Cằm có còn tự nhiên sau khi có miếng độn không?
Miếng độn cằm có nhiều kích cỡ, hình dạng và chất liệu khác nhau nhưng hầu hết đều cứng chứ không mềm mại như túi độn ngực. Nếu miếng độn được đặt chính xác ở bên dưới mô mềm (gần với xương) thì sau một thời gian, mô sẹo sẽ hình thành xung quanh và giữ cố định miếng độn (nếu miếng độn được làm từ chất liệu xốp, có nhiều lỗ nhỏ li ti thì mô sẽ phát triển vào trong và giúp giữ chắc miếng độn hơn nữa). Một khi đã lành lại thì cằm sẽ có cảm giác hoàn toàn bình thường khi chạm vào. Bạn sẽ không thể cảm nhận hay sờ thấy miếng độn và nó cũng sẽ không bị dịch chuyển hay hư hại.
Nhiễm trùng là điều rất hiếm khi xảy ra mà nếu có thì cũng chủ yếu là trong các trường hợp đặt miếng độn qua đường rạch bên trong miệng, đó là lý do tại sao đường rạch dưới cằm thường được sử dụng phổ biến hơn.
Cằm và đường viền hàm dưới là những đặc điểm vô cùng quan trọng đối với khuôn mặt của cả nam và nữ. Do đó, cằm lẹm là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến tính thẩm mỹ và sự cân đối của khuôn mặt. Phẫu thuật độn cằm là một phương pháp thẩm mỹ đem lại sự thay đổi rất lớn cho những trường hợp như vậy. Đây là một quy trình phẫu thuật không quá phức tạp, có thể được thực hiện riêng biệt hoặc kết hợp cùng lúc với phẫu thuật nâng mũi hoặc căng da mặt.
Có nhiều loại chất liệu độn cằm khác nhau nhưng phổ biến nhất là silicone rắn hoặc Gore-Tex. Tuy nhiên, việc lựa chọn chất liệu lại không phải là yếu tố quan trọng nhất quyết định kết quả. Kết quả sau khi phẫu thuật có tự nhiên hay không phụ thuộc nhiều vào kích thước và vị trí đặt miếng độn. Kích thước miếng độn cần được lựa chọn chính xác: nếu miếng độn quá lớn sẽ khiến cho cằm bị to lên bất thường và bất hợp lý so với mặt. Ngoài ra, miếng độn cần được điều chỉnh cho khớp với đường viền hàm dưới để tạo đường nét tự nhiên cho phần dưới của khuôn mặt.
Phẫu thuật độn cằm là một giải pháp dành cho những người có cằm lẹm. Phương pháp này không chỉ giúp cằm trở nên cân đối hơn mà còn cải thiện được cả vẻ ngoài tổng thể của khuôn mặt, bao gồm cả mũi.
Miếng độn cằm được làm bằng chất liệu cứng và được thiết kế như một phần “bổ sung” cho cấu trúc xương bị thiếu ở cằm. Sau khi được đưa vào, nó sẽ cho cảm giác cứng giống như xương tự nhiên. Mức độ tự nhiên của kết quả sẽ phụ thuộc vào kích thước, hình dạng của miếng độn so với cằm và vị trí đặt miếng độn. Nếu miếng độn được thiết kế chính xác và đặt ở vị trí thích hợp bên dưới màng xương thì cằm sẽ trông vô cùng tự nhiên.
Hiện nay, các bộ phận trên mặt đều có thể được chỉnh sửa bằng cách phẫu thuật đặt miếng độn nhưng phổ biến nhất vẫn là độn cằm và má. Các loại miếng độn không chỉ đa dạng về hình dạng và kích thước mà còn cả về chất liệu.
Tuy nhiên, so với việc sử dụng miếng độn bằng chất liệu tổng hợp thì cấy mỡ tự thân vẫn là giải pháp lý tưởng hơn nhiều để cải thiện các bộ phận, đường nét trên mặt. Mặc dù các phương pháp phẫu thuật đặt miếng độn đều có tỉ lệ biến chứng không cao nhưng vẫn có thể phát sinh một số vấn đề nhất định, đòi hỏi phải tháo bỏ miếng độn ví dụ như nhiễm trùng hay miếng độn bị lệch vị trí. Tái hấp thu xương (tiêu xương) cũng là vấn đề có thể xảy ra khi đặt các miếng độn rắn. Mặt khác, cả hai vấn đề này đều không xảy ra với phương pháp cấy mỡ tự thân.
Hơn nữa, mỡ của chính bệnh nhân sẽ cho kết quả tự nhiên hơn nhiều so với miếng độn. Các trường hợp cằm lẹm đều có thể được khắc phục bằng phương pháp này. Chỉ khi nào cần tăng độ nhô của cằm từ 0.5cm trở lên thì mới cần dùng đến miếng độn.
Việc tăng độ nhô của cằm lên một cách vừa phải sẽ giúp cải thiện đáng kể sự cân đối, đường nét của khuôn mặt khi nhìn nghiêng và vẫn giữ được vẻ tự nhiên. Điều này còn giúp tạo cảm giác mũi nhỏ hơn và đồng thời khôi phục sự hài hòa cho các bộ phận khác trên mặt.
Sau khi vùng phẫu thuật đã lành lại và hết sưng thì sẽ rất khó để phát hiện ra miếng độn.
Hầu hết mọi người đều chọn đường rạch ở bên trong miệng và như vậy thì sẽ càng khó phát hiện hơn nữa vì không hề có sẹo ở bên ngoài da. Nếu được đặt chính xác thì miếng độn sẽ không dịch chuyển và có cảm giác như một phần của cấu trúc xương tự nhiên. Mặc khác, nếu không được đặt chính xác thì nó sẽ bị lệch, không cố định và dễ xê dịch.
Mỗi miếng độn được thiết kế riêng cho từng cá nhân về cả kích thước, độ nhô hay hình dạng (chỉ nằm ở cằm hay còn kéo rộng sang hai bên xương hàm).
Thông thường, nếu miếng độn được đặt đúng vị trí thì sẽ rất khó phát hiện thấy sau khi lành lại. Hơn nữa, khi bao xơ hình thành xung quanh thì sẽ càng khó sờ thấy cạnh của miếng độn hơn. Ngược lại, nếu đặt không chính xác thì miếng độn có thể sẽ bị lộ.
Có một điều cần lưu ý về phương pháp phẫu thuật độn cằm, đó là cảm giác ở phần dưới của má và vùng cằm được tạo nên bởi hai dây thần kinh đi ra từ xương hàm dưới – gần vị trí của miếng độn cằm. Những dây thần kinh này có thể bị dập hoặc kéo giãn trong ca phẫu thuật và thậm chí có thể bị tổn thương vĩnh viễn, dẫn đến cảm giác tê tạm thời hoặc vĩnh viễn ở cằm, môi dưới và vùng dưới của má. Điều này có thể dẫn đến cảm giác không được tự nhiên dù nhìn bên ngoài thì không có vấn đề gì cả.