1

Độ tuổi có ảnh hưởng như thế nào đến đau tim?

Đau tim, hay còn gọi là nhồi máu cơ tim, xảy ra khi dòng máu đến tim bị tắc nghẽn một phần hoặc tắc nghẽn hoàn toàn. Đau tim có thể xảy ra ở mọi nhóm tuổi, nhưng nguy cơ sẽ tăng lên theo độ tuổi. Tuy nhiên, bằng chứng khoa học cho thấy tỷ lệ đau tim ở người trẻ tuổi đã gia tăng trong vài thập kỷ qua.
Hình ảnh 59 Độ tuổi có ảnh hưởng như thế nào đến đau tim?

Độ tuổi có tác động đến nguy cơ đau tim không?

Khi tuổi tác tăng lên, nguy cơ đau tim cũng tăng. Theo Viện Lão khoa Quốc gia (National Institute on Aging), điều này một phần là do những thay đổi sinh lý trong hệ tim mạch, đặc biệt là ở tim.

Một số thay đổi ở tim khi tuổi tác tăng lên là:

  • Tích tụ mỡ trong động mạch: Theo thời gian, mỡ có thể tích tụ trên thành động mạch, gây hẹp động mạch vành, động mạch cung cấp máu và oxy cho cơ tim. Tình trạng này được gọi là xơ vữa động mạch.
  • Động mạch cứng hơn: Khi già đi, động mạch có thể trở nên kém linh hoạt và cứng hơn, làm tăng nguy cơ đau tim, đặc biệt nếu có tích tụ mỡ trong động mạch.
  • Thành tim dày lên: Thành tim có thể dày lên theo tuổi tác. Mặc dù điều này khiến tim to lên những lại làm giảm thể tích bên trong các buồng tim, khiến tim không thể chứa nhiều máu hoặc bị căng thẳng.
  • Van tim hoạt động kém hiệu quả hơn: Tim có 4 van có vai trò đóng mở để giữ cho máu được lưu thông đúng tuần tự. Theo thời gian, các van tim có thể dày lên, cứng hơn hoặc bị rò rỉ, khiến khó có thể kiểm soát lưu thông máu.
  • Thay đổi xung điện: Các xung điện trong tim có thể thay đổi, dẫn đến nhