1

Mài Da

Mài da (Dermabrasion) là gì?

Mài da là một quy trình phẫu thuật tái tạo bề mặt da được thực hiện bởi một bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ. Quy trình này liên quan đến việc mài có kiểm soát hoặc chà từ lớp da bên ngoài (lớp biểu bì) đến lớp giữa (lớp trung bì) để loại bỏ đi những tổn thương ở bề mặt da và để lộ lớp da mới mịn mượt hơn.

Đây là quy trình tác động mạnh hơn so với phương pháp mài da nông (microdermabrasion) với những hiệu quả ấn tượng hơn trong việc trị sẹo, đồi mồi, mụn thịt và tổn thương da, hư tổn do ánh nắng mặt trời và các đường nhăn nhỏ, nếp nhăn. Nó có thể điều trị các khu vực như môi trên hoặc hai bên má hoặc có thể được thực hiện trên toàn bộ khuôn mặt.

Mài da từng rất phổ biến trong quá khứ nhưng những năm gần đây đã dần trở nên tụt hậu so với những công nghệ mới hơn như tái tạo bề mặt da bằng laser với nguy cơ biến chứng thấp hơn. Các phương pháp bằng laser cũng có thể điều trị các vùng cụ thể một cách chính xác hơn và dễ dàng thực hiện một cách an toàn hơn.

Các bác sĩ thực hiện mài da thường cảnh báo bệnh nhân rằng thời gian lành thương sẽ lâu gấp đôi so với khi điều trị bằng laser co2 phân tách. Ngoài ra mài da cũng có thể làm thay đổi vĩnh viễn màu da và bề mặt da.

Ưu và nhược điểm của mài da

Ưu điểm

  • Mang lại kết quả ấn tượng hơn so với phương pháp mài da nông
  • Mài da có thể giúp cải thiện nếp nhăn cũng như các vết sẹo để lại do tai nạn, bệnh tật hoặc sẹo lõm do mụn, và cũng có thể xóa xăm
  • Chi phí có thể đỡ tốn kém hơn so với tái tạo bề mặt da bằng laser.

Nhược điểm

  • Vì mài da có nguy cơ gây ra các vấn đề về sắc tố nên nó chỉ được khuyến cáo dành cho những người có nước da sáng màu.
  • Hầu hết bệnh nhân đều cần từ 7 đến 10 ngày nghỉ dưỡng sau khi điều trị và một số còn bị đỏ da lâu hơn khoảng thời gian này.
  • Không điều trị hiệu quả các khuyết tật da bẩm sinh, hầu hết các loại nốt ruồi, các vết bớt sắc tố hoặc sẹo do bỏng.

Mài da có an toàn không?

Nếu được thực hiện bởi một bác sĩ giàu kinh nghiệm (không phải ở spa hoặc bởi một chuyên viên thẩm mỹ) thì mài da là phương pháp an toàn đối với hầu hết những người có nước da sáng màu.

Phương pháp này không được khuyên dùng cho những người có nước da nâu hoặc nâu vàng nhạt vì có thể khiến da rối loạn sắc tố hoặc mẩn đỏ tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Bạn cũng không phải là người phù hợp với phương pháp mài da nếu:

  • Bị bệnh tự miễn, tình trạng này ảnh hưởng đến quá trình chữa lành
  • Bị di truyền dễ hình thành sẹo lồi
  • Bị mụn nặng và đang được điều trị bằng isotretinoin
  • Bị nhiễm herpes tái phát nhiều lần hoặc nhiễm trùng da
  • Bị bỏng do bức xạ
  • Những người từng phẫu thuật căng da trán hoặc căng da mặt cũng không phải là đối tượng phù hợp.

Các nguy cơ rủi ro đối với những người phù hợp với phương pháp này cũng giống như những rủi ro liên quan đến các loại phẫu thuật khác bao gồm: chảy máu, nhiễm trùng hoặc phản ứng dị ứng nếu có.

Chuẩn bị cho phiên mài da

Bác sĩ sẽ đưa ra những hoạt động hoặc loại thuốc bạn cần dừng lại hoặc cần bắt đầu trước khi thực hiện mài da.

Những đề nghị này có thể bao gồm:

  • Các loại thuốc nhất định, bao gồm thuốc làm loãng máu hoặc những đơn thuốc có thể gây tăng sắc tố
  • Hút thuốc
  • Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mà không bôi kem chống nắng có độ SPF cao (từ 30 trở lên) bao gồm cả tắm nắng nhân tạo ở tiệm

Bạn có thể cần bắt đầu:

  • Uống thuốc kháng virut nếu bị bệnh do virut hoặc nhiễm trùng
  • Uống thuốc kháng sinh nếu bị mụn trứng cá
  • Xắp xếp ai đó đưa về nhà nếu có sử dụng thuốc an thần hoặc thuốc chống lo âu như Valium hoặc Ativan (hoặc những loại khác) trong quá trình điều trị.

Điều gì sẽ xảy ra trong quá trình mài da

Bác sĩ sẽ bắt đầu với việc làm tê da bằng cách bôi gây tê tại chỗ và cũng có thể tiêm gây tê tại chỗ. Nếu bạn thực hiện mài da trên toàn khuôn mặt thì có thể bác sĩ sẽ chọn hình thức gây mê toàn thân.

Khi da đã tê hoàn toàn, trợ lý sẽ giữ chặt da trong khi bác sĩ di chuyển chổi cước kim loại hoặc bánh lăn của thiết bị mài mòn (dermabrader) trên da để loại bỏ lớp da ngoài cùng (lớp biểu bì) và lớp giữa (lớp trung bì). Sau đó bác sĩ sẽ băng một loại băng giữ ẩm không dính, băng này sẽ được thay trong buổi tái khám vào ngày hôm sau. Bạn cũng sẽ được hướng dẫn cách thay băng ở nhà cũng như cách vệ sinh, xử lý và bôi thuốc mỡ lên da.

Quá trình hồi phục

Bạn sẽ có khoảng 2 tuần nghỉ dưỡng sau khi mài da. Trong quá trình da lành lại, mặt sẽ có cảm giác căng, sưng và đau. Một số bệnh nhân nói họ có cảm giác nóng rát.

Thường thì vùng điều trị sẽ bị rỉ nước và đóng vảy trong 2 tuần đầu tiên này. Khi lớp da mới phát triển có thể bạn sẽ thấy rất ngứa nhưng quan trọng là không được chạm vào mặt nếu không sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng. Bạn cũng cần tránh các hoạt động như các môn thể thao liên quan đến bóng hoặc bơi lội vì có thể sẽ làm tổn thương đến vùng mặt.

Hiện tượng da đỏ hoặc hồng sẽ giảm sau vài tuần nhưng cũng có thể kéo dài trong vài tháng.

Trong vòng 3 tháng bạn sẽ thấy được kết quả cuối cùng. Với chế độ chăm sóc da và chống nắng tốt, hiệu quả đạt được từ quy trình mài da có thể giữ được trong nhiều năm.

Trong năm đầu sau diều trị, làn da mới của bạn sẽ rất nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Do đó hãy chăm chỉ bôi kem chống nắng có chỉ số SPF 30 hoặc cao hơn và tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

Khác biệt giữa phương pháp mài da và mài da nông?

Một bác sĩ mô tả sự khác nhau giữa mài da và mài da nông như sau: “Hãy tưởng tượng bạn mua một chiếc bàn cũ ở nơi bán đồ cũ, chiếc bàn này có những vết trầy xước, cứ coi chúng là những vết nhăn trên mặt đi. Trong trường hợp này mài da nông giống như bạn xịt một lớp sơn đánh bóng Pledge lên bàn vậy, bạn sẽ có được kết quả đẹp đẽ trong khoảng 1 tuần, nhưng sẽ vẫn còn những nếp nhăn cũng như tổn thương do ánh nắng mặt trời. Trong khi đó, mài da sẽ mài làm xước tất cả lớp bề mặt đến lớp da sâu hơn bên dưới. Đây là cách tốt nhất để cải thiện nếp nhăn cũng như tổn thương do ánh nắng mặt trời”. Đây chính là những khác biệt chính giữa mài da và mài da nông.

Mài da chỉ có thể được thực hiện bởi một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ hoặc bác sĩ da liễu, trong khi đó bạn có thể để một chuyên viên thẩm mỹ thực hiện quy trình mài da nông cho mình ở ngay tại phòng khám, spa hoặc salon. Bạn thậm chí cũng có thể mua các thiết bị mài da nông tại nhà.

Mài da nông chỉ loại bỏ đi lớp tế bào da chết ngoài cùng, trong khi mài da loại bỏ cả lớp tế bào chết và lớp da “sống” bên dưới. Vì mài da nông chỉ hạn chế ở lớp bề mặt da nên gần như không hiệu quả để điều trị sẹo, nếp nhăn hay các vết rạn da. Ngoài ra bạn cũng sẽ cần nhiều phiên điều trị, mỗi phiên cách nhau từ 2 đến 4 tuần để duy trì kết quả.

Trong khi mài da chỉ an toàn cho những người có làn da trắng thì mài da nông an toàn và hiệu quả cho mọi loại da.

Chi phí mài da là bao nhiêu?

Mức phí điều trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào địa điểm bạn thực hiện, kinh nghiệm chuyên môn của bác sĩ cũng như kích thước vùng điều trị.

Tìm hiểu thêm về:

Tổng số điểm của bài viết là: 49 trong 10 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây