1

Tụt lợi

Tụt lợi là một vấn đề mà phần rìa của lợi bao quanh răng bị bào mòn hoặc co lại, để lộ ra nhiều răng hơn hoặc thậm chí là chân răng.

tut loi

Khi lợi bị tụt, các “túi” hoặc khoảng trống sẽ hình thành giữa răng và lợi, tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây bệnh có chỗ tích tụ. Nếu như không được điều trị thì các mô lợi và cấu trúc xương nâng đỡ răng sẽ bị tổn thương nghiêm trọng, có thể dẫn đến mất răng.

Tụt lợi là một vấn đề răng miệng phổ biến. Đa số mọi người đều không biết rằng họ bị tụt lợi vì hiện tượng này thường xảy ra từ từ. Dấu hiệu đầu tiên của hiện tượng tụt lợi thường là răng nhạy cảm hoặc bạn có thể nhận thấy rằng răng trở nên dài hơn bình thường. Thông thường, bạn sẽ cảm thấy răng có đường gồ ở gần rìa lợi.

Tụt lợi là một vấn đề mà bạn không nên coi nhẹ.Nếu bạn nghi ngờ lợi bị tụt thì hãy đến gặp bác sĩ nha khoa ngay.Có một số phương pháp điều trị có thể khắc phục được tình trạng này và ngăn ngừa các tổn thương về sau.

Nguyên nhân gây tụt lợi

Có một số yếu tốt khiến cho lợi bị tụt, ví dụ như:

  • Bệnh về lợi. Đây là tình trạng lợi bị nhiễm trùng, khiến cho mô lợi và xương hỗ trợ răng bị phá hủy. Bệnh về lợi là nguyên nhân chính gây tụt lợi.
  • Do gen di truyền. Gen di truyền khiến cho một số người sẽ dễ mắc phải các bệnh về lợi hơn bình thường. Theo nghiên cứu, có đến 30% dân số bị vấn đề này, do đó dù cho họ có chăm sóc răng miệng có tốt đến đâu đi nữa thì vẫn có nguy cơ bị bênh về lợi.
  • Đánh răng quá mạnh. Nếu bạn chải răng quá mạnh hoặc chải sai cách thì men răng có thể bị mài mòn, và lợi bị tụt.
  • Không chăm sóc răng miệng. Không đánh răng, xúc miệng và dùng chỉ nha khoa khiến cho mảng bám trở thành cao răng – những mảng cứng hình thành ở trên và giữa các răng và phải cần đến việc vệ sinh răng chuyên miệng để loại bỏ.
  • Thay đổi nội tiết. Sự thay đổi nội tiết thường diễn ra ở nhiều giai đoạn trong cuộc đời phụ nữ, ví dụ như dậy thì, mang thai, mãn kinh. Điều này khiến cho lợi nhạy cảm và dễ bị tụt khỏi răng hơn.
  • Các sản phẩm thuốc lá.
  • Nghiến răng. Việc nghiến hay cắn răng sẽ tạo áp lực lên răng, khiến lợi bị tụt.
  • Răng mọc lệch hoặc lệch khớp cắn. Khi hai hàm răng tiếp xúc với nhau không đều, một lực lớn hơn sẽ tác động lên lợi và xương, khiến cho lợi bị tụt.
  • Bấm khuyên ở môi và lưỡi. Trang sức có thể cọ xát vào lợi, gây kích ứng, khiến lợi bị bào mòn.

Cách điều trị tụt lợi

Tình trạng tụt lợi nếu nhẹ thì có thể được điều trị bằng cách đến các phòng khám nha khoa để vệ sinh răng miệng. Trong quá trình vệ sinh, hay còn gọi là cạo vôi và làm láng mặt gốc răng- mảng bám và cao răng bám ở răng và chân răng sẽ được loại bỏ một cách cẩn thận, đồng thời phần chân răng lộ ra ngoài sẽ được làm mịn để làm cho vi khuẩn khó bám vào hơn. Bác sĩ có thể sẽ kê thuốc kháng sinh để tiêu diệt những vi khuẩn gây hại.

Nếu phương pháp vệ sinh này vẫn không điều trị được vấn đề tụt lợi do sự mất xương và các khoảng trống giữa răng và lợi quá sâu, thì bạn sẽ cần được phẫu thuật để phục hồi lại những tổn hại do tình trạng tụt lợi gây ra.

Các loại phẫu thuật để điều trị tụt lợi

  • Mở vạt lợi. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ nha khoa hay bác sĩ chuyên khoa nha chu sẽ gập phần mô lợi bị tổn thương ra bên ngoài để loại bỏ đi những vi khuẩn có hại, và sau đó sẽ cố định lợi ôm sát vào chân răng, do đó có thể loại bỏ hoặc làm giảm kích thước các “túi” giữa răng và lợi.
  • Tái tạo: Nếu phần xương hàm nâng đỡ răng bị phá hủy do tụt lợi thì bác sĩ sẽ tiến hành phương pháp tái tạo lại phần xương và mô bị mất. Giống như phương pháp bên trên, bác sĩ sẽ gập lợi ra bên ngoài và loại bỏ vi khuẩn. Sau đó, vật liệu tái tạo, ví dụ như màng, mô cấy, hay protein kích thích mô sẽ được đưa vào để thúc đẩy cơ thể tái tạo lại xương và mô ở vùng bị tổn thương một cách tự nhiên. Sau khi vật liệu tái tạo được đưa vào, lợi sẽ được cố định trùm bên trên chân răng hoặc răng.
  • Ghép mô: có nhiều loại phương pháp ghép mô lợi khác nhau, nhưng phương pháp phổ biến nhất là ghép mô liên kết. Ở phương pháp này, một vạt da ở vòm miệng sẽ được cắt ra, sau đó phần mô ở bên dưới, được gọi là biểu mô liên kết được lấy ra và khâu vào phần lợi bao quanh chân răng. Sau đó, phần vạt da sẽ được khâu trở lại vào vòm miệng. Ở các phương pháp cấy ghép mô khác, gọi là ghép lợi tự do, mô sẽ được lấy trực tiếp từ phần vòm miệng thay vì bên dưới da. Đôi khi, nếu bạn có đủ mô lợi ở quanh chiếc răng gặp vấn đề thì bác sĩ sẽ không cần lấy mô từ vòm miệng mà trực tiếp lấy mô lợi ở gần răng. Đây được gọi là phương pháp ghép vạt có chân nuôi.

Bác sĩ sẽ chọn ra phương pháp phẫu thuật phù hợp nhất dựa trên mong muốn của bạn.

Cách ngăn ngừa tụt lợi

Cách tốt nhất để ngăn ngừa tụt lợi là chăm sóc răng miệng cẩn thận, đánh răng hàng ngày và đi khám nha khoa ít nhất 2 lần/năm. Nếu bạn bị tụt lợi, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn đến tái khám thường xuyên hơn.Luôn phải dùng bàn chải lông mềm và hỏi bác sĩ về cách đánh răng đúng chuẩn. Nếu lệch khớp cắn hoặc nghiến răng là nguyên nhân gây tụt lợi thì hãy hỏi bác sĩ về cách khắc phục vấn đề.

Ngoài ra, còn những cách khác để ngăn ngừa tụt lợi, gồm có:

  • Bỏ hút thuốc
  • Có chế độ ăn cân bằng và lành mạnh
  • Theo dõi những thay đổi ở trong miệng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây