Thông tin cần biết về Bệnh Viêm mũi dị ứng - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
I. Viêm mũi dị ứng:
- Viêm mũi dị ứng là bệnh viêm mũi do dị ứng gây ra, có nghĩa là hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng lại các chất gây dị ứng. Các chất gây dị ứng thường được gọi là dị nguyên , dị nguyên có thể là phấn hoa, nấm mốc, bụi nhà, mạt giường, thú nuôi (chó, mèo), gián, chuột bọ …
- Viêm mũi dị ứng tuy không đe dọa đến tính mạng con người nhưng với những biến chứng có thể xảy ra, nó có thể gây ảnh hưởng đáng kể chất lượng cuộc sống.
Những ai có thể mắc bệnh viêm mũi dị ứng?
- Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng đỉnh cao là 20 - 30 tuổi, nhưng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi.
- VMDU giảm dần theo tuổi tác, trên người già VMDU ít gặp hơn.
- Tiền căn gia đình: gia đình có người bị dị ứng thì dễ mắc bệnh dị ứng hơn.
- Môi trường và nghề nghiệp tiếp xúc: những người làm việc trong môi trướng ô nhiễm, hoặc những nghề tiếp xúc nhiều với những chất gây dị ứng.
II. Biểu hiện của bệnh viêm mũi dị ứng là gì?
- Những biểu hiện thường bao gồm 4 triệu chứng chính: ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi (trong, loãng), nghẹt mũi và có thể kèm theo nhức đầu, ngứa họng và ho, mất mùi... đây là những triệu chứng thường thì người bệnh lầm rằng mình bị cảm.
- Sổ mũi, ngứa mũi, đau họng, nhức đầu
- Viêm mũi dị ứng (VMDU) thường kèm với những tình trạng bệnh lý khác, chẳng hạn như là suyễn. VMDU cũng gây ảnh hưởng học hành khó tiếp thu, rối loạn giấc ngủ và ể oải.
III. Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng
Nguyên nhân gây bệnh VMDU có thể khác nhau phụ thuộc vào sự xuất hiện triệu chứng theo mùa, quanh năm hoặc từng đợt.
VMDU theo mùa: Nguyên nhân thường gặp là mùa phấn hoa và bụi nấm mốc ngoài trời.
VMDU quanh năm: Tác nhân gây VMDU quanh năm thường là bụi trong nhà. Trong những vùng thời tiết ấm áp, rất nhiều bụi hoa cỏ phát triển và phát tán quanh năm.
- Bụi nhà (house dust mites): Là những loại mạt - mò, chúng sống trong nhà, đặc biệt là trên da người và vật cưng nuôi trong nhà, sau đó chúng vung vãi đi khắp nơi. Bụi mạt – mò có thể tìm thấy ở đồ dùng chăn, gối, nệm, thảm trải … Nơi mà nhiệt độ ấm, độ ẩm cao; ngược lại ở nơi nhiệt độ khô hanh rất khó kiếm thấy chúng.
- Vật cưng: Vật cưng nuôi trong nhà thường gây VMDU quanh năm, thường nhất là chó, mèo; ngoài ra còn do lông thú vật, chim và các con vật cưng khác.
- Gián: Gián được cho là nguyên nhân gây ra những cơn suyễn, ngoài ra chúng còn là những bụi nhà gây VMDU quanh năm.
- Các loại gặm nhấm: nếu chúng ở trong nhà cũng là nguyên nhân nhạy cảm gây VMDU.
VMDU không thường xuyên: Xảy ra từng đợt khi có tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng ví dụ như bụi nhà, bụi môi trường, nấm mốc, phấn hoa… gây triệu chứng dị ứng từng đợt. Thức ăn cũng gây VMDU, tùy theo từng người, triệu chứng dị ứng ở mũi thường kèm với triệu chứng ở da, đường ruột – dạ dày, ở phổi.
VMDU nghề nghiệp: Nguyên nhân do tiếp xúc với tác nhân dị ứng tại nơi làm việc, tùy theo tính chất đặc thù của nghề nghiệp, có thể gây VMDU từng đợt, theo mùa hoặc quanh năm.
IV. Khi nào bác sĩ sẽ chẩn đoán người bệnh bị VMDU
- Bệnh được chẩn đoán dựa vào tiền sử bệnh có tiếp xúc với dị nguyên, bệnh sử thường ngứa mũi, hắt hơi từng tràng dài, chảy mũi trong, nghẹt mũi . . .
- Khám lâm sàng (nội soi mũi ) thấy niêm mạc mũi tái nhạt, phù nề, nhiều dịch nhầy trong, có thể thấy niêm mạc bị thoái hoá hoặc có polype mũi, cũng có thể thấy mủ nhầy (có bội nhiễm ).
- Cận lâm sàng phết dịch mũi tìm tế bào ái toan (eosinophil), định lượng IgE đặc hiệu trong máu cũng có thể tăng ở những người có nhiểm ký sinh trùng (giun, sán ).
- Thử phản ứng da (test nội bì , lẩy da): tiêm chất nghi là gây dị ứng vào trong da, nếu thấy nổi quầng đỏ hoặc xuất hiện bóng nước trên da tức là có phản ứng
V. Điều trị
Điều trị bệnh viêm mũi dị ứng như thế nào? Vấn đề điều trị gồm 2 phần chính
1. Điều trị bao gồm kiểm soát môi trường, tránh tiếp xúc dị nguyên
- Kiểm soát môi trường: Giữ nhà cửa luôn thoáng mát , sạch sẽ, thường xuyên giặt giũ áo quần , chăn màn , không nuôi súc vật trong nhà .
- Tránh tiếp xúc bụi, khói thuốc, khói xe, nước hoa, hoá chất (nước hồ bơi).
