Bị gan nhiễm mỡ cần chú ý gì về chế độ ăn?
Gan nhiễm mỡ là gì?
Gan nhiễm mỡ là tình trạng mà gan có quá nhiều chất béo. Trong cơ thể, gan thực hiện nhiều chức năng quan trọng, bao gồm loại bỏ độc tố, sản xuất dịch mật và protein tiêu hóa... Bệnh gan nhiễm mỡ khiến gan bị tổn thương và không thể thực hiện các chức năng này như bình thường. Đây là một căn bệnh khá phổ biến, ảnh hưởng đến rất nhiều người và là một trong những nguyên nhân hàng đầu góp phần gây suy gan.
Có hai loại bệnh gan nhiễm mỡ, đó là bệnh gan nhiễm mỡ do rượu và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu thường xảy ra ở những người béo phì, có chế độ ăn nhiều dầu mỡ và ít vận động.
Một trong những biện pháp chính để kiểm soát và điều trị bệnh gan nhiễm mỡ, bất kể là do rượu hay không do rượu, là bằng chế độ ăn uống.
Dưới đây là một số lưu ý chung về chế độ ăn uống đối với người bị bệnh gan nhiễm mỡ:
- Ăn nhiều trái cây và rau xanh
- Bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ như các loại đậu và ngũ cốc nguyên cám
- Hạn chế tối đa đường, muối, chất béo chuyển hóa, carbohydrate tinh chế và chất béo bão hòa
- Không uống rượu
Một chế độ ăn ít chất béo và hàm lượng calo thấp sẽ giúp giảm cân và đồng thời giảm nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Nếu bạn thừa cân thì nên cố gắng giảm ít nhất 10% cân nặng hiện tại.
Những thực phẩm nên bổ sung
Dưới đây là 12 loại thực phẩm cần có trong chế độ ăn tốt cho gan:
1. Cà phê
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ở những người bị bệnh gan nhiễm mỡ và uống cà phê thì gan bị tổn thương nhẹ hơn so với những người không uống. Lí do là vì chất caffeine trong cà phê có khả năng làm giảm nồng độ men gan cao ở những người mắc hoặc có nguy cơ mắc các bệnh về gan.
2. Rau xanh
Các loại rau xanh đều có tác dụng giảm cân nói chung. Trong đó, bông cải xanh còn được chứng minh là có khả năng giúp ngăn ngừa sự tích tụ chất béo trong gan.
3. Đậu phụ
Một nghiên cứu của Đại học Illinois cho thấy protein đậu nành hay đạm đậu nành, có trong các loại thực phẩm như đậu phụ, có thể làm giảm sự tích tụ chất béo trong gan. Thêm nữa, đậu phụ chứa rất ít chất béo trong khi lại có hàm lượng protein cao.
4. Cá
Các loại cá béo như cá hồi, cá mòi, cá ngừ, cá trích và cá thu có chứa nhiều axit béo omega-3. Axit béo omega-3 là chất có khả năng giúp giảm lượng mỡ trong gan và giảm viêm.
5. Bột yến mạch
Carbonhydrate trong các loại ngũ cốc nguyên cám như bột yến mạch cung cấp năng lượng cho cơ thể trong khi hàm lượng chất xơ cao của các loại thực phẩm này lại tạo cảm giác no và giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh.
6. Quả óc chó
Loại quả hạch này cũng là nguồn chứa nhiều axit béo omega-3. Nghiên cứu đã phát hiện thấy quả óc chó giúp cải thiện chức năng gan ở những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ.
7. Quả bơ
Quả bơ chứa nhiều chất béo lành mạnh và còn có các chất làm chậm quá trình tổn thương gan. Ngoài ra, loại quả này còn giàu chất xơ nên có tác dụng giúp kiểm soát cân nặng.
8. Sữa và các sản phẩm từ sữa ít béo
Theo một nghiên cứu năm 2011, sữa có nhiều whey protein có công dụng bảo vệ lá gan không bị tổn thương thêm. Tuy nhiên, nên chọn các sản phẩm sữa ít béo.
9. Thực phẩm chứa nhiều vitamin E
Vitamin E là một chất chống oxy hóa có khả năng bảo vệ lá gan và làm chậm tốc độ tổn thương gan khi bị gan nhiễm mỡ. Một số loại thực phẩm giàu vitamin E gồm có: hạnh nhân, đu đủ, xoài…
10. Dầu oliu
Dầu oliu có chứa nhiều axit béo omega-3. Đây là loại dầu tốt cho sức khỏe hơn nhiều so với bơ động vật, bơ thực vật và các loại dầu thực vật khác. Dầu oliu giúp giảm nồng độ men gan và kiểm soát cân nặng.
11. Tỏi
Tỏi không chỉ là một loại gia vị được sử dụng để tăng thêm hương vị cho các món ăn mà các nghiên cứu còn cho thấy tỏi giúp giảm cân và giảm lượng chất béo ở những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ.
12. Trà xanh
Trà xanh có khả năng làm giảm mức độ hấp thụ chất béo của cơ thể, từ đó làm giảm sự tích trữ chất béo trong gan và cải thiện chức năng gan. Bên cạnh đó, trà xanh còn có nhiều lợi ích khác đối với sức khỏe, từ giảm nồng độ cholesterol cho đến hỗ trợ giấc ngủ.
Những thực phẩm cần tránh
Bên cạnh những thực phẩm cần bổ sung thì chắc chắn cũng sẽ có những thực phẩm và đồ uống mà bạn nên tránh hoặc hạn chế khi bị gan nhiễm mỡ. Đây là những thực phẩm góp phần làm tăng cân và tăng lượng đường trong máu.
- Rượu: Rượu là nguyên nhân chính gây ra bệnh gan nhiễm mỡ cũng như các bệnh về gan khác.
- Đồ ăn nhiều đường: Nên hạn chế hoặc tốt nhất là tránh xa các loại thực phẩm có đường như kẹo, bánh, nước ngọt và nước ép trái cây đóng hộp. Lượng đường trong máu cao sẽ làm tăng lượng chất béo tích tụ trong gan.
- Thực phẩm chiên rán: Đây là những loại thực phẩm chứa hàm lượng chất béo và calo rất cao.
- Muối: Việc ăn quá nhiều muối sẽ khiến cơ thể giữ nước và dẫn đến sưng phù. Theo khuyến nghị, chỉ nên ăn dưới 1500mg muối mỗi ngày.
- Thực phẩm chứa carb tinh chế: Do chứa hàm lượng chất xơ thấp, các loại thực phẩm chứa nhiều carbohydrate tinh chế như bánh mì trắng hay cơm trắng sẽ làm lượng đường trong máu tăng cao hơn so với các loại ngũ cốc nguyên cám.
- Thịt đỏ: Các loại thịt đỏ như thịt bò hay thịt dê có chứa nhiều chất béo bão hòa gây hại cho gan.
Những lưu ý khác
Ngoài việc điều chỉnh chế độ ăn uống, dưới đây là một số thay đổi khác về lối sống mà bạn nên áp dụng để cải thiện tình trạng sức khỏe của gan:
- Tăng cường vận động: Tập thể dục, kết hợp với chế độ ăn uống, sẽ giúp giảm cân và kiểm soát tình trạng bệnh gan. Nên cố gắng tập cường độ vừa ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Giảm cholesterol: Cần theo dõi lượng chất béo bão hòa và đường trong khẩu phần ăn hàng ngày để kiểm soát nồng độ cholesterol và triglyceride trong cơ thể. Nếu chế độ ăn và tập thể dục không đủ để giảm cholesterol thì có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc.
- Kiểm soát bệnh tiểu đường: Bệnh tiểu đường và bệnh gan nhiễm mỡ thường đi kèm với nhau nên chế độ ăn uống lành mạnh và thói quen tập thể dục có thể giúp kiểm soát cả hai vấn đề này. Tuy nhiên, nếu đã thay đổi về lối sống mà lượng đường trong máu vẫn còn cao thì sẽ cần dùng đến thuốc để hạ thấp.
Hiện tại trên thị trường vẫn chưa có loại thuốc nào được phê chuẩn chính thức để điều trị bệnh gan nhiễm mỡ nhưng việc giảm đi 10% hay thậm chí chỉ cần 3 – 5% cân nặng cơ thể cũng đủ để kiểm soát và cải thiện các triệu chứng bệnh. Ngoài ra, nên đi xét nghiệm thường xuyên và tiêm vắc-xin phòng viêm gan A, viêm gan B đầy đủ để ngăn ngừa nhiễm virus gây tổn thương gan.