1

Chẩn đoán Hạ Natri máu - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Chẩn đoán

Chẩn đoán xác định

Dựa vào xét nghiệm natri máu [Na+] <135mEq/L. Các triệu chứng lâm sàng chỉ có tính chất gợi ý và nói lên mức độ nặng của hạ natri máu.

Triệu chứng lâm sàng

  • Sợ nước, chán ăn, buồn nôn, nôn.
  • Mệt mỏi, đau đầu, lẫn lộn, u ám, mê sảng, rối loạn ý thức (có thể hôn mê), cơn co giật.
  • Các triệu chứng của tăng thể tích nước ngoài tế bào (phù, cổ chương) hoặc mất nước ngoài tế bào (giảm cân; da khô, nhăn nheo,…) kèm theo có giá trị để chẩn đoán nguyên nhân.

Triệu chứng cận lâm sàng

  • Natri máu <135mmol/lít, nặng khi natri máu < 120mmol/lít.
  • Các xét nghiệm cần làm để chẩn đoán nguyên nhân: Hematocrit, protid máu (xác định tăng hay giảm thể tích ngoài tế bào).Natri niệu (xác định mất natri qua thận hay ngoài thận).
  • Áp lực thẩm thấu máu, niệu.

Chẩn đoán nguyên nhân

Áp lực thẩm thấu huyết tương > 290 mOsmol/l: Do tăng đường máu, do truyền dịch ưu trương(mannitol).

Áp lực thẩm thấu huyết tương 280– 290 mOsmol/l: Giả hạ natri máu (tăng protin máu, tăng lipit máu).

Áp lực thẩm thấu huyết tương < 280mOsmol/l:

  • Hạ natri máu kèm theo tăng thể tích ngoài tế bào: Kèm theo có phù, protit máu giảm, hematocrit giảm tình trạng này là hạ natri máu kèm theo ứ muối và ứ nước toàn thể. Hay gặp trong: Suy tim ứ huyết, suy gan, xơ gan cổ trướng, hội chứng thận hư.
  • Hạ narti máu với thể tích ngoài tế bào bình thường: Kèm theo có natri niệu bình thường, protit và hematocrit giảm nhẹ tình trạng này là hạ natri máu do pha loãng. Hay gặp trong: Hội chứng tiết ADH không thoả đáng (tiết quá mức) áp lực thẩm thấu niệu >100 mOsmol/kg, hội chứng cận ung thư, suy hô hấp, tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, viêm não…, do thuốc (phenothizin, chlopropamid, carbamazepin…), suy giáp, suy vỏ thượng thận gây thiếu hụt cortisol, uống quá nhiều bia, nhiều nước.
  • Hạ natri máu kèm theo giảm thể tích ngoài tế bào: Kèm theo có dấu hiệu lâm sàng mất nước ngoài tế bào, protid máu tăng, hematocrit tăng.
  • Khi xét nghiệm nồng độ Na niệu >20mmol/l mất Na qua thận hay gặp do dùng lợi tiểu, suy thượng thận, bệnh thận gây mất muối, suy thận thể còn nước tiểu, giai đoạn đái nhiều của hoại tử ống thận cấp, sau giải quyết tắc nghẽn đường tiết niệu, bệnh thận kẽ, hội chứng mất muối do não.
  • Khi xét nghiệm nồng độ Na niệu <15 mmol/l mất Na ngoài thận hay gặp do mất qua tiêu hoá(tiêu chảy, nôn, rò tiêu hoá, mất vào khoang thứ ba), mất qua da(mồ hôi, bỏng), chấn thương.

Điều trị

Hạ natri máu kèm theo tăng thể tích ngoài tế bào (Ứ muối và nước toàn thể).

Điều trị cần hạn chế nước (< 300ml/ngày), hạn chế muối (chế độ ăn mỗi ngày chỉ cho 3-6g natri clorua), dùng lợi tiểu để thải nước và natri: furosemid 40-60mg/ngày (có thể dùng liều cao hơn, tuỳ theo đáp ứng của bệnh nhân), chú ý bù kali khi dùng lợi tiểu.

Hạ natri máu với thể tích ngoài tế bào bình thường

  • Chủ yếu là hạn chế nước (500ml nước/ ngày), nếu do hội chứng tiết ADH không thích hợp (SIADH) thì có thể cho thêm lợi tiểu quai. Do dùng thiazid: ngừng thuốc.
  • Do suy giáp, suy thượng thận: điều trị hormone.Nếu hạ natri máu nặng (Na < 120mmol/l, có triệu trứng thần kinh trung ương): truyền natri clorua ưu trương (3%, 10%). Có thể cho furosemid (40 – 60ml tiêm tĩnh mạch) khi truyền natri clorua.

Hạ natri máu kèm theo giảm thể tích ngoài tế bào

  • Trường hợp hạ natri máu xảy ra mạn tính (>2 ngày) và không có triệu chứng: Không cần điều chỉnh ngay, nếu tình trạng giảm nồng độ natri máu nhẹ có thể cung cấp natri clorua theo đường tiêu hoá. Điều trị nguyên nhân, hạn chế nước. Nếu hạ natri máu nặng hơn hoặc có rối loạn tiêu hoá: truyền natri clorua ưu trương đường tĩnh mạch và điều chỉnh không vượt quá 0,5 mmol/L mỗi giờ (không quá 12mmol/L mỗi ngày).
  • Trường hợp hạ natri máu cấp tính (< 2 ngày) có kèm theo triệu chứng thần kinh trung ương: Điều trị nguyên nhân, hạn chế nước. Dùng dung dịch muối ưu trương (3%, 10%) để điều chỉnh giảm nồng độ natri máu với tốc độ điều chỉnh 1-2 mmol/L cho mỗi giờ trong 2-3 giờ đầu.

Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây