1

Nhổ Răng

Các lý do cần nhổ răng

Mặc dù răng vĩnh viễn thường tồn tại đến cuối đời nhưng vẫn có một số lí do cần phải nhổ loại răng này. Lí do phổ biến nhất là răng bị tổn hại quá nghiêm trọng, có thể là do chấn thương hay sâu răng, và cần phải khắc phục. Ngoài ra còn những lí do khác như:

  • Quá nhiều răng. Đôi khi, bác sĩ cần nhổ bớt răng để chuẩn bị cho quá trình chỉnh hình răng. Mục đích của việc chỉnh hình răng là để nắn cho răng thẳng hàng và việc này sẽ không thể thực hiện được nếu như có quá nhiều răng trong miệng. Ngoài ra, nếu như răng không thể nhú ra khỏi lợi do không còn đủ chỗ thì bác sĩ cũng sẽ khuyên bạn nên nhổ răng.
  • Nhiễm trùng. Nếu sâu răng hoặc tổn thương lan đến tủy răng thì vi khuẩn có thể xâm nhập vào trong tủy răng, dẫn đến nhiễm trùng. Thông thường, vấn đề này có thể được điều trị bằng phương pháp rút tủy nhưng nếu vùng nhiễm trùng quá nặng mà thuốc kháng sinh hay phương pháp rút tủy không có tác dụng thì răng sẽ được nhổ đi để ngăn vùng nhiễm trùng lan rộng thêm.
  • Nguy cơ nhiễm trùng. Nếu hệ miễn dịch của bạn bị tổn hại (ví dụ như khi bạn đang tiếp nhận hóa trị hoặc ghép nội tạng) thì một số răng sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng và cần được nhổ bỏ.
  • Bệnh về lợi. Nếu bệnh về lợi – một loại nhiễm trùng mô lợi và xương nâng đỡ xung quanh răng – khiến răng bị lung lay thì chiếc răng đó sẽ cần phải được nhổ đi.

Cần chuẩn bị gì cho việc nhổ răng?

Bác sĩ nha khoa và bác sĩ phẫu thuật răng miệng sẽ là người tiến hành nhổ răng. Trước khi nhổ răng, bác sĩ sẽ tiêm thuốc gây tê cho vùng răng cần nhổ. Nếu bạn cần nhổ nhiều hơn một răng hoặc nếu răng không mọc hết thì bác sĩ có thể sẽ tiến hành gây mê toàn thân. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa các cơn đau toàn thân và khiến cho bạn ngủ trong suốt quá trình nhổ răng.

Nếu răng không mọc hết, bác sĩ sẽ cắt phần lợi và xương đang bao phủ lên răng và sau đó sử dụng kẹp để kẹp lấy răng, nhẹ nhàng lay để làm lỏng răng khỏi xương hàm và dây chằng giữ răng. Đôi khi, những chiếc răng quá khó nhổ sẽ được lấy ra từng mảnh một.

Khi răng đã được nhổ ra, một cục máu đông sẽ hình thành ở ổ răng. Bác sĩ sẽ đặt một miếng bông gạc vào ổ răng và cho bạn cắn xuống để cầm máu. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ khâu một vài đường (thường bằng chỉ tự tiêu) để đóng miệng vết cắt ở vị trí vừa nhổ răng.

Đôi khi, cục máu đông sẽ bị vỡ ra, để lộ xương trong ổ răng. Đây là một hiện tượng gây đau gọi là ổ răng khô. Nếu hiện tượng này xảy ra, bác sĩ sẽ đặt một miếng gạc có tẩm thuốc giảm đau vào ổ răng trong vài ngày để bảo vệ ổ răng trong khi hình thành một cục máu mới.

Những điều cần nói cho bác sĩ trước khi nhổ răng

Mặc dù việc nhổ răng thường rất an toàn nhưng quá trình này vẫn có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại xâm nhập vào đường máu. Ngoài ra, mô lợi cũng có nguy cơ bị nhiễm trùng. Nếu bạn đang mắc một số loại bệnh khiến bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng nặng thì bạn cần uống thuốc kháng sinh trước và sau khi nhổ răng. Trước khi nhổ răng, hãy nói cho bác sĩ biết về tình trạng sức khỏe của bạn, các loại thuốc và thực phẩm chức năng bạn đang uống và đặc biệt, cần phải cho bác sĩ biết nếu bị một trong những vấn đề sau:

  • Van tim có vấn đề hay đang dùng van nhân tạo
  • Bệnh tim bẩm sinh
  • Dùng khớp nhân tạo, ví dụ như khớp hông
  • Có tiền sử bị viêm màng trong tim

Sau khi nhổ răng

Sau khi nhổ răng, bạn sẽ có thể về nhà ngay và chờ hồi phục. Quá trình hồi phục sẽ mất khoảng vài ngày. Những cách sau sẽ giúp bạn hạn chế cảm giác khó chịu, giảm nguy cơ nhiễm trùng và đẩy nhanh tốc độ hồi phục:

  • Uống thuốc giảm đau theo như đơn của bác sĩ
  • Cắn chắc nhưng nhẹ nhàng lên miếng gạc để hạn chế chảy máu và giúp cục máu đông hình thành trong ổ răng. Thay gạc mới trước khi miếng gạc cũ bị thấm máu hoặc giữ miếng gạc tại chỗ trong 3 – 5 tiếng sau khi nhổ răng.
  • Dùng túi chườm đá áp bên ngoài má ngay sau khi nhổ răng để giảm sưng, mỗi làn chườm 10 phút.
  • Nghỉ ngơi ít nhất 24 tiếng sau khi nhổ răng. Hạn chế hoạt động trong 1 – 2 ngày sau.
  • Tránh xúc miệng hoặc nhổ nước bọt quá mạnh trong 24 giờ sau khi nhổ răng để tránh làm bong cục máu đông hình thành trong ổ răng.
  • Sau 24 tiếng, xúc miệng với dung dịch nước muối loãng (200ml nước + ½ thìa muối).
  • Không uống nước bằng ống hút trong 24 giờ đầu sau khi nhổ răng.
  • Không hút thuốc vì khói thuốc sẽ ngăn cản quá trình lành vết thương
  • Ăn đồ mềm trong vòng một ngày sau khi nhổ răng. Từ từ thêm đồ ăn cứng vào bữa ăn khi vị trí nhổ răng lành lại.
  • Khi nằm nên dùng gối kê cao đầu để hạn chế chảy máu.
  • Tiếp tục đánh răng và dùng chỉ nha khoa bình thường, nhưng cần tránh vị trí răng vừa nhổ.

Khi nào thì nên gọi bác sĩ?

Thông thường, bạn sẽ bắt đầu thấy hơi đau sau khi thuốc tê hết tác dụng. Trong 24 tiếng sau khi nhổ răng, bạn có thể sẽ gặp hiện tượng sưng phù và chảy máu. Tuy nhiên, nếu những hiện tượng này kéo dài liên tục hơn 4 tiếng thì bạn cần gọi cho bác sĩ. Ngoài ra, bạn cũng cần gọi cho bác sĩ nếu như gặp những vấn đề sau:

  • Có dấu hiệu nhiễm trùng, ví dụ sốt hoặc cảm thấy lạnh.
  • Chóng mặt, buồn nôn
  • Sưng đỏ hoặc chảy nhiều máu ở vị trí nhổ răng
  • Ho, khó thở, đau ngực hoặc nôn mửa nghiêm trọng

Quá trinh hồi phục ban đầu thường sẽ mất khoảng 1 - 2 tuần. Xương và mô lợi mới sẽ phát triển và lấp khoảng trống của chiếc răng đã được nhổ đi. Tuy nhiên, theo thời gian, việc mất đi một (hoặc một vài) chiếc răng sẽ khiến cho những răng còn lại mọc lệch khỏi vị trí, ảnh hưởng đến việc cắn và nhai. Vì lí do này, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên thay thế chiếc răng bị mất bằng răng giả cố định, cầu răng cố định hoặc răng giả tháo lắp.

Tổng số điểm của bài viết là: 39 trong 8 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây