4 lầm tưởng về bệnh béo phì
Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp 4 lầm tưởng phổ biến nhất về béo phì.
Lầm tưởng số 1: Béo phì là do lối sống và thói quen ăn uống không lành mạnh
Hầu hết mọi người đều cho rằng béo phì là do chế độ ăn uống không lành mạnh và lối sống lười vận động. Tuy nhiên, thừa cân, béo phì không phải lúc nào cũng là do những nguyên nhân này.
Sự thật: Béo phì do nhiều yếu tố góp phần gây nên.
Mặc dù thói quen ăn uống không lành mạnh và không tập thể dục đúng là các yếu tố lớn nhất nhưng ngoài ra còn có một số yếu tố khác cũng khiến cho cân nặng tăng lên vượt quá mức bình thường.
Căng thẳng, giấc ngủ kém, mất cân bằng nội tiết tố, các vấn đề sức khỏe, bệnh lý tiềm ẩn, thuốc men, di truyền và các yếu tố môi trường,… đều có thể làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì. Ngoài ra, các cơn đau mãn tính còn gây cản trở việc hoạt động và tập thể dục, dẫn đến tăng cân. Khi béo phì, việc vận động thể chất sẽ càng khó khăn hơn.
Lầm tưởng số 2: Giảm cân sẽ khắc phục mọi vấn đề sức khỏe
Giảm cân có liên quan đến nhiều hệ thống chịu trách nhiệm dự trữ năng lượng trong cơ thể. Giảm cân có thể làm giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh tật như bệnh tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp, đột quỵ,... Tuy nhiên, giảm cân lại cũng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác.
Những vấn đề liên quan đến giảm cân này có thể khiến việc duy trì cân nặng sau giảm trở nên khó khăn hơn.
Sự thật: Giảm cân cũng có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe
Giảm cân có thể cải thiện sức khỏe tổng thể nhưng lại có thể gây căng thẳng tâm lý, rối loạn nội tiết tố và các biến chứng về chuyển hóa. Đặc biệt, giảm cân quá nhanh sẽ gây mất cơ và giảm tốc độ trao đổi chất. Điều này còn gây ra thiếu hụt chất dinh dưỡng, các vấn đề về giấc ngủ, sỏi mật và các vấn đề khác.
Khi giảm một số cân nặng lớn, da sẽ bị chảy xệ và rạn. Đôi khi, giảm cân còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và cảm xúc.
Do đó, điều quan trọng là phải đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể và giảm cân một cách lành mạnh.
Lầm tưởng số 3: Chỉ cần giảm calo nạp vào là sẽ giảm cân
Nếu bạn từng tìm hiểu về các phương pháp giảm cân thì chắc hẳn đã thấy qua các cụm từ “calo nạp vào” và “calo tiêu hao” hay “calo đốt cháy”. Cụ thể, để giảm cân thì cần tạo sự thâm hụt calo, có nghĩa là calo nạp vào hàng ngày phải ít hơn calo đốt cháy.
Sự thật: Để giảm cân thì thâm hụt calo là chưa đủ
Mặc dù không thể phủ nhận tầm quan trọng của calo trong giảm cân nhưng để giảm cân thành công thì sự thâm hụt calo là chưa đủ. Các chất dinh dưỡng đa lượng là protein (đạm), chất béo và carb (carbohydrate) trong chế độ ăn cũng có tác động lớn đến cân nặng.
Cả loại thực phẩm và tổng lượng calo mà bạn nạp vào hàng ngày đều ảnh hưởng đến mức năng lượng mà cơ thể sử dụng. Ngoài ra, loại thực phẩm còn ảnh hưởng đến các hormone kiểm soát thời gian và lượng thức ăn tiêu thụ. Một số thực phẩm có thể làm tăng nồng độ hormone gây đói (ghrelin) và giảm nồng độ hormone tạo cảm giác no, ví dụ nhu leptin.
Trong khi đó, nhiều loại thực phẩm lại thúc đẩy cảm giác no và tăng tỷ lệ trao đổi chất. Nghiên cứu cho thấy rằng ăn ít carb và đồng thời ăn nhiều chất béo, protein sẽ giúp giảm cân hiệu quả hơn so với việc chỉ cắt giảm calo.
Một vấn đề nữa của chế độ ăn kiêng ít calo là không tính đến những ảnh hưởng khác của thực phẩm đến sức khỏe. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng là điều rất cần thiết để ngăn ngừa bệnh tật và sống khỏe mạnh lâu dài.
Lầm tưởng số 4: Hiệu quả giảm cân được phản ánh qua cân nặng
Thông thường, đa số các phương pháp giảm cân và chế độ ăn kiêng đều chỉ tập trung vào con số trên bàn cân. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng đây không phải cách chính xác để đánh giá hiệu quả giảm cân và việc quá chú ý đến cân nặng còn có thể gây tác động xấu đến tâm lý, ví dụ như ám ảnh, căng thẳng kéo dài, rối loạn ăn uống, tự ti và những suy nghĩ tiêu cực về cơ thể.
Sự thật: Hiệu quả giảm cân cần được đánh giá bằng cả những phương pháp khác
Nếu như bạn còn tập thể dục, đặc biệt là các bài tập thể hình như tập tạ thì khối lượng cơ sẽ tăng và lúc này, cho dù đã giảm mỡ thành công thì cân nặng sẽ không thay đổi và thậm chí còn tăng so với trước. Mục tiêu thực sự mà bạn nên hướng đến là giảm mỡ trong cơ thể chứ không phải giảm con số trên bàn cân. Như vậy, dù cân nặng không giảm nhưng chỉ cần giảm mỡ thì có nghĩa là chế độ ăn uống và tập luyện đã có hiệu quả.
Vậy làm thế nào để biết có giảm mỡ hay không?
Bạn có thể đánh giá sự thay đổi bằng những cách khác như dùng thước dây đo vòng eo, đùi, bắp tay, dùng thước kẹp đo mỡ (caliper) hay chụp ảnh để theo dõi.
Tóm lại, điều quan trọng là có một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên. Đừng quá quan tâm đến cân nặng và thực hiện theo những chế độ ăn kiêng khắc nghiệt.
Tóm tắt bài viết
Béo phì là một vấn đề sức khỏe phức tạp. Vẫn còn rất nhiều điều về béo phì mà chúng ta còn chưa biết hết. Tuy nhiên, có những điều mà khoa học đã chứng minh và phải hiểu đúng.