Lật mi sau khi tạo mắt hai mí
Ngoài một số biến chứng như nếp mí quá cao, quá thấp, hay nếp mí không đều, biến mất, bệnh nhân sau phẫu thuật cắt mí trên còn có thể bị lật mi. Tình trạng lật mi cũng thường đi kèm với nếp mí cao và sâu quá mức.
Lật mi trên là hiện tượng bờ mi và lông mi bị lật ngược lên phía trên, mắt bị trợn và lờ đờ. Lật mi cũng có thể khiến nếp mí bị lõm (nhìn rõ nhất khi nhắm mắt). Bệnh nhân sẽ có cảm giác rất khó chịu, khó nhắm mắt, thậm chí trường hợp nặng còn không thể khép kín mắt, làm mất đi chức năng bảo vệ đồng tử, khiến mắt bị khô rát. Trong trường hợp lật mí nghiêm trọng, kết mạc mi sẽ bị lộ ra, Đường giao nhau giữa niêm mạc và da bị sừng hóa (keratin hóa) và dẫn đến chứng khô mắt.
Nguyên nhân gây lật mi
Lật mi có thể là do bác sĩ tạo nếp mí quá sâu, quá cao hoặc do khâu cố định nếp mí ở vị trí quá cao trên mí mắt. Việc khâu cố định quá cao như vậy sẽ tạo một lực căng lớn lên vạt dưới và làm lật bờ mi. Tình trạng này sẽ không thấy khi bệnh nhân nhắm mắt trong quá trình phẫu thuật. Nhưng khi mở mắt, cơ nâng mi kéo căng phần da lên và bắt đầu kéo cao làm lật bờ mi lên. Thông thường cuối ca phẫu thuật khi kiểm tra lại bác sĩ sẽ phát hiện ra vấn đề này và có thể sửa chữa ngay. Tuy nhiên cũng có trường hợp sau phẫu thuật mới phát hiện ra.
Đôi khi lật mi cũng có thể là do trong quá trình tạo mắt hai mí có kết hợp phẫu thuật sụp mí cùng lúc, gây khó khăn cho việc xác định chính xác vị trí khâu nếp mí.
Mặc dù nguyên nhân lật mi thường là do lỗi thực hiện của bác sĩ phẫu thuật nhưng cũng có thể là do da mí mắt của bệnh nhân bị mất độ đàn hồi, không giãn ra được sau phẫu thuật.
Chỉnh sửa lật mi
Các trường hợp bị lật mí nhẹ thường có xu hướng tự điều chỉnh mà không cần can thiệp thêm. Bệnh nhân có thể thực hiện các bài tập luyện giãn cơ để giúp giãn mô mí mắt ra. Bài tập này được thực hiện bằng cách cố gắng mở thật to bên mắt bị lật mí trong khi dùng ngón tay ấn vào lông mi và mí mắt kéo mô xuống để làm giãn mô, giãn đường khâu cố định. Theo thời gian hiện tượng lật mí nhẹ sẽ không còn nữa.
Tuy nhiên, với những trường hợp lật mí nặng, không thể tự cải thiện được, mắt không thể nhắm kín, gây khô rát mắt nghiêm trọng thì cần phải phẫu thuật sửa lại trong vòng 2 tuần để ngăn sụn mi bị biến dạng vĩnh viễn và gây khó khăn cho việc khắc phục sau này.
Để chỉnh sửa bác sĩ sẽ giải phóng, bóc tách toàn bộ mô sẹo đã hình thành nếp mí cũ, vì nếu không bóc tách hết sẽ gây hình thành nếp mí thừa, nhiều nếp mí. Sau đó khâu cố định nếp mí mới ở ở vị trí thấp hơn
Trong những trường hợp lật mí do mí quá sâu và bệnh nhân không có đủ da thì bác sĩ cần cân nhắc bóc tách, tháo nếp mí ra, sau đó chờ một thời gian (khoảng 1 năm) khi da giãn đủ ra rồi mới chỉnh sửa tạo lại nếp mí. Nếu chính sửa lại luôn có thể khiến mí mắt bị trũng sâu, co rút mí mắt trên do cắt bỏ mô quá nhiều, nặng thì có thể dẫn đến hở mi.
Như vậy, chỉnh sửa nếp mí trong những trường hợp nặng không phải là quy trình đơn giản, nếu bác sĩ xác định tình trạng không đúng, chỉnh sửa không đúng kỹ thuật có thể không khắc phục được lật mi, thậm chí còn gây ra các vấn đề mới như co rút mí mắt hoặc hở mi. Do đó, khi cân nhắc chỉnh sửa, bệnh nhân cần tìm bác sĩ chuyên về chỉnh sửa cắt mí hỏng, và có nhiều hình ảnh chỉnh sửa thành công của các bệnh nhân khác.
Với những trường hợp bị lật mí nhẹ, tốt nhất nên kiên nhẫn matxa, và tập luyện bài tập giãn mô như chúng tôi đã nói ở trên. Vì chỉnh sửa luôn khó hơn ca phẫu thuật ban đầu, và chỉ nên thực hiện khi vấn đề quá nghiêm trọng.
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Tâm
1. Cắt mí có làm lông mi mọc sai hướng (lật lông mi - lật mi) không?
Tôi nghe nói sau khi cắt mí, lông mi có thể mọc sai hướng. Có thật như thế không? Nếu xảy ra thì cần làm gì để khắc phục?