- Ra đường nên mang khẩu trang, về nhà nên tắm gội để loại bỏ dị nguyên, nhỏ rửa mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý.
- Vào mùa có phấn hoa nên đóng kín cửa nhà, hạn chế ra ngoài. Tránh ăn thức ăn hải sản, quá cay, quá lạnh.
- Nên tập thể dục thường xuyên để tăng sức đề kháng, tắm suối nước nóng, thay đổi khí hậu . . .
2. Điều trị bằng thuốc
- Thuốc chống sung huyết: Pseudoéphédrin, phénylpropanolamin rất hiệu quả với triệu chứng nghẹt mũi nhưng có tácdụng phụ nguy hiểm như tăng huyết áp, đột quị ... Thuốc nhỏ, xịt mũi như Rhinex , Otrivin , nguy cơ viêm mũi do thuốc, không dùng quá 7 ngày .
- Thuốc kháng Histamin: làm giảm triệu chứng ngứa mũi, hắt hơi, chảy mũi nhưng không hiệu quả đối với nghẹt mũi. Nhóm thuốc cũ như chlorpheniramine ,cyproheptadine ( Périactine ), hydroxyzine ( Atarax ). . .an tòan cho trẻ em > 1 tuổi , nhưng gây buồn ngủ , khô miệng,bí tiểu. Nhóm thuốc mới như cétirizine ,levocétirizine , loratadine , desloratadine, fexofenadine . . . ít buồn ngủ, nh ưng một số thuốc có thể gây tác dụng phụ về tim mạch .
- Thuốc kháng viêm corticoide: rất hiệu quả đối với 4 triệu chứng của viêm mũi dị ứng .Thuốc uống như prenisone, dexamethasone …hấp thu toàn thân nhiều, tác dụng phụ gây viêm loét dạ dày,ức chế trục hạ đồi - tuyến yên – tuyến thượng thận nên không thể dùng lâu dài .
- Thuốc xịt mũi tác dụng tại chỗ ít hấp thu toàn thân, ít tác dụng phụ có thể sử dụng cho trẻ em > 4 tuổi và có thể dùng để dự phòng như Beconase , Rhinocort , Flixonase , Nasonex. . . thuốc chỉ có hiệu quả sau 1-2 tuần điều trị , thời gian điều trị có thể kéo dài 1_ 3 tháng .
- Giải mẫn cảm đặc hiệu : hiệu quả cao, chỉ định khi dùng thuốc thất bại, nhưng có nguy cơ phản ứng toàn thân .Sau khi thử test da, xác định được dị nguyên, bệnh nhân sẽ được tiêm chất dị ngyuên đó với liều tăng dần làm cho cơ thể thích ứng dần và không còn dị ứng với chất đó nữa .
VI. Phòng bệnh
Tự chăm sóc cho bản thân mình: cần kiểm soát môi trường, tránh tiếp xúc với yếu tố gây dị ứng
Phấn hoa và nấm mốc ngoài trời
- Thường thì chỉ chú ý tránh tiếp xúc với môi trường vào những mùa phấn hoa phát tán, ví dụ phấn hoa của cây cối hiện diện vào mùa xuân, hoa cỏ có ở cuối mùa xuân và suốt mùa hè…
- Phấn hoa có chiều hướng xuất hiện cao vào thời tiết khô, nắng ấm, có gió; nên tránh tiếp xúc với bên ngoài trong thời gian này. Khi ra ngoài cần đóng kín cửa xe, đóng kín cửa sổ, cửa ra vào nhà hoặc tắm sạnh bụi phấn trên tóc, trên da sau khi ra ngoài trời.
Dị ứng bụi nhà, những nhân tố trong nhà
- Bụi mạt - mò trong nhà ở trên đồ dùng phòng ngủ (chăn, mền, gối … ) thảm sàn nhà, đồ trang trí nội thất … Tránh bằng cách dùng máy hút bụi, tẩy thảm nhà bằng hóa chất, nếu được chăn, mền, gối … giặt mỗi 2 tuần trong nước 130 oF để diệt tất cả mạt - mò trên bề mặt. Thường mạt – mò bụi nhà chỉ phát triển ở độ ẩm > 50% do đó dùng máy điều hòa làm khô môi trường cũng rất hữu ích.
- Đối với nấm mốc trong nhà cũng tránh bằng cách hạn chế độ ẩm trong nhà quá cao, không để đồ chứa nước trong nha để hạn chế sự phát triển của bào tử và nấm mốc.
- Dị ứng lông thú, vật cưng nuôi trong nhà tốt nhất là tránh hoàn toàn không tiếp xúc, hoặc ít nhất cũng nên tránh xa, không cho vật nuôi lên giường hay sống chung trong phòng. Đối với dán nên có kế hoạch diệt thường xuyên.
Đối với dị ứng nghề nghiệp: Nên tránh là biện pháp tốt nhất, nếu không có thể được thì nên dùng khẩu trang, mặt nạ tránh hít phải bụi nghề nghiệp.
Đối với những chất kích thích gây dị ứng không đặc hiệu như: Khói thuốc, chất nặng mùi, hương liệu, nước hoa, môi trường ô nhiễm … nên tránh, vì những chất trên là yếu tố kích thích gây dị ứng và làm triệu chứng dị ứng trầm trọng thêm.
Tóm lại:
Viêm mũi dị ứng là một bệnh thường gặp, mặc dù không nguy hiểm nhưng nó làm giảm chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng đến giao tiếp .Trong điều trị nên chú ý cải thiện môi trường sống và làm việc, tránh tiếp xúc dị nguyên , Khi cần sử dụng thuốc nên khám và điều trị tại cơ sở chuyên khoa để được an toàn và có hiệu quả .
Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn