Cảm giác cứng sau khi cấy chuyển mỡ trên mặt
Chỉ nên xoa bóp khi đã được bác sĩ hướng dẫn cụ thể. Mức độ rắn chắc có thể khác nhau tùy theo:
- vị trí được cấy ghép; mỡ được cấy vào khu vực xương má/rãnh nước mắt sẽ rắn chắc hơn ở các vị trí lõm trên má
- khối lượng mỡ được cấy;
- mức độ bầm tím;
- lượng mỡ sống sót
Vùng cấy mỡ trở nên rắn, cứng là tình trạng khá phổ biến đối với bất kỳ thủ tục nào trong 4 ngày đầu tiên. Khi nguồn cung cấp máu tiếp cận hoặc không tiếp cận được các tế bào mỡ, một số sẽ chết đi, dẫn đến “hoại tử mô mỡ”, và kích hoạt quá trình viêm, xơ hóa (hình thành sẹo), thường sẽ xảy ra trong khoảng 3 tuần. Sau 3 tuần, quá trình này thường hoàn tất và các vị trí cứng sẽ mềm trở lại. Do đó, khoảng thời gian 3 tuần là thời điểm phù hợp để đánh giá kết quả cấy chuyển mỡ.
Mặc dù vào thời điểm này vùng điều trị trông vẫn hơi đầy đặn hơn so với mong muốn nhưng nếu thấy nó mềm mại tức là khả năng mỡ sống sót khá cao, và nếu thấy nó rắn, cứng lại nghĩa là khả năng sống sót của mô cấy sẽ ở mức thấp. Tình trạng này có thể do nhiều yếu tố gây ra, chứ không phải lúc nào cũng liên quan trực tiếp đến kỹ thuật thực hiện. Ví dụ, tiền sử hút thuốc cũng góp phần làm giảm khả năng sống sót của các tế bào mỡ hoặc tình trạng sẹo hay đã từng thực hiện phẫu thuật trước đó tại khu vực này. Sử dụng aspirin hoặc các loại thuốc kháng viêm không chứa steroid cũng gây chảy máu nhiều hơn và mô cấy có thể bị cứng lại sau đó. Ngoài ra, nếu cấy mỡ tự thân được kết hợp thực hiện với các quy trình khác trong cùng một khu vực, điều này cũng có thể góp phần gây nên cảm giác bất thường và tình trạng rắn chắc ở vùng điều trị sau đó. Hiếm khi xảy ra tình trạng mỡ chết, hình thành u nang hoặc áp xe nghiêm trọng đến mức phải tiến hành hút bỏ.
Với kỹ thuật cấy mỡ tự thân, có rất nhiều tế bào mỡ đã bị chết thậm chí từ trước khi chúng được cấy vào vị trí mới. Tôi cho rằng, điều này cũng là vì đặc điểm tự nhiên của quá trình cấy mỡ tự thân, trong đó các tế bào mỡ phải trải qua rất nhiều công đoạn, thao tác trước khi được chính thức cấy vào vị trí mới (hút ra bằng thiết bị hút mỡ, lọc, chiết tách và cấy). Nghiên cứu mô học của chúng tôi cũng đã nhận thấy tình trạng này. Vì vậy, trong vài tháng đầu, việc sờ thấy các mô mỡ cứng là điều hoàn toàn bình thường. Nếu sau 6 tháng hoặc lâu hơn, vẫn còn những khối u cứng có thể sờ thấy được, có thể đó chính là các tế bào mỡ đã chết và chúng đã hình thành bao xơ bao bọc bên ngoài. Nếu cảm thấy khó chịu, bạn có thể phẫu thuật để loại bỏ chúng, nếu không người ta thường không can thiệp gì đến chúng.
Có một quy tắc chung trong kỹ thuật cấy chuyển mỡ đó là, mỡ sẽ thể hiện các đặc điểm của những mô mà nó được đặt gần hoặc trên đó. Do đó nếu mỡ được cấy lên trên xương má sẽ cho cảm giác giống như xương… Tuy nhiên trong giai đoạn hậu phẫu, mỡ có vẻ cứng lại là do chúng đang trải qua tình trạng viêm nhiễm. Mỡ là một trong những mô dễ bị viêm nhất trong cơ thể và do đó nó sẽ dẫn đến tình trạng viêm rất nặng. Điều quan trọng trong giai đoạn hồi phục là phải kiên nhẫn. Vùng cấy mỡ cuối cùng sẽ trở nên mềm mại và mang lại cảm giác giống như mô tự nhiên của bạn. Bạn nên tham vấn một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ vùng mặt có trình độ chuyên môn đã được chứng nhận, chúng tôi là những người được đào tạo chuyên sâu về khuôn mặt và có đủ khả năng để xử lý những vấn đề này cho bạn.
Tình trạng rắn ở các mô mỡ cấy là dấu hiệu cho thấy đã có sai sót trong quá trình lên kế hoạch điều trị, trong kỹ thuật thực hiện, hoặc biến chứng sau phẫu thuật. Tôi đã gặp một số bệnh nhân thực hiện các quy trình cấy chuyển mỡ theo từng giai đoạn tại các phòng khám khác bằng cách sử dụng mỡ đã được thu thập từ trước đó và lưu trữ đông lạnh. Nhiều người trong số này cũng có cảm giác vùng cấy mỡ khá rắn chắc, và các tế bào mỡ không tồn tại lâu sau khi được cấy vào vị trí mới. Đa số mọi người trong cộng đồng phẫu thuật thẩm mỹ đều cho rằng, chỉ nên sử dụng mỡ “tươi” mới được thu hoạch để cấy ghép.
Vùng mỡ cấy rắn, cứng cũng có thể là do cấy với số lượng quá nhiều và/hoặc kỹ thuật cấy ghép không phù hợp. Mặc dù trong một số trường hợp, người ta thường muốn thêm một lượng lớn mỡ vào vùng điều trị để bù cho số lượng sẽ bị hấp thu đi sau đó, nhưng nếu thêm quá nhiều có thể sẽ khiến các mạch máu mới không thể phát triển tại vị trí tiếp nhận để nuôi sống mô cấy. Một khu vực bị cấy quá nhiều thường có cảm giác rất rắn ngay sau phẫu thuật, và thường trở nên thô cứng khi mỡ cấy không tái tạo được nguồn cung cấp máu mới cho mình. Việc phân tán mỡ không đồng đều tại vị trí tiếp nhận cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng thiết lập một nguồn cung cấp máu mới. “Hoại tử mỡ” là thuật ngữ y học chỉ hiện tượng mô mỡ trở nên rất cứng do không có đủ nguồn cung cấp máu. Trong một số trường hợp, mỡ sẽ mềm đi theo thời gian (thường là vài tháng), nhưng nó cũng có thể cứng mãi như thế.
Ngoài ra, tụ máu tại vị trí cấy ghép cũng có thể là lý do dẫn đến tình trạng rắn, cứng này. Cách duy nhất để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và xác định các phương pháp điều trị là thăm khám trực tiếp với bác sĩ. Trong một số trường hợp, tình trạng này có thể được cải thiện bằng cách tác động nhiệt hoặc sử dụng thuốc chống viêm; bệnh nhân cũng có thể xoa bóp vùng cứng nhưng cần được bác sĩ hướng dẫn thật cẩn thận. Nếu vùng cấy mỡ trở nên quá cứng chắc chắn bệnh nhân cần được bác sĩ kiểm tra, đánh giá để tìm ra biện pháp xử lý phù hợp nhất. Sau một thời gian, các khu vực rắn chắc thường sẽ mềm đi nhưng “số phận” của chúng sẽ thế nào chắc chắn còn phụ thuộc vào kết quả chẩn đoán và cách tiếp cận xử lý sau đó. Sẽ mất vài tháng sau khi tình trạng cứng thuyên giảm mới có thể xác định được liệu mỡ cấy có sống sót, tồn tại được hay không.
Trong khi đó, các u cục có thể nhìn thấy được lại có phần phức tạp hơn. Kiểm tra và đánh giá trực tiếp với bác sĩ phẫu thuật sẽ giúp bạn xác định được các biện pháp xử lý phù hợp: có thể xoa bóp, tiêm steroid hoặc sử dụng các phương pháp điều trị khác. Cấy mỡ tự thân cho vùng mặt, khi được thực hiện một cách khéo léo, tỉ mỉ sẽ mang lại kết quả đẹp tự nhiên và khiến bệnh nhân rất hạnh phúc. Hãy cố gắng đối mặt với những thay đổi trong vài tuần đầu, chắc chắn mọi chuyện cuối cùng sẽ ổn thôi.
Có vẻ như bạn mới đang ở giai đoạn giữa của quá trình hồi phục. Mỡ cấy sẽ dần dần mềm hơn cho đến khi bạn thấy được kết quả cuối cùng sau khoảng 6 đến 8 tháng. Vào thời điểm đó, nếu vẫn còn các vị trí nổi u cục cứng, lổn nhổn, hãy quay trở lại gặp bác sĩ để được thăm khám và kiểm tra. Có thể họ sẽ đề nghị cấy thêm mỡ để làm đều những vùng này, hoặc tiêm thuốc giúp làm mịn chúng.