Đột Quỵ Hay Đau Tim?
Triệu chứng đau tim và đột quỵ khác nhau như thế nào?
Cả đau tim và đột quỵ đều có thể khởi phát nhanh chóng mà không có dấu hiệu cảnh báo trước. Tuy nhiên, có một số triệu chứng thường gặp bao gồm:
Triệu chứng đau tim |
Triệu chứng đột quỵ |
Khó chịu ở ngực: cảm giác bị đè nén, bóp chặt hoặc đau | Mặt xệ hoặc liệt cơ mặt, thường ở một bên |
Khó chịu ở phần trên cơ thể: cánh tay, lưng trên, bụng, cổ | Cảm giác yếu ở tay, thường ở một bên cơ thể |
Khó thở | Khó nói hoặc khó hiểu lời người khác nói |
Đổ mồ hôi lạnh | Đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân |
Chóng mặt | Gặp vấn đề về thị lực |
Buồn nôn hoặc nôn | Đi đứng khó khăn |
Triệu chứng của đau tim và đột quỵ có thể thay đổi tùy theo:
- Mức độ nghiêm trọng
- Độ tuổi
- Giới tính
- Tình trạng sức khỏe tổng thể
Cả hai tình trạng đều là các trường hợp cấp cứu y tế và cần được chăm sóc ngay lập tức. Nếu bạn nghi ngờ mình hay ai đó đang bị đột quỵ hoặc đau tim, hãy gọi cấp cứu ngay.
Triệu chứng đột quỵ và đau tim ở nữ giới
Triệu chứng của cả đột quỵ và đau tim ở nữ giới có thể khác hoặc ít điển hình hơn so với nam giới, đôi khi khiến việc chẩn đoán và điều trị bị chậm trễ.
Triệu chứng ít phổ biến của đau tim ở nữ | Triệu chứng ít phổ biến của đột quỵ ở nữ |
Khó thở, có thể kèm theo khó chịu ở ngực | Yếu cơ toàn thân |
Đau lưng hoặc đau hàm | Lẫn lộn, mất phương hướng hoặc gặp các vấn đề về trí nhớ |
Chóng mặt, choáng váng hoặc ngất | Mệt mỏi |
Buồn nôn hoặc nôn | Buồn nôn hoặc nôn |
Yếu tố nguy cơ của đột quỵ và đau tim
Cả hai tình trạng đều có nhiều yếu tố nguy cơ giống nhau, bao gồm:
- Hút thuốc
- Cholesterol cao hoặc xơ vữa động mạch
- Huyết áp cao, gây ảnh hưởng xấu đến thành mạch máu và lưu thông máu
- Tuổi cao
- Tiền sử gia đình có người từng mắc bệnh
Các yếu tố nguy cơ khác của đột quỵ bao gồm:
- Rối loạn nhịp tim, như rung nhĩ (AFib), làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông
- Từng bị đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA)
- Cơn đau nửa đầu aura (migraine with aura)
- Sử dụng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp hormone chứa estrogen
- Tiểu đường không kiểm soát
- Đang trong thai kỳ
- Một số bệnh, như COVID-19
Nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ bị đột quỵ hoặc đau tim, bạn có thể tham vấn bác sĩ về các biện pháp để giảm nguy cơ và hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Sức khỏe tim mạch trong cộng đồng người chuyển giới
Hầu hết các nguồn trong bài viết này sử dụng thuật ngữ “nam” và “nữ” để chỉ giới tính sinh học và phần lớn nghiên cứu dựa trên nhóm người có giới tính trùng khớp với giới tính được chỉ định khi sinh (cộng đồng người hợp giới - cisgender). Tuy nhiên, giống như nhiều bệnh lý khác, giới tính sinh học không phải là yếu tố dự báo đáng tin cậy nhất về triệu chứng đau tim hoặc đột quỵ.
Mặc dù nghiên cứu về cộng đồng người chuyển giới còn hạn chế nhưng có một bài đánh giá nghiên cứu năm 2019 cho thấy: “Cộng đồng người chuyển giới có tỷ lệ các yếu tố nguy cơ dẫn đến các vấn đề hành vi và bệnh tim mạch cao hơn so với cộng đồng người hợp giới (cisgender), do gia tăng căng thẳng xã hội, sự bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe, và tình trạng kinh tế - xã hội kém.”
Một bài đánh giá nghiên cứu năm 2023 ghi nhận rằng phụ nữ chuyển giới sử dụng liệu pháp hormone chứa estrogen có thể có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn. Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu để làm rõ vấn đề này.
Bác sĩ có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về việc tình trạng cụ thể của mình ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tim mạch tổng thể.
Tiên lượng
Tiên lượng (dự đoán về khả năng phục hồi, mức độ ảnh hưởng lâu dài, và nguy cơ tái phát hoặc biến chứng) sau một cơn đột quỵ hoặc đau tim phụ thuộc rất nhiều vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng và thời gian tiếp cận điều trị.
- Đối với đột quỵ: Một số người có thể gặp tổn thương về lâu dài, khiến việc đi lại hoặc nói chuyện trở nên khó khăn. Một số khác có thể khiến một phần chức năng não bị mất đi và không thể hồi phục. Tuy nhiên, với những người được điều trị sớm sau khi xuất hiện triệu chứng, việc hồi phục hoàn toàn là khả thi.
- Đối với đau tim: Nếu tuân thủ đầy đủ hướng dẫn của bác sĩ, thực hiện chương trình phục hồi chức năng tim mạch và duy trì lối sống lành mạnh, bạn có thể hoạt động trở lại như bình thường.
Tuổi thọ sau khi bị đột quỵ hoặc đau tim sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn có duy trì lối sống có lợi cho sức khỏe tim mạch hay không, điều quan trọng là phải nghiêm túc thực hiện và duy trì quá trình phục hồi.
Kết luận
- Cơn đau tim thường gây ra đau ngực hoặc cảm giác khó chịu ở ngực. Các triệu chứng khác có thể xuất hiện, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn đau tim.
- Đột quỵ thường có các biểu hiện như mặt xệ, yếu cơ ở một bên cơ thể, khó nói hoặc kết hợp cả ba triệu chứng.
Cả hai tình trạng này đều là trường hợp cấp cứu y tế và cần được điều trị ngay lập tức để giảm nguy cơ tử vong và tàn tật.
Nếu bạn nghi ngờ mình hoặc người khác đang bị đột quỵ hoặc đau tim, hãy gọi ngay cấp cứu để được hỗ trợ kịp thời.