1

Các biến chứng của bệnh tiểu đường type 2 và cách ngăn ngừa

Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến mọi cơ quan trong cơ thể. Lượng đường trong máu liên tục ở mức cao không được kiểm soát có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe theo thời gian.
Các biến chứng của bệnh tiểu đường type 2 và cách ngăn ngừa Các biến chứng của bệnh tiểu đường type 2 và cách ngăn ngừa

Sống chung với bệnh tiểu đường càng lâu thì nguy cơ xảy ra biến chứng càng cao. Người bệnh nên tìm hiểu những tác động về lâu dài của bệnh tiểu đường type 2 cũng như các biện pháp cần thực hiện để phòng ngừa.

Dưới đây là một số biến chứng của bệnh tiểu đường type 2 cùng các cách ngăn ngừa hoặc giảm thiểu nguy cơ.

Các biến chứng ngắn hạn của bệnh tiểu đường type 2

Hạ đường huyết

Hạ đường huyết hay đường trong máu thấp là một trong những tác động ngắn hạn phổ biến nhất của bệnh tiểu đường type 2. Lượng đường trong máu thay đổi liên tục trong ngày nhưng khi đường trong máu giảm xuống mức quá thấp thì sẽ gây nguy hiểm.

Các triệu chứng thường gặp của hạ đường huyết gồm có:

  • Cảm giác lo âu, bồn chồn
  • Đói cồn cào
  • Mệt mỏi, không có sức lực
  • Buồn nôn
  • Đổ mồ hôi
  • Chóng mặt, choáng váng
  • Đau đầu

Châm chích hoặc tê ở bàn tay hoặc bàn chân

Đường huyết quá thấp thậm chí có thể gây ngất xỉu hoặc co giật.

Người bệnh cần theo dõi lượng đường trong máu để ngăn ngừa hạ đường huyết. Nếu xuất hiện các triệu chứng hạ đường huyết hoặc kết quả đo đường huyết dưới 70 mg/dl thì hãy thực hiện quy tắc 15-15 để đưa đường trong máu về mức bình thường. Quy tắc 15-15 có nghĩa là ăn 15 gram carbohydrate, sau đó chờ 15 phút và đo lại đường huyết. Nếu đường huyết vẫn thấp thì tiếp tục ăn thêm 15 gram carb và đo lại sau 15 phút. Khi đường huyết trở về mức an toàn, hãy ăn một bữa ăn bình thường với đầy đủ chất dinh dưỡng. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng hạ đường huyết tái phát.

Tăng đường huyết

Tăng đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu ở mức cao. Điều này có thể xảy ra do ăn nhiều carbohydrate hoặc đường hơn mức mà cơ thể có thể xử lý.

Các triệu chứng của tăng đường huyết gồm có:

  • Khát nước
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Mệt mỏi
  • Khô miệng
  • Buồn nôn, nôn
  • Hụt hơi
  • Thiếu tỉnh táo
  • Có nhiều đường trong nước tiểu

Người bệnh có thể kiểm tra nồng độ ceton trong nước tiểu bằng que thử khi xuất hiện các triệu chứng tăng đường huyết. Nếu kết quả kiểm tra cho thấy nước tiểu có ceton thì không nên tập thể dục vì điều này sẽ gây nguy hiểm (đọc thêm trong phần Nhiễm toan ceton bên dưới).

Khi bị tăng đường huyết, hãy thực hiện theo các hướng dẫn của bác sĩ.

Nhiễm toan ceton

Nhiễm toan ceton là một tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng.

Nhiễm toan ceton xảy ra khi cơ thể không có đủ insulin. Khi không có đủ insulin, đường trong máu sẽ không được vận chuyển vào tế bào để tạo năng lượng. Lúc này, cơ thể sẽ bắt đầu phân hủy chất béo để chuyển hóa thành năng lượng. Mặc dù điều này nghe có vẻ có lợi nhưng thực ra không hề vì quá trình đốt cháy chất béo tạo ra ceton.

Ceton là một sản phẩm thải nên cơ thể sẽ cố gắng đào thải ra ngoài bằng cách tạo ra nhiều nước tiểu hơn. Tuy nhiên, ở người bệnh tiểu đường, cơ thể lại không thể tạo ra hay đào thải đủ nước tiểu để đưa mức ceton về bình thường. Sau đó, ceton di chuyển vào máu, tích tụ lại và dẫn đến nhiễm toan ceton.

Nhiễm toan ceton phải được điều trị khẩn cấp. Các triệu chứng của nhiễm toan ceton gồm có:

  • Khó thở hoặc thở dốc
  • Khô miệng
  • Buồn nôn và nôn
  • Hơi thở có mùi trái cây

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào trong số này thì phải đến ngay cơ sở y tế.

Tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết

Tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết (hyperosmolar hyperglycemic state) là một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, chủ yếu xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường lớn tuổi hoặc đang mắc cả các bệnh lý khác.

Tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết là khi lượng đường trong máu quá cao nhưng không có ceton. Đây cũng là một tình trạng khẩn cấp phải được can thiệp điều trị ngay lập tức.

Các triệu chứng của tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết rất nghiêm trọng:

  • Suy giảm thị lực
  • Ảo giác
  • Yếu cơ ở một bên cơ thể
  • Mơ hồ, thiếu tỉnh táo
  • Khát cực độ
  • Sốt hoặc da nóng nhưng không đổ mồ hôi

Theo dõi lượng đường trong máu luôn là điều quan trọng đối với người mắc bệnh tiểu đường nhưng sẽ càng quan trọng hơn nữa khi bị ốm. Nếu đường huyết quá cao và xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào của tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết thì phải đến bệnh viện ngay lập tức.

Cao huyết áp

Những người mắc bệnh tiểu đường type 2 phải luôn theo dõi huyết áp. Cao huyết áp, hay còn được gọi là tăng huyết áp, là một vấn đề cả về ngắn hạn và dài hạn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:

  • Nhồi máu cơ tim
  • Đột quỵ
  • Vấn đề về thị lực
  • Bệnh thận

Người mắc bệnh tiểu đường type 2 nên duy trì huyết áp dưới 140/80 (dưới 130/80 đối với những trường hợp có biến chứng về thận, thị lực hoặc bất kỳ loại bệnh mạch máu não nào). (1)

Các biện pháp để kiểm soát huyết áp gồm có chế độ ăn ít muối, tập thể dục thường xuyên, giảm căng thẳng và không hút thuốc lá.

Nếu các thay đổi về lối sống không đủ hiệu quả thì người bệnh sẽ phải dùng thuốc điều trị cao huyết áp.

Các biến chứng lâu dài của bệnh tiểu đường type 2

Bệnh tim mạch

Theo thời gian, lượng đường trong máu không được kiểm soát có thể làm hỏng động mạch. Bệnh tiểu đường cũng thường làm tăng nồng độ triglyceride và LDL cholesterol - loại cholesterol xấu có thể làm tắc nghẽn động mạch và tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao hơn. Để giảm thiểu nguy cơ, người bệnh cần giải quyết các yếu tố nguy cơ chính:

  • Kiểm soát huyết áp và mức cholesterol
  • Duy trì cân nặng vừa phải
  • Ăn uống cân bằng và đủ chất dinh dưỡng
  • Tập thể dục thường xuyên

Nếu hút thuốc thì hãy cố gắng hạn chế hoặc bỏ hẳn thuốc. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở những người bị tiểu đường.

Đột quỵ

Hầu hết các trường hợp đột quỵ xảy ra khi cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu trong não. Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 1,5 lần so với người không bị tiểu đường. (2)

Các yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ còn có:

  • Cao huyết áp
  • Hút thuốc
  • Bệnh tim mạch
  • Cholesterol cao
  • Thừa cân hoặc béo phì

Nếu có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào trong số này thì hãy nói chuyện với bác sĩ về các cách để giảm nguy cơ.

Vấn đề về thị lực

Bệnh tiểu đường có thể gây tổn thương các mạch máu nhỏ trong mắt. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt nghiêm trọng như:

  • Tăng nhãn áp (áp lực trong mắt tăng cao do tích tụ dịch)
  • Đục thủy tinh thể (thủy tinh thể trở nên mờ đục do tích tụ protein)
  • Bệnh võng mạc đái tháo đường, xảy ra khi các mạch máu ở phía sau mắt (võng mạc) bị tổn thương

Những bệnh lý này gây suy giảm thị lực và thậm chí mù lòa.

Do đó, người bệnh tiểu đường nên đi khám mắt thường xuyên và đi khám ngay khi phát hiện thấy bất kỳ thay đổi bất thường nào về thị lực.

Phát hiện sớm các vấn đề về thị lực sẽ giúp ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ, việc phát hiện sớm bệnh võng mạc đái tháo đường có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn mù lòa ở 90% bệnh nhân tiểu đường. (3)

Loét bàn chân

Tổn thương dây thần kinh và các vấn đề về tuần hoàn máu do bệnh tiểu đường gây ra có thể dẫn đến các vấn đề về bàn chân, chẳng hạn như loét bàn chân.

Nếu không được điều trị, vết loét sẽ bị nhiễm trùng và hoại tử, dẫn đến phải cắt cụt chi.

Người bệnh tiểu đường có thể ngăn ngừa những vấn đề này bằng cách chăm sóc cẩn thận cho đôi bàn chân:

  • Giữ cho bàn chân luôn sạch sẽ, khô ráo và tránh bị thương
  • Mang giày vừa chân, thoải mái
  • Đi tất bằng chất liệu tự nhiên
  • Thường xuyên kiểm tra bàn chân và ngón chân xem có mảng đỏ, vết loét hay vết phồng rộp hay không
  • Đi khám ngay lập tức nếu nhận thấy bất kỳ bất thường nào ở bàn chân.

Tổn thương thần kinh

Bệnh tiểu đường type 2 có thể gây tổn thương dây thần kinh, tình trạng này được gọi là bệnh thần kinh đái tháo đường. Mắc bệnh tiểu đường càng lâu thì nguy cơ bị bệnh thần kinh sẽ càng cao. Bệnh thần kinh là một trong những biến chứng phổ biến nhất của bệnh tiểu đường.

Có nhiều loại bệnh thần kinh đái tháo đường khác nhau. Tình trạng tổn thương các dây thần kinh ở bàn tay và bàn chân được gọi là bệnh thần kinh ngoại biên. Tổn thương dây thần kinh chỉ đạo các hoạt động tự chủ như tiêu hóa, tiết niệu được gọi là bệnh thần kinh tự trị.

Tùy thuộc vào dây thần kinh bị ảnh hưởng mà bệnh thần kinh đái tháo đường sẽ có các triệu chứng khác nhau như:

  • Tê, châm chích hoặc cảm giác nóng ở bàn tay hoặc bàn chân
  • Đau nhói
  • Suy giảm thị lực
  • Đau khi chạm lên da
  • Đau mãn tính
  • Tiêu chảy
  • Mất thăng bằng
  • Yếu cơ
  • Mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột (dẫn đến tiểu són hoặc đại tiện không tự chủ)
  • Rối loạn cương dương ở nam giới
  • Khô âm đạo ở phụ nữ
  • Liệt dạ dày

Lượng đường trong máu ở mức cao trong thời gian dài có thể làm hỏng dây thần kinh phế vị. Dây thần kinh phế vị là dây thần kinh kiểm soát sự di chuyển của thức ăn qua đường tiêu hóa. Đây cũng là một dạng bệnh thần kinh tự trị.

Liệt dạ dày xảy ra khi dây thần kinh phế vị bị tổn thương hoặc ngừng hoạt động. Điều này khiến cho quá trình làm rỗng dạ dày diễn ra chậm hơn bình thường, có nghĩa là thức ăn ứ lại trong dạ dày lâu hơn thay vì được đẩy xuống ruột non.

Các triệu chứng của chứng liệt dạ dày gồm có:

  • Buồn nôn và nôn
  • Ợ nóng
  • Cảm giác no kéo dài sau khi ăn
  • Đầy hơi
  • Ăn không ngon miệng
  • Sụt cân
  • Đau bụng

Liệt dạ dày sẽ khiến cho việc kiểm soát lượng đường trong máu trở nên khó khăn vì khó dự đoán khả năng hấp thụ thức ăn hơn. Cách tốt nhất để ngăn ngừa chứng liệt dạ dày là kiểm soát tốt đường huyết.

Những người bị dạ dày sẽ phải điều chỉnh liệu pháp insulin.

Tránh ăn thực phẩm nhiều chất xơ và chất béo vì những thực phẩm này khó tiêu hóa hơn. Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ba bữa lớn cũng có thể giúp ngăn ngừa chứng liệt dạ dày.

Bệnh thận

Không theo dõi và kiểm soát lượng đường trong máu hoặc huyết áp có thể dẫn đến bệnh thận. Theo thời gian, đường trong máu cao có thể làm suy giảm khả năng lọc máu của thận. Bệnh nhân tiểu đường cần kiểm soát đường huyết và huyết áp để ngăn ngừa biến chứng về thận.

Ngoài ra còn có các yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận, gồm có di truyền hay tiền sử gia đình mắc bệnh thận.

Một số triệu chứng của bệnh thận rất giống với các hiện tượng thường gặp hàng ngày như mệt mỏi và khó ngủ nên thường bị bỏ qua. Ở những người bị tiểu đường type 2, dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh thận là có protein trong nước tiểu (protein niệu). Do đó, nên xét nghiệm nước tiểu định kỳ để tầm soát bệnh thận.

Sức khỏe tinh thần

Các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ về mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, nghiên cứu đã cho thấy rằng những người bị tiểu đường có nguy cơ cao gặp phải một số vấn đề về tâm lý như lo âu, căng thẳng và trầm cảm.

Bệnh tiểu đường có thể gây căng thẳng và mệt mỏi về mặt tinh thần. Nếu người bệnh thường xuyên cảm thấy chán nản, buồn bã do bệnh tình của mình hay stress kéo dài thì nên đến gặp bác sĩ tâm thần để xác định nguyên nhân và có hướng điều trị thích hợp.

Sa sút trí tuệ

Các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng tìm hiểu mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường type 2 và các tình trạng liên quan đến chứng sa sút trí tuệ. Có một số bằng chứng cho thấy lượng đường trong máu cao hoặc mức insulin cao có thể gây hại cho não bộ.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh tiểu đường type 2 làm tăng nguy cơ mắc một số dạng sa sút trí tuệ như:

  • Suy giảm nhận thức mức độ nhẹ
  • Bệnh Alzheimer
  • Sa sút trí tuệ não mạch

Một nghiên cứu vào năm 2021 cho thấy rằng việc mắc bệnh tiểu đường ở độ tuổi trẻ có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ. Cần có thêm nghiên cứu để làm rõ lý do đằng sau mối liên hệ này.

Một nghiên cứu vào năm 2020 đã chỉ ra rằng những người bị tiểu đường type 2 có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ não mạch cao hơn 36% so với những người không bị tiểu đường. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không phát hiện thấy sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer ở những người này.

Sâu răng

Bệnh tiểu đường được kiểm soát kém sẽ gây tổn hại các mạch máu nhỏ, bao gồm cả các mạch máu nhỏ cung cấp máu cho răng và nướu. Điều này làm tăng nguy cơ sâu răng, viêm nướu và bệnh nha chu.

Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, 22% người bệnh tiểu đường bị bệnh nha chu.

Để giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề về răng miệng, người bệnh nên đi khám răng định kỳ 6 tháng một lần, đánh răng đều đặn hàng ngày bằng kem đánh răng có chứa fluoride và dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần mỗi ngày.

Ngăn ngừa các biến chứng của tiểu đường type 2

Có thể ngăn ngừa các biến chứng lâu dài của bệnh tiểu đường type 2 bằng cách thay đổi lối sống, dùng thuốc và chủ động trong việc kiểm soát tình trạng bệnh:

  • Duy trì đường huyết trong phạm vi khuyến nghị: Trao đổi với bác sĩ về phạm vi đường huyết cần duy trì và cố gắng giữ đường huyết ổn định trong phạm vi này.
  • Thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục: Hạn chế tối đa đồ ăn chứa đường và thực phẩm có hàm lượng carbohydrate cao, đặc biệt là những sản phẩm qua chế biến nhiều như kẹo, đồ uống có đường, bánh mì trắng, cơm và mì ống. Cố gắng tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần. Tất cả những điều này sẽ giúp duy trì cân nặng hợp lý.
  • Chăm sóc sức khỏe tinh thần: Giảm căng thẳng và chú ý đến các dấu hiệu của bệnh trầm cảm.
  • Cắt giảm hoặc bỏ thuốc lá.

Khi nào cần đi khám?

Mỗi người đều nên đi khám sức khỏe định kỳ ngay cả khi không có gì bất thường. Bệnh tiểu đường type 2 có thể tiến triển âm thầm trong suốt nhiều năm mà không biểu hiện triệu chứng. Phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường.

Không phải ai mắc bệnh tiểu đường type 2 cũng gặp các biến chứng nêu trên. Nhận thức rõ về các yếu tố nguy cơ của bản thân là điều quan trọng để giảm tác động của bệnh tiểu đường đến sức khỏe.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
11 cách để ngăn ngừa tiểu đường type 2
11 cách để ngăn ngừa tiểu đường type 2

Tiểu đường type 2 là một tình trạng bệnh lý mãn tính mà hàng trăm triệu người trên toàn thế giới đang mắc phải. Bệnh tiểu đường không được kiểm soát có thể dẫn đến mù lòa, suy thận, bệnh tim mạch và các biến chứng nghiêm trọng khác.

Các biến chứng của bệnh tiểu đường type 2
Các biến chứng của bệnh tiểu đường type 2

Bệnh tiểu đường có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được theo dõi và điều trị. Tuy nhiên, bệnh lý này có thể được kiểm soát và điều trị bằng những thay đổi đơn giản trong lối sống và chế độ ăn uống.

6 biến chứng của bệnh tiểu đường type 2
6 biến chứng của bệnh tiểu đường type 2

Người mắc bệnh tiểu đường type 2 cần duy trì các phương pháp điều trị để giữ cho lượng đường trong máu luôn trong phạm vi an toàn, gồm có điều chỉnh chế độ ăn uống, lối sống và dùng thuốc. Nếu không kiểm soát tốt đường trong máu, người bệnh sẽ có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng như bệnh tim mạch, cao huyết áp và các vấn đề ở chân.

Các triệu chứng phổ biến nhất của tiểu đường type 1 ở trẻ em
Các triệu chứng phổ biến nhất của tiểu đường type 1 ở trẻ em

Bệnh tiểu đường type 1 thường bắt đầu xảy ra trong độ tuổi từ 4 đến 7 và 10 đến 14. Nếu không được điều trị, bệnh tiểu đường type 1 có thể dẫn đến tăng đường huyết hoặc lượng đường trong máu cao và nhiễm toan ceton.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây