1

GS.TS Ngô Quý Châu: Tế bào gốc – hướng điều trị đầy triển vọng cho bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính - Bệnh viện Bạch Mai

Các bệnh lý về phổi, trong đó có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) rất thường gặp trong cộng đồng và có chiều hướng ngày càng gia tăng ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Hiện nay, ngoài phương pháp điều trị truyền thống thì bước đầu đã có các nghiên cứu điều trị tế bào gốc cho bệnh nhân COPD. Đây được coi là hướng đi mới với nhiều triển vọng.

Phóng viên Báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với GS.TS Ngô Quý Châu – Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Hô hấp của BV xung quanh vấn đề này.

GS.TS Ngô Quý Châu cho biết: “Theo báo cáo tổng quan ngành Y tế Việt Nam 2014, COPD là một trong 4 nguyên nhân cao nhất gây ra gánh nặng bệnh tật trong nhóm bệnh không lây nhiễm năm 2010.

Tại Việt Nam hiện nay, do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào ở nước ta vẫn ở mức cao, ô nhiễm môi trường ngày càng nhiều, đặc biệt là tại các đô thị và thành phố lớn, do đó tình trạng mắc COPD ngày càng có chiều hướng gia tăng.

Tại BV Bạch Mai, số bệnh nhân mắc COPD phải nhập viện và điều trị tại Trung tâm Hô hấp vì đợt cấp đứng hàng đầu trong các bệnh lý về phổi. Các bệnh nhân mắc COPD điều trị tại Trung tâm Hô hấp phần lớn là các ca bệnh nặng, phải nằm điều trị lâu dài. Hiện nay, trung bình một ngày, Trung tâm Hô hấp đón tiếp khoảng 30-40 lượt bệnh nhân COPD khám bệnh và tiếp nhận khoảng 5-10 bệnh nhân nhập viện vì đợt cấp COPD”.

PV: Giáo sư có thể cho biết, những đối tượng nào có nguy cơ cao mắc COPD và dấu hiệu nhận biết sớm căn bệnh này là gì?

GS.TS Ngô Quý Châu: Đối với COPD, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh là:

  • Các đối tượng có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào
  • Hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói bụi là những đối tượng có nguy cơ cao mắc COPD.
  • Bên cạnh đó, tuổi càng cao (>40 tuổi), chức năng phổi càng suy giảm cũng là một trong các yếu tố nguy cơ gây COPD.

Các dấu hiệu giúp người dân có thể dễ dàng nhận biết sớm mình có mắc bệnh COPD hay không bao gồm các biểu hiện như:

  • Ho và khạc đờm. Tuy nhiên triệu chứng này rất dễ bỏ sót do bệnh nhân chủ quan coi đó là triệu chứng bình thường của người hút thuốc lá.
  • Giai đoạn muộn: Khi bệnh nhân có khó thở, thở khò khè, nặng dần theo thời gian, tức nặng ngực, có biểu hiện ho, khạc đờm nhiều đặc biệt vào buổi sáng.

PV: Ngoài hút thuốc lá vốn được coi là thủ phạm chính dẫn đến COPD thì những người thường xuyên tiếp xúc trong môi trường khói bụi cũng là đối tượng có nguy cơ cao mắc COPD. Vậy trong bối cảnh ô nhiễm môi trường như hiện nay liệu có làm trầm trọng thêm căn bệnh này không, thưa ông?

GS.TS Ngô Quý Châu: Mức độ ô nhiễm không khí của Việt Nam hiện nay, đặc biệt là ở các đô thị, các thành phố lớn cần được quan tâm hơn nữa nhằm làm giảm mức độ ảnh hưởng của các điều kiện môi trường đối với bệnh nhân COPD.

Nghiên cứu trên thế giới cho thấy, ô nhiễm môi trường là yếu tố nguy cơ gây COPD và gây đợt cấp COPD khiến bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Do vậy, ô nhiễm không khí chính là mối nguy làm gia tăng số lượng người dân mắc COPD cũng như làm tăng mức độ trầm trọng của căn bệnh này.

PV: Việc điều trị bệnh COPD hiện nay bao gồm những phương pháp nào, thưa Giáo sư? Người bệnh COPD có thể điều trị tại nhà được không và cần chú ý điều gì?

GS.TS Ngô Quý Châu: COPD là bệnh mạn tính, các phương pháp trên thế giới hiện nay chưa chữa khỏi được hoàn toàn nhưng người bệnh COPD hoàn toàn có một cuộc sống gần như người bình thường nếu tuân thủ tốt điều trị.

Việc phát hiện và điều trị bệnh sớm là vô cùng cần thiết. Bệnh nhân mắc COPD thường được điều trị bằng thuốc LABA, LAMA, ICS… kết hợp các bài tập ho khạc đờm, tập thở cũng là các biện pháp tốt và đơn giản giúp phục hồi chức năng cho bệnh nhân COPD. Tại Trung tâm Hô hấp, khi điều trị cho bệnh nhân mắc COPD, các y bác sĩ đều tư vấn cho người bệnh bỏ thuốc lá. Bỏ thuốc lá là phương pháp giúp tình trạng bệnh không bị nặng thêm.

Các bệnh nhân mắc COPD hoàn toàn có thể điều trị được tại nhà, tuy nhiên các bệnh nhân này cần chú ý tuân thủ việc sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của y bác sĩ và tuân thủ lịch tái khám. Những bệnh nhân có đợt cấp không đáp ứng với việc điều trị tại nhà, hoặc có biểu hiện suy hô hấp nặng, cần phải đến cơ sở y tế để khám cấp cứu ngay.

Để không chế những đợt cấp cho bệnh nhân COPD, cách điều trị chung là điều trị triệt để căn nguyên gây đợt cấp, tối ưu hoá thuốc giãn phế quản, dùng corticoid đường phun hít.

Phòng ngừa đợt cấp đóng vai trò rất quan trọng bằng cách:

  • Giữ ấm
  • Tránh khói bụi, thời tiết lạnh ẩm
  • Tiêm vắc xin phòng cúm và phế cầu
  • Cai thuốc lá
  • Điều trị tốt giai đoạn ổn định sẽ giúp phòng ngừa cơn cấp.
  • Thay đổi lối sống tích cực đúng là một trong những cách giảm bớt triệu chứng của các bệnh nói chung và của COPD nói riêng.

PV: Được biết, hiện nay, liệu pháp tế bào gốc đã được các nhà khoa học nghiên cứu sử dụng để điều trị COPD. Giáo sư có thể nói rõ hơn về phương pháp này và triển vọng điều trị tại Việt Nam ra sao?

GS.TS Ngô Quý Châu: Liệu pháp tế bào gốc là một trong những phương pháp điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mới giúp làm giảm triệu chứng và ngăn chặn quá trình tiến triển của bệnh. Ưu điểm của phương pháp này so với phương pháp điều trị truyền thống chính là tác động vào cơ chế bệnh sinh bằng phương pháp sinh học giúp trì hoãn hay đẩy lùi những tổn thương mới. Do đó, cuộc sống của các bệnh nhân COPD được cải thiện.

Tại BV Bạch Mai sắp tới sẽ triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tự thân từ mô mỡ và tủy xương trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính” đã được Bộ Khoa học Công nghệ phê duyệt. Chúng tôi hi vọng đây sẽ là hướng điều trị triển vọng cho các bệnh nhân COPD.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, thay đổi lối sống có thể giảm bớt các triệu chứng của COPD. Vậy ông có khuyến cáo gì cho người dân giúp phòng ngừa và hạn chế các tác hại của COPD?

GS.TS Ngô Quý Châu: Thay đổi lối sống tích cực đúng là một trong những cách giảm bớt triệu chứng của các bệnh nói chung và của COPD nói riêng. Cụ thể, để phòng ngừa và hạn chế các tác hại của COPD.

Không chỉ COPD, mà các bệnh khác cũng vậy, việc khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/1 lần và tập thể dục với cường độ vừa phải và đều đặn là biện pháp tốt để phòng ngừa bệnh tật cũng như nâng cao sức khỏe cho chính chúng ta.

PV: Xin trân trọng cảm ơn GS.TS. Ngô Quý Châu!

Nguồn tham khảo: Bệnh viện Bạch Mai

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Video có thể bạn quan tâm
Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào? Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào? 01:57
Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào?
 Hàng năm có khoảng 450 triệu người trên thế giới bị viêm phổi, đây là căn bệnh gây tử vong ở mọi nhóm tuổi với số ca lên đến 4 triệu người,...
 3 năm trước
 668 Lượt xem
Tin liên quan
Viêm phổi ở trẻ em
Viêm phổi ở trẻ em

Viêm phổi có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng thường xuất hiện vào mùa đông và mùa xuân, thường là sau khi bị nhiễm trùng hô hấp trên hoặc cảm lạnh. Nếu bạn cho rằng con của bạn có thể bị viêm phổi, hãy cho bé đi khám bác sĩ ngay.

Các Yếu Tố Giúp Phân Biệt Viêm Phổi Và Viêm Phế Quản?
Các Yếu Tố Giúp Phân Biệt Viêm Phổi Và Viêm Phế Quản?

Triệu chứng của các bệnh về đường hô hấp thường có tính tương đồng, điều này gây khó khăn và trở ngại trong quá trình chẩn đoán và điều trị.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây