1

Allopurinol dạng viên nén: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Viên nén allopurinol được sử dụng để điều trị bệnh gout, tăng axit uric máu và sỏi thận tái phát.
Allopurinol dạng viên nén: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ Allopurinol dạng viên nén: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Cảnh báo quan trọng

  • Phát ban da nghiêm trọng: Nồng độ axit uric trong máu tăng cao có thể gây phát ban da nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Nếu bị ngứa ngáy, khó thở, sưng phù mặt hoặc cổ họng, hãy ngừng dùng thuốc và báo ngay cho bác sĩ.
  • Tổn thương gan: Allopurinol có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm chức năng gan và gây suy gan. Suy gan có thể gây tử vong. Nếu người bệnh có vấn đề về gan khi dùng allopurinol thì sẽ phải ngừng thuốc.
  • Buồn ngủ: Allopurinol có thể gây buồn ngủ. Do đó, người bệnh không nên lái xe, vận hành máy móc hoặc làm các công việc khác đòi hỏi sự tỉnh táo cho đến khi hiểu rõ tác động của thuốc đến cơ thể.
  • Uống nhiều nước: Người bệnh nên uống ít nhất 3 lít (khoảng 12 cốc) nước mỗi ngày. Điều này sẽ giúp người bệnh đi tiểu ít nhất 2 lít nước tiểu. Uống nhiều nước sẽ làm loãng nước tiểu, nhờ đó ngăn các tinh thể axit uric hình thành và tạo thành sỏi thận gây tắc nghẽn đường tiết niệu. Người bệnh có thể đi tiểu vào bình chia vạch để theo dõi lượng nước tiểu.

Alopurinol là gì?

Viên nén allopurinol là một loại thuốc kê đơn có cả dạng thuốc gốc và biệt dược (tên thương mại). Hai biệt dược là Zyloprim và Lopurin. Thuốc gốc thường có giá thấp hơn biệt dược nhưng đôi khi không đa dạng về dạng thuốc và mức hàm lượng giống như biệt dược.

Ngoài dạng viên nén dùng qua đường uống, allopurinol còn có dạng tiêm tĩnh mạch. Thuốc được tiêm bởi nhân viên y tế.

Allopurinol có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp với các loại thuốc khác.

Công dụng

Allopurinol được sử dụng để giảm nồng độ axit uric trong máu và trong nước tiểu ở những người có mức axit uric cao. Mức axit uric cao có thể xảy ra do những nguyên nhân sau đây:

  • Bệnh gout (gút)
  • Sỏi thận, tổn thương thận hoặc lọc máu
  • Hóa trị điều trị ung thư
  • Bệnh vảy nến
  • Sử dụng thuốc lợi tiểu
  • Chế độ ăn nhiều nước ngọt, thịt đỏ, thịt chế biến sẵn và rượu bia

Cơ chế tác dụng

Allopurinol thuộc nhóm thuốc ức chế xanthine oxidase (nhóm thuốc là tập hợp các loại thuốc có cơ chế tác dụng và công dụng tương tự nhau).

Allopurinol làm giảm nồng độ axit uric trong máu và trong nước tiểu bằng cách ngăn cản xanthine oxidase - một loại enzyme giúp tạo ra axit uric. Nồng độ axit uric trong máu hoặc nước tiểu cao có thể gây ra bệnh gout hoặc sỏi thận.

Tác dụng phụ của allopurinol

Allopurinol có thể gây buồn ngủ. Do đó, người bệnh không nên lái xe, vận hành máy móc hoặc làm các công việc khác đòi hỏi sự tỉnh táo cho đến khi hiểu rõ về các tác dụng phụ của allopurinol. Ngoài buồn ngủ, allopurinol còn có các tác dụng phụ khác.

Tác dụng phụ phổ biến

Các tác dụng phụ phổ biến của allopurinol dạng viên nén gồm có:

  • Phát ban da
  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn
  • Thay đổi kết quả xét nghiệm chức năng gan
  • Cơn gout cấp (bùng phát triệu chứng bệnh gout) ở những người bị bệnh gout

Nếu người bệnh bị phát ban da, hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức. Không nên tiếp tục dùng allopurinol khi bị phát ban. Các tác dụng phụ nhẹ khác có thể tự hết sau vài ngày đến vài tuần. Nhưng nếu các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc kéo dài dai dẳng thì cần báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ.

Tác dụng phụ nghiêm trọng

Báo ngay cho bác sĩ nếu người bệnh gặp tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng allopurinol. Gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất nếu cảm thấy các triệu chứng có vẻ nguy hiểm. Một số tác dụng phụ nghiêm trọng của allopurinol cùng các triệu chứng gồm có:

  • Phát ban da nghiêm trọng. Các triệu chứng gồm có:
    • Nổi mề đay (các mảng gồ lên trên da)
    • Đốm đỏ hoặc tím trên da
    • Da đóng vảy
    • Sốt
    • Ớn lạnh
    • Khó thở
    • Sưng phù mặt hoặc cổ họng
  • Tổn thương gan. Các triệu chứng gồm có:
    • Mệt mỏi
    • Ăn không ngon miệng
    • Sụt cân
    • Đau hoặc khó chịu ở vùng bụng trên bên phải
    • Bệnh vàng da (nước tiểu sẫm màu hoặc da và lòng trắng mắt chuyển màu vàng)

Tương tác với các loại thuốc khác

Allopurinol có thể tương tác với các loại thuốc khác hoặc vitamin và thảo dược mà người bệnh đang dùng. Tương tác thuốc có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc trong cơ thể. Điều này có thể khiến thuốc giảm hiệu quả hoặc tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.

Để tránh xảy ra tương tác thuốc, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc, thảo dược cũng như thực phẩm chức năng mà mình đang dùng để bác sĩ kê thuốc cho phù hợp. Để hiểu rõ về tương tác thuốc của allopurinol, hãy nói chuyện trực tiếp với bác sĩ hoặc dược sĩ.

Các tương tác thuốc làm tăng nguy cơ tác dụng phụ

Tác dụng phụ của allopurinol: Dùng allopurinol cùng với một số loại thuốc khác có thể làm tăng nồng độ allopurinol trong máu và điều này sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ của allopurinol. Ví dụ về các loại thuốc có thể gây ra điều này gồm có:

  • Ampicillin hoặc amoxicillin: dùng những loại thuốc này cùng với allopurinol có thể tăng nguy cơ phát ban da.
  • Thuốc lợi tiểu thiazid, chẳng hạn như hydrochlorothiazide: dùng nhóm thuốc lợi tiểu này cùng với allopurinol có thể tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ của allopurinol, gồm có phát ban da, tiêu chảy, buồn nôn, thay đổi kết quả xét nghiệm chức năng gan và cơn gout cấp.
  • Tác dụng phụ của các loại thuốc khác: Dùng allopurinol cùng với một số loại thuốc khác có thể làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ của các loại thuốc này. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:
  • Mercaptopurin: Allopurinol có thể ức chế một trong những enzyme được cơ thể sử dụng để phân hủy mercaptopurin và điều này sẽ làm tăng nồng độ mercaptopurin trong máu. Nồng độ mercaptopurin trong máu cao sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng của mercaptopurin. Nếu cần dùng allopurinol cùng với mercaptopurin, bác sĩ thường sẽ giảm liều mercaptopurin.
  • Azathioprin: Allopurinol có thể ức chế một trong những enzyme được cơ thể sử dụng để phân hủy azathioprine và điều này sẽ làm tăng nồng độ azathioprine trong máu. Nồng độ azathioprine trong máu cao sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng của azathioprine. Nếu cần dùng allopurinol cùng với azathioprine, bác sĩ thường sẽ giảm liều azathioprine
  • Cyclosporin: Dùng allopurinol cùng với cyclosporine có thể làm tăng nồng độ cyclosporine trong máu và tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ của cyclosporine. Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ theo dõi mức cyclosporine trong cơ thể người bệnh và điều chỉnh liều dùng nếu cần.

Cảnh báo về allopurinol

Allopurinol đi kèm một số cảnh báo.

Nguy cơ dị ứng

Allopurinol có thể gây phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Các triệu chứng gồm có:

  • Nổi mề đay
  • Đốm đỏ hoặc tím trên da
  • Da đóng vảy
  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Khó thở
  • Sưng phù mặt hoặc cổ họng

Nếu người bệnh có dấu hiệu dị ứng khi dùng allopurinol, hãy báo ngay cho bác sĩ. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng thì cần gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất. Không được tiếp tục dùng allopurinol sau khi có phản ứng dị ứng. Việc tiếp tục dùng thuốc khi bị dị ứng có thể gây tử vong.

Khi nào cần báo cho bác sĩ?

Người bệnh cần báo cho bác sĩ nếu các triệu chứng của bệnh gout trở nên nặng hơn khi dùng allopurinol. Các triệu chứng bệnh gout có thể bùng phát trong thời gian đầu dùng thuốc. Bác sĩ có thể kê thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoặc colchicine để điều trị các cơn bùng phát và ngăn các triệu cứng bùng phát trong tương lai. Người bệnh có thể phải dùng các loại thuốc này trong thời gian lên đến 6 tháng.

Cảnh báo đối với một số nhóm đối tượng

  • Đối với người mắc bệnh thận: Ở những người đang có vấn đề về thận hoặc có tiền sử bệnh thận, cơ thể không thể đào thải thuốc một cách hiệu quả. Điều này làm tăng nồng độ allopurinol trong máu và tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Mặt khác, allopurinol có thể làm giảm chức năng thận và điều này sẽ làm cho tình trạng bệnh thận thêm trầm trọng hơn.
  • Đối với phụ nữ mang thai: Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã đưa ra một hệ thống phân loại thuốc dựa trên mức độ an toàn khi dùng trong thai kỳ. Theo đó, các loại thuốc được phân chia thành 5 nhóm (A, B, C, D và X). Allopurinol được xếp vào nhóm C, có nghĩa là:
    • Nghiên cứu trên động vật cho thấy thuốc gây ra tác dụng phụ trên bào thai khi mẹ dùng thuốc.
    • Chưa có đủ nghiên cứu được thực hiện trên người để kết luận chắc chắn về ảnh hưởng của thuốc đến thai nhi.
      Nếu người bệnh đang mang thai hoặc đang dự định có thai thì cần cho bác sĩ biết. Chỉ nên sử dụng âllopurinol trong thai kỳ khi lợi ích lớn hơn rủi ro đối với thai nhi.
  • Đối với phụ nữ đang cho con bú: Allopurinol đi vào sữa mẹ và có thể gây ra tác dụng phụ ở trẻ sơ sinh bú mẹ. Do đó, người bệnh cần cho bác sĩ biết nếu như đang cho con bú. Nếu như người bệnh quyết định vẫn cho con bú thì bác sĩ kê loại thuốc khác.
  • Đối với người cao tuổi: Khi có tuổi, thận sẽ không còn hoạt động tốt như trước. Điều này có nghĩa là cơ thể sẽ xử lý thuốc chậm hơn và thuốc sẽ ở trong cơ thể lâu hơn. Điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.

Đối với trẻ em: Allopurinol hiện chưa được nghiên cứu và không nên dùng cho người dưới 18 tuổi để điều trị bệnh gout hoặc sỏi thận.

Cách sử dụng allopurinol

Liều dùng, dạng thuốc và tần suất sử dụng thuốc sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như:

  • Tuổi tác
  • Bệnh lý cần điều trị
  • Mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh
  • Các bệnh lý khác đang mắc
  • Phản ứng của cơ thể với liều đầu tiên

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Thuốc gốc: allopurinol
    • Dạng thuốc: Viên nén dùng qua đường uống
    • Hàm lượng: 100 mg, 300 mg
  • Biệt dược: Zyloprim
    • Dạng thuốc: viên nén dùng qua đường uống
    • Hàm lượng: 100 mg, 300 mg
  • Biệt dược: Lopurin
    • Dạng thuốc: viên nén dùng qua đường uống
    • Hàm lượng: 100 mg, 300 mg

Liều dùng để điều trị bệnh gout

Liều dùng cho người lớn (từ 18 - 64 tuổi)

  • Liều khởi đầu điển hình: 100 mg mỗi ngày
  • Điều chỉnh liều dùng: Bác sĩ có thể tăng liều dùng thêm 100 mg mỗi tuần cho đến khi người bệnh đạt được mức axit uric trong máu khỏe mạnh.
  • Liều dùng thông thường:
    • Bệnh gout nhẹ: 200 – 300 mg mỗi ngày
    • Bệnh gout vừa đến nặng: 400 – 600 mg mỗi ngày
  • Liều tối đa: 800 mg mỗi ngày chia làm nhiều lần

Liều dùng cho trẻ em (từ 0 – 17 tuổi)

Allopurinol hiện chưa được nghiên cứu và không nên sử dụng cho người dưới 18 tuổi để điều trị bênh gout.

Liều dùng cho người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên)

Người cao tuổi có chức năng thận kém hơn so với người trẻ tuổi. Do thận không còn khả năng đào thải thuốc một cách hiệu quả nên thuốc sẽ ở trong cơ thể lâu hơn. Điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.

Đối với người lớn tuổi, bác sĩ thường kê từ liều thấp hoặc giảm tần suất dùng thuốc để tránh tích tụ quá nhiều thuốc trong cơ thể.

Liều dùng trong trường hợp đặc biệt

Đối với người bị bệnh thận: Tùy thuộc vào chức năng thận của người bệnh mà bác sĩ sẽ giảm liều dùng thuốc. Bác sĩ sẽ xác định liều dùng dựa trên độ thanh thải creatinin. Đây là một chỉ số cho biết chức năng thận.

Liều dùng để điều trị tăng axit uric máu do điều trị ung thư

Liều dùng cho người lớn (từ 18 – 64 tuổi)

600 – 800 mg mỗi ngày trong 2 hoặc 3 ngày.

Liều dùng cho trẻ 11 – 17 tuổi

600–800 mg mỗi ngày trong 2 hoặc 3 ngày.

Liều dùng cho trẻ 6 – 10 tuổi

300 mg mỗi ngày. Bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng khi cần thiết dựa trên nồng độ axit uric trong máu.

Liều dùng cho trẻ từ 0 – 5 tuổi

150 mg mỗi ngày. Bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng khi cần thiết dựa trên nồng độ axit uric trong máu.

Liều dùng cho người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên)

Người cao tuổi có chức năng thận kém hơn so với người trẻ tuổi. Do thận không còn khả năng đào thải thuốc một cách hiệu quả nên thuốc sẽ ở trong cơ thể lâu hơn. Điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.

Đối với người lớn tuổi, bác sĩ thường kê từ liều thấp hoặc giảm tần suất dùng thuốc để tránh tích tụ quá nhiều thuốc trong cơ thể.

Liều dùng trong trường hợp đặc biệt

  • Đối với người bị bệnh thận: Tùy thuộc vào chức năng thận của người bệnh mà bác sĩ sẽ giảm liều dùng thuốc. Bác sĩ sẽ xác định liều dùng dựa trên độ thanh thải creatinine. Đây là một chỉ số cho biết chức năng thận.

Liều dùng để điều trị sỏi thận tái phát

Liều dùng cho người lớn (từ 18 – 64 tuổi)

Liều dùng điển hình là 200 - 300 mg mỗi ngày, uống một lần hoặc chia làm nhiều lần.

Liều dùng cho trẻ em (từ 0 –17 tuổi)

Allopurinol hiện chưa được nghiên cứu và không nên sử dụng cho người dưới 18 tuổi để điều trị sỏi thận tái phát.

Liều dùng cho người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên)

Người cao tuổi có chức năng thận kém hơn so với người trẻ tuổi. Do thận không còn khả năng đào thải thuốc một cách hiệu quả nên thuốc sẽ ở trong cơ thể lâu hơn. Điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.

Đối với người lớn tuổi, bác sĩ thường kê từ liều thấp hoặc giảm tần suất dùng thuốc để tránh tích tụ quá nhiều thuốc trong cơ thể.

Liều dùng trong trường hợp đặc biệt

  • Đối với người bị bệnh thận: Tùy thuộc vào chức năng thận của người bệnh mà bác sĩ sẽ giảm liều dùng thuốc. Bác sĩ sẽ xác định liều dùng dựa trên độ thanh thải creatinine. Đây là một chỉ số cho biết chức năng thận.

Điều gì xảy ra nếu không dùng thuốc theo chỉ định?

Allopurinol dạng viên nén thường được sử dụng lâu dài. Thuốc có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng nếu người bệnh không dùng thuốc theo chỉ định.

  • Nếu đột ngột ngừng thuốc hoặc hoàn toàn không dùng thuốc: Nồng độ axit uric trong máu hoặc trong nước tiểu sẽ tăng cao. Các triêu chứng của bệnh gout hoặc sỏi thận sẽ không thuyên giảm và thậm chí còn có thể ngày càng nặng thêm.
  • Nếu quên uống thuốc không dùng thuốc không đều: Thuốc có thể giảm hiệu quả hoặc hoàn toàn không có hiệu quả. Để thuốc phát huy hiệu quả tối đa, người bệnh cần dùng thuốc đều đặn vào cùng một thời điểm mỗi ngày để duy trì lượng thuốc ổn định trong cơ thể.
  • Nếu dùng thuốc quá liều: Dùng thuốc quá liều sẽ khiến cho nồng độ thuốc trong cơ thể tăng quá cao và điều này có thể dẫn đến các vấn đề như:
    • Phát ban da
    • Tiêu chảy
    • Buồn nôn
    • Thay đổi kết quả xét nghiệm chức năng gan
    • Cơn gout cấp (ở người mắc bệnh gout)
      Nếu lỡ uống thuốc quá liều, hãy báo ngay cho bác sĩ. Nếu như có các triệu chứng nghiêm trọng thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.
  • Cần làm gì nếu quên uống thuốc? Nếu quên uống thuốc, hãy uống ngay khi nhớ ra. Nhưng nếu chỉ còn vài tiếng nữa là đến giờ uống liều tiếp theo thì hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo như bình thường. Không được uống gộp hai liều cùng một lúc. Điều này có thể dẫn đến tác dụng phụ nguy hiểm.
  • Làm thế nào để biết thuốc có hiệu quả hay không? Trong thời gian điều trị, người bệnh có thể phải làm xét nghiệm axit uric để đánh giá hiệu quả của thuốc. Nồng độ axit uric trong máu sẽ giảm sau khoảng 1 – 3 tuần dùng thuốc. Người bệnh nên theo dõi lượng nước uống cũng như lượng nước tiểu hàng ngày và báo lại cho bác sĩ.

Ở người mắc bệnh gout, allopurinol có thể gây ra các cơn gout cấp trong thời gian đầu sử dụng thuốc nhưng sau một thời gian, tình trạng này sẽ hết.

Lưu ý quan trọng khi dùng allopurinol

Lưu ý chung

Uống thuốc đúng thời điểm hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ.

Có thể uống allopurinol trước hoặc sau ăn đều được nhưng uống thuốc sau ăn cùng với nhiều nước sẽ làm giảm nguy cơ đau bụng.

Có thể bẻ hoặc nghiền viên nén allopurinol.

Bảo quản

  • Bảo quản allopurinol ở nhiệt độ phòng trong khoảng từ 20 đến 25°C (68 đến 77°F).
  • Không để thuốc ở nơi có ánh sáng.
  • Không để thuốc ở những nơi ẩm ướt như phòng tắm.

Mang theo thuốc khi đi xa

  • Vì người bệnh phải uống thuốc hàng ngày nên luôn phải mang theo thuốc khi đi xa.
  • Khi đi máy bay, không được để thuốc trong hành lý ký gửi mà luôn phải để trong hành lý xách tay.
  • Tia X trong máy soi chiếu hành lý sẽ không ảnh hưởng đến thuốc.
  • Để thuốc trong hộp đựng gốc còn nguyên nhãn để đề phòng trường hợp nhân viên an ninh tại sân bay yêu cầu kiểm tra.
  • Không để thuốc trong ô tô khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.

Theo dõi lâm sàng

Trong thời gian sử dụng allopurinol, người bệnh có thể sẽ phải làm xét nghiệm định kỳ để kiểm tra:

  • Chức năng thận: Người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm máu để đánh giá chức năng thận. Nếu chức năng thận giảm, bác sĩ sẽ giảm liều dùng thuốc.
  • Chức năng gan: Xét nghiệm máu sẽ cho biết cả chức năng gan. Nếu chức năng gan kém, bác sĩ sẽ giảm liều dùng thuốc.
  • Mức axit uric: Dựa trên chỉ số axit uric trong kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ đánh giá được hiệu quả của allopurinol.

Chế độ ăn uống

Những người bị sỏi thận tái phát cần điều chỉnh chế độ ăn uống để ngăn ngừa sự hình thành sỏi. Người bệnh cần hạn chế tối đa protein động vật (như thịt), natri (muối), đường và thực phẩm chứa nhiều oxalat (chẳng hạn như các loại rau lá xanh, củ dền, cần tây, đậu bắp…).

Bên cạnh đó nên ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước. Người bệnh cũng cần phải theo dõi lượng canxi trong chế độ ăn.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: tác dụng

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây