1

Bác sĩ trò chuyện: Tự phòng vệ trước rủi ro phẫu thuật - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Không riêng bệnh nhân, một số bác sĩ, nhất là những bác sĩ chưa có nhiều kinh nghiệm phẫu thuật cũng luôn thường trực nỗi lo khi bước vào phòng mổ. Tai biến là điều bác sĩ và người bệnh không ai muốn. Tuy nhiên, khi xảy ra cũng không có nghĩa lỗi hoàn toàn ở êkip mổ. Có những tai biến do bác sĩ thiếu trách nhiệm nhưng cũng có những trường hợp do người bệnh không thực hiện đúng chỉ định, và có cả những rủi ro rơi vào biến chứng khách quan mà nhiều người hay ví von “trời kêu ai nấy dạ…”

Những biến chứng khách quan

Phẫu thuật cũng như bất kỳ công việc nào khác đều có một tỷ lệ rủi ro nhất định mà trong y học gọi là biến chứng. Các bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật với khả năng tốt nhất của họ. Tuy nhiên, không thể đảm bảo rằng 100% trường hợp đều thành công mỹ mãn.

Trong y khoa hiện chấp nhận một số rủi ro khách quan sau:

  • Chảy máu trong khi mổ và sau mổ (mặc dù được bác sĩ đặc biệt quan tâm khống chế thì vẫn có thể xảy ra biến chứng chảy máu trong khoảng 1%);
  • Nhiễm trùng vùng mổ (tỷ lệ nhiễm trùng vết mổ ở phẫu thuật sạch là dưới 5%, ở phẫu thuật nhiễm có thể đến 40%);
  • Bục vết mổ (có thể xảy ra ở trường hợp nhiễm trùng vết mổ, cơ địa già yếu, suy giảm miễn dịch…);
  • Thuyên tắc mạch (do cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch chân gây phù chân.
  • Máu đông có thể chạy lên phổi gây thuyên tắc phổi trầm trọng);
  • Biến chứng phổi (viêm phổi, xẹp phổi… có thể rất trầm trọng ở người già yếu, nằm lâu);
  • Nhồi máu cơ tim và đột quỵ (do biến cố phẫu thuật tác động lên tim mạch, nhất là người già, có sẵn bệnh tim mạch)...

Người bệnh làm gì để giảm rủi ro?

  • Bệnh nhân có thể yêu cầu được mổ bởi một bác sĩ nào đó của bệnh viện mà mình tin tưởng. Bệnh viện sẽ chấp nhận nếu phù hợp khả năng chuyên khoa của bác sĩ đó. Nếu không có yêu cầu, bệnh viện sẽ phân công một bác sĩ chuyên khoa thích hợp khác.
  • Trước phẫu thuật: bác sĩ sẽ cung cấp thông tin cần thiết về tình trạng bệnh, phương pháp mổ dự kiến, biến chứng có thể xảy ra, tiên lượng kết quả phẫu thuật, ước đoán chi phí và thời gian nằm viện. Chỉ nên ký cam kết mổ sau khi được thông tin đầy đủ và không còn những thắc mắc về cuộc mổ. Nếu bệnh nhân không đủ thời gian và sức khoẻ, cần uỷ quyền cho thân nhân tiếp xúc bác sĩ và ký cam kết mổ.
  • Cần khai báo trung thực các vấn đề sức khoẻ bản thân: tiền căn bệnh, dị ứng, các triệu chứng bất thường, thuốc đã từng dùng…
  • Thực hiện nghiêm các hướng dẫn trước mổ: ngưng hút thuốc; nhịn ăn từ 20 giờ tối hôm trước mổ hoặc nhịn ăn theo hướng dẫn đặc biệt; thực hiện các y lệnh sử dụng thuốc; tắm rửa vệ sinh, ngủ sớm tối hôm trước mổ; thụt thuốc hoặc thụt tháo theo hướng dẫn; tháo hết tư trang, răng giả, thay quần áo theo hướng dẫn...

Sau phẫu thuật:

  • Cần hợp tác tốt với bác sĩ, điều dưỡng để thực hiện các y lệnh.
  • Hiểu cảm giác đau vết mổ là tất yếu dù bác sĩ đã thực hiện các biện pháp giảm đau thích hợp.
  • Chỉ vận động tay chân trên giường, ngồi dậy và xuống giường đi lại sớm khi bác sĩ cho phép. Nếu muốn ho khạc hãy thực hiện, đừng sợ đau vết mổ. Tuy nhiên, ho quá mạnh và quá nhiều có thể làm bung vết mổ ở bụng, nhất là vết mổ thoát vị. Ăn uống trở lại theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Khi xuất viện nhớ đọc kỹ dặn dò trong giấy xuất viện, dùng thuốc theo toa. Có thể tái khám bất kỳ lúc nào cảm thấy có những triệu chứng bất thường.

Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây