Béo phì có phải nguyên nhân gây tiểu đường hay không? - Bệnh viện Nội Tiết Trung ương
Hơn 70% dân số người trưởng thành bị béo phì hoặc thừa cân ở vài quốc gia trên thế giới. Ngày xưa thừa cân béo phì được coi là đặc trưng của các xã hội giàu có, hiện nay béo phì và thừa cân đang gia tăng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt là ở các khu vực thành thị, nơi hiện tượng này diễn ra rất nhanh.
Theo ước tính của WHO (Tổ chức Y tế thế giới), tỷ lệ béo phì trên toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1980 và sự gia tăng đáng kể đã được quan sát thấy ở tất cả các khu vực. Ngay cả ở châu Phi cận Sahara, số trẻ em thừa cân tăng từ 4 triệu năm 1990 lên 10 triệu năm 2012.
Theo các chuyên gia y tế, béo phì chính là yếu tố nguy cơ gây ra nhiều bệnh về rối loạn chuyển hóa như: Tăng huyết áp, bệnh tim mạch, sỏi mật, thậm chí ung thư… đặc biệt là bệnh Đái tháo đường type 2.
Vì sao người béo phì có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường?
- Người béo phì và thừa cân có nguy cơ đái tháo đường cao gấp 2 lần so với người có cân nặng bình thường. Vì càng nhiều chất béo trong cơ thể, cơ thể càng cần nhiều insulin, mà insulin là hormon duy nhất có tác dụng làm giảm đường huyết.
- Đối với những người béo phì, khả năng làm giảm đường huyết của insulin thấp hơn do tình trạng đề kháng, nhất là những người bị béo vùng bụng. Lượng insulin lại không đủ để duy trì đường huyết ở người béo.
- Tế bào gan tăng sản xuất glucose, trong khi tế bào cơ và mô mỡ lại giảm tiếp nhận glucose, gây tăng đường huyết.
Do đó, bệnh đái tháo đường là kết quả của việc thừa cân hoặc béo phì. Ngoài ra, bệnh đái tháo đường còn gây các biến chứng (mù, cắt cụt chi, suy thận …) gây tốn kém, có thể là gánh nặng dài hạn nặng nề đối với sức khỏe và tài chính gia đình.
Nguồn tham khảo: Bệnh viện Nội Tiết Trung ương