1

Bệnh viện Quân y 103 cấp cứu, điều trị thành công bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp, ngừng tim do tắc gần hoàn toàn thân chung động mạch vành trái

Ca bệnh nhồi máu cơ tim nặng

Ngày 28/4/2021 Bệnh viện Quân y 103 tiếp nhận bệnh nhân Ngô Đình L. 63 tuổi, ở Phụng Châu, Chương Mỹ, Hà Nội trong tình trạng đau ngực, sau đó mất ý thức đã được cấp cứu  ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Bác sỹ CKII Đỗ Hữu Nghị trưởng khoa nội Tim mạch và Bác sỹ CKII Nguyễn Thành Trung trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Hà Đông  chia sẻ “Bệnh nhân vào viện trong tình trạng rất nguy kịch: mất ý thức, suy hô hấp, huyết áp tụt 60/40 mmHg, nhiều rối loạn nhịp tim phức tạp có lúc ngừng tim.

Chúng tôi đã nhanh chóng tiến hành hồi sức tim phổi: đặt nội khí quản thở máy, sốc điện, ép tim, sử dụng các thuốc vận mạch để nâng huyết áp và các thuốc chống rối loạn nhịp tim và liên hệ với chuyên khoa Hồi sức, Tim mạch Bệnh viện Quân y 103, chuyển tuyến tiếp tục cấp cứu”.

Tại Khoa Hồi sức nội, Bệnh viện Quân y 103, Bác sỹ CKII Bùi Thanh Tiến – Trưởng khoa và Bác sỹ Đặng Văn Ba những người trực tiếp cấp cứu bệnh nhân cho biết “Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng: nhồi máu cơ tim vùng trước rộng có biến chứng sốc tim, rung thất và ngừng tuần hoàn nhiều lần, kíp cấp cứu nhanh chóng tiến hành hồi sức cấp cứu chuyên sâu: thở máy, điều chỉnh các rối loạn kiềm toan, điện giải trong máu, sốc điện, ép tim, phối hợp cùng với các bác sỹ khoa Can thiệp Tim mạch kịp thời sử dụng kỹ thuật đặt giá đỡ (stent) cho động mạch vành bị tắc”.

Kíp kỹ thuật: Bác sĩ Trần Đức Hùng, Trịnh Quốc Hưng, Vũ Minh Phúc, Hoàng Văn Quân, Nguyễn Văn Sơn khoa Can thiệp Tim mạch – Bệnh viện Quân Y 103 đặt stent cấp cứu cho biết thêm ‘‘Trong khi làm kỹ thuật bệnh nhân vẫn tiếp tục được hồi sức tích cực, thở máy nhưng có nhiều rối loạn nhịp tim, nhanh thất, rung thất ngừng tim. Kíp kỹ thuật vừa ép tim, sốc điện (trên 10 lần) vừa chụp động mạch vành. Kết quả chụp của bệnh nhân bị hẹp nặng gần tắc thân chung động mạch vành trái, đây là động mạch quan trọng nhất nuôi quả tim, nếu không kịp thời can thiệp thì tỷ lệ tử vong của người bệnh rất cao.

Do vậy, các bác sỹ đã nhanh chóng quyết định đặt 1 stent từ thân chung vào động mạch liên thất trước vượt qua động mạch mũ để rút ngắn thời gian can thiệp. Rất may mắn, sau khi đặt được stent tình trạng người bệnh nhanh chóng phục hồi. Sau khi điều trị hồi sức tích cực 3 ngày bệnh nhân đã cai được thở máy, cắt các thuốc vận mạch và sau 7 ngày được ra viện”.

Trao đổi với TS, Bác sĩ Trần Đức Hùng -Trưởng khoa Can thiệp Tim mạch, Bệnh viện Quân Y 103 cho biết: Đối với những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp thì can thiệp đặt stent động mạch vành càng sớm càng tốt. Can thiệp sớm thì tỷ lệ biến chứng, tử vong giảm rõ rệt. Đặc biệt nếu người bệnh được đặt stent trong vòng 90 phút từ khi xuất hiện các triệu chứng.

Thành công của ca bệnh này một lần nữa khẳng định sự hiểu quả của làm việc nhóm, kết hợp đa chuyên khoa trong một bệnh viện và giữa các bệnh viện trong từng khu vực đã rút ngắn được thời gian từ chẩn đoán đến cấp cứu điều trị người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp.

Nguồn: Bệnh viện 103

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây