1

Phải làm gì sau cơn đau tim

Đau tim là một trường hợp cấp cứu y tế đe doạ đến tính mạng, xảy ra khi máu lưu thông đến tim đột ngột bị ngưng lại do tắc nghẽn động mạch vành. Sau cơn đau tim, cần tuân thủ thực hiện các biện pháp phục hồi chức năng tim và thực hiện những thay đổi trong lối sống để cải thiện sức khoẻ tim mạch, đồng thời ngăn ngừa đau tim tái phát.
Hình ảnh 47 Phải làm gì sau cơn đau tim

Thời gian phục hồi sau cơn đau tim kéo dài bao lâu?

Đau tim là một trường hợp cấp cứu y tế đe doạ đến tính mạng, xảy ra khi máu lưu thông đến tim đột ngột bị ngưng lại do tắc nghẽn động mạch vành, ngay lập tức gây tổn thương đến các mô xung quanh.

Quá trình phục hồi sau cơn đau tim phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng cũng như tiến độ điều trị.

Ngay sau cơn đau tim, bạn có thể phải nằm viện từ 3 đến 5 ngày, hoặc cho đến khi tình trạng được ổn định.

Nhìn chung, cần vài tuần đến vài tháng để có thể phục hồi hoàn toàn. Quá trình phục hồi phụ thuộc vào:

  • Tình trạng sức khỏe tổng thể
  • Các yếu tố nguy cơ
  • Việc tuân thủ kế hoạch điều trị

Phục hồi sau cơn đau tim "Widowmaker"

Cơn đau tim "Widowmaker" là một loại đau tim nghiêm trọng, xảy ra khi động mạch liên thất trước (LAD) bị tắc hoàn toàn.

Loại đau tim này có thể gây tử vong do động mạch LAD đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp máu cho tim.

Các triệu chứng của "Widowmaker" tương tự các loại đau tim khác, bao gồm:

  • Đau ngực
  • Khó thở
  • Chóng mặt
  • Đổ mồ hôi
  • Buồn nôn
  • Mệt mỏi

Phụ nữ cũng có thể gặp phải loại đau tim này. Khi gặp cơn đau tim "Widowmaker," bạn có thể phải nằm viện thêm vài ngày, đặc biệt là nếu cần phẫu thuật để mở lại động mạch LAD.

Chế độ ăn uống sau cơn đau tim

Chế độ ăn ít chất béo và calo đã được chứng minh là giúp giảm nguy cơ đau tim. Nếu đã bị đau tim, bạn phải ăn uống hợp lý để ngăn ngừa đau tim tái phát.

Một phương pháp hữu ích là thực hiện chế độ ăn DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension).

Mục đích chủ yếu của việc áp dụng chế độ này là để giảm natri, thịt đỏ và chất béo bão hòa; đồng thời tập trung vào thực phẩm giàu kali từ trái cây, rau củ, cùng với thịt nạc, cá và dầu thực vật.

Chế độ ăn Địa Trung Hải cũng tương tự DASH vì cả hai đều chú trọng vào thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật.

Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn dựa trên thực vật có thể giảm viêm và stress oxy hóa, các yếu tố góp phần gây suy tim. Chế độ này cũng giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh tim.

Lời khuyên về dinh dưỡng

  • Tránh chất béo trans và chất béo bão hòa

Những chất béo này góp phần hình thành mảng bám trong động mạch. Khi động mạch bị tắc, máu không thể lưu thông đến tim, gây ra cơn đau tim. Thay vào đó, hãy sử dụng chất béo từ thực vật như dầu ô liu hoặc các loại hạt.

  • Giảm lượng calo

Ăn quá nhiều calo và thừa cân có thể gây áp lực lên tim. Hãy duy trì cân nặng hợp lý và ăn uống cân bằng với thực phẩm từ thực vật, thịt nạc và sản phẩm từ sữa ít béo.

  • Hạn chế natri

Giảm lượng natri tiêu thụ hàng ngày xuống dưới 2.300 mg có thể giúp hạ huyết áp và giảm áp lực lên tim. Đây cũng là mục đích chính của chế độ DASH.

  • Tăng cường rau củ quả trong chế độ ăn

Nên lựa chọn trái cây và rau củ tươi. Nếu không có sản phẩm tươi, có thể thay thế bằng sản phẩm đông lạnh không đường hoặc đồ hộp không muối.

Tác dụng phụ sau cơn đau tim

Sau cơn đau tim, cảm thấy mệt mỏi là điều bình thường. Bạn có thể sẽ cảm thấy yếu người và suy kiệt về mặt tinh thần.

Ngoài ra, bạn cũng có thể bị giảm cảm giác thèm ăn. Ăn các bữa nhỏ hơn có thể giúp giảm bớt áp lực lên tim.

Các tác dụng phụ liên quan đến sức khỏe tâm lý sau cơn đau tim cũng khá phổ biến và có thể kéo dài từ 2 đến 6 tháng. Các triệu chứng bao gồm:

  • Giận dữ
  • Cáu gắt
  • Lo sợ
  • Mất ngủ và mệt mỏi ban ngày
  • Buồn bã
  • Cảm giác tội lỗi và thất vọng
  • Mất hứng thú với sở thích

Đau tim ở người cao tuổi

Nguy cơ đau tim và bệnh tim mạch sẽ tăng lên sau tuổi 65.

Nguyên nhân là vì có những thay đổi về tim do vấn đề tuổi tác, bao gồm tăng huyết áp và xơ cứng động mạch.

Đối với người cao tuổi, cơn đau tim sẽ đi kèm với một số vấn đề cần lưu tâm:

  • Phục hồi chậm hơn: Mặc dù chế độ ăn uống và tập luyện rất quan trọng trong việc ngăn ngừa cơn đau tim trong tương lai nhưng với người cao tuổi thì quá trình phục hồi có thể kéo dài hơn.
  • Nguy cơ suy giảm nhận thức: Người cao tuổi dễ gặp các vấn đề về nhận thức và giảm khả năng vận động chức năng.

Để hạn chế các ảnh hưởng về lâu dài, cần tăng cường vận động thể chất khi có thể. Điều này giúp tăng cường cơ tim và bảo vệ tim không bị tổn thương trong tương lai.

Ngoài ra, kiểm soát huyết áp cũng rất quan trọng vì tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch phổ biến nhất ở người trên 75 tuổi.

Điều trị đau tim có đặt stent

Stent là một ống lưới kim loại được sử dụng để giảm nguy cơ đau tim bằng cách giữ cho động mạch bị tắc nghẽn được mở, tăng lưu lượng máu đến tim. Stent được đặt vĩnh viễn để cải thiện tình trạng.

Khi kết hợp với thủ thuật nong mạch vành, việc đặt stent giúp tăng lưu lượng máu đến cơ tim, giảm nguy cơ tái hẹp động mạch đó. Tuy nhiên, trong tương lai vẫn có khả năng xảy ra đau tim do tắc nghẽn ở động mạch khác.

Việc duy trì các thói quen sống lành mạnh cho tim mạch là rất quan trọng trong việc ngăn ngừa cơn đau tim tái phát.

Nếu bạn cảm thấy đau ngực, ngay cả sau khi đã đặt stent thì hãy đến gặp bác sĩ ngay. Trong trường hợp hiếm gặp khi stent bị tắc, cần phẫu thuật để mở lại động mạch.

Ngoài ra, nguy cơ hình thành cục máu đông sau khi đặt stent cũng có thể làm tăng nguy cơ đau tim. Bác sĩ thường khuyến nghị dùng aspirin và các loại thuốc chống đông máu như ticagrelor (Brilinta) hoặc clopidogrel (Plavix) để ngăn ngừa cục máu đông.

Thay đổi lối sống

Lối sống lành mạnh cho tim mạch có thể rất hữu ích cho quá trình điều trị bệnh tim. Hãy xem xét và cải thiện các thói quen hiện tại của mình

Tập thể dục

Nếu đủ điều kiện thì bạn có thể bắt đầu kế hoạch tập luyện sau khi phục hồi.

Tập thể dục không chỉ giúp duy trì cân nặng hợp lý mà còn tác động đến các cơ, đặc biệt là cơ tim.

Bất kỳ hoạt động nào khiến máu tuần hoàn thì đều có lợi, nhưng tập thể dục nhịp điệu (aerobic) sẽ tốt nhất cho sức khỏe tim mạch. Các bài tập điển hình bao gồm:

  • Bơi lội
  • Đạp xe
  • Chạy bộ
  • Đi bộ nhanh

Những bài tập này giúp tăng lượng oxy lưu thông trong cơ thể, đồng thời tăng cường khả năng bơm máu của tim qua hệ tuần hoàn.

Tập aerobic thường xuyên còn giúp giảm:

  • Tình trạng tăng huyết áp
  • Căng thẳng
  • Cholesterol

Nếu gặp các triệu chứng bất thường khi tập luyện, chẳng hạn như khó thở kéo dài, yếu người, hoặc đau ngực, hãy dừng lại ngay lập tức và gọi 115 hoặc tìm sự trợ giúp y tế khẩn cấp.

Bỏ thuốc lá

Nếu có thói quen hút thuốc, bạn càng nên bỏ thuốc sau cơn đau tim.

Hút thuốc là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim, vì nó làm tăng huyết áp và nguy cơ hình thành cục máu đông do giảm lượng oxy trong máu. Điều này khiến tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu, nhưng lại có ít oxy hơn để duy trì hiệu suất tối ưu.

Việc bỏ thuốc ngay từ bây giờ không chỉ cải thiện sức khỏe tổng thể mà còn giúp giảm nguy cơ đau tim tái phát. Đồng thời, cần tránh tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động, vì chúng gây ra những nguy hiểm tương tự đối với sức khỏe tim mạch.

Kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác

Bệnh tim có thể mang yếu tố di truyền, nhưng phần lớn các cơn đau tim thường do lối sống.

Ngoài chế độ ăn uống, tập luyện và thói quen hút thuốc, cần chú ý kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác có thể góp phần gây ra các cơn đau tim trong tương lai.

Hãy trao đổi với bác sĩ về các vấn đề:

  • Tăng huyết áp
  • Cholesterol cao
  • Bệnh tiểu đường
  • Bệnh tuyến giáp
  • Mức độ căng thẳng bất thường
  • Các vấn đề sức khỏe tâm thần, như lo âu và trầm cảm
  • Uống rượu bia

Phục hồi chức năng tim

Sau cơn đau tim, bạn cần tham gia một chương trình phục hồi chức năng tim. Đây là những chương trình được các bác sĩ và chuyên gia y tế xây dựng nhằm theo dõi tình trạng và quá trình phục hồi của bạn.

Ngoài việc cung cấp kiến thức về những phương pháp thay đổi lối sống, chương trình cũng giúp kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch để đảm bảo phục hồi an toàn. Bác sĩ cũng có thể sẽ hướng dẫn bạn cách để tự theo dõi các chỉ số này.

Chỉ số nguy cơ mục tiêu sẽ bao gồm:

  • Huyết áp: dưới 130/80 mmHg
  • Vòng eo: dưới 35 inch (89 cm) với nữ và dưới 40 inch (102 cm) với nam
  • Chỉ số khối cơ thể (BMI): từ 18,5 đến 24,9
  • Cholesterol máu: dưới 180 mg/dL
  • Đường huyết: dưới 100 mg/dL (khi nhịn đói)

Bạn sẽ được theo dõi các chỉ số này thường xuyên trong quá trình phục hồi chức năng tim, nhưng sau khi phục hồi, bạn cũng cần tiếp tục duy trì các chỉ số này.

Tuổi thọ sau cơn đau tim

Nguy cơ đau tim sẽ tăng lên theo tuổi tác, đặc biệt với nam giới trên 45 tuổi và phụ nữ trên 55 tuổi.

Việc phát hiện và điều trị sớm có thể cải thiện được tuổi thọ sau cơn đau tim. Tuy nhiên, ước tính có khoảng 20% người trên 45 tuổi có thể bị đau tim trở lại trong vòng 5 năm.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khoảng 42% phụ nữ tử vong trong vòng một năm sau cơn đau tim, so với 24% ở nam giới. Sự khác biệt này có thể do phụ nữ thường có triệu chứng đau tim khác với nam giới, dẫn đến việc không nhận biết sớm cơn đau tim.

Mặc dù vậy, nhiều người vẫn có thể sống lâu và khỏe mạnh sau cơn đau tim.

Không có thống kê chung về tuổi thọ sau cơn đau tim, vì vậy, điều quan trọng là bạn nên tập trung vào việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ để ngăn ngừa đau tim tái phát.

Những điều cần tránh sau cơn đau tim

Cần dành thời gian đủ để tim phục hồi sau cơn đau tim. Điều này có thể đòi hỏi bạn phải điều chỉnh thói quen hàng ngày và hạn chế một số hoạt động trong vài tuần.

Hãy quay lại các hoạt động hàng ngày một cách từ từ để tránh nguy cơ tái phát cơn đau tim. Nếu công việc hàng ngày của bạn gây căng thẳng thì cần điều chỉnh lại khối lượng công việc.

Bạn có thể phải mất đến 3 tháng trước khi được phép quay lại làm việc. Nếu công việc thường gây căng thẳng thì có thể cần giảm đáng kể khối lượng công việc hoặc trở lại làm việc bán thời gian.

Sau cơn đau tim, bạn cũng không được lái xe ít nhất một tuần, hoặc lâu hơn nếu có biến chứng. Ở một số bang nước Mỹ, quy định yêu cầu tình trạng của bạn phải ổn định trong ít nhất 3 tuần trước khi được lái xe trở lại.

Bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn ngừng quan hệ tình dục hoặc các hoạt động thể chất khác ít nhất 2 đến 3 tuần sau cơn đau tim.

Khi nào cần tìm đến sự chăm sóc y tế

Sau khi đã bị đau tim lần đầu, bạn sẽ có nguy cơ gặp phải các cơn đau tim khác cao hơn.

Hãy lắng nghe cơ thể và báo cáo ngay cho bác sĩ khi cảm thấy bất kỳ triệu chứng nào, dù chỉ là nhẹ.

Hãy gọi 115 hoặc đến cơ sở y tế khẩn cấp nếu bạn gặp các triệu chứng sau:

  • Mệt mỏi đột ngột và nghiêm trọng
  • Đau ngực, hoặc đau lan ra một hoặc cả hai cánh tay
  • Nhịp tim nhanh
  • Đổ mồ hôi (mà không do vận động)
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu
  • Sưng phù chân
  • Khó thở

Cải thiện sức khỏe tim mạch sau cơn đau tim

Việc cải thiện sức khỏe tim mạch sau cơn đau tim phụ thuộc vào việc tuân thủ kế hoạch điều trị của bác sĩ và khả năng nhận biết các vấn đề tiềm ẩn.

Ngoài ra, bạn cũng cần nắm được sự khác biệt về kết quả điều trị giữa nam và nữ sau cơn đau tim.

Nghiên cứu cho thấy có khoảng 42% phụ nữ và 24% nam giới tử vong trong vòng một năm sau cơn đau tim.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), mỗi năm có khoảng 805.000 người ở Hoa Kỳ bị đau tim, trong đó 200.000 người đã từng bị đau tim trước đó.

Nhận biết được các yếu tố nguy cơ và thực hiện các thay đổi lối sống có thể giúp bạn vượt qua được bệnh tật và tiếp tục tận hưởng cuộc sống.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây