1

Nên ăn gì và hạn chế ăn gì sau cơn đau tim

Sau cơn đau tim, bạn nên áp dụng chế độ ăn lành mạnh cho sức khỏe tim mạch để ngăn ngừa các cơn đau tim tái phát hoặc các biến chứng như đột quỵ. Dưới đây là các chế độ ăn phù hợp và những thực phẩm mà bạn nên hạn chế.
Hình ảnh 40 Nên ăn gì và hạn chế ăn gì sau cơn đau tim

Thực phẩm tốt cho tim mạch

Một chế độ ăn tốt cho tim mạch sẽ bao gồm:

  • Trái cây và rau củ
  • Các loại hạt
  • Đậu và các loại cây họ đậu
  • Cá và hải sản
  • Ngũ cốc nguyên hạt
  • Dầu thực vật, chẳng hạn dầu ô liu
  • Trứng (có thể ăn tối đa 6 quả mỗi tuần)
  • Thịt nạc
  • Gia cầm không da

Những thực phẩm này ít chất béo bão hòa, natri, và đường bổ sung, giúp hạn chế nguy cơ đau tim.

Nếu không có rau củ và trái cây tươi, bạn có thể dùng sản phẩm đóng hộp hoặc đông lạnh, nhưng cần chú ý đến các thành phần bổ sung như natri, bơ, hoặc đường. Tuy nhiên, tốt hơn vẫn nên tiêu thụ rau củ và trái cây còn tươi để hấp thụ được tối đa chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể.

Cá là một trong những thực phẩm tốt nhất cho tim mạch, đặc biệt là các loại cá béo chứa nhiều axit béo omega-3, giúp giảm triglyceride, giảm viêm, và giúp mạch máu khỏe mạnh. Cũng có thể lựa chọn cá đóng hộp nhưng nên chọn loại ngâm nước thay vì ngâm dầu.

Cố gắng ăn ít nhất 2 khẩu phần cá mỗi tuần. Một số loại cá tốt cho tim mạch bao gồm:

  • Cá hồi
  • Cá mòi
  • Cá hồi vân
  • Cá trích
  • Cá thu

Về đồ uống, nước lọc là lựa chọn tốt nhất cho sức khỏe tim mạch. Nếu không thích nước lọc, hãy thử thêm hương vị tự nhiên bằng cách bỏ vài lát chanh, dưa leo, hoặc quả mọng (berry) vào nước. Bạn cũng có thể dùng nước seltzer hoặc trà thảo mộc.

Nói chung là tránh các loại đồ uống chứa nhiều đường và hạn chế uống rượu nhất có thể.

Các chế độ ăn phù hợp

Nếu muốn thực hiện một kế hoạch ăn uống hợp lý hơn, bạn có thể tham khảo các chế độ ăn lành mạnh cho tim mạch nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thay đổi chế độ ăn.

Nếu bạn định thử một chế độ ăn mới, hãy nhờ bác sĩ giới thiệu cho bạn một chuyên gia dinh dưỡng để tư vấn kế hoạch phù hợp hoặc điều chỉnh theo nhu cầu cá nhân.

Chế độ ăn Địa Trung Hải

Với chế độ ăn Địa Trung Hải, khẩu phần ăn chủ yếu gồm chất béo lành mạnh, đậu, cá, ngũ cốc, và nhiều rau củ, trái cây tươi. Có thể dùng các sản phẩm từ sữa và thịt nhưng ở mức độ vừa phải.

Một đánh giá từ các nghiên cứu dài hạn cho thấy chế độ ăn Địa Trung Hải mang lại nhiều lợi ích cho tim mạch, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

Chế độ ăn này cũng khuyến khích sử dụng dầu thực vật như dầu ô liu để thay thế cho bơ khi chế biến thực phẩm.

DASH

Chế độ ăn DASH (Dietary Approaches to Stopping Hypertension) nhằm cải thiện sức khỏe tim mạch bằng cách giảm huyết áp.

Tương tự chế độ ăn Địa Trung Hải, DASH tập trung vào thực phẩm có nguồn gốc thực vật, kết hợp với thịt nạc.

Hạn chế muối: Tự nấu ăn tại nhà giúp bạn kiểm soát được lượng muối được thêm vào món ăn. Đồng thời, nên kiểm tra nhãn thực phẩm đóng gói hoặc đồ hộp để biết hàm lượng natri.

Giảm natri và cholesterol: DASH giúp giảm huyết áp bằng cách tự nhiên hạn chế lượng natri và cholesterol trong chế độ ăn, từ đó cải thiện sức khỏe tim mạch.

Chế độ ăn dựa trên thực vật

Còn gọi là chế độ ăn "thiên hướng thực vật", đây là chế độ ăn ưu tiên trái cây, rau củ, ngũ cốc, đậu và các nguồn thực phẩm không từ động vật, trong khi đó sẽ giảm thiểu hoặc không tiêu thụ thịt.

Nhiều nghiên cứu cho thấy chế độ ăn dựa trên thực vật có thể cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ mắc:

  • Ung thư
  • Đột quỵ
  • Tiểu đường tuýp 2

Ăn ít thịt cũng giúp giảm lượng chất béo bão hòa và cholesterol tiêu thụ hàng ngày.

Nên tránh sử dụng thực phẩm gì?

Sau cơn đau tim, bạn nên hạn chế các loại thực phẩm chứa đường, muối và chất béo không lành mạnh. Dưới đây là danh sách một số thực phẩm cần hạn chế hoặc tránh sử dụng hoàn toàn:

  • Thức ăn nhanh
  • Đồ chiên rán
  • Đồ hộp (trừ rau củ và đậu không thêm muối)
  • Kẹo
  • Khoai tây chiên
  • Đồ đông lạnh được chế biến sẵn
  • Bánh quy, bánh ngọt, và bánh nướng
  • Kem
  • Các loại sốt như mayonnaise, ketchup, và nước sốt đóng gói
  • Thịt đỏ (chỉ nên ăn với lượng hạn chế)
  • Rượu
  • Dầu thực vật hydro hóa (chứa chất béo chuyển hóa)
  • Thịt nguội, xúc xích, pizza, và hamburger

Để có một trái tim khỏe mạnh, hãy hạn chế lượng chất béo bão hòa. Hãy đảm bảo rằng chất béo bão hòa chỉ chiếm tối đa 6% lượng calo tiêu thụ hàng ngày, đặc biệt là khi bạn có cholesterol cao.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị tiêu thụ không quá 2.300 mg natri mỗi ngày. Với người bị huyết áp cao, lượng natri lý tưởng nên giảm xuống 1.500 mg/ngày.

Hỏi ý kiến bác sĩ để biết bạn có thể tiêu thụ đồ uống chứa caffeine như cà phê và trà không. Nếu được phép, chỉ uống với mức độ vừa phải và không thêm đường hoặc kem.

Về thực phẩm bổ sung

Cơ thể hấp thụ dưỡng chất từ thực phẩm tự nhiên tốt hơn so với các loại viên uống bổ sung.

Thực phẩm bổ sung thường được sử dụng khi chế độ ăn không cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết. Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ các chất dinh dưỡng trong cơ thể, bao gồm:

  • Vitamin D
  • Vitamin C
  • Vitamin E
  • Vitamin nhóm B
  • Magiê
  • Axit béo omega-3

Nếu các chỉ số này thấp, bác sĩ sẽ đề nghị sử dụng thực phẩm bổ sung.

Hãy trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thực phẩm bổ sung nào. Bác sĩ sẽ tư vấn liệu các sản phẩm đó có an toàn với bạn hay không, và nếu có thì nên sử dụng loại nào.

Ngoài ra, khi chọn thực phẩm bổ sung, hãy kiểm tra nhãn sản phẩm và ưu tiên những loại đã được kiểm định bởi bên thứ ba đáng tin cậy.

Các thói quen khác tốt cho tim mạch

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể, đặc biệt là sức khỏe tim mạch. Ngoài việc ăn uống lành mạnh, một số thói quen sống khác cũng có thể hỗ trợ cải thiện sức khỏe tim:

  • Tập thể dục đều đặn
  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Kiểm soát căng thẳng
  • Bỏ hút thuốc
  • Hạn chế tiêu thụ rượu
  • Chăm sóc sức khỏe tinh thần

Kết luận

Chế độ ăn giàu dinh dưỡng là một phần quan trọng trong lối sống lành mạnh cho tim mạch, giúp ngăn ngừa nguy cơ đau tim tái phát, cải thiện chất lượng cuộc sống, cải thiện tâm trạng và sức khỏe tổng thể.

Hãy trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để nhận được những lời khuyên hữu ích về việc thay đổi thói quen ăn uống.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây