1

Cấp cứu bệnh nhân gãy xương chậu - bệnh viện 103

1. Cấp cứu, hồi sức BN gãy khung chậu

BN gãy khung chậu vào viện cấp cứu thường ở trong tình trạng đa chấn thương nổi bật là tình trạng sốc mất máu.

Nguyên tắc cấp cứu điều trị đa chấn thương ATLS (Advanced Trauma Life Support) do Hội Chấn thương chỉnh hình Mỹ (American College of Surgeon’s Committee on Trauma) đề xuất năm 1993  có nhấn mạnh thêm phần xử trí tổn thương khung chậu:

BN gãy khung chậu, nhất là các trường hợp sốc chấn thương hoặc hôn mê cần phải được xử trí ngay các bước:

  • Bước 1: kiểm tra ngay lưu thông đường hô hấp, nếu có ùn tắc đờm dãi hoặc dị vật phải lấy hết dị vật, hút sách đờm dãi, thở oxy, đặt BN nằm ngửa, đầu nghiêng về một bên để tránh tụt lưỡi, nếu có suy hô hấp nặng phải đặt nội khí quản để bóp bóng hoặc thở máy hỗ trợ.
  • Bước 2: đặt ngay một hoặc hai đường truyền dịch, nên đặt hệ thống truyền vào tĩnh mạch dưới đòn nhằm bổ sung dịch thể nâng huyết áp, theo dõi áp lực tĩnh mạch trung tâm để chủ động tính toán số lượng dịch truyền.
  • Bước 3: Tiếp theo, cho hoàn chỉnh xét nghiệm chẩn đoán, thực hiện khám xét theo quy trình và chú ý tránh bỏ sót tổn thương.

2.  Điều trị bảo tồn gãy khung chậu

Điều trị bảo tồn gãy khung chậu hiện nay là phương pháp khá phổ biến ở nước ta.

  • Để BN nằm bất động tại giường, gác cao hai chân trên giá Braunn theo tư thế “ếch”. Với các gẫy khung chậu không vững, kết hợp xuyên đinh Kirschner qua lồi cầu xương đùi hoặc lồi củ trước xương chày để kéo liên tục với trọng lượng  từ 5 – 7 kg, kéo chỉnh trong   2-3  tuần.
  • Malgaigne điều trị bảo tồn bằng cách cho băng ép quanh chu vi khung chậu để tạo vừa ra lực ép nắn chỉnh di lệch nhất là khi có doãng khớp mu vừa để bất động ổ gẫy và cầm máu.
  • Boehler (1935), đề xuất thêm kéo liên tục kết hợp với treo một đai võng đặt quanh khung chậu để nâng mông lên cách mặt giường 2-3 cm, với lực kéo mỗi bên khoảng 5 kg.

Ưu điểm là phương pháp đơn giản, dễ thực hiện, có thể áp dụng được ở nhiều cơ sở điều trị.

Nhược điểm:

  • Kết quả  nắn chỉnh về giải phẫu kém.
  • BN phải bất động lâu, nhiều nguy cơ gặp các biến chứng viêm phổi, viêm đường tiết niệu, loét các điểm tỳ đè…
  • Không thuận lợi cho cho các bệnh nhân có gẫy hở khung chậu hoặc có tổn thương  kết hợp (chấn thương tiết niệu, chân thương bụng và  vết thương rộng ở vùng chậu hông)

3. Điều trị phẫu thuật gãy khung chậu

3.1. Phẫu thuật kết xương bên trong

Chỉ định phẫu thuật kết xương bên trong thường áp dụng trong các trường hợp sau:

  • Tổn thương vòng chậu sau, làm mất vững khung chậu cả chiều xoay và chiều dọc (loại gãy VS, CM).
  • Tổn thương cung chậu trước: gẫy ngành chậu mu,doãng khớp mu. Có tác giả khuyên rằng các tổn thương gẫy không vững ở cung trước phải cân nhắc giữa cố định ngoài và kết xương bên trong.
  • Gãy ổ cối có di lệch.

Thời điểm tiến hành phẫu thuật: thường chỉ tiến hành khi BN đã thoát sốc và ổn định.

Ưu điểm của kết xương bên trong là: phục hồi tốt hơn về giải phẫu so với điều trị bảo tồn và cố định ngoài. Bệnh nhân vận động sớm, tránh được các biến chứng toàn thân. do nằm lâu, kết quả phục hồi chức năng tốt.

Nhược điểm: vì là phẫu thuật lớn nên không thể làm khi bệnh nhân chưa ổn định. Với các vết thương gẫy hở khung chậu thì không nên chỉ định vì nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. Nguy cơ tai biến tổn thương mạch máu thần kinh và các tạng trong mổ cao. Đòi hỏi phải có gây mê hồi sức tốt, phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm và có trang thiết bị và dụng cụ chuyên dùng cho kết xương khung  chậu.

Phẫu thuật kết xương bên trong điều trị gẫy khung chậu mới chỉ bắt đầu từ những năm 1960 và gần đây mới phát triển được tiến hành rộng rãi trên thế giới. Ở Việt Nam hiện nay, phẫu thuật này mới chỉ thực hiện ở một số cơ sở chuyên khoa về chấn thương.

3.2. Điều trị gãy khung chậu bằng cố định ngoài

Điều gãy khung chậu không vững bằng khung CĐN là phương pháp an toàn, đơn giản và hiệu quả. Phương pháp này chỉ định cho các trường hợp gãy khung chậu không vững không hoàn toàn. Đối với gãy không vững hoàn toàn cần kéo liên tục qua đầu dưới xương đùi để nắn chỉnh di lệch rồi sau đó mới đặt khung CĐN phía trước. Sau khi điều trị bệnh nhân ổn định nên xem xét đến kết xương bên trong ở cung chậu sau .

Một số chỉ định của kết xương cố định ngoài trong điều trị gẫy khung chậu là:

  • Đặt khung CĐN nhằm mục đích bất động tạm thời, cầm máu, giảm đau phòng chống sốc trong cấp cứu.
  • Đặt khung CĐN điều trị  gãy hở khung chậu;
  • Đặt khung CĐN để điều trị thực thụ cho các trường hợp gãy không vững không hoàn toàn ( gãy loại APC, LC);
  • Phối hợp giữa đặt khung CĐN với kết xương bên trong hoặc kéo liên tục, chỉ định cho gãy khung chậu không vững hoàn toàn (VS, CM).

Hiện nay, phương pháp CĐN đã được áp dụng khá phổ biến ở nhiêu cơ sở chấn thương chỉnh hình với nhiêu loại khung khác nhau như cọc ép ren ngược chiều của Nguyễn Văn Nhân, khung cố định ngoài tự chế theo mẫu khung Muller…

4.  Đường hướng xử trí một số tổn thương kết hợp trong gãy khung chậu.

4.1. Gãy hở khung chậu 

Là tổn thương nặng nề, phức tạp có tỷ lệ tử vong cao. Nguy cơ mất máu nhiều và nhiễm khuẩn, đặc biệt là gãy hở vào trực tràng. Đường hướng điều trị tổn thương này là:

  • Xử trí cắt lọc vết thương, cầm máu, nhất là các mạch máu lớn đặt dẫn lưu và để hở da.
  • Xử trí các tổn thương ở  trực tràng, âm đạo: cắt lọc vết thương sớm để giảm nguồn ô nhiễm vết thương. Khi cắt lọc vết thương chú ý cầm máu kỹ, bơm rửa dặt dẫn lưu và để  hở,  nếu không cầm máu được nên đặt meches. Có trường hợp phải mổ thắt động mạch chậu trong để cầm máu..
  • Chỉ định làm hậu môn nhân tạo đại tràng Sigma cho các tổn thương gãy hở thông vào trực tràng và các vết thương lớn vùng tầng sinh môn..
  • Kháng sinh phổ rộng, liều cao để  đề phòng nhiễm khuẩn huyết.

4.2.  Xử trí tổn thương cơ quan tiết niệu kết hợp

  • Tổn thương bàng quang: mổ cấp cứu khâu phục hồi thành bàng quang bị rách và đặt dẫn lưu bàng quang trên xương mu. Sau khoảng 2 tuần cho tập phản xạ tiểu tiện và rút dẫn lưu theo quy trình.
  • Tổn thương niệu đạo: mổ cấp cứu dẫn lưu bàng quang trên xương mu, dẫn lưu ổ máu tụ đặt sonde niệu đạo nếu có thể được. Nếu không đặt được sonde thì sẽ nối hoặc tạo hình niệu đạo kỳ hai, tối thiểu sau tai nạn 3 tháng, khi xương gãy liền và không còn nguy cơ nhiễm khuẩn.

4.3. Tổn thương cơ quan sinh dục

  • Vớí bệnh nhân thông thường cắt lọc vết thương, cầm máu.
  • Với BN nữ đang có thai phải hội chẩn cùng chuyên khoa sản để quyết định việc bỏ hay giữ lại thai nhi.g ở nước ta.

Gãy khung chậu không vững là tổn thương lớn, thường gặp trong bệnh cảnh đa chấn thương và có thể có tổn thương kết hợp ở nhiều cơ quan khác.Việc chẩn đoán và xử trí đúng các tổn thương kết hợp này đóng vai trò quan trọng trong cấp cứu BN.

Nguồn: Bệnh viện 103

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây