1

Cận thị - bệnh viện 103

1. Đại cương

  • Cận thị là một loại tật khúc xạ đáng quan tâm nhất trong các loại tật khúc xạ không chỉ vì nó là loại phổ biến nhất mà còn vì nó có thể dẫn tới các nguy cơ như rách hay bong võng mạc hoặc tăng nhãn áp.
  • Nếu cận thị không được điều chỉnh sẽ làm giảm thị lực và là yếu tố gây cản trở cho hoạt hàng ngày và việc chọn nghề nghiệp.
  • Mắt cận thị có công suất của quang hệ (giác mạc và thủy tinh thể) có độ hội tụ quá mạnh so với chiều dài trục trước sau của nhãn cầu.

2. Phân loại

2.1. Phân loại theo thể lâm sàng

Cận thị đơn thuần (simple myopia)

  • Mắt cận thị đơn thuần có thể do chiều dài trục trước sau của nhãn cầu quá dài so với công suất của hệ quang học. Một số trường hợp hiếm gặp hơn là do công suất của quang hệ quá cao trong khi chiều dài của trục nhãn cầu là bình thường.
  • Cận thị đơn thuần thường có độ cận nhỏ hơn -6.00D và cũng có thể đi kèm với loạn thị.

Cận thị ban đêm (nocturnal myopia)

Loại cận thị này thường xảy ra về đêm hoặc khi có ánh sáng yếu, cảnh vật có độ tương phản không tốt làm cho mắt không có một điểm kích thích điều tiết, lúc đó viễn điểm của mắt sẽ ở khoảng cách trung gian chứ không ở vô cực như trong điều kiện ánh sáng đủ.

Cận thị giả (pseudomyopia)

Cận thị giả xảy ra khi mắt gia tăng điều tiết hay do co quắp cơ thể mi.

Cận thị thoái hóa (degenerative myopia)

Đây là loại cận thị nặng có kèm theo thoái hóa bán phần sau của nhãn cầu do đó loại cận thị này còn gọi là cận thị bệnh lý.

Cận thị thứ phát (induced myopia)

Cận thị giả có thể gây ra bởi một số loại thuốc, sự dao động của đường huyết trong bệnh tiểu đường, đục nhân của thủy tinh thể, hoặc do một số rối loạn khác.

2.2. Phân loại theo mức độ cận

  • Cận nhẹ (<-3.00D)
  • Cận trung bình (-3.00 đến -6.00D)
  • Cận nặng (>-6.00D)

2.3. Phân loại theo tuổi khởi phát

  • Cận thị bẩm sinh (xuất hiện khi sinh)
  • Cận thị xuất hiện khi trẻ (từ 6 tuổi đến  <20 tuổi)
  • Cận thị trưởng thành (từ 20 đến 40 tuổi)
  • Cận thị cuối gia đoạn trưởng thành (>40 tuổi)

3. Nguyên nhân cận thị

  • Do trục: chiều dài trục trước sau của nhãn cầu quá dài trong khi công suất của quang hệ là bình thường.
  • Do công suất của quang hệ: công suất khúc xạ của quang hệ quá cao trong khi chiều dài trục nhãn cầu là bình thường.
  • Nguyên nhân cận thị còn có thể được nêu chi tiết hơn:
  • Cận thị do chiết suất: chiết suất bất thường của 1 hoặc 2 môi trường trong suốt của mắt (giác mạc, thủy tinh thể).
  • Cận thị do độ cong: do sự gia tăng bán kính độ cong của giác mạc hoặc thủy tinh thể.

4. Tỉ lệ cận thị

  • Cận thị – 0.50D chiếm tỉ lệ thấp <5% ở nhóm trẻ 5 tuổi. Tỉ lệ cận thị gia tăng ở lứa tuổi bắt đầu đi học và nhóm vị thành niên. Ở Mỹ và một số nước phát triển tỉ lệ cận thị ở lứa tuổi thiêu niên là 20 – 25% và lứa tuổi thanh niên là 25-35%. Theo một số báo cáo tỉ lệ cận thị ở một số vùng thuộc châu Á tỉ lệ này cao hơn.
  • Tỉ lệ cận thị giảm dần ở lứa tuổi trên 45 và giảm còn 20% ở lứa tuổi 65 và xuống tới 14% ở lứa tuổi 70. Một số nghiên cứu cho thấy tỉ lệ cận thị ở nữ giới cao hơn nam giới một chút.
  • Tỉ lệ cận thị cũng cao hơn ở nhóm người có thu nhập cao và có trình độ học vấn, và cận thị cũng cao hơn ở nhóm những người có công việc đòi hỏi làm việc ở thị giác gần với cường độ cao.

5. Khám chẩn đoán cận thi

Các test thông dụng trong việc khám sàng lọc cận thị bao gồm: Thử thị lực, soi bóng đồng tử, soi đáy mắt, và cover test.

5.1. Bệnh sử

Khai thác những vấn đề liên quan tới tình trạng hiện tại của bệnh nhân: lý do đến khám, thị giác, tình trạng của mắt, tình trạng sức khỏe tổng quát, tiền căn gia đình, các loại thuốc đang sử dụng …

5.2. Khám lâm sàng

Thị lực

Cần thử thị lực không kính từng mắt cả thị giác xa và gần. Thị lực xa là yếu tố gợi ý về mức độ cận thị bởi vì sự giảm thị lực tỉ lệ với mực độ cận thị, tuy nhiên điều này chỉ đúng khi không có loạn thị kèm theo. Nếu bệnh nhân đã có đeo kính thì ta cần thử thị lực với kính đang đeo.

Khám khúc xạ

Soi bóng đồng tử là một phương pháp khách quan giúp xác định rất sát mức độ cận thị. Khám bằng máy khúc xạ điện tử đôi khi được xem là phương pháp thay thế cho soi bóng đồng tử.

Tuy nhiên máy khúc xạ điện tử thường sẽ không loại trừ được lực điều tiết của bệnh nhân, không cho chúng ta biết về sự trong suốt của các môi trường, tính chất quang học của của khe phản xạ, và sự thay đổi đường kính của đồng tử. Khám bằng phương pháp soi bóng đồng tử trong phòng tối giúp ta chẩn đoán được cận thị về đêm mà các phương pháp khác chưa thể thay thế.

Khám khúc xạ chủ quan đi kèm với soi bóng đồng tử giúp xác định được độ cầu trừ nhỏ nhất cho thị lực tối đa. Khám khúc xạ khách quan có liệt điều tiết giúp ta chẩn đoán xác định cận thị giả.

Đo độ cong giác mạc giúp ta có khái niệm về tình trạng loạn thị giác mạc của bệnh nhân và cùng với kết quả loạn thị tổng cho ra từ phương pháp khúc xạ chủ quan và khách quan sẽ cho ta khái niệm về tình trạng loạn thị của bệnh nhân.

Khám tình trạng thị giác 2 mắt, vận nhãn, điều tiết

Ở những bệnh nhân cận thị người ta thường quan sát thấy tình trạng gia tăng qui tụ, thiểu năng điều tiết, và giảm khả năng buông thả điều tiết nên các test đánh giá khả năng qui tụ, điều tiết và tình trạng thị giác 2 mắt của bệnh nhân là cần thiết.

Khám tổng quát về bệnh lý mắt

  • Soi đáy mắt bằng phương pháp trực tiếp hoặc phương pháp hình đảo giúp ta chẩn đoán và ngăn ngừa được thoái hóa hắc võng mạc, bong võng mạc và tăng nhãn áp.
  • Khám sinh hiển vi cũng giúp chẩn đán phân biệt các cận thị thứ phát do đục thủy tinh gây ra, hoặc cận thị do phù giác mạc gây ra bởi đeo kính tiếp xúc.

Các xét nghiệm bổ sung

Các test và xét nghiệm bổ sung giúp theo dõi những biến đổi ở hắc võng mạc trong cận thị bệnh lý, bao gồm:

  • Chụp ảnh võng mạc
  • Siêu âm A và B
  • Thị trường
  • Xét nghiệm đường huyết

6. Điều trị

Mục tiêu của việc điều trị cho bệnh nhân cận thị là thị giác rõ nét và thoải mái, tình trạng thị giác hai mắt hiệu quả, các thoái hóa trên võng mạc được theo dõi và kiểm soát.

6.1. Điều chỉnh quang học

  • Các điều chỉnh quang học thông dụng nhất hiện tại là kính gọng và kính tiếp xúc.
  • Kính gọng và kính tiếp xúc có các lợi điểm khác nhau trong việc điều chỉnh cận thị.
  • Các lợi điểm của kính gọng:
  • Rẻ tiền
  • Kính gọng sẽ an toàn cho mắt nhất là khi tròng kính làm bằng chất liệu nhựa hoặc Polycarbonate.
  • Các điều trị chỉnh quang khác có thể phối hợp với kính gọng như: lăng kính, kính 2 tròng, kính công suất tăng dần (có thể được sử dụng để điều trị các tình trạng khác như lác ẩn trong, các rối loạn điều tiết đi kèm với cận thị).
  • Khi đeo kính gọng bệnh nhân sẽ ít phải điều tiết hơn khi đeo kính tiếp xúc do đó sẽ thoải mái hơn nhất là cho những bệnh nhân tiến đến gần tuổi lão thị.
  • Điều chỉnh loạn thị bằng kính gọng sẽ dễ dàng và chính xác hơn khi đeo kính tiếp xúc.
  • Các lợi điểm của đeo kính tiếp xúc:
  • Có tính thẩm mỹ cao hơn kính gọng.
  • Cho hình ảnh võng mạc có kích thước lớn hơn kính gọng nhất là trong các trường hợp cận thị nặng.
  • Trong các trường hợp bất đồng khúc xạ kính tiếp xúc ít gây bất đồng ảnh võng mạc hơn.
  • Kính tiếp xúc làm giảm đáng kể các khó chịu do sức nặng của gọng kính, thị trường bị thu hẹp, và tác dụng lặng kính mà bệnh nhân gặp phải khi đeo kính gọng.
  • Kính tiếp xúc (loại cứng thấm khí) có khả năng làm giảm sự tiến triển của cận thị do tác dụng làm dẹt giác mạc.

6.2. Huấn luyện thị giác

Huấn luyện thị giác có tác dụng làm giảm điều tiết trong trường hợp cận thị giả, nhưng trên các bệnh nhân thông thường việc huấn luyện chưa chứng minh được khả năng làm chậm sự phát triển của cận thị hoặc làm giảm độ cận.

Chỉnh giác mạc bằng kính tiếp xúc cứng thấm khí (Orthokertology)

Đây là phương pháp sử dụng các kính tiếp xúc cứng thấm khí đeo trong một thời gian nhất định (vài tuần đến vài tháng). Việc đeo loại kính nay giúp làm dẹt vùng trung tâm giác mạc trong một thời gian (sau khi đã tháo kính tiếp xúc ra). Điều này giúp điều chỉnh được cận thị.

Có một số nghiên cứu đang được tiến hành về việc ứng dụng loại kính này để kiểm soát việc gia tăng độ cận thị ở trẻ em.

Phương pháp sử dụng kính đa tiêu cự

Kính đa tiêu cự bao gồm kính 2 tròng (bifocal) hoặc kính công suất tăng dần (progressive). Đây là các loại kính dùng cho bệnh nhân lão thị. Khi sử dụng cho bệnh nhân trẻ kính có tác dụng làm giảm nỗ lực điều tiết ở thị giác gần. Kính thường được sử dụng trên những bệnh nhân có lác ẩn trong ở thị giác gần giúp làm giảm nhức đầu và tăng hiệu quả thị giác của việc điều chỉnh cận thị.

Vệ sinh thị giác

  • Khi đọc sách hoặc làm các công việc đòi hỏi nỗ lực thị giác cao ở thị giác gần cần nghỉ ngơi mắt mỗi 45 phút. Khi nghỉ cần đứng lên đi lại và nhìn ra xa.
  • Khoảng cách đọc sách cần phù hợp. Khoảng cách lý tưởng để đọc sách được đo từ đầu ngón tay cái và ngón trỏ khi cong lại tới cùi chỏ.
  • Khi đọc sách cần có đủ ánh sáng. Ngoài ánh sáng trong phòng cần một ngọn đèn để bàn và cách chiếu sáng tốt nhất là từ sau chiếu qua vai hơn là chiếu trực tiếp từ phía trước để tránh phản xạ vào mắt chúng ta.
  • Khi đọc sách hoặc làm máy tính ta cần ngồi ngay ngắn giữ cho lưng thẳng và thư giãn.
  • Đối với trẻ nhỏ cần hạn chế thời gian xem truyền hình và chơi Video game.
  • Ngồi cách truyền hình khoảng cách bằng 7 lần chiều rộng của màn hình (khoảng 2.5 đến 3m).
  • Tham gia các hoạt động ngoài trời, điều này giúp cho mắt nhìn xa và thị giác được thư giãn.

Nguồn: Bệnh viện 103

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Video có thể bạn quan tâm
HÀNH TRÌNH LẤY LẠI THỊ LỰC VÀ THẨM MỸ: BỆNH NHÂN MỔ CẬN, MỔ LÁC TẠI BỆNH VIỆN MẮT HÀ NỘI 2 HÀNH TRÌNH LẤY LẠI THỊ LỰC VÀ THẨM MỸ: BỆNH NHÂN MỔ CẬN, MỔ LÁC TẠI BỆNH VIỆN MẮT HÀ NỘI 2 02:58
HÀNH TRÌNH LẤY LẠI THỊ LỰC VÀ THẨM MỸ: BỆNH NHÂN MỔ CẬN, MỔ LÁC TẠI BỆNH VIỆN MẮT HÀ NỘI 2
Thực hiện mổ cận và mổ lác cách nhau chỉ 1,5 tháng
 3 năm trước
 739 Lượt xem
BÍ QUYẾT PHÒNG NGỪA BỆNH VỀ MẮT CHO NGƯỜI LỚN TUỔI BÍ QUYẾT PHÒNG NGỪA BỆNH VỀ MẮT CHO NGƯỜI LỚN TUỔI 03:04
BÍ QUYẾT PHÒNG NGỪA BỆNH VỀ MẮT CHO NGƯỜI LỚN TUỔI
Vào độ tuổi 50 trở đi, cũng như tất cả các bộ phận khác trên cơ thể, mắt của chúng ta bắt đầu lão hoá và dần xuất hiện các triệu chứng bệnh khác...
 3 năm trước
 603 Lượt xem
BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG CÓ GÂY RA BIẾN CHỨNG Ở MẮT KHÔNG BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG CÓ GÂY RA BIẾN CHỨNG Ở MẮT KHÔNG 03:32
BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG CÓ GÂY RA BIẾN CHỨNG Ở MẮT KHÔNG
Đái tháo đường đã trở thành căn bệnh thế kỷ ngày nay với khoảng 425 triệu người mắc, và Việt Nam cũng không nằm ngoài bối cảnh đó.Người bệnh...
 3 năm trước
 746 Lượt xem
CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ BỆNH VÕNG MẠC ĐÁI THÁO ĐƯỜNG Ở TỪNG GIAI ĐOẠN CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ BỆNH VÕNG MẠC ĐÁI THÁO ĐƯỜNG Ở TỪNG GIAI ĐOẠN 03:34
CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ BỆNH VÕNG MẠC ĐÁI THÁO ĐƯỜNG Ở TỪNG GIAI ĐOẠN
Có 3 giai đoạn mà bệnh nhân đái tháo đường cần hết sức lưu ý: khi chưa có biến chứng, biến chứng tùy giai đoạn võng mạc đái tháo đường và đục thủy...
 3 năm trước
 722 Lượt xem
ĐỪNG BỎ QUA CÁC TRIỆU CHỨNG CẢNH BÁO SỚM BỆNH ĐỤC THỦY TINH THỂ ĐỪNG BỎ QUA CÁC TRIỆU CHỨNG CẢNH BÁO SỚM BỆNH ĐỤC THỦY TINH THỂ 02:21
ĐỪNG BỎ QUA CÁC TRIỆU CHỨNG CẢNH BÁO SỚM BỆNH ĐỤC THỦY TINH THỂ
Theo WHO, trên thế giới hiện nay có khoảng 18 triệu người bị mù hai mắt do đục thủy tinh thể. Tại Việt Nam, Mù do đục thể thuỷ tinh chiếm 66,1% các...
 3 năm trước
 670 Lượt xem

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây