydan thì phải cắt lại, nếu có điểm rỉ máu thì lại dùng quả bông cầu ép chặt thêm lần nữa.

Chú thích: cắt amydan bằng dụng cụ Sluder – Ballenger được làm nhanh gọn trong khoảng 1 phút đồng hồ, thầy thuốc lần lượt đổi tay hai bên phải và trái. Kinh nghiệm thực tiễn, thầy thuốc nên bắt đầu làm trước bằng tay tương đối kém (thường là tay trái) và để dành cho tay thuận làm về sau, vì khi cắt đến amydan thứ hai thì họng đứa trẻ thường đã bị máu nhày nhụa khó nhìn và đứa trẻ có thể đã bắt đầu tỉnh dậy, cựa quậy, khó làm.

3. Cắt amydan người lớn bằng phương pháp bóc tách và thòng lọng (Anse).

Ngoài những điểm về chỉ định chung của cắt amydan, phương pháp cắt amydan bằng bóc tách và thòng lọng còn có ưu thế là giải quyết được một số thể lâm sàng của amydan, mà phương pháp Sluder không giải quyết được.

Ví dụ :

  • Những amydan viêm mạn tính, lâu ngày có nhiều tổ chức xơ dính vào quanh hố amydan.
  • Những amydan viêm mạn tính thể teo xơ.
  • Những amydan mạn tính thể ẩn.

Vì vậy phương pháp cắt amydan bằng bóc tách và thòng lọng được chủ yếu chỉ định áp dụng cho người lớn.

3.1 Chuẩn bị bệnh nhân.

Ngoài những nguyên tắc chung chuẩn bị bệnh nhân như đã nêu trong phẫu thuật cắt amydan trẻ em, đặc biệt ở người lớn cần kiểm tra chu đáo : huyết áp, các chức năng gan và thận (urê huyết, đường huyết), nhóm máu…

Ngoài ra cần chú ý tới những tiền sử chảy máu, chấn thương, mổ xẻ có từ trước. Nên nhớ rằng so với trẻ em, cắt amydan ở người lớn thường lâu hơn, khó làm hơn, chảy máu nhiều hơn, hậu phẫu dài hơn và các biến cố hậu phẫu cũng dài hơn và nặng hơn.

Chế độ chăm sóc điều trị tiền phẫu cơ bản giống như ở phẫu thuật Sluder. Buổi sáng hôm mổ, bệnh nhân không ăn uống gì. Đặc biệt 30 – 40 phút trước giờ mổ, bệnh nhân cần được tiêm tiền phẫu một hỗn hợp atropin – morphin hoặc tốt hơn nữa là atropin – dolagan, hoặc một số hỗn hợp tương đương (atropin, sedusen, aminazin).

3.2 Chuẩn bị dụng cụ:

  • Dụng cụ tối thiểu gồm :
  • Một đè lưỡi khuỷu.
  • Một kẹp amydan có răng móng (kiểu Bourgeois, Port –  mann).
  • Một bóc tách amydan (kiểu Carpentier có hai đầu: đầu khuỷu và đầu cong hình thìa).
  • Một dao mổ đầu dài.
  • Một kéo dài đầu cong (kéo Sim).
  • Một thìa nạo cỡ to (kiểu Volkmann hoặc Tapia).
  • Hai thòng lọng (kiểu Vacher hoặc Bruning).
  • Hai kẹp Kocher dài 22cm đầu cong, kẹp Kocher cầm máu.
  • Bông cầu, gạc, nước oxy già 12 thể tích.
  • Chỉ buộc.

3.3 Vô cảm: 

Có thể hoặc gây mê hoặc gây tê.

Gây mê: áp dụng ở một số trường hợp đặc biệt như bệnh nhân quá nhút nhát, sẽ gây mê bằng thở vòng kín, có đặt ống nội khí quản qua mũi và cần tránh không cho máu rơi vào phổi. Những năm gần đây, có xu hướng sử dụng gây mê tĩnh mạch nhiều hơn, đơn giản và tiện lợi hơn. Bệnh nhân phải nằm theo tư thế Rose, đầu để dốc xuống thấp, thầy thuốc ngồi phía đầu bệnh nhân để mổ.

Gây tê: thông thường trong cắt amydan người lớn là áp dụng gây tê. Sau khi gây tê tiếp xúc vùng họng và đáy lưỡi bằng bôi hoặc bơm một dung dịch cocain 6% sẽ chính thức gây tê bằng dung dịch novocain 1% hoặc xylocain 1% có pha thêm adrenalin có tác dụng làm bớt chảy máu (4 giọt adrenalin 1% pha vào 100ml thuốc tiêm tê). Nếu dùng novocain thì cần làm test da bì cho bệnh nhân trước khi đưa vào phòng mổ (tránh tai biến choáng phản vệ do novocain). Sử dụng khoảng 6 – 8ml dung dịch tiêm tê cho mỗi bên amydan là vừa đủ. Dùng bơm tiêm 10ml với kim dài 8cm có đầu nhọn vạt thật ngắn.

Thực hiện tiêm tê bằng 3 mũi chính cho mỗi bên amydan :

  • Tiêm tê các trụ bằng 2 mũi tiêm : một mũi trước tiên vào trụ sau và một mũi nữa cho trụ trước ở phần giữa của trụ, dùng khoảng 3 – 4 ml. Đầu kim chỉ ngập 3 – 4 mm là đủ.
  • Tiêm tê chân cuống amydan và khoang bóc tách quanh amydan: Điều rất cần thiết là kim giữ hướng thật song song với cung răng dưới, đâm xuyên qua trụ trước (ở điểm 1/3 dưới nối với 2/3 trên) sẽ đi sâu 1,5 cm và chếch 45° ra phía ngoài (để kim đi vào khoảng bóc tách quanh amydan). Thử hút bơm tiêm không có máu, rồi tiêm vào 3 ml thuốc tê.

Cũng có thể tiêm trực tiếp vào khoang quanh amydan bằng cách lách kim giữa trụ trước vào khối amydan ở gần cực dưới, kim chéo 45° đi ra sau và ra ngoài, đi sâu 1,5 cm rồi bơm thuốc tê.

Kết quả tiêm tê sẽ thấy niêm mạc quanh amydan căng phồng và trắng bệch ra, đồng thời khối amydan bị đẩy dồn vào phía trong. Gây tê xong hai amydan, thầy thuốc để ngả ghế cho bệnh nhân nằm nghỉ 5 – 6 phút, sau đó mới bắt đầu phẫu thuật cắt.

Một số thầy thuốc có áp dụng châm tê làm giảm đau để cắt amydan.

3.4. Kỹ thuật.

Bệnh nhân ngồi trên ghế mổ, có tựa lưng và tựa đầu (ghế này có thể chuyển thành nằm khi cần), đầu chùm một khăn mổ có lỗ khóet to vừa đủ để lộ mũi miệng, hai tay buộc vào thành ghế, trước ngực trải một tấm khăn, trên đặt một khay nhỏ để hứng bẩn.

Thầy thuốc đeo đèn Clar, ngồi trước mặt bệnh nhân, bàn dụng cụ để bên phải, phụ mổ đứng bên trái.

Kỹ thuật gồm 4 thì, với 4 động tác chính, mỗi động tác chính được chia ra vài động tác phụ.

Thì1: Cặp giữ chặt amydan và rạch mở niêm mạc trụ trước.

Thầy thuốc một tay cầm đè lưỡi ấn thấp lưỡi một bên để lộ rõ toàn bộ amydan (cả cực dưới của nó), một tay cầm kẹp amydan có răng kẹp chặt amydan từ cực trên tới cực dưới, rồi kéo nhẹ amydan ra phía giữa của eo họng làm căng niêm mạc trụ trước và lộ ra bờ rãnh của nó trên khối amydan.

Tiếp đó thầy thuốc cầm cái bóc tách amydan, dùng đầu khuỷu để ngửa, chọc thủng niêm mạc của rãnh giữa amydan và trụ trước để tạo ra một lỗ mở khuyết. Cũng có thể dùng dao đầu nhọn để rạch mở lỗ khuyết này .

Thì 2: Bóc tách, giải phóng khối amydan

Bóc tách amydan khỏi thành ngoài: dùng cái lưng cong hình thìa của bóc tách đi len vào giữa thành ngoài và khối amydan, đi từ trên xuống dưới trong khi tay trái thầy thuốc vẫn kéo căng amydan vào phía giữa eo họng.

Bộc lộ cuống amydan: thầy thuốc bỏ cái bóc tách và thay bằng một thìa nạo cỡ to (của Volkmann hoặc Tapia) tiếp tục bóc tách thành ngoài và đặc biệt những chỗ còn dính đi từ đỉnh amydan đến chỗ thật thấp tức là cuống amydan. Khi thìa nạo đã đến cuống amydan, thầy thuốc chuyển dịch thìa nạo về phía trước cuống và phía sau cuống để giải phóng thêm trụ trước và trụ sau đến tận cực dưới của amydan.

Động tác bộc lộ cuống amydan hay gây chảy máu. Lúc này thầy thuốc tạm bỏ cái kẹp Bourgeois, cho bệnh nhân nghỉ 1 – 2 phút cho máu cầm lại, trước khi chuyển sang thì ba.

Một số phẫu thuật viên không dùng cái bóc tách Carpentier mà sử dụng đầu mũi kéo Sims để bóc tách amydan Dùng kéo để bóc tách dễ bị chệch ra ngoài bình diện bóc tách, tuy nhiên cũng phải cần đến kéo trong trường hợp có những xơ dính không thể làm đứt được (ví dụ ở bệnh nhân tiền sử đã có nhiều lần viêm tấy và áp xe quanh amydan).

Thì 3: Cắt đứt cuống amydan.

Thầy thuốc một tay cầm kẹp Bourgeois kéo căng amydan để lộ rõ chân cuống của nó, một tay cầm thòng lọng luồn qua kẹp Bourgeois đi lên phía chân cuống. Khi thòng lọng đã tới chân cuống thì thầy thuốc thắt chặt dây thòng lọng lại. Tiếp đó một tay giữ kẹp amydan cùng cái thòng lọng, một tay từ từ vặn dây thòng lọng cho tới khi khối amydan đứt rời ra. Rút toàn thể cả thòng lọng, kẹp Bourgeois lẫn amydan ra khỏi miệng bệnh nhân.

Thì 4: Cầm máu.

Dùng kẹp Bocher kẹp bông cầu có thấm nước oxy già, ấn chặt vào hố amydan trong 2 – 3 phút. Sau đó bỏ bông cầu, nếu có chảy máu thành tia do động mạch thì phải kẹp lại bằng kẹp Kocher và buộc chỉ lại.

Dùng cái vén trụ nhìn kiểm tra cuối cùng tòan hố mổ xem có điểm nào còn rỉ máu hoặc có sót lại phần nào của amydan, đặc biệt ở cực dưới, nếu còn sót thì phải cặp lại, bóc tách rồi dùng thòng lọng cắt nốt.

Tiếp đó cắt amydan thứ hai, cũng theo kỹ thuật đã mô tả.

4. Hậu phẫu ở bệnh nhân cắt amydan (người lớn và trẻ em).

Bệnh nhân về giường phải để nằm nghiêng một bên, ngay dưới miệng sẽ đặt một khay quả đậu để hứng bọt, dãi… căn dặn bệnh nhân không được nuốt bất cứ cái gì chảy ra và để hé miệng cho nước trong miệng tự do chảy vào khay. Trong tư thế này, thầy thuốc có thể theo dõi dễ dàng tình trạng chảy máu bằng cách nhìn vào khay.

Mỗi giờ lấy mạch một lần, trong 3 giờ đầu sau mổ. Đặc biệt đối với trẻ em cần theo dõi sát : nếu sau mỗi giờ mạch tăng nhịp và yếu đi là sợ có chảy máu vì trẻ có thể nuốt vào dạ dày và sau đó sẽ nôn ra. Không nên đợi trẻ nôn ra máu tươi mới phát hiện chảy máu. Cần soi đèn nhìn kiểm tra chỗ mổ, nếu cần phải đưa vào phòng mổ để cầm máu.

Bệnh nhân sẽ sốt nhẹ và đau chỗ mổ trong một, hai ngày đầu : cho thuốc chống đau hạ sốt (tránh dùng aspirin có tác dụng xấu cho chức năng đông máu). Trong ngày đầu, bệnh nhân có thể đau bụng, nôn ít máu đen hoặc đi ngoài phân xấu do nuốt phải ít máu nên không quản ngại.

Chế độ ăn uống: 3 giờ sau khi cắt, bắt đầu cho bệnh nhân uống sữa lạnh hoặc nước đường lạnh có đá. Ba ngày đầu chỉ được ăn thức ăn lỏng, sữa, nước cháo, nước súp. Những ngày sau ăn chất mềm : cháo, bột, khoai tán nhuyễn, bún mỳ nấu. Ngày thứ tám ăn cơm nát. Ngày thứ mười có thể ăn cơm thường. Nhớ tăng cường xúc họng sau khi ăn.

Tiến triển chỗ mổ: 48 tiếng sau mổ, hố mổ sẽ có giả mạc trắng phủ lên và hơi thở có mùi hôi, sẽ tự hết sau 10 ngày. Hàng ngày cần tăng cường vệ sinh răng miệng.

Ngày thứ bảy giả mạc bắt đầu rụng : nếu rụng quá nhanh và mạnh (ví dụ do nhai mạnh và nhai đồ rắn cứng) sẽ có thể chảy máu. Do đó cần chú ý chế độ ăn uống cho đúng.

Sau 15 ngày hố mổ sẽ lành hẳn.

5. Những tai biến trong phẫu thuật cắt amydan.

Cắt amydan tuy được coi là trung phẫu nhưng cũng có những tai biến nghiêm trọng mà một số có thể dẫn tới tử vong.

Có 3 loại chính:

  • Tai nạn choáng, ngất do gây mê.
  • Biến cố nhiễm khuẩn.
  • Biến cố chảy máu.

5.1. Ngất do gây mê (gặp ở trẻ nhỏ).

  • Ngất tím: đứa trẻ ngừng thở, da mặt bầm tím, mắt mở to và đỏ ngầu, đồng tử giãn, đặc biệt hai môi bầm tím lại. Phải nhanh chóng bỏ gây mê ra, đặt trẻ nằm đầu thấp kéo lưỡi và làm hô hấp nhân tạo. Nguyên nhân thường do banh miệng quá căng đẩy lưỡi tụt sâu xuống họng gây nghẹt thở hoặc do co thắt thanh quản.
  • Ngất trắng (ít gặp): vừa mới ngửi thuốc mê, đứa trẻ đã ngừng tim, da mặt trắng bệch. Ngất do ngừng tim nguyên phát thường không cứu chữa được.

Để đề phòng tai nạn gây mê cần:

  • Không cho ngửi thuốc mê quá mạnh ngay lúc khởi đầu.
  • Không để trẻ quá sợ hãi, la hét trong một trạng thái quá căng thẳng, dễ co thắt.
  • Không gây mê những trẻ nhi quá nhỏ và quá yếu.

5.2. Biến cố nhiễm khuẩn.

Thường là do tiến hành phẫu thuật trong giai đọan amydan đang viêm cấp chưa ổn định, trong tình trạng bệnh nhân suy yếu và kỹ thuật chưa chính xác gây nhiều thương tổn cho vùng mổ. Từ ngày phổ biến kháng sinh, các biến cố nhiễm khuẩn có ít đi cả về tần số và mức độ nguy hiểm. Các biến cố có thể là :

  • Viêm hố mổ : các trụ và màn hầu tấy đỏ và phù nề mạnh, nhiều giả mạc dầy và mầu xám lan rộng cả buồm hàm, sưng đau các hạch cổ, bệnh nhân sốt cao.
  • Viêm tai giữa cấp tính, có thể xảy ra khi cắt amydan trẻ nhi có thêm nạo VA : trẻ sốt cao và kêu đau tai.
  • Phế quản phế viêm có thể xảy ra ở trẻ em do hít thở phải máu và chất bẩn trong khi gây mê và cắt amydan.
  • Nhiễm khuẩn huyết do viêm tắc mạch cảnh : có sốt cao và rét run, vùng cổ sưng tấy, nhiệt độ dao động, toàn trạng suy sụp, bộ mặt nhiễm khuẩn, cấy máu có vi khuẩn. Khả năng tử vong nếu không được giải quyết sớm.

5.3. Biến cố chảy máu.

Tuy cắt amydan chỉ là một trung phẫu nhưng những biến cố chảy máu vẫn luôn luôn là một lo âu đối với ngưồi thầy thuốc Tai mũi họng vì đã có một số trường hợp xảy ra tử vong đán tiếc. Sở dĩ cắt amydan có thể gây ra chảy máu vì khác với các phẫu thuật ở bụng, ở chi, thông thường chúng ta không thắt mạch cũng không khâu vết mổ lại.

Nguồn: Bệnh viện 103

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Video có thể bạn quan tâm
Yên tâm cho con trai 3 tuổi cắt amidan Plasma Plus tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc Yên tâm cho con trai 3 tuổi cắt amidan Plasma Plus tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc 13:59
Yên tâm cho con trai 3 tuổi cắt amidan Plasma Plus tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc
 Trẻ nhỏ viêm amidan, viêm VA cần xử lý thế nào?
 3 năm trước
 574 Lượt xem
Cắt amidan tại Thu Cúc: An tâm ngay cả khi có tiền sử bệnh nền Cắt amidan tại Thu Cúc: An tâm ngay cả khi có tiền sử bệnh nền 10:14
Cắt amidan tại Thu Cúc: An tâm ngay cả khi có tiền sử bệnh nền
Cắt amidan tại bệnh viện Thu Cúc được áp dụng công nghệ dao plasma plus hiện đại giúp giảm thiểu đau, chảy máu. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân...
 3 năm trước
 677 Lượt xem
TÌM HIỂU PHƯƠNG PHÁP VÁ NHĨ NỘI SOI BẰNG SỤN TỰ THÂN TÌM HIỂU PHƯƠNG PHÁP VÁ NHĨ NỘI SOI BẰNG SỤN TỰ THÂN 13:25
TÌM HIỂU PHƯƠNG PHÁP VÁ NHĨ NỘI SOI BẰNG SỤN TỰ THÂN
Vá nhĩ nội soi là gì?
 2 năm trước
 609 Lượt xem
"3 TIẾNG SAU CẮT AMIDAN, CON ĐÃ NÓI CHUYỆN, ĂN UỐNG ĐƯỢC BÌNH THƯỜNG" "3 TIẾNG SAU CẮT AMIDAN, CON ĐÃ NÓI CHUYỆN, ĂN UỐNG ĐƯỢC BÌNH THƯỜNG" 01:25
"3 TIẾNG SAU CẮT AMIDAN, CON ĐÃ NÓI CHUYỆN, ĂN UỐNG ĐƯỢC BÌNH THƯỜNG"
Bé Hải Đăng (3 tuổi rưỡi) được chẩn đoán viêm Amidan và viêm VA, với các triệu chứng nặng: ho, sốt co giật, khó thở thậm chí ngừng thở khi ngủ. Vì...
 3 năm trước
 1076 Lượt xem
“BẬT MÍ” CÁCH PHÒNG BỆNH VIÊM TAI GIỮA Ở TRẺ NHỎ KHI THỜI TIẾT GIAO MÙA “BẬT MÍ” CÁCH PHÒNG BỆNH VIÊM TAI GIỮA Ở TRẺ NHỎ KHI THỜI TIẾT GIAO MÙA 03:14
“BẬT MÍ” CÁCH PHÒNG BỆNH VIÊM TAI GIỮA Ở TRẺ NHỎ KHI THỜI TIẾT GIAO MÙA
 Viêm tai giữa là bệnh viêm cấp tính ở lớp niêm mạc lót trong tai giữa, thường xuất phát sau viêm mũi họng. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi...
 3 năm trước
 477 Lượt xem

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây