1

Trám Răng

Để điều trị sâu răng, bác sĩ sẽ loại bỏ đi phần răng bị sâu và sau đó “hàn” lại vùng răng vừa được loại bỏ.

Phương pháp trám răng còn được sử dụng để khôi phục lại những vùng răng bị nứt hoặc vỡ do các hoạt động thường ngày như cắn móng tay hoặc nghiến răng.

Các bước trong quá trình trám răng

Đầu tiên, bác sĩ sẽ gây tê cho vùng xung quanh chiếc răng cần trám. Tiếp theo, bác sĩ sẽ dùng mũi khoan, máy mài mòn hoặc tia laser để loại bỏ đi phần răng bị sâu. Việc dùng dụng cụ nào sẽ tùy thuộc vào trình độ của từng bác sĩ, sự đầu tư trang thiết bị tại phòng khám và vị trí, phạm vi bị sâu.

Sau đó, bác sĩ sẽ kiểm tra để xác định xem vùng sâu răng đã được loại bỏ hết hay chưa. Một khi vùng răng sâu đã bị loại bỏ, bác sĩ sẽ làm sạch vi khuẩn và mùn răng trong lỗ thủng để chuẩn bị cho việc trám răng. Nếu vùng sâu nằm gần chân răng thì bác sĩ sẽ dùng một lớp lót làm bằng GIC (glass ionomer cement), composite hoặc các loại chất liệu khác để bảo vệ cho dây thần kinh. Sau khi lớp trám được đặt vào vị trí, bác sĩ sẽ tiến hành hoàn thiện và đánh bóng.

Quá trình trám răng còn có thêm một số bước như sau. Sau khi đã loại bỏ vùng răng sâu và dọn sạch lỗ thủng trên răng thì bác sĩ sẽ dùng một loại vật liệu giống với màu răng để đặt lên răng thành nhiều lớp. Tiếp đó, mỗi lớp sẽ được làm cứng lại bằng một loại ánh sáng đặc biệt. Khi quá trình này đã hoàn thành, bác sĩ sẽ tạo hình cho vật liệu trám, cắt bỏ đi phần thừa và đánh bóng cho đến khi có được kết quả mong muốn.

Có những loại vật liệu trám răng nào?

Ngày nay, có rất nhiều loại vật liệu trám răng khác nhau, gồm có vàng, sứ, bạc amalgam (gồm có thủy ngân được trộn với bạc, thiếc, kẽm và đồng) hoặc loại vật liệu có màu giống như răng tự nhiên, bằng nhựa được gọi là trám composite. Ngoài ra, còn có loại vật liệu có chứa các phân tử thủy tinh được gọi là glass ionomer. Loại vật liệu này được sử dụng cũng giống như trám composite.

Vị trí và phạm vi vùng răng sâu, chi phí của vật liệu trám, sự hỗ trợ của bảo hiểm và lời khuyên của bác sĩ sẽ góp phần quyết định loại trám phù hợp với bạn.

Trám vàng

Ưu điểm của trám bằng vàng:

  • Độ bền: có thể kéo dài 10 – 15 năm hoặc thậm chí lâu hơn, không bị ăn mòn
  • Độ chắc khỏe: có thể chịu được lực nhai
  • Tính thẩm mỹ: một số khách hàng cảm thấy trám bằng vàng có tính thẩm mỹ cao hơn so với loại trám bằng bạc amalgam.

Nhược điểm của trám bằng vàng:

  • Trám vàng có chi phí cao hơn các vật liệu khác, có thể đắt hơn gấp 10 lần so với trám bằng bạc amalgam.
  • Cần phải đến phòng khám nhiều lần để hoàn thiện
  • Có thể gây sốc – trám vàng nếu được gắn đột ngột ngay bên cạnh một lớp trám bằng bạc amalgam thì có thể gây ra những cơn đau buốt. Hiện tượng này xảy ra là do sự tác động qua lại giữa kim loại và nước bọt tạo ra dòng điện, tuy nhiên điều này rất hiếm khi xảy ra.
  • Tính thẩm mỹ: đa phần mọi người đều không thích lớp trám có màu mà ưa chuộng loại trám có màu giống màu răng tự nhiên hơn.

Trám bạc (amalgam)

Ưu điểm:

  • Độ bền: trám bạc có độ bền ít nhất là 10 15 năm, vượt xa so với loại trám bằng composite.
  • Độ chắc khỏe: có thể chịu được lực nhai
  • Chi phí: rẻ hơn so với trám composite

Nhược điểm:

  • Tính thẩm mỹ: trám bạc không khớp với màu tự nhiên của răng.
  • Phá hủy cấu trúc răng nhiều hơn, vì phần khỏe mạnh của răng cần phải được loại bỏ để tạo ra một khoảng đủ rộng có thể giữ được trám.
  • Làm xỉn màu răng: trám bạc có thể khiến bề mặt răng bị chuyển màu xám.
  • Nứt và gãy: mặc dù mọi loại răng đều nở ra và co lại khi tiếp xúc với đồ nóng, lạnh khiến cho răng bị nứt hoặc vỡ nhưng khi so với các vật liệu trám khác thì trám bằng bạc amalgam thường co giãn với mức độ mạnh hơn, do đó dẫn đến nguy cơ bị nứt gãy cao hơn.
  • Dị ứng: một số ít người, khoảng 1% bị dị ứng với thủy ngân – thành phần có trong trám amalgam.

Trám composite trùng màu răng

Ưu điểm:

  • Tính thẩm mỹ: màu sắc của trám composite thường gần giống với màu răng tự nhiên. Do đó, trám composite thường được dùng cho răng cửa hoặc những phần lộ ra ngoài của răng.
  • Độ vững chắc. Trám composite được gắn lên răng bằng chất hóa học, do đó tạo được độ vững chắc cao hơn.
  • Tính linh hoạt: Ngoài tác dụng đối với răng sâu, trám composite còn được dùng để chỉnh sửa những răng bị mẻ, vỡ hoặc mài mòn.
  • So với trám amalgam, khi dùng trám composite thì cấu trúc răng sẽ ít bị ảnh hưởng hơn.

Nhược điểm:

  • Không bền: trám nhựa thường bị mòn nhanh hơn so với trám amalgam (thường chỉ có độ bền trong 5 năm). Ngoài ra, trám composite cũng không chịu được lực nhai tốt như trám bạc amalgam đặc biệt là khi dùng cho một vùng răng lớn.
  • Thời gian trám lâu hơn. Quá trình gắn loại trám này lên răng có thể mất đến 20 phút, lâu hơn so với trám amalgam.
  • Cần đến phòng khám nhiều lần: Nếu sử dụng phương pháp Inlay (trám được đúc bên trong những múi răng) hoặc Onlay (trám bao phủ lên một hoặc nhiều múi răng) thì bạn sẽ cần đến phòng khám nhiều hơn 1 lần.
  • Mẻ: Ở một số vị trí, trám composite có thể bị mẻ.
  • Chi phí: Trám composite thường có chi phí đắt gấp đôi so với trám amalgam.

Ngoài trám composite, còn có hai loại trám khác cũng trùng với màu răng đó là trám glass ionomer và trám gốm.

Trám gốm

Loại trám này được làm chủ yếu từ sứ, ít bị xỉn màu hơn do với trám composite nhưng dễ bị mài mòn hơn. Loại vật liệu này thường có độ bền hơn 15 năm và có giá tương đương với trám vàng.

Trám Glass inonomer

Trám Glass ionomer được làm từ acrylic và là một loại thủy tinh đặc biệt. Loại vật liệu này thường được sử dụng phổ biến cho phần dưới rìa lợi và cho trẻ nhỏ. Trám Glass ionomer tiết ra fluoride, giúp bảo vệ răng không bị sâu răng. Tuy nhiên, loại vật liệu này thường yếu hơn so với nhựa tổ hợp, do đó dễ bị bào mòn và vỡ. Trám Glass ionomer thường có độ bền 5 năm hoặc thấp hơn nhưng có chi phí tương đương với trám composite. Loại trám Glass ionomer mới nhất hiện nay đã được cải tiến để có độ bền lâu hơn nếu như được dùng ở những vị trí phù hợp.

Trám không trực tiếp là gì?

Trám không trực tiếp cũng giống với loại trám trùng màu răng ngoại trừ một điều là miếng trám được sản xuất ở những xưởng đúc nha khoa và đòi hỏi khách hàng phải đến phòng khám nha khoa hai lần trước khi trám được gắn lên răng. Trám không trực tiếp sẽ được sử dụng khi cấu trúc răng còn lại không đủ để giữ loại trám bình thường nhưng lại vẫn chưa tổn hại nghiêm trọng đến mức phải dùng mão răng (bọc răng sứ).

Trong buổi khám đầu tiên, vùng răng sâu hoặc lớp trám cũ sẽ được loại bỏ. Răng sẽ được lấy khuôn để lưu lại hình dạng của chiếc răng đang cần chỉnh sửa và những răng xung quanh. Khuôn răng này sẽ được gửi đến xưởng đúc nha khoa để sản xuất miếng trám. Sau đó miếng trám tạm thời sẽ được đặt lên răng để bảo vệ răng trong quá trình miếng trám chính đang được sản xuất. Trong buổi khám lần hai, trám tạm thời sẽ được gỡ bỏ, và bác sĩ sẽ kiểm tra độ khớp của trám chính. Khi đã đảm bảo trám với răng, bác sĩ sẽ gắn trám cố định vĩnh viễn.

Có hai loại trám không trực tiếp: Inlay và Onlay

  • Inlay: miếng trám được đúc bên trong những múi răng trên bề mặt nhai của răng.
  • Onlay: miếng trám có phạm vi rộng hơn Inlay, bao phủ lên một hoạt nhiều múi răng. Loại trám này còn được gọi là mão răng một phần.

Cả trám Inlay và Onlay đều chắc khỏe hơn và có độ bền cao so với các loại trám truyền thống (lên đến 30 năm). Loại trám này có thể được làm từ composite, sứ hoặc vàng. Trám Inlay và Onlay đều làm yếu cấu trúc răng nhưng ở mức độ thấp hơn so với trám truyền thống.

Một loại khác của trám inlay và onlay là Inlay, Onlay trực tiếp, có quá trình thực hiện cũng giống như trám không trực tiếp nhưng điểm khác biệt là trám trực tiếp được làm ngay tại phòng khám nha khoa và khách hàng có thể chỉ cần đến một lần. Việc lựa chọn loại trám Inlay, Onlay phù hợp còn phụ thuộc vào cấu trúc răng còn lại và các yêu cầu về mặt thẩm mỹcủa khách hàng.

Trám tạm thời là gì?

Trám tạm thời là loại trám được sử dụng khi:

  • Khách hàng cần đến phòng khám nhiều hơn một lần – ví dụ, trước khi gắn trám vàng và một số loại trám không trực tiếp sử dụng chất liệu composite.
  • Sau khi rút tủy.
  • Tủy răng bị kích thích
  • Cần đến các phương pháp chữa trị khẩn cấp (ví dụ đau răng)

Đó là tất cả những công dụng của trám tạm thời, loại trám này không thể được sử dụng lâu dài. Chúng thường bị long ra, vỡ hoặc bào mòn trong vòng 1 tháng. Do đó, bạn cần liên hệ với bác sĩ nha khoa để thay trám tạm thời bằng trám vĩnh viễn. Nếu không, răng sẽ bị nhiễm trùng hoặc các biến chứng khác.

Trám amalgam có an toàn không?

Trong vòng nhiều năm trở lại đây, nhiều người đã bày tỏ sự quan ngại về loại trám có màu bạc, hay còn gọi là trám amalgam. Vì loại trám này có chứa thủy ngân – một kim loại có độc, nên nhiều người nghĩ rằng loại trám này có thể gây ra nhiều loại bệnh, ví dụ như tự kỉ, bệnh Alzheimer và đa xơ cứng.

Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA), Cục quản lý Thực phẩn và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA và nhiều tổ chức y tế khác đã khẳng định rằng không có bất kì bằng chứng nào cho thấy loại trám nha khoa này gây hại cho người dùng. Nguyên nhân gây bệnh tự kỉ, Alzheimer và đa xơ cứng hiện vẫn chưa được làm rõ. Hơn nữa, không hề có bất kì bằng chứng khoa học nào cho thấy rằng nếu một người gỡ bỏ lớp trám amalgam thì họ sẽ chữa khỏi được các bệnh trên.

Mặc dù đúng là trám Amalgam có chứa thủy ngân nhưng khi được trộn với các kim loại khác như bạc, đồng thiếc và kẽm thì chúng lại tạo nên một hợp kim vững chắc mà bác sĩ đã sử dụng hơn 100 năm nay để trám và duy trì hàng triệu chiếc răng sâu.

Vào tháng 6/2008, FDA đã khẳng định rằng: “Trám amalgam có chứa thủy ngân – một loại kim loại có tác động gây nhiễm độc thần kinh cho bào thai và trẻ đang phát triển”. Tổ chức này cho biết thêm răng “Phụ nữ mang thai và những người có các vấn đề về sức khỏe khiến cơ thể nhạy cảm với thủy ngân, ví dụ như mức độ tạp nhiễm thủy ngân cao nên tránh tìm đến các biện pháp chăm sóc nha khoa nhưng nên thảo luận về các lựa chọn khác với những người có chuyên môn về y tế”.

Sự thay đổi này đến sau một vụ kiện từ phía người dùng và những cá nhân có liên quan về vấn đề thủy ngân. Để giàn xếp vụ kiện này, FDA đã đồng ý thay đổi thông tin trên website của họ.

Cách chăm sóc răng sau khi trám

Để duy trì trám răng, bạn nên chăm sóc răng cẩn thận, đến khám bác sĩ nha khoa thường xuyên, đánh răng với kem có chứa fluoride, dùng chỉ nha khoa và nước xúc miệng kháng khuẩn ít nhất 1 lần/ngày. Nếu nhận thấy lớp trám có dấu hiệu nứt hoặc phần rìa của lớp trám không bám chắc lấy răng, điều này sẽ khiến cho cặn thức ăn và nước bọt lọt vào khe giữa mảng bám và răng, dẫn đến sâu răng, bác sĩ sẽ chụp X-quang để đánh giá vấn đề. Nếu răng bạn có trở nên nhạy cảm, nếu bạn cảm giác rìa lớp trám bị sắc, có vết nứt hoặc nếu lớp trám bị mất một đi một miếng thì hãy đi khám bác sĩ.

Các vấn đề với trám răng

Đau răng và răng nhạy cảm

Hiện tượng răng trở nên nhạy cảm sau khi trám răng thường khá phổ biến. Răng có thể bị nhạy cảm với áp lực, không khí, đồ ăn ngọt hoặc nhiệt độ. Thông thường, hiện tượng này sẽ tự hết trong vòng vài tuần.Trong khoảng thời gian này, bạn cần tránh những thứ có thể gây ra hiện tượng nhạy cảm. Thông thường bạn sẽ không cần đến thuốc giảm đau.

Hãy liên lạc với nha sĩ nếu như hiện tượng răng nhạy cảm không hết trong 2 – 4 tuần hoặc nếu răng của bạn trở nên nhạy cảm ở mức độ nặng. Bác sĩ có thể sẽ cho bạn dùng loại một kem đánh răng hoặc thuốc có công dụng làm giảm tình trạng nhạy cảm hoặc thậm chí đề xuất việc phẫu thuật rút tủy.

Ngoài ra, hiện tượng đau răng quanh lớp trám cũng có thể xảy ra. Nếu bạn thấy đau răng khi cắn, có thể lớp trám đang ảnh hưởng đến răng. Bạn sẽ cần quay lại phòng khám nơi bạn trám răng để bác sĩ điều chỉnh lớp trám cho bạn. Nếu bạn bị đau khi hai hàm răng chạm nhau thì có thể nguyên nhân gây đau là do bề mặt hai lớp kim loại chạm vào nhau (ví dụ, lớp trám bạc amalgam của một răng mới trám có thể chạm vào lớp mão bằng vàng ở một răng khác). Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ tự hết trong một thời gian ngắn.

Nếu vùng sâu răng ăn vào quá sâu hoặc quá gần với tủy răng thì bạn cũng sẽ bị đau. Nếu gặp hiện tượng này, bạn có thể sẽ cần đến phương pháp rút tủy.

Đôi khi, mọi người có thể gặp phải cơn đau ởnhững răng xung quanh răng được trám. Trong trường hợp này thì răng của bạn không có vấn đề gì cả. Chiếc răng được trám chỉ đơn giản là đang chuyển những “dấu hiệu đau” sang cho những răng khác. Hiện tượng đau này sẽ đỡ dần trong 1 -2 tuần.

Dị ứng trám răng

Hiện tượng dị ứng với loại trám almangam thường khá hiếm khi xảy ra. Theo như ADA thì cho đến nay, có chưa đến 100 trường hợp gặp phải vấn đề này. Trong những trường hợp hiếm gặp này, thủy ngân hoặc một trong các kim loại thành phần của trám amalgam được cho là nguyên nhân gây dị ứng. Triệu chứng của hiện tượng dị ứng amalgam cũng giống như khi dị ứng da bình thường, gồm có nổi ban đỏ và ngứa ngáy. Những bệnh nhân bị dị ứng amalgam thường là những người có vấn đề về sức khỏe hoặc có người trong gia đình bị dị ứng kim loại. Một khi đã chắc chắn là dị ứng thì lớp trám sẽ được thay bằng chất liệu khác.

Lớp trám bị hỏng

Việc tác động lực liên tục lên lớp trám khi nhai, nghiến hay cắn sẽ khiến cho lớp trám răng bị bào mòn, mẻ hoặc nứt. Mặc dù bạn có thể sẽ không nhận ra lớp trám bị mài mòn nhưng khi đi kiểm tra, bác sĩ sẽ xác định được có phải lớp trám đang bị yếu đi hay không.

Nếu sự liên kết giữa lớp trám và men răng bị mất đi, thức ăn và vi khuẩn gây sâu răng có thể thâm nhập vào bên dưới lớp trám. Khi đó, răng sẽ có nguy cơ bị sâu thêm. Nếu không được chữa trị, vùng sâu răng sẽ ăn sâu vào tủy và có thể gây áp-xe răng.

Nếu lớp trám có kích thước lớn hoặc vùng sâu răng lan rộng ra thì phần răng còn lại sẽ không đủ khỏe để tiếp tục giữ được lớp trám thay thế. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ cần thay trám răng bằng bọc răng sứ.

Nếu lớp trám mới gắn mà bị bong ra có thể là do quá trình chuẩn bị không đúng cách, nhiễm khuẩn trước khi gắn trám răng hoặc lớp trám bị hỏng trong quá trình nhai và cắn. Lớp trám cũ có thể sẽ bong ra do sâu răng hoặc do phần răng còn lại bị phá hủy.

Tổng số điểm của bài viết là: 39 trong 8 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây