1

Điều trị Vết thương ngực  - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Định nghĩa

Vết thương ngực là các tổn thương lồng ngực trong đó có mất sự liên tục của da và thành ngực

Phân loại

Theo tác nhân gây vết thương

  • Vết thương ngực do hoả khí: Do đạn thẳng, mảnh pháo…
  • Vết thương ngực không do hoả khí:  Do vật nhọn đâm…

Theo mức độ nông, sâu và các tạng bị tổn thương

  •  Vết thương thành ngực: Không làm thủng lá thành màng phổi.
  •  Vết thương thấu ngực: Làm thủng lá thành màng phổi.

Theo tình trạng tràn khí của khoang màng phổi

  •  Vết thương tràn khí màng phổi kín (vết thương ngực kín ).
  •  Vết thương tràn khí màng phổi mở (vết thương ngực mở ).
  •  Vết thương tràn khí màng phổi van (vết thương ngực van).

Giải phẫu bệnh lý

Đường ống vết thương

  • Trong vết thương thành ngực: Lá thành màng phổi không bị tổn thương.
  • Trong vết thương ngực kín: Đường ống vết thương được các lớp tổ chức phần mềm và máu cục bịt lại.
  • Trong vết thương ngực mở: Đường ống vết thương không được bịt lại và khí trời tiếp tục ra vào khoang màng phổi một cách tự do.
  • Trong vết thương ngực van: Lỗ vết thương hoạt động như một cái van chỉ cho khí đi một chiều vào khoang màng phổi mà không ra được. Có thể gặp van ngoài (van là vết thương ở thành ngực) hay van trong (van là vết tổn thương ở nhu mô phổi hay phế quản).
  • Trong vết thương ngực-bụng: Đường vết thương xuyên qua phổi, màng phổi, cơ hoành và vào ổ bụng.

Khoang màng phổi và nhu mô phổi:

Tổn thương gần giống như trong Chấn thương ngực kín.

Tổn thương các cơ quan khác trong lồng ngực

  • Tim và màng tim: Có thể gặp vết thương màng tim, vết thương xuyên thành tim,xuyên vách tim…Máu chảy ra gây tràn máu màng ngoài tim.
  • Các mạch máu lớn: Có thể bị thủng, đứt các động mạch phổi, tĩnh mạch phổi, động mạch chủ, tĩnh mạch chủ…
  • Cơ hoành: Bị thủng trong vết thương ngực-bụng. Các tạng trong ổ bụng (dạ dày, ruột, mạc nối lớn, lách…) có thể thoát vị qua lỗ vết thương lên lồng ngực.

Rối loạn sinh lý bệnh: 

Các rôí loạn sinh lý bệnh gần giống trong chấn thương ngực kín. Hô hấp đảo chiều và lắc lư trung thất chỉ gặp trong vết thương ngực hở.

Triệu chứng chẩn đoán

Hỏi bệnh

  • Thời gian,hoàn cảnh,cơ chế bị thương.
  • Các triệu chứng ban đầu: Tiếng “phì phò” tại lỗ vết thương, đau ngực, khó thở, ho ra máu…

Khám lâm sàng

Toàn thân: Phải nhanh chóng khám xác định các triệu chứng quan trọng để đánh giá ngay mức độ sốc, suy tuần hoàn và suy hô hấp cấp.

Vết thương:

  • Vết thương ngực kín: Miệng vết thương thường nhỏ, có thể sờ thấy dấu hiệu “lép bép” do tràn khí dưới da quanh vết thương và vùng ngực, cổ.
  • Vết thương ngực mở: Tại chỗ vết thương thấy có tiếng phì phò và sùi bọt máu theo nhịp thở của bệnh nhân.
  • Vết thương ngực van: Tại chỗ vết thương có thể thấy tiếng rít của khí trời lọt vào khoang màng phổi trong thì thở vào.
  • Vết thương tim-màng tim: Thường tương ứng với vùng đục của tim.
  • Vết thương ngực-bụng: Vị trí vết thương thường từ dưới liên sườn V trở xuống.

Thăm khám cận lâm sàng

  • Chụp X.quang lồngngực.
  • Xét nghiệm máu.

Chọc hút màng phổi: 

Chẩn đoán xác định tràn máu và tràn khí màng phổi.

Điều trị:

Các biện pháp điều trị chung

  • Cấp cứu chống sốc, chống suy hô hấp và suy tuần hoàn.
  • Giảm đau: Toàn thân và tại chỗ.
  • Xử lý các tổn thương .
  • Kháng sinh, nâng đỡ toàn trạng…dự phòng các biến chứng viêm phổi-phế quản và đặc biệt là biến chứng viêm mủ màng phổi.

Điều trị cụ thể

Vết thương thành ngực:

  • Vết thương nhỏ: Thường chỉ cần sát trùng tốt, băng vô khuẩn, không cần phải cắt lọc.
  • Vết thương rộng, có nhiều tổ chức giập nát: Phải mổ cắt lọc vết thương (tránh làm rách màng phổi khi cắt lọc), cầm máu, lấy hết dị vật nếu có, khâu lại phần mềm (không nên khâu kín da).

Vết thương ngực kín:

  • Xử trí vết thương: Tiến hành như trong điều trị vết thương thành ngực.
  • Xử trí tràn dịch, tràn khí khoang màng phổi: Các chỉ định và cách tiến hành cũng giống như trong chấn thương ngực kín.
  • Chỉ định mổ lồng ngực trong vết thương ngực kín nói chung rất hạn chế, chỉ dùng khi:

Hiện nay phẫu thuật nội soi lồng ngực được chỉ định cho các trường hợp này.

Vết thương ngực mở:

  • Cấp cứu tại chỗ: Bằng mọi cách (dùng ngón tay, đệm gạc… hay các vật dụng tại chỗ khác) bịt kín ngay lỗ vết thương thành ngực để biến vết thương ngực mở thành vết thương ngực kín.
  • Tiếp đó tiến hành điều trị tích cực giống như trong điều trị vết thương ngực kín. Chú ý theo dõi và dùng kháng sinh tốt để dự phòng biến chứng Viêm mủ màng phổi.

Vết thương ngực van:

  • Cấp cứu tại chỗ: Phải giảm áp ngay khoang màng phổi bằng cắm một kim to (tốt nhất là kim có van thoát khí ra theo một chiều) vào khoang màng phổi qua khe liên sườn 2 trên đường giữa đòn. Đồng thời nếu là tràn khí do van ngoài thì phải tìm cách bịt kín ngay lỗ van đó lại để biến nó thành vết thương ngực kín.
  • Xử trí van: Nếu là van ngoài thì đóng lại giống như  xử trí vết thương ngực kín. Nếu là van trong thì có thể phải mở ngực để xử trí.
  • Sau khi giải quyết tràn khí màng phổi van thì tiếp tục xử trí như vết thương ngực kín.

Vết thương tim:

  • Hồi sức chống sốc, truyền máu, dịch tích cực.
  • Chọc hút màng tim : khi có triệu chứng chèn ép tim.
  • Mở lồng ngực khâu vết thương tim: Chỉ định khi vết thương tim có chảy máu trong nặng.

Vết thương ngực-bụng: Thường chỉ định mở ổ bụng để xử trí cơ bản các tổn thương cơ quan ổ bụng, đồng thời khâu lại lỗ thủng cơ hoành. Nếu các tổn thương các cơ quan trong lồng ngực nặng thì mới có chỉ định mở ngực xử trí.

Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây