1

Chảy máu mũi ở trẻ em - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Chảy mũi (máu cam) là một tình trạng thường gặp ở trẻ em (30% trẻ dưới 5 tuổi và 56 % trẻ từ 6 -10 tuổi có chảy máu mũi ít nhất 1 lần/ năm). Chảy máu mũi ở trẻ nhỏ hiếm khi nặng và rất ít trường hợp phải nhập viện điều trị. 

Bệnh sẽ thường xảy ra khi thay đổi khí hậu nóng- lạnh, độ ẩm thấp, tăng lượng phấn hoa trong không khí dẫn đến kích ứng mũi theo mùa.

Nguyên nhân:

  • Đa số là nhẹ và tự lành bao gồm: khô niêm mạc, chấn thương, dị vật mũi, viêm mũi. Hiếm hơn nhưng quan trọng hơn cần chú ý đến gồm: rối loạn đông máu, khối u, giả phình mạch sau chấn thương hay rò xoang hang động mạch cảnh.
  • Kích ứng niêm mạc mũi do độ ẩm, dị ứng, khói thuốc, nhiễm trùng với thói quen chà mũi, hay sử dụng thuốc xịt mũi dài ngày.
  • Khối u hốc mũi: thường gây ra những triệu chứng một bên mũi gồm chảy máu mũi, chảy dịch mũi hôi, nghẹt mũi, thay đổi khứu giác. Trừ u mạch máu ra thì thường mức độ chảy máu không trầm trọng. U lành tính ở trẻ có thể gặp: u xơ vòm mũi họng, u mạch, u hạt, u nhú. U ác tính thì rất hiếm gặp nhưng mà quan trong nhất cần được loại trừ bao gồm: ung thư sàng hàm, ung thư vòm mũi họng và u lympho không hodgkin.
  • Nguyên nhân toàn thân: rối loạn đông máu cần được xem xét ở những trẻ chảy máu tự phát, thường xuyên, tái phát và có yếu tố gia đình (bao gồm rối loạn đông máu, rối loạn tiểu cầu, bất thường mạch máu).

Tại sao bị chảy máu mũi?

Chảy máu mũi có thể là một tình trạng nguy hiểm tuy nhiên đa số là không nghiêm trọng và là một triệu chứng rất phổ biến, nguyên nhân hay gặp nhất là do không khí khô và ngoáy mũi. 

Nếu bạn và con bạn bị chảy máu mũi thì điều quan trọng là phải biết cách xử trí và chăm sóc đúng cách thì hầu hết chảy máu mũi sẽ tự hết.

Làm sao biết khi nào chảy máu mũi là nghiêm trọng?

Bạn nên đến khám ngay nếu con bạn có những dấu hiệu sau:

  • Máu trào trong mũi khiến con bạn khó thở.
  • Chảy máu mũi làm da tái nhợt, mệt mỏi hoặc kích động.
  • Không cầm máu được ngay cả khi bạn đã xử lý đúng cách.
  • Xảy ra sau phẫu thuật hoặc bạn biết con mình có khối u trong mũi.
  • Bao gồm các triệu chứng nặng hơn như: đau ngực
  • Sau một chấn thương nghiêm trọng vào vùng mặt
  • Nếu bạn đang dùng các thuốc làm chậm hình thành cục máu đông như: warfarin hoặc aspirin.

Cách tự xử lý khi chảy máu mũi

  • Bước 1: Hỷ mũi nhẹ: nó có thể làm tăng chảy máu một lúc nhưng điều đó cũng không sao
  • Bước 2: Ngồi hay đứng với đầu cúi ra trước một ít, đừng nằm hay ngửa đầu ra sau.
  • Bước 3: Bóp cánh mũi 2 bên, sát ngay dưới phần xương cứng của mũi. Đừng bóp vùng mũi sát hốc mắt vì đó là vị trí xương mũi nên bóp vào đó không giúp cầm máu mũi.
  • Bước 4: Giữ mũi như vậy trong vòng 15 phút (trẻ em thì 5 phút)

Lặp lại các bước này nếu chảy máu mũi chưa cầm được. Đi viện ngay nếu thời gian đè mũi trên 30 phút (trên 10 phút ở trẻ em) mà vẫn chưa cầm máu.

Phải làm gì nếu chảy máu mũi tái phát?

Nguyên nhân thường gặp của chảy máu mũi tái phát thường là:

  • Tiếp xúc với không khí khô thường xuyên
  • Sử dụng nhiều thuốc xịt mũi
  • Tiếp xúc với lạnh thường xuyên
  • Sử dụng thuốc dạng hít, như cocain.

Một số trường hợp, chảy máu mũi tái phát là dấu hiệu của một rối loạn đông máu thể ẩn, bạn cần đi khám để phát hiện ra tình trạng đó.

Tôi cần làm gì để giải quyết tình trạng chảy máu mũi?

  • Giữ ẩm cho mũi đặc biệt trong phòng ngủ.
  • Giữ ẩm trong mũi bằng nước muối dạng xịt hoặc gel.
  • Hạn chế ngoáy mũi hoặc ít nhất là cắt móng tay và dùng nước làm mềm khi vệ sinh mũi.

Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Video có thể bạn quan tâm

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây