1

Các dạng biểu hiện bệnh lý hay gặp trong dị ứng thuốc - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

1. Ban đỏ (Exanthems): 

  • Là dạng ban sẩn hoặc ban dạng sởi, nhỏ như đầu đinh ghim ở thân mình và có thể liên kết lại với nhau tạo thành mảng, người bệnh thường ngứa, thời gian xuất hiện sau dùng thuốc thường khoảng 1 tuần và tồn tại đến một vài tuần.
  • Những  thuốc hay gây dị ứng dạng này là: ampicillin, amoxycillin, cotrimoxazole, carbamazepine, cefaclor, những thuốc bôi ngoài da, những thuốc có khả năng khuếch tán trong môi trường (các mỡ kháng sinh, chống viêm, bảo vệ da, tiếp xúc trực tiếp với thuốc trong công nghệ sản xuất thuốc, khí dung kháng sinh...).

2. Viêm da bong vảy (Exfoliative dermatitis):

  • Là dạng ít gặp với biểu hiện đỏ da bong vảy và ngứa toàn thân. Bệnh có thể tiến triển nặng nề và có thể đe doạ đến tính mạng người bệnh.
  • Dạng này thường xuất hiện sau dùng thuốc khoảng 1 tuần và tồn tại trong 3 – 4 tuần.
  • Các thuốc hay gây dị ứng dạng này là: allopurinol, thuốc chống sốt rét, giảm đau, hạ nhiệt, carbamazepine, penicillin, streptomycin, chloramphenicol, tetracyclin và sulfonamide.

3. Mày đay (Urticaria): 

  • Thường là biểu hiện lâm sàng nhẹ và ban đầu của phần lớn các trường hợp dị ứng thuốc.
  • Các loại thuốc đều có thể gây mày đay, hay gặp hơn là kháng sinh, văcxin, huyết thanh, thuốc chống viêm giảm đau, hạ sốt...
  • Sau khi dùng thuốc (nhanh từ 5-10 phút, chậm có thể vài ngày), người bệnh cảm thấy nóng bừng, ngứa, trên da nổi ban cùng sẩn phù, có thể kết hợp với phù mạch, phù nề mi mắt, môi.
  • Trường hợp nặng có thể có khó thở, đau bụng, đau khớp, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi, sốt cao...
  • Mày đay cấp thường biểu hiện tăng sẩn phù, mất đi nhanh và xuất hiện lại cũng nhanh, diễn biến trong thời gian dưới 3 tuần. Mày đay diễn biến hằng ngày, kéo dài hơn 3 tuần là đã chuyển thành mạn tính.
  • Những thuốc hay gây dị ứng dạng này là: kháng sinh, đặc biệt là  penicillin, thuốc khác: captopril và các thuốc ức chế men chuyển khác, thuốc chống viêm giảm đau không - steroid (NSAIDs) bao gồm cả aspirin, và các thuốc quinine.

4. Phù Quincke (Quincke’s oedema):

  • Là tình trạng phù cục bộ, có thể do kháng sinh, văcxin, huyết thanh, các thuốc chống viêm không steroid...
  • Phù thường xuất hiện nhanh sau khi dùng thuốc ở những vùng da mỏng, môi, cổ, quanh mắt, bụng, các chi, bộ phận sinh dục...
  • Kích thước phù Quincke thường to, có khi bằng bàn tay, nếu ở gần mắt làm cho mắt híp lại, ở môi làm môi sưng to, biến dạng.
  • Màu da vùng phù bình thường hoặc hơi hồng nhạt, đôi khi phối hợp với mày đay.
  • Trường hợp phù Quincke ở họng, thanh quản, người bệnh có thể bị nghẹt thở; ở ruột, dạ dày gây đau bụng; ở não gây đau đầu...

5. Da nhạy cảm ánh sáng (Photosensitivity):

  • Khi dùng một số loại thuốc thường là các loại như: ức chế men chuyển, NSAIDs, quinolone, nalidixic acid, phenothiazine, tetracycline, griseofulvin, amiodarone, sulfonamide và thiazide thì da trở nên tăng nhạy cảm với ánh sáng và bị tổn thương như: đỏ da giống bị phỏng, sạm da, đen da hoặc mất sắc tố da vv…
  • Vị trí ở các vùng da hở như: mặt, cổ, mu bàn tay, mu bàn chân.
  • Mức độ tổn thương phụ thuộc vào liều thuốc sử dụng và thời gian tiếp xúc với ánh nắng.

6. Hồng ban đa dạng (Erythema multiforme):

  • Bệnh bắt đầu sau một vài ngày dùng thuốc với những biểu hiện: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau khớp, sưng hạch, có cảm giác nóng bỏng toàn thân.
  • Tổn thương là các hồng ban hình bia bắn điển hình có ba vòng tròn đồng tâm: ngoài cùng là vòng ban đỏ, tiếp trong là sẩn đỏ phù nề , ở giữa là mụn nước nhỏ hoặc vỡ, trợt, hoại tử.
  • Bệnh có thể kèm theo tổn thương niêm mạc các hốc tự nhiên, tổn thương nội tạng (tim, gan, thận...), tái phát nhiều đợt; trường hợp nặng có thể gây tử vong.
  • Nguyên nhân do thuốc gây hồng ban đa dạng chỉ chiếm khoảng 10%, các thuốc thường gây hồng ban đa dạng là: ức chế men chuyển, allopurinol, carbamazepine, phenytoin, NSAIDs, penicillins, sulfonamide và tetracyclin

7. Viêm mao mạch (Cutaneous vasculitis necrolysis):

  • Là tình trạng viêm hoại tử các mao mạch ngoài da do các thuốc như: Ức chế men chuyển, NSAIDs, allopurinol, penicillins, sulfonamides và thiazides lợi tiểu.
  • Biểu hiện ngoài da là các ban xuất huyết sờ thấy được trên mặt da.
  • Ngoài ra thuốc còn có thể gây viêm mạch nội tạng và gây nguy hiểm hơn cho người bệnh.

8. Ban dạng lichen (Lichenoid eruptions):

  • Gọi tên này bởi vì tổn thương ngoài da giống lichen phẳng: là các sẩn màu hơi tím, phẳng, trên đó có các rãnh, khía...tổn thương có thể liên kết thành mảng lớn.
  • Các thuốc hay gây dị ứng dạng này là: thuốc chẹn beta, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chống sốt rét, furosemide, thiazides, chlorpropamide, methyldopa, phenothiazine và quinidine.

9. Hồng ban cố định nhiễm sắc (Fixed drug eruptions):

  • Là dạng dị ứng thuốc biểu hiện ở vị trí cố định trên da, thường là các vị trí liên kết da – niêm mạc.
  • Tổn thương là các dát sẫm màu ranh giới rất rõ với da lành, số lượng thường chỉ 1 hoặc vài tổn thương.
  • Xuất hiện lại tại đúng vị trí lần trước, sau khi uống thuốc khoảng 30 phút đến 8 giờ kèm theo cảm giác nóng rát hoặc châm chích tại vị trí tổn thương.
  • Các thuốc thường gây dị ứng loại này là: tetracycline, sulfonamide, NSAIDs, paracetamol, phenolphthalein và barbiturat.

10. Chứng mất bạch cầu hạt (Agranulocytosis):

  • Có thể xuất hiện sau khi người bệnh dùng các thuốc như: sulfamid, penicillin liều cao, streptomycin, pyramidon, chloramphenicol, analgin...
  • Bệnh cảnh lâm sàng điển hình: sốt cao đột ngột, mệt mỏi, sức khỏe giảm sút nhanh, nổi ban dạng sởi, dạng xuất huyết, loét hoại tử niêm mạc miệng, mũi họng, cơ quan sinh dục, viêm phổi, viêm tắc tĩnh mạch, nhiễm xuất huyết, dễ dẫn tới tử vong.

11. Bệnh huyết thanh (Serum sickness):

  • Là một tai biến dị ứng thuốc hay gặp, chủ yếu là do kháng sinh như penicillin, ampicillin, streptomycin... và một số thuốc khác.
  • Bệnh thường xuất hiện vào ngày thứ hai đến ngày thứ 14 sau khi dùng thuốc với biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, buồn nôn, đau khớp, sưng nhiều hạch, sốt cao 38-39 độ C, gan to, nổi ban mày đay khắp người.
  • Nếu phát hiện kịp thời và ngừng ngay việc dùng thuốc, các triệu chứng trên sẽ dần hết.

12. Sốc phản vệ (Anaphylactic shock):

Là tai biến dị ứng nghiêm trọng, dễ gây tử vong. Khá nhiều loại thuốc có thể gây sốc phản vệ như kháng sinh (thường gặp khi tiêm chích Penicillin, Streptomycin), văcxin, huyết thanh, các thuốc chống viêm không steroid, tinh chất gan, một số loại viamin, thuốc gây tê, thuốc cản quang có iode...

Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Tin liên quan
Tiffy Hay Decolgen: Loại Thuốc Trị Cảm Cúm Nào Tốt Hơn?
Tiffy Hay Decolgen: Loại Thuốc Trị Cảm Cúm Nào Tốt Hơn?

Hiện nay, việc sử dụng thuốc để điều trị bệnh cảm cúm đã trở thành thói quen ở nhiều người. Trong đó, Tiffy và Decolgen là hai loại thuốc trị cảm cúm phổ biến được lựa chọn nhiều nhất. Tuy nhiên, sử dụng Tiffy hay Decolgen là tốt hơn khi bị cảm cúm là nỗi băn khoăn của hầu hết mọi người.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây