1

Giảm thính lực - bệnh viện 103

Ngày nay cùng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ như vật lý học, âm thanh học, quang học đặc biệt là tin học đã giúp cho người thầy thuốc hiểu biết một cách thấu đáo về đường dẫn truyền thính giác, giúp cho công tác chẩn đoán và điều trị bệnh một cách hữu hiệu. Người bệnh đến khám muốn hiểu biết rõ về bệnh của mình, mức độ nghe kém và nguyên nhân gây nghe kém. Điều trước hết là thầy thuốc phải hiểu biết về thính lực, phương pháp đo thính lực.

Có hai phương pháp đo sức nghe là đo thính lực chủ quan và đo thính lực khách quan.

1. Đại cương về thính giác.

Thính giác của người bình thường không hoàn toàn giống nhau. Chỉ số bình quân đo sức nghe ở những thanh niên không bị bệnh tai mũi họng là chuẩn mực cho ngươì bình thường. Vùng nghe được của tai người ở dải 16 – 20.000 Hz (Hertz) và mỗi tần số có ngưỡng nghe tối thiểu và tối đa. Trên biểu đồ (Hình 1) ta có vùng nghe (thính trường) của ngươì bình thường. So sánh với thính giác của một số loài vật thì thính giác người còn thua kém. Ví dụ dơi, chuột, mèo nghe được tần số 60.000 Hz, có loài dơi nghe được 100.000 Hz.

Tiếng nói con người nằm trong vùng nhạy cảm nhất của trường nghe, khoảng tần số 250 – 4.000 Hz, thông thường ở vùng tần số 1000 – 2000 Hz. Về cường độ, tiếng nói thông thường nằm trong khoảng 30 – 70 dB, (nói nhỏ: 30 – 35 dB, nói vừa 55 dB, nói to 70 dB).

Vì vậy những sự giảm sút thính giác trong vùng tiếng nói được nhiều người chú ý và biết đến, người ta ít quan tâm hơn đến sự giảm sút thính giác ở các vùng khác. Các máy đo sức nghe thông thường chỉ đo các tần số 125 – 8000 Hz.

Về cường độ, sự giảm sút sức nghe 30 dB mới được chú ý. Vì vậy nhiều người bị giảm sút 25 dB không hề cảm thấy khó khăn gì trong đời sống, một lúc nào đó bị “cảm, cúm” sức nghe giảm thêm 5 dB, bỗng nhiên mới biết mình nghe kém. Nếu có người hoàn toàn không nghe được tần số 8000Hz trở lên thì điều đó không ảnh hưởng gì lớn trong cuộc sống.

Bộ máy thính giác bao gồm:

  • Tai ngoài: vành tai làm nhiệm vụ thu nhận và hướng dẫn âm thanh.
  • Tai giữa: hòm nhĩ các xương con và các phần phụ thuộc làm nhiệm vụ truyền dẫn âm thanh và biến đổi năng lượng âm để bù trừ vào chỗ hao hụt ở phần sau.
  • Tai trong: cơ quan corti với các tế bào giác quan và dây thần kinh thính giác làm nhiệm vụ tiếp nhận âm thanh và truyền lên não qua 5 chặng neuron. Mỗi kích thích âm thanh nghe được từ 1 tai được truyền lên cả 2 bán cầu đại não.

Ở tai trong, âm thanh được truyền từ môi trường không khí, qua môi trường nước (nội, ngoại dịch) đã mất đi 99,9% năng lượng, chỉ có 1% năng lương được truyền đi, tính ra cường độ giảm mất 30 dB. Nhưng do hệ màng nhĩ – chuỗi xương con ở tai giữa đã tác động như một máy biến thế nên đã bù trừ vào chỗ mất mát đó. Kết quả người ta vẫn nghe được đúng với cường độ thực ở bên ngoài.

Tai giữa làm nhiệm vụ dẫn truyền âm thanh, bệnh tật ở bộ phận này gây ra điếc dẫn truyền, sự giảm sút thính giác không bao giờ quá 60 dB. Nhiều loại điếc này có thể chữa khỏi, kể cả bằng phương pháp phẫu thuật.

Tai trong là bộ phận giác quan – thần kinh, thương tổn bệnh tật ở bộ phận này có thể gây ra điếc nặng, thậm chí có thể điếc đặc, điếc hoàn toàn. Điếc tai trong là điếc tiếp nhận.

Trong thực tế nhiều trường hợp có cả thương tổn ở tai giữa và tai trong, sẽ gây ra điếc hỗn hợp nghĩa là vừa có tính chất dẫn truyền vừa có tính chất tiếp nhận. Tuỳ theo mức độ thiên về phía nào mà là điếc hỗn hợp thiên về dẫn truyền hoặc thiên về tiếp nhận.

2. Đo sức nghe chủ quan (Subjectiv audiometrie).

Bao gồm đo sức nghe bằng tiếng nói, đo sức nghe bằng âm thoa và đo bằng máy đo sức nghe.

2.1. Dùng tiếng nói.

Là cách đơn giản dùng ngay tiếng nói của thầy thuốc, với 1 số câu từ đơn giản, thông thường, thực hiện trong 1 buồng hay hành lang có chiều dài ít nhất là 5 m, tương đối yên tĩnh. Trước tiên đo bằng tiếng nói thầm, nếu có giảm nghe rõ mới đo tiếp bằng tiếng nói thường.

Nguyên tắc: Bệnh nhân không được nhìn miệng thầy thuốc, đứng vuông góc với thầy thuốc và hướng tai khám về phía thầy thuốc, tai không khám phải được bịt lại.

Lúc đầu đứng xa 5 m tiến dần về phía thầy thuốc đến lúc nghe được và lặp lại đúng câu nói của thầy thuốc, ghi khoảng cách.

Bình thường:

  • Nói thầm: nghe được xa 0,5 m
  • Nói thường: nghe được xa 5 m

Đo bằng tiếng nói thầm: Nói thầm (là nói bằng giọng hơi, không thành tiếng) thường  khám khoảng 5 m, nói từng câu, thông thường 3 đến 5 từ, có thể nói 1 địa danh quen thuộc như: thành phố HCM, Hà Nội… và yêu cầu bệnh nhân nhắc lại. Nếu bệnh nhân không nghe thấy, thầy thuốc tiếp tục tiến  dần sát với bệnh nhân (khoảng 0.5m), và ghi lại khoảng cách đầu tiên mà bệnh nhân  nhắc lại được.

Bình thường nghe được xa 0,5 m, khoảng cách giữa thầy thuốc – khoảng cách càng ngắn là sức nghe càng giảm.

Đo bằng tiếng nói thường: Chỉ thực hiện khi khoảng cách nghe được với tiếng nói thầm dưới 1m vì tai bình thường nghe được tiếng nói thường ở khoảng cách trên 5 m.

Cách đo, khám tương tự như trên, thay tiếng nói thầm bằng tiếng nói thường như trong giao tiếp sinh hoạt.

Nhận định:

Kết quả đo đơn giản bằng tiếng nói trên cũng cho phép phát hiện ban đầu tình trạng và mức độ nghe kém.

2.2. Đo bằng âm mẫu.

Thường dùng 1 âm mẫu 128 hay 256Hz

Cách đo:

  • Đo đường khí: để 2 ngành âm mẫu dọc trước lỗ tai ngoài, cách độ 2cm.
  • Đo đường xương: ấn nhẹ cán âm mẫu lên mặt xương chũm. Tính thời gian từ khi gõ âm mẫu đến khi không nghe được, theo đơn vị giây.

Các nghiệm pháp:

  • Dùng âm thoa 128 (dao động 128 chu kỳ/giây) gõ vào lòng bàn tay và làm 3 nghiệm pháp dưới đây:
  • Nghiệm pháp Weber: Gõ rồi để cán âm mẫu lên đỉnh đầu hay giữa trán, hỏi bệnh nhân tai nào nghe rõ hơn, nếu tai nào nghe rõ hơn tức là Weber lệch về tai bên đó (bình thường hai tai nghe như nhau).
  • Nghiệm pháp Schwabach: Tính thời gian nghe bằng đường xương.
  • Nghiệm pháp Rinner: So sánh thời gian nghe bằng đường khí và thời gian nghe bằng đường xương, bình thường thời gian nghe bằng đường khí kéo dài hơn thời gian nghe bằng đường xương NP Rinner (+). Nếu thời gian nghe bằng đường khí ngắn hơn thời gian nghe bằng đường xương NP Rinner (-)

Kết luận: Tai phải nghe bình thường.

Tai trái nghe kém thể dẫn truyền.

Trường hợp điếc hỗn hợp: dùng thêm các âm thoa 128, 256, 512, 1024, 2048, 4096 sẽ thấy đối với âm thoa này (ví dụ âm trầm) thì có tính dẫn truyền, đối với các loại khác (ví dụ âm cao) thì lại có tính tiếp nhận.

2.3. Đo bằng dụng cụ đơn giản.

Với những người nghe kém nặng, điếc hay với trẻ nhỏ, thường dùng các dụng cụ phát âm đã được chuẩn hoá tương đối như trống, còi, chuông, mõ…hoặc các máy đơn giản phát được vài âm tần hay tiếng đơn giản như tiếng súc vật, tiếng tàu, ô tô…ở 1 vài cường độ lớn nhất định để xem có nghe được hay có phản xạ, phản ứng như chớp mắt, cau mày, co chi, quay đầu…với các tiếng đó không? Qua đó sơ bộ xác định khả năng nghe.

2.4. Dùng máy đo sức nghe – thính lực kế (audiometer).

Đo thính lực tức là tìm được ngưỡng nghe của bệnh nhân (mức cường độ tối thiểu để có thể nghe được âm đơn ở từng tần số).

Âm được phát theo đường khí (qua loa tai) hoặc qua đường xương (qua núm rung) tới từng tai. Phải tiến hành đo trong buồng cách âm. Nối các điểm  ngưỡng nghe ở các tần số tạo thành một biểu đồ gọi là thính lực đồ.

Thính lực đồ

  • Đo lần lượt từng tai, kết quả ghi trên biểu đồ sức nghe bằng ký hiệu:
  • Trục đứng là trục cường độ đơn vị là dB. Trục ngang là trục tần số đơn vị là  Hz
  • Máy thông thường phát ra các âm có tần số 125, 250, 500, 1000, 2000, 4000, 8000 Hz và có thể các tần số trung gian 3000, 6000 Hz, ở các mức cường độ 0 – 100 dB
  • Máy đo sự giảm sút sức nghe so với người bình thường, 0dB là cường độ tối thiểu để người bình thường bắt đầu nghe được. Máy đo từng mức 5 dB Trên máy có ghi cường độ – 20 dB, – 10 dB đo cho những người nghe tốt hơn mức bình thường. Giảm sức nghe càng nhiều, số đo càng lớn. Đo đường xương bằng khối rung, kết quả phản ánh dự trữ ốc tai, tiềm năng sức nghe.

Một vài ví dụ:

  • Sức nghe bình thường: Trên hình bên là biểu đồ sức nghe tai phải. 0…0 là đường khí, […[ là đường xương. Vì nhiều lý do, sai lệch đường khí 5 – 10 dB, sai lệch đường xương khoảng 20 dB vẫn coi là bình thường.
  • Điếc dẫn truyền đơn thuần: Hình bên là biểu đồ sức nghe tai trái, ]…] nghe đường xương ở mức bình thường, x…x nghe đường khí sút kém nhưng không đến mức 60 dB, khoảng cách giữa đường xương và đường khí biểu hiện Rinne (-) trên biểu đồ.
  • Điếc tiếp nhận đơn thuần: Biểu đồ sức nghe tai trái, đường xương ]…] và đường khí x…x gần trùng nhau.
  • Điếc hỗn hợp: Biểu đồ sức nghe tai phải: Ở các tần số dưới 2000Hz đường khí và đường xương cách xa nhau, có khoảng Rinne (-). Từ 2000Hz trở đi, hai đường khí và đường xương chập nhau.

3. Đo sức nghe khách quan (Objectiv audiometrie).

Theo kết quả thu được trực tiếp của cơ quan nghe ở tai giữa, tai trong (loa đạo) hay thần kinh trung ương (não)

3.1. Đo trở kháng.

Có hai ứng dụng trên lâm sàng.

  • Nhĩ đồ (Tympanometrie): bình thường biểu hiện như một hình nón không cân xứng, đáy loe, đỉnh trùng với áp suất bằng 0. Khi có dịch tiết hay nhầy trong hòm nhĩ, vòi nhĩ bị tắc một phần hay tắc hoàn toàn v,v.v.. Nhĩ đồ có hình ảnh bệnh lí đặc biệt.
  • Phản xạ cơ bàn đạp( Impedanzmetrrie): trường hợp bình thường và điếc dẫn truyền đơn thuần, ngưỡng phản xạ cách ngưỡng nghe khoảng 85 dB. Khi có hồi thính, ngưỡng này thu hẹp lại. Đo phản xạ có thể phát hiện nhiều trường hợp điếc giả vờ.

3.2. Đo điện ốc tai và điện não thính giác.

  • Nguyên lý: Khi nghe một âm thanh cũng giống như thu nhận một kích thích, một cảm giác khác, điện não có biến đổi nhưng sự biến đổi đó quá nhỏ bị lẫn vào trong biểu đồ ghi điện não tổng hợp nhiều quá trình hoạt động của não. Nếu ta phát những âm thanh (clic hoặc burst) liên tục và ghi dòng điện não (bằng cách đặc biệt phân tích dòng này thành nhiều điểm, dùng máy tính điện tử ghi tổng số ở từng điểm sau mỗi lần phát âm ra) sẽ cho thấy đáp ứng của não đối với âm thanh  nếu tai nghe được, tùy theo vị trí đặt cực ta có.
  • Đo điện ốc tai (Electrocholeographie): Điện cực đặt ở đáy hòm nhĩ hoặc ống tai.
  • Điện não thính giác: ERA (Electro respontal audiometrie) và BERA     (Brain electro respontal audiometrie) điện cực đặt ở vùng trán, đỉnh đầu và xương chũm.

Phân chia các loại  điếc:

Ngày nay nghành thính học đã phát triển mạnh mẽ, việc đo sức nghe, chẩn đoán điếc đã có nhiều tiến bộ với các máy móc hiện đại có thể giúp được thầy thuốc chẩn đoán chính xác vùng bị tổn thương và mức độ tổn thương.

  • Điếc dẫn truyền
  • Điếc tiếp nhận hay hỗn hợp.

Phân hạng các loại điếc:

  • Điếc nhẹ  20 – 40 dB
  • Điếc vừa  40 – 60 dB
  • Điếc nặng  60 – 80 dB
  • Điếc đặc > 80 dB

4. Nguyên nhân các loại điếc

Như đã nêu ở trên, điếc gồm 3 kiểu:

Dẫn truyền, tiếp nhận và hỗn hợp. Nhiều bệnh khác nhau có thể gây ra một loại điếc giống nhau. Một bệnh có thể gây ra nhiều kiểu điếc khác nhau. Vì vậy riêng việc đo sức nghe không đủ để chẩn đoán bệnh, cần kết hợp các loại thăm khám khác .

Bệnh của tai ngoài.

Nhiều bệnh của tai ngoài có thể gây ra giảm sút sức nghe, sau đây chỉ nêu vài trường hợp.

  • Nút ráy tai và dị vật tai gây ra giảm sức nghe khi bịt kín ống tai. Ví dụ một nút ráy tai gây ra nghe kém nhưng lúc đi tắm, nước vào tai làm dãn nở nút ráy, bịt kín ống tai, triệu chứng nghe kém trở nên rõ rệt. Đây là trường hợp điếc dẫn truyền kiểu đơn thuần.
  • Dị dạng: Nếu dị dạng chỉ khu trú ở tai ngoài (vành tai nhỏ, tịt ống tai ngoài) hoặc có thêm hoặc chỉ có dị dạng tai giữa (các kiểu dị dạng của chuỗi xương con) điếc dẫn truyền đơn thuần. Nếu kèm thêm dị dạng tai trong: điếc hỗn hợp.

Tắc vòi nhĩ.

Tắc vòi nhĩ xảy ra ở hòm nhĩ, phía họng hoặc ở eo vòi. Lúc đầu là hiện tượng tắc vòi đơn thuần (có thể từ tắc một phần tiến tới tắc hoàn toàn), áp lực khí ở hòm nhĩ sẽ giảm sút màng nhĩ bị kéo lõm vào trong và sẽ nhanh chóng xẩy ra tiết dịch nước, nhầy, cuối cùng là giảm áp lực thường xuyên, có thể dẫn tới quá trình dính, xẹp hòm nhĩ.

Giai đoạn tắc vòi đơn thuần: điếc dẫn truyền đơn thuần nhất thời. Khi vòi nhĩ thông trở lại thì thính giác trở về bình thường.

Giai đoạn có tiết dịch: là sự kéo dài của giai đoạn trước. Áp lực tâm và dịch tiết ở hòm nhĩ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các cửa sổ hoặc do các hiện tượng vận mạch phản xạ của tai trong nên điếc nhiều khi biểu hiện tính chất hỗn hợp. điều trị nguyên nhân và đặt ống thông hơi hòm nhĩ thường dẫn tới kết quả phục hồi nguyên trạng, dù đã có biểu hiện sự tham gia của tai trong.

Giai đoạn xơ dính: chất dịch nhầy quánh lại, biến thành xơ dính, hòm nhĩ xẹp. Điếc thường có tính chất hỗn hợp, rất khó hồi phục.

Viêm tai giữa:

  • Bao gồm viêm tai giữa cấp tính.
  • Gồm có điếc dẫn truyền đơn thuần.
  • Trường hợp có phản ứng mê nhĩ thì biểu hiện điếc hỗn hợp.
  • Viêm tai giữa mãn tính chia ra làm 2 loại: đơn giản và loại có cholesteatoma
  • Nếu mê nhĩ không bị thương tổn thì chỉ bị điếc dẫn truyền đơn thuần. Trường hợp mê nhĩ bị thương tổn do viêm tai giữa cấp hoại tử, do cholesteatoma…điếc mang tính hỗn hợp, có thể có hồi thính. Do bệnh tích giải phẫu rất đa dạng (lỗ thủng màng nhĩ to nhỏ, vị trí khác nhau, chuỗi xương con có bị đứt đoạn hay không, mặt đế đạp có bị cứng khớp do cac quá trình xơ viêm, mức độ thương tổn của mê nhĩ, tuổi tác…biểu hiện lâm sàng rất phong phú và các biểu hiện về mức độ điếc cũng muôn màu muôn vẻ.

Loạn dưỡng mê nhĩ:

Bao gồm nhiều bệnh khác nhau, đều gây ra rối loạn cấu trúc xương của mê nhĩ và cứng khớp bàn đạp – cửa sổ bầu dục. Đó là những bệnh toàn thể như bệnh Paget, Recklinghausen, Lobstein, Crouzon, hurler…có kèm theo loạn dưỡng xương và biểu hiện lâm sàng về tai. Hoặc là bệnh của riêng mê nhĩ như bệnh xốp xơ tai. Loạn dưỡng xương xảy ra ở mê nhĩ, nhưng triệu chứng lâm sàng chỉ biểu hiện khi bệnh tích lan đến vùng cửa sổ bầu dục làm cứng khớp xương bàn đạp.

Bệnh thường gặp từ tuổi dậy thì con gái, có tính di truyền từ người mẹ, điếc lúc đầu thường là dẫn truyền đơn thuần, cả hai tai đều bị, có thể sớm muộn nặng nhẹ hơn nhau tí chút, hoặc tương đương, điếc tiến triển nặng dần lên với đời sống sinh lý của người phụ nữ như khi mang thai, sinh con, cho con bú, đoạn kinh…trở thành điếc hỗn hợp và có thể là điếc đặc hoàn toàn. Nhưng cũng nhiều khi ngừng tiến triển, ở một mức độ nào đó, thậm chí tốt lên (hiếm).Nhiều bệnh nhân có bàng thính Willis: nghe rõ hơn ở chỗ có tiếng ồn, thường là tiếng ồn trầm. Điếc kèm theo ù tai rất khó chịu. Thăm khám soi tai không có gì đặc biệt

Điều trị: phẫu thuật xương bàn đạp, lay động hoặc thay thế, ở giai đoạn Renne âm tính thường có kết quả tốt. Ngoài ra có thể đeo máy trợ nghe, uống fluorua natri (ít người chỉ định)

Nghe kém tuổi già

Là một hiện tượng sinh lý không ai tránh khỏi. Cũng như các bộ phận khác, nặng nhẹ, sớm muộn thay đổi tuỳ người. Nhưng nếu xảy ra quá sớm thì trở thành bệnh lý.

Sự lão hoá của bộ máy thính giác là do sự thoái hoá tế bào cơ quan Corti, bắt đầu từ vòng đáy lên vòng đỉnh, đồng thời các sợi hạch và đường dẫn truyền thần kinh cũng teo đi.

Là điếc tiếp nhận đơn thuần, không kèm theo chóng mặt, nếu có ù tai thì cũng nhẹ. Hiện tượng suy giảm thính giác đã bắt đầu 20 – 30 tuổi nhưng có thể gây phiền hà, khó chịu từ tuổi 50 trở đi.

5. Triệu chứng

Nước nội dịch được sản sinh ra chủ yếu từ màng mạch của ốc tai và tiêu thoát phần lớn từ túi nôị dịch. Mọi nguyên nhân làm tiêu thoát hoặc ngưng trệ sự tiêu thoát (dãn mạch, co mạch, cao huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn nội tiết làm thay đổi áp lực thẩm thấu, chuyển hoá nước, protit, uối khoáng, dị ứng …) đều có thể gây ra sũng nước mê nhĩ. Biểu hiện lâm sàng nằm trong bối cảnh của một bệnh toàn thể hoặc riwng rẽ gồm có 3 triệu chứng:

  • Chóng mặt, cảm giác thấyđồ vật, nhà cửa, cây cối quay vòng, người cảm thấy bấp bênh chao đảo. Đó là một ảo giác kèm theo nôn và buồn nôn.
  • Ù tai, thường khi cao như tiếng “dế” tiếng rít.
  • Nghe kém  cảm giác như bị đút nút, đầy đầy.

Ngoài cơn các triệu chứng biến mất, về sau cơn tái phát ngày càng nhanh hơn, cơn nặng hơn. Điếc cũng trở nên rõ rệt và không thuyên giảm.

Loại hình kiểu điếc tiếp nhận đơn thuần. Trên thính lực đồ giảm sút ở hầu hết các tần số, có hồi thính, nghe đôi và thời gian lưu âm kéo dài, vì vậy khi nói to hoặc có tiếng động lớn ở mức nào đó thì nghe chói tai, khó chịu. Về sau điếc ngày càng nặng hơn.

Điếc do chấn thương

Điếc do thay đổi áp lực không khí:

Đối với phi công: khi máy bay lên cao, nhất là khi hạ xuống nhanh. Áp lực giữa trong hòm nhĩ và ngoài màng nhĩ chênh lệch nhau do đo xẩy ra hiện tượng tắc vòi, đặcbiệt ở những người có tiền sử viêm mũi họng, có thể dẫn tới tiết dịch và viêm tai giữa. Điếc trong trường hợp này biểu hiện giống trường hợp tắc vòi nhĩ.

Đối với thợ lặn: khi đưa xuống sâu quá nhanh hoặc giảm áp đột ngột khi đưa lên có thể gây ra điếc nặng. Điếc trong trường hợp này biểu hiện giống trường hợp cơn chóng mặt Meniere. Có thể xảy ra hai hiện tượng sau:

  • Sự giảm áp đột ngột tác động vào hòm nhĩ và các cửa sổ là rối loạn áp lức chất dịch và mạch máu mê nhĩ, phản ứng tạo ra sũng nước nội dịch.
  • Sự giảm áp đột ngột có thể tạo ra trong động mạch  mê nhĩ cũng như trong các cơ quan khác hiện tượng nghẽn mạch do khí.

Điếc do sức ép:

Khi có một vụ nổ, áp lực không khí thây đổi đột ngột và chấn thương âm thanh gây ra điếc.

Điếc do chấn thương âm thanh

Là sự giảm sút thính giác vĩnh viễn do sự tiếp xúc với âm thanh gây ra, có thể âm thanh cường độ mạnh trong thời gian ngắn (tiếng súng, tiếng bom, tiếng mìn, tiếng sét lúc nghe điện thoại …) hoặc tác động của cường độ âm thanh lớn liên tục hoặc cắt quãng trong thời gian dài (trong các nhà máy, động cơ phản lực…).  thường được gọi là điếc nghề nghiệp.

Sự giảm sút thính lực phụ thuộc vào từng cá thể, cường độ , thời gian , nhịp độ tiếp xúc với tiéng ồn. Sự giảm sút thính lực này thường bắt đầu từ tần số 4000 Hz tức là giữa vòng xoắn ốc của người. Nói chung tiếng ồn có tần số cao có hại hơn tiếng ồn có tần số trầm. Dần dần Sự giảm sút thính lực mở rộng ra các tần số khác, tức là thương tổn lan rộng ra các vòng xoắn ốc khác, cuối cùng có thể toàn bộ ốctai bị thương tổn, nhất là tiếng động mạnh, tiếp xúc lâu dài.

Điếc do chấn thương sọ não

Có thể chia là 2 loại:

  • Chấn thương sọ não có vỡ xương đá.
  • Chấn thương sọ não không có vỡ xương đá.

Vỡ xương đá bao gồm :

  • Vỡ hòm nhĩ và mê nhĩ thương tổn cả tai giữa và tai trong gây ra điếc nặng.
  • Vỡ hòm nhĩ ngoài  mê nhĩ thương tổn chỉ khu trú  tai giữa gây ra điếc kiểu dẫn truyền.

Chấn thương sọ não không có vỡ xương đá.

Có thể gây điếc dẫn truyền do trật khớp búa đe hoặc mảnh xương trần hòm nhĩ bị biến dạng là lệch chuỗi xương con. Ngoài  ra chấn động não cũng gây ra giảm sút thính lực ở trung ương.

Điếc do nhiễm độc

Dây thần kinh số VIII và cơ quan Corti rất nhạy cảm với các loại nhiễm độc khác nhau: CO, thạch tín, thuốc lá…  Các loại thuốc như salicylate, đặc biệt là quinine các kháng sinh nhóm aminozit như streptomycine, kanamycine, gentamycine…

Điếc có thể xảy ra có cá thể bị nhiễm độc, liều lượng cao, sử dụng thời gian kéo dài. Thường là điếc cả hai tai, điếc tiếp nhận đơn thuần, các tần số cao bị trước rồi đến tần số trầm, có hồi thính.

Điếc do nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virút

Rất hay gặp, xảy ra trong hoặc sau khi bị các loại bệnh nhiễm khuẩn như: thương hàn, các loại sốt phát ban, cúm, zona, giang mai, viêm màng não tuỷ… Nhiều khi phát hiện ra di chứng điếc thì giai  đoạn nhiễm khuẩn đã bị bỏ qua, gia đình và cá nhân không còn nhớ nữa. Nói chung các loại bệnh này gây tổn thương dây thần kinh thính giác và các sợi tận cùng thần kinh ở ốc tai, tức là viêm dây thần kinh số VIII cùng với viêm màng não và viêm mê nhĩ . Thường là điếc tiếp nhận kiẻu ốc tai hoặc là rễ thần kinh.

Điếc do giang mai

Ngày nay nhờ kháng sinh diều trị có hiệu quả nên giang mai tai rất hiếm.

Điếc do giang mai có các dạng: viêm mê nhĩ, xốp xơ tai tức là viêm dây thần kinh số VIII cùng với viêm màng não và viêm mê nhĩ. Thường là điếc tiếp nhận do viêm dây thần kinh số VIII, viêm mê nhĩ hoặc viêm màng não và viêm dây thần kinh.

Điếc do u vùng rễ

Bao gồm các loại điếc do, u chèn ép rễ dây số VIII ở phần ống tai trong hoặc ở góc cầu tiểu não, u dây thân kinh số VIII.

U dây thân kinh số VIII phát triển qua 3 giai đoạn.

Giai đoạn I khởi phát: u xuất phát từ dây tiền đình vùng ống tai trong, là u bao Schwann thường một bên.

Trừ trường hợp bệnh Recklinghausen là bệnh u xơ thần kinh ở hai bên tai, triệu chứng báo hiệu là điếc, ù tai, chóng mặt, mất thăng bằng, ngoài ra có thể kèm theo đau tai, nặng đầu tê bì ống tai ngoài.

Điếc  kiểu tiếp nhận, tuần tiến một bên, chủ yếu là tần số cao. Không có hồi thính, thoái hoá ngưỡng nghe và thoái hoá phản xạ cơ bàn đạp, chứng tỏ thính giác mệt mỏi nhanh chóng (nghiệm pháp Ton decay test – TDT- Carhart  và reflex decay test của Anderrson).

Thăm khám tiền đình và ghi động mắt: cho thấy tiền đình bên bệnh thường giảm và mất kích thích.

Thăm khám dây thần kinh số VII có thể thấy giảm phản ứng: (cảm giác vùng Ramtsay Hunt. đo điện vị giác, nghiệm pháp tiết nước mắt Schirmer…).

Thăm khám XQ là yếu tố quyết định chẩn đoán (chụp cộng hưởng từ).

Chẩn đoán sớm phát hiện khối u còn nằm trong ống tai trong có thể giải quyết bằng phẫu thuật với tỉ lệ tử vong thấp, rối loạn thính giác và dây 7 có thể hồi phục.

Giai đoạn II (giai đoạn tai thần kinh)

Lúc này khối u đã thòi ra ngoài ống tai trong, choán góc cầu tiểu não, chạm nhưng chưa chèn ép thân não.

Dây thần kinh tam thoa (số V) đã biểu hiện triệu chứng sớm (giảm cảm giác giác mạc, giảm cảm giác hốc mũi), dây thần kinh số IX, X, XI bị chèn ép. Hội chứng tiểu não: rôí tầm, mất liên động, động mắt đa hướng…

Giai đoạn tăng áp lực trong sọ, bệnh cảnh rất nặng, điều trị bằng phẫu thuật ở các giai đoạn sau có nhiều tai biến, tỉ lệ tử vong cao hơn và kết quả bị hạn chế.

Ngoài ra ở góc cầu tiểu não còn có một số khối u khác phần nhiều chỉ đước chẩn đoán xác định trong khi phẫu thuật theo thứ tự thường gặp là: u màng não, cholesteatoma, u các dây thần kinh khác, u mạng nhện, phình mạch, u vòm họng phát triển và trong sọ.

Điếc do tổn thương trung ương

Gồm 2 loại: Thương tổn ở  thân não (hành tuỷ, cầu não, não giữa) như xuất huyết, tắc mạch, u, nhiễm khuẩn và xơ cứng rải rác. Thương tổn nhỏ ở vùng này cũng có thể ảnh hưởng nhỏ đến nhiều vùng của đường thính giác. Thương tổn ở vỏ não như viêm não, viêm màng não, chấn thương, xuất huyết, tắc mạch, u, bệnh tâm thần, tuổi già, thiếu máu và bệnh thận.

Điếc do tổn thương trung ương biểu hiện ở chỗ nghe mà không hiểu ý nghĩa của từ hoặc của câu nói. Vì vậy đo sức nghe đơn âm thì khá tốt nhưng đo sức nghe tiếng nói (thính lực lời) thì giảm nhiều. Dùng các nghiệm pháp đo sức nghe tiếng nói đặc biệt (lọc cao, lọc thấp, nhanh, chậm, chuyển đổi giảm hoán cộng gộp) dùng âm vị…cho thấy sức nghe – hiểu giảm nhiều. Tuy nhiên chẩn đoán dựa vào triệu chứng thần kinh của bệnh chính.

Điếc trẻ em

Điêc có thể đem lại những hậu quả nặng nề cho trẻ em, trước hết là đối với việc luyện tập tiếng nói, sau là thay đổi tính nết.

Điếc càng nặng và xảy ra càng sớm thì hậu quả càng nghiêm trọng. Vì vậy điếc trẻ em có nhiều mức độ khác nhau. Tuy vậy các hậu quả sẽ được giảm nhẹ nếu phát hiện bệnh sớm và có các biện pháp phục hồi chớc năng sớm ( = can thiệp sớm: early intervention).

Để hiểu biết bệnh tật điếc ở trẻ em cần hiểu biết sự phát triển thính giác và sự hình thành ngôn ngữ ở trẻ.

Sự hình thành phát triển giải phẫu ở tai: đã hoàn chỉnh từ tháng thứ 6 của bào thai. Nhưng chức năng về thính giác chưa phát triển hoàn tất từ lúc trẻ mới sinh ra. Lúc đó trẻ chỉ mới phản ứng với các tiếng động đột ngột và mạnh vào khoảng 70 dB.

Thời kỳ sơ sinh, phản ứng của trẻ đối với các kích thích âm thanh có tính phản xạ như co cơ toàn bộ hoặc khư trú chỉ ở đầu hoặc một chi, phản xạ Moro (duỗi cả 4 chân tay), chớp mi thay đổi nhịp thở, đầu từ từ quay vè phía nguồn âm, không có phản ứng biệt hoá đối với kích thích âm. Tuy vậy ở lứa tuổi sơ sinh vẫn có thể đáp ứng tốt với điện ốc tai cho các ngưỡng nghe tương tự như với trẻ lớn .

Trẻ đẻ non, sức khoẻ tốt, cũng đáp ứng như trẻ đủ tháng nhưng với cường độ cao hơn, sau vài tuần thì giống nhau hẳn.

Trẻ mới đẻ hoặc được vài tuần có thể không có phản ứng gì trước các kích thích âm mặc dù bộ máy thính giác hoàn toàn bình thường.

Sự nhận biết âm thanh xuất hiện dần dần vào khoảng 4-5 tháng tuổi: Trẻ biết định hướng nơi phát ra âm thanh và nhận biết một vài thứ tiếng như tiếng nói của mẹ , tiếng thìa bát va chạm (sắp sửa ăn)… Cứ như vậy sự nhận biết thính giác còn thô sơ sau càng trở nên tinh tế hơn. Sau đó trẻ còn nhận biết được cả âm điệu và nhịp điệu.

Tuy nhiên không để dùng âm thanh để đo thính giác trẻ trước 6 tháng tuổi. Các phản xạ của trẻ sơ sinh đối với âm thanh 70-80 dB biến mất nhanh chóng sau một vài tuần và sau này muốn xác định sức nghe cần khám khách quan mới có kết quả.

Dù nghe bình thường hay điếc hoàn toàn vào độ tuổi 3-4 tháng, trẻ vẫn phát ra các âm bập bẹ. Trẻ có thính giác bình thường phát ra những âm ngẫu nhiên và rồi dần dần theo khuôn mẫu các âm phát ra từ các người xung quanh. sau nhiều lần, tập dượt , nói theo dần dần lặp lại những từ dễ nhất đã nghe được. Ngôn ngữ đã hình thành theo chu trình nghe-phát âm.

Trẻ điếc nặng không nghe được các âm tự mình phát ra và không thâm nhập vào thế giới âm thanh quanh mình. Trong vài tháng, tiếng bập bẹ nghèo dần rồi mất hẳn. Nếu trẻ điếc im lặng trong thời gian dài thì sau đó khó mà làm cho cháu phát âm trở lại. Vì vậy trong những nhiệm vụ phục hồi chức năng sớm là duy trì và khuyến khích trẻ phát âm từ lúc còn rất nhỏ.

Nói chung khả năng hình thành ngôn ngữ càng tốt nếu trẻ càng nhỏ tuổi: Để qua đi nhữnh năm đầu, khả năng này giảm sút nhiều. Đợi đến 4 – 5 tuổi mới dạy nói cho trẻ điếc nặng thì không bao giờ có được giọng nói chuẩn. Điếc nặng không những có hậu quả xấu đối với tiếng nói mà còn ange hưởng nhiều đến tâm lý, tình cảm của trẻ.

Trẻ điếc nặng ngăn cách với thế giới bên ngoài vì không nghe được và nói được. Do thiếu giao tiếp trẻ bị cô lập với ngoại giới và sẽ dẫn tới những rối loạn về tâm lý, kiến thức nghèo nàn với thế giới bên ngoài, tách rời mối quan hệ xã hội.

Trẻ điếc bồn chồn lo lắng, khổ sở trước các tình huống bất ngờ, không được chuẩn bị, không hiểu được ý nghĩ của người khác, và cũng không bộc lộ được ý muốn của bản thân. Từ đó mỗi trẻ phản ứng một cách khác nhau: cáu kỉnh, gây gổ hay lãnh đạm thờ ơ, tính khí thất thường. Tình hình còn nặng nề thêm do cách xử sự của gia đình: quá thương cảm nuông chiều hay ghét bỏ, lạnh nhạt. Hậu quả nghiêm trọng nhiều ít tuỳ thuộc trước hết vào mức độ điếc. Tất nhiên là có nhiều nhân tố khác tham gia vào làm cho hậu quả giảm nhẹ hoặc tăng thêm.

Người ta đã đề xuất cách phân loại điếc. Đây chủ yếu nói về mức độ điếc toàn bộ, tính gộp cả 2 tai, thông thường 2 tai giảm sút thính giác ngang nhau (nếu 1 tai điếc hoàn toàn và 1 tai tốt bình thường thì sức nghe toàn bộ giảm sút không đáng kể – chỉ khoảng 13% – không ảnh hưởng gì đến sự phát triển tiếng nói và tính nết của trẻ).

Việc giáo dục phục hồi chức năng cho trẻ điếc phụ thuộc vào  mức độ điếc nặng hay điếc nhẹ.

Điếc nhẹ và vừa chiếm 3% số trẻ. Có thể là điếc bẩm sinh hay di truyền, nhưng thường gặp hơn cả là điếc mắc phải. Phần lớn trẻ em điếc không được phát hiện trước 2-3 tuổi .

Cần phát hiện những trường hợp chậm nói  hoặc giọng nói sai lạc; tính nết không bình thường, thay đổi về thái độ, tính tình trong lớp học.

Cần khám tai, đo sức nghe, xác định loại điếc và nguyên nhân. Từ đó có hướng điều trị  hoặc cho đeo máy luyện phát âm.

Điếc nặng và sâu chiếm khoảng  1%o trẻ em. Phần lớn là điếc tai trong có thể kèm theo tổn thương phần dẫn truyền. Khi đã phát hiện ra điếc nặng và sâu cần chú ý giải quyết một số vân đề như sau:

Đeo máy trợ thính ở lứa tuổi 1-2 tuổi  cho kết quả tốt nhất. Sử dụng các phần thính giác còn lại , thường là tần số thấp. Trẻ dù điếc nặng vẫn nghe được ở tần số này. tất nhiên đeo máy không giúp cho trẻ nghe được bình thường nhưng cho trẻ một số thông tin thính giác về âm thanh mà ta cần khai thác triệt để. Nếu trẻ đeo máy chậm tức là 3-4 tuổi  thì trẻ đã quen với một thế giới riêng biệt trong đó âm thanh không đóng một vai trò gì , do đó đeo máy chậm thì ích lợi sẽ giảm đi rất nhiều. Đeo máy sớm khuyến khích trẻ lưu tâm tới thế giới âm thanh dù cho trẻ chỉ tiếp nhận dược các mảnh rời rạc, không đầy đủ nhưng thực sự giúp cho việc rèn luyện , phục hồi chức năng thính giác rất nhiều.

Trong những năm sau sinh , cần rèn luyện cho cả mẹ lẫn con

Duy trì phát âm của trẻ trong những tháng tiếp theo, tập cho trẻ lưu ý, nhận thức đựoc thể giới âm thanh ,môi trường âm thanh quanh mình, khai thác các khả năng cảm thụ khác thay thế phụ thêm cho thính giác (thị giác, xúc giác…)

Phát  triển khả năng giao tiếp của trẻ

Phát hiện khả năng đọc hình miệng

Gia đình có vai trò rất to lớn đối với việc rèn luyện trẻ tập nói, học nói.

Thầy thuốc và thấy giáo chuyên nghiệp phải thuyết phục giảng giải cho bố mẹ hiểu về các khía cạnh của điếc, làm cho họ yên lòng có thể phát triển con cái họ một cách bình thường, vượt qua khó khăn của bệnh tật.

Thầy thuốc đa khoa cần biết các nhân tố cơ bản có thể gây ra điếc trong gia đình, trong lúc có thai, lúc đẻ  và trong những năm đầu tiên của trẻ. Biết cách phát hiện sớm trẻ điếc câm và hướng dẫn các vấn đề cần thiết.

Nguồn: Bệnh viện 103

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Video có thể bạn quan tâm
Yên tâm cho con trai 3 tuổi cắt amidan Plasma Plus tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc Yên tâm cho con trai 3 tuổi cắt amidan Plasma Plus tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc 13:59
Yên tâm cho con trai 3 tuổi cắt amidan Plasma Plus tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc
 Trẻ nhỏ viêm amidan, viêm VA cần xử lý thế nào?
 3 năm trước
 587 Lượt xem
Cắt amidan tại Thu Cúc: An tâm ngay cả khi có tiền sử bệnh nền Cắt amidan tại Thu Cúc: An tâm ngay cả khi có tiền sử bệnh nền 10:14
Cắt amidan tại Thu Cúc: An tâm ngay cả khi có tiền sử bệnh nền
Cắt amidan tại bệnh viện Thu Cúc được áp dụng công nghệ dao plasma plus hiện đại giúp giảm thiểu đau, chảy máu. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân...
 3 năm trước
 697 Lượt xem
“BẬT MÍ” CÁCH PHÒNG BỆNH VIÊM TAI GIỮA Ở TRẺ NHỎ KHI THỜI TIẾT GIAO MÙA “BẬT MÍ” CÁCH PHÒNG BỆNH VIÊM TAI GIỮA Ở TRẺ NHỎ KHI THỜI TIẾT GIAO MÙA 03:14
“BẬT MÍ” CÁCH PHÒNG BỆNH VIÊM TAI GIỮA Ở TRẺ NHỎ KHI THỜI TIẾT GIAO MÙA
 Viêm tai giữa là bệnh viêm cấp tính ở lớp niêm mạc lót trong tai giữa, thường xuất phát sau viêm mũi họng. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi...
 3 năm trước
 492 Lượt xem
Bác sĩ gần 40 năm kinh nghiệm chia sẻ cách phòng bệnh tai mũi họng cho trẻ Bác sĩ gần 40 năm kinh nghiệm chia sẻ cách phòng bệnh tai mũi họng cho trẻ 06:04
Bác sĩ gần 40 năm kinh nghiệm chia sẻ cách phòng bệnh tai mũi họng cho trẻ
 “BÍ KÍP” PHÒNG BỆNH TAI MŨI HỌNG CHO TRẺ NHỎ 
 3 năm trước
 452 Lượt xem
LOẠN CẢM HỌNG LÀ GÌ? NGUYÊN NHÂN NÀO GÂY RA BỆNH? LOẠN CẢM HỌNG LÀ GÌ? NGUYÊN NHÂN NÀO GÂY RA BỆNH? 02:00
LOẠN CẢM HỌNG LÀ GÌ? NGUYÊN NHÂN NÀO GÂY RA BỆNH?
Loạn cảm họng gây ra nhiều hoang mang cho người bệnh về những biểu hiện cảm giác vướng, có đờm ở cổ họng kèm theo triệu chứng buồn nôn. Tuy nhiên,...
 3 năm trước
 706 Lượt xem

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây