1

Ung Thư Gan

Ung thư gan là gì?

Ung thư gan là dạng ung thư xảy ra ở gan. Gan là cơ quan lớn nhất trong cơ thể nếu không tính da và là bộ phận thực hiện nhiều chức năng quan trọng để giữ cho cơ thể không bị tích tụ độc tố và các chất có hại. Gan nằm ở góc phần tư phía trên bên phải của ổ bụng, ngay dưới khung xương sườn. Gan đảm nhận nhiệm vụ sản sinh dịch mật, đây là chất giúp cơ thể chuyển hóa chất béo, vitamin và các chất dinh dưỡng khác. Gan còn là nơi dự trữ các chất dinh dưỡng như glucose để cung cấp năng lượng cho cơ thể vào khoảng thời gian giữa các bữa ăn. Gan phân hủy các loại thuốc và độc tố trong cơ thể. Khi ung thư xảy ra ở gan, các tế bào gan sẽ bị phá hủy và ảnh hưởng đến khả năng hoạt động bình thường của gan.

Ung thư gan được phân ra làm 2 loại là ung thư gan nguyên phát và ung thư gan thứ phát. Ung thư gan nguyên phát là ung thư bắt đầu hình thành trong các tế bào gan còn ung thư gan thứ phát xảy ra khi các tế bào ung thư từ một cơ quan khác lan đến gan. Không giống như các tế bào khác trong cơ thể, các tế bào ung thư có khả năng tách ra khỏi vị trí mà chúng hình thành ban đầu và di chuyển theo máu hoặc hệ bạch huyết đến các khu vực khác trong cơ thể. Các tế bào ung thư này sẽ dừng lại tại một cơ quan khác và bắt đầu phát triển ở đó.

Bài viết này tập trung vào bệnh ung thư gan nguyên phát. Nếu bạn bị ung thư ở một cơ quan khác trước khi bị ung thư gan thì có thể đọc bài viết về di căn gan để tìm hiểu thêm về ung thư gan thứ phát.

Các loại ung thư gan nguyên phát

Các loại ung thư gan nguyên phát khác nhau bắt nguồn từ các tế bào khác nhau tạo nên gan. Ung thư gan nguyên phát có thể bắt đầu phát sinh dưới dạng một khối u đơn lẻ hoặc các khối u hình thành ở nhiều nơi trong gan cùng một lúc. Những người bị tổn thương gan nghiêm trọng thường phát triển ung thư ở nhiều vị trí cùng một lúc. Các loại ung thư gan nguyên phát chính gồm có:

Ung thư biểu mô tế bào gan

Ung thư biểu mô tế bào gan (Hepatocellular carcinoma - HCC), hay ung thư tế bào gan, là loại ung thư gan phổ biến nhất, chiếm 75% tổng số ca ung thư gan. Loại ung thư gan này hình thành trong các tế bào nhu mô gan, là những tế bào cấu tạo chủ yếu nên lá gan. Ung thư biểu mô tế bào gan có thể lan từ gan đến các bộ phận khác trong cơ thể, chẳng hạn như tuyến tụy, ruột và dạ dày. Những người mà gan bị tổn thương nghiêm trọng do lạm dụng rượu là đối tượng có nguy cơ cao mắc dạng ung thư gan này.

Ung thư đường mật

Ung thư đường mật (Cholangiocarcinoma), hay còn được gọi là ung thư ống mật, phát triển trong các ống dẫn mật nhỏ trong gan. Những ống này đưa mật đến túi mật để hỗ trợ tiêu hóa thức ăn. Ung thư ống mật chiếm khoảng 10 đến 20% tổng số ca ung thư gan. Khi ung thư bắt đầu phát sinh ở phần ống dẫn nằm bên trong gan thì được gọi là ung thư ống mật trong gan. Khi ung thư hình thành ở phần ống dẫn nằm bên ngoài gan thì được gọi là ung thư ống mật ngoài gan.

Ung thư mạch máu sarcoma gan

Ung thư mạch máu sarcoma gan (Liver angiosarcoma) là một dạng ung thư gan hiếm gặp hình thành trong các mạch máu của gan. Loại ung thư này thường phát triển rất nhanh, vì thế nên thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn.

Ung thư gan nguyên bào

Ung thư gan nguyên bào là một loại ung thư gan cực kỳ hiếm, hầu như chỉ xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ dưới 3 tuổi. Bằng cách phẫu thuật và hóa trị, triển vọng của những người mắc loại ung thư này vẫn khá khả quan. Khi phát hiện ung thư gan nguyên bào ở giai đoạn đầu, tỷ lệ sống sót là hơn 90%.

Các triệu chứng của ung thư gan

Ở giai đoạn đầu, ung thư gan nguyên phát thường không bộc lộ triệu chứng nhưng khi xuất hiện thì các triệu chứng thường gặp gồm có:

  • Khó chịu và đau bụng
  • Da và tròng trắng mắt ngả vàng
  • Đi ngoài ra phân trắng, có những mảng như phấn
  • Buồn nôn
  • Ói mửa
  • Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu
  • Cơ thể mệt mỏi, suy yếu

Yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan:

  • Trên 50 tuổi.
  • Nhiễm viêm gan B hoặc viêm gan C mạn tính khiến cho gan bị tổn hại nghiêm trọng. Các loai viêm gan này lây từ người sang người qua sự tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc chất dịch cơ thể của người bị bệnh, ví dụ như tinh dịch. Bệnh còn lây truyền từ mẹ sang con. Bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh viêm gan B và viêm gan C bằng cách sử dụng các biện pháp bảo vệ trong khi quan hệ tình dục. Ngoài ra nên tiêm vắc-xin phòng viêm gan B.
  • Thói quen uống nhiều rượu trong một thời gian dài.
  • Bị xơ gan. Đây là một dạng tổn thương gan trong đó mô gan khỏe mạnh bị thay thế bằng mô sẹo, xơ. Gan bị xơ hóa sẽ không thể thực hiện chức năng bình thường và cuối cùng sẽ dẫn đến nhiều biến chứng, bao gồm cả ung thư gan. Lạm dụng rượu và viêm gan C là hai trong số những nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh xơ gan. Rất nhiều người mắc xơ gan trước khi bị ung thư gan.
  • Tiếp xúc với aflatoxin - chất độc được sản sinh ra bởi một loại nấm mốc mọc trên đậu phộng, ngũ cốc và ngô.
  • Bệnh tiểu đường và béo phì cũng là yếu tố nguy cơ. Những người bị bệnh tiểu đường thường cũng bị thừa cân hoặc béo phì, điều này có thể gây ra các vấn đề về gan và tăng nguy cơ ung thư gan.

Chẩn đoán ung thư gan như thế nào?

Để chẩn đoán ung thư gan, bác sĩ sẽ bắt đầu lấy tiền sử mắc bệnh và thăm khám. Bạn cần nói rõ với bác sĩ nếu thường xuyên uống nhiều rượu hoặc bị viêm gan siêu vi B hay viêm gan siêu vi C mạn tính.

Sau đó sẽ cần làm các xét nghiệm và phương pháp kiểm tra chẩn đoán ung thư gan gồm có:

  • Xét nghiệm chức năng gan: nhằm xác định tình trạng sức khỏe của gan bằng cách đo nồng độ protein, men gan và bilirubin trong máu.
  • Xét nghiệm AFP (alpha-fetoprotein): sự hiện diện của AFP trong máu là dấu hiệu của ung thư gan. Loại protein này thường chỉ được sản sinh trong gan và túi noãn hoàng của trẻ trước khi sinh ra. Quá trình sản sinh này sẽ dừng lại sau khi sinh. Do đó, có AFP trong máu ở tuổi trưởng thành là điều bất thường.
  • Chụp CT hoặc MRI ổ bụng để lấy hình ảnh chi tiết của gan và các cơ quan khác trong ổ bụng. Các kỹ thuật này cho phép bác sĩ xác định chính xác nơi khối u phát triển, kích thước của nó và đánh giá xem các tế bào ung thư đã lan sang cơ quan khác hay chưa.

Sinh thiết gan

Một xét nghiệm chẩn đoán ung thư gan khác là sinh thiết gan. Trong quá trình sinh thiết gan, một phần mô gan nhỏ sẽ được lấy ra ngoài và đem đi xét nghiệm. Quy trình này có thể được thực hiện sau khi bạn được gây mê nên sẽ không cảm thấy đau đớn.

Đa phần thì bác sĩ đều dùng kim mảnh đâm xuyên qua da vào gan để lấy mẫu mô gan. Sau đó mẫu này được phân tích dưới kính hiển vi để kiểm tra dấu hiệu ung thư.

Ngoài ra, phương pháp sinh thiết gan cũng có thể được thực hiện bằng ống nội soi – một ống nhỏ, linh hoạt có gắn camera ở đầu. Camera này cho phép bác sĩ quan sát được trạng thái của gan và thực hiện quá trình sinh thiết được chuẩn xác hơn. Ống nội soi được đưa vào qua một đường rạch nhỏ ở bụng. Còn nếu cần lấy mẫu mô từ các cơ quan khác nữa thì sẽ phải rạch một đường lớn hơn.

Nếu phát hiện ung thư gan, bác sĩ sẽ tiến hành xác định giai đoạn của ung thư. Ở mỗi giai đoạn, ung thư sẽ có mức độ nghiêm trọng và phạm vi khác nhau. Bằng cách xác định giai đoạn, bác sĩ sẽ có thể đưa ra các phương án điều trị thích hợp cũng như là tiên lượng bệnh. Ung thư gan gồm có 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn 4 là giai đoạn ung thư nặng nhất hay còn gọi là giai đoạn cuối.

Điều trị ung thư gan

Có nhiều phương pháp điều trị ung thư gan khác nhau và được lựa chọn phụ thuộc vào:

  • số lượng, kích thước và vị trí của các khối u trong gan
  • chức năng gan
  • có bị xơ gan hay không
  • tế bào ung thư đã lan sang các cơ quan khác hay chưa

Do đó, phác đồ điều trị cụ thể của mỗi trường hợp sẽ khác nhau. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị ung thư gan gồm có:

Phẫu thuật cắt gan

Phẫu thuật cắt gan là quy trình được thực hiện nhằm loại bỏ một phần của gan hoặc toàn bộ gan. Đây thường là giải pháp khi ung thư mới chỉ giới hạn ở gan. Sau khi cắt gan, theo thời gian, các mô khỏe mạnh còn lại sẽ tái sinh và bổ sung vào phần bị thiếu.

Ghép gan

Ghép gan là quy trình phẫu thuật thay thế toàn bộ phần gan bị tổn hại hay bị bệnh bằng mô gan khỏe mạnh từ người hiến thích hợp. Phương pháp này cũng thường chỉ dành cho những trường hợp mà ung thư chưa di căn sang các cơ quan khác. Sau khi ghép gan, người bệnh sẽ cần uống thuốc chống thải ghép để ngăn ngừa cơ thể đào thải phần mô ghép.

Thủ thuật phá hủy u gan

Có thể sử dụng năng lượng nhiệt hoặc tiêm ethanol để phá hủy các tế bào ung thư. Thủ thuật này được thực hiện dưới phương pháp gây tê tại chỗ để làm tê liệt vùng điều trị và giúp người bệnh không còn thấy đau. Đây là giải pháp dành cho những người không phù hợp phẫu thuật cắt gan hoặc ghép gan.

Hóa trị liệu

Hóa trị là phương pháp dùng các loại thuốc nhằm phá hủy tế bào ung thư. Các loại thuốc có thể được sử dụng dưới dạng uống hoặc tiêm nhưng thường là tiêm qua đường tĩnh mạch. Trong hầu hết các trường hợp thì hóa trị là phương pháp điều trị ngoại trú. Đây là một phương pháp hiệu quả trong điều trị ung thư gan nhưng lại đi kèm với các tác dụng phụ, ví dụ như nôn mửa, chán ăn và ớn lạnh. Ngoài ra, hóa trị còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm tia bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Xạ trị gồm có hai dạng là xạ trị bên ngoài và xạ trị bên trong. Trong phương pháp xạ trị chùm tia bên ngoài, bức xạ từ bên ngoài được điều chỉnh nhắm vào bụng và ngực. Xạ trị bên trong là phương pháp sử dụng ống thông để đưa những nguồn phóng xạ nhỏ vào động mạch gan. Sau đó, bức xạ sẽ phá hủy động mạch và làm giảm lưu lượng máu đến khối u. Khi động mạch gan bị đóng lại, tĩnh mạch cửa sẽ tiếp tục nuôi dưỡng gan.

Liệu pháp nhắm trúng đích

Liệu pháp nhắm trúng đích là phương pháp sử dụng các loại thuốc có công dụng tấn công vào các gen, protein hoặc mô trường mô giúp tế bào ung thư phát triển và lây lan. Các loại thuốc này làm giảm sự phát triển của khối u và chặn sự cung cấp máu nuôi khối u. Sorafenib (Nexavar) là loại thuốc đã được phê duyệt sử dụng trong liệu pháp nhắm trúng đích để điều trị ung thư gan. Liệu pháp nhắm trúng đích là giải pháp cho những người không thích hợp phẫu thuật cắt gan hoặc ghép gan. Tuy nhiên, liệu pháp nhắm trúng đích có thể gây ra những tác dụng phụ đáng kể.

Nút mạch và nút hóa chất động mạch

Nút mạch và nút hóa chất động mạch là các phương pháp phẫu thuật nhằm chặn động mạch gan bằng xốp sinh học hoặc các loại vật liệu khác. Phương pháp này làm giảm lượng máu nuôi khối u. Trong phương pháp nút hóa chất động mạch, bác sĩ sẽ tiêm thuốc hóa trị vào động mạch gan rồi tiêm vật liệu nút mạch để giữ thuốc hóa trị lại bên trong gan trong thời gian lâu hơn.

Phòng ngừa ung thư gan

Bạn có thể thực hiện các bước dưới đây để ngăn chặn các vấn đề có thể dẫn đến ung thư gan.

Tiêm vắc-xin viêm gan B

Tất cả trẻ em và người lớn đều được khuyến cáo nên tiêm vắc-xin phòng viêm gan B, đặc biệt là những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao, chẳng hạn như những người thường xuyên phải tiêm thuốc qua đường tĩnh mạch hay tiêm chích ma túy. Vắc-xin này gồm có ba mũi, được hoàn thành trong khoảng thời gian 6 tháng.

Thực hiện các biện pháp phòng ngừa viêm gan C

Hiện tại vẫn chưa có vắc-xin ngừa viêm gan C nhưng bạn có thể giảm nguy cơ bị mắc bệnh này bằng cách:

  • Có biện pháp an toàn khi quan hệ: Luôn luôn phải quan hệ tình dục một cách an toàn bằng cách sử dụng bao cao su. Không được quan hệ khi không có biện pháp bảo vệ trừ khi bạn chắc chắn rằng bạn tình của mình không bị nhiễm viêm gan hoặc bất kỳ bệnh lây truyền qua đường tình dục nào khác.
  • Không dùng chất kích thích hay chất gây nghiện, đặc biệt là những loại chất kích thích dạng tiêm.
  • Không bao giờ dùng chung bơm kim tiêm với người khác.
  • Thận trọng khi xăm mình hay xỏ khuyên: Cần chọn những địa chỉ uy tín và đảm bảo thợ xăm sử dụng kim vô trùng.

Giảm nguy cơ xơ gan

Bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh xơ gan bằng cách:

  • Chỉ nên uống rượu ở mức độ vừa phải. Việc này sẽ giúp ngăn ngừa tổn thương gan. Phụ nữ không nên uống quá một ly mỗi ngày và nam giới chỉ nên uống tối đa hai ly mỗi ngày.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Một chế độ ăn uống cân bằng và thói quen tập thể dục 30 phút mỗi ngày, ít nhất ba lần mỗi tuần sẽ giúp duy trì cân nặng ở mức khỏe mạnh. Nên bổ sung nhiều protein nạc, ngũ cốc nguyên cám, các loại rau xanh và trái cây vào bữa ăn hàng ngày. Nếu hiện tại bạn vẫn đang thừa cân thì cần tăng thời gian cũng như là cường độ tập luyện và giảm lượng calo tiêu thụ.

Nếu bạn hiện đang bị một trong những bệnh về gan này và lo lắng về nguy cơ mắc ung thư gan thì nên đi khám sàng lọc.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 8 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Video Ung Thư Gan

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây