1

Cấp cứu bệnh nhân nhiễm kiềm chuyển hóa - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

1. Nguyên nhân

1.1. Kiềm chuyển hóa đáp ứng với chlore (Cl– nước tiểu < 10-20 mmol/l)

Thường gặp trong các bệnh lý gây mất chlore như:

  • Nôn, hút dịch dạ dày (cũng gây mất acid). Khi nôn hay hút dịch dạ dày sẽ làm mất một lượng lớn Cl– và H+ mà bình thường có nhiều trong dịch dạ dày. Ion bicarbonat tăng lên để bù trừ cho mất Cl–.
  • Loét tiêu hoá: Tăng kiềm trong dịch ngoại bào xảy ra khi bệnh nhân dùng quá nhiều chất trung hòa acid như NaHCO­3 để làm giảm đau do loét
  • Ỉa chảy, thuốc lợi tiểu

1.2. Kiềm chuyển hóa không đáp ứng với chlore (Cl– nước tiểu >10-20mmol/l)

Thường kết hợp với thể tích tuần hoàn bình thường hay tăng và tăng huyết áp do thiếu kali nặng hay bệnh gây tăng aldosterone như:

  • Bệnh tăng aldosterone máu nguyên phát hay thứ phát.
  • Hội chứng Cushing.
  • Do tình trạng dư aldosterone không kèm với hạ thể tích tuần hoàn nên chlore nước tiểu bình thường hay tăng (> 10 mEq/L).

2. Ảnh hưởng sinh lý của kiềm chuyển hóa

  • Gây di chuyển K+ từ máu vào tế bào, hạ kali máu, nguy cơ loạn nhịp tim.
  • Giảm calci máu.
  • Giảm thông khí phế nang bù trừ (làm nặng thêm bệnh phổi tắc nghẽn, hay dùng morphine) gây thiếu oxy máu.
  • Đường biểu diễn phân ly Hb-O2 lệch trái, gây giảm cung cấp oxy cho mô
  • Co thắt tiểu động mạch gây giảm lưu lượng máu não và động mạch vành.

3. Biểu hiện lâm sàng

  • Trong nhiễm kiềm chuyển hóa, hệ thần kinh trung ương trở nên kích thích.
  • Triệu chứng bao gồm kích động, lú lẫn và những triệu chứng như giống cơn co cứng cơ trong giảm calci máu và tăng phản xạ.
  • Có thể xảy ra giảm thông khí (thở nông) như là cơ chế bù trừ cho nhiễm kiềm chuyển hóa để giữ lại H+ và H2CO­3.

4. Điều trị

  • Điều trị nguyên nhân gây kiềm chuyển hóa.
  • Điều chỉnh hạ thể tích máu và giảm K+ máu: Trong kiềm chuyển hóa đáp ứng với Cl–, truyền NaCl 0,9% để tăng thể tích tuần hoàn, tăng thải bicarbonate. Nếu cần thiết cho kalibằng cách bổ sung KCl.
  • Ở bệnh nhân có chống chỉ định bù thể tích, dùng lợi tiểu acetazolamide (Diamox) 250-500 mg tĩnh mạch mỗi 6 giờ gây thải bicarbonate qua thận và cải thiện pH.
  • Khi hút dạ dày kéo dài, dùng thuốc kháng thụ thể H2 để giảm tạo acid dạ dày.
  • Kiềm máu nặng kèm giảm thông khí phế nang có thể gây co giật hay ức chế hệ thần kinh. Nếu kiềm chuyển hóa đe dọa mạng sống, và cần được điều chỉnh nhanh, truyền ion hydrogen ở dạng acide HCl loãng qua tĩnh mạch trung ương (0,1 HCl trong glucose 5%, vận tốc truyền không quá 0,2 mmol/kg/giờ). Hay ammonium chloride 2,14% 10-20 ml/giờ, arginine monohydrochloride 10% 10-20 ml/giờ.
  • BN bị kiềm chuyển hóa không đáp ứng với chlore, điều trị bằng cách bù kali hay thuốc kháng aldosterone (như aldactone).

Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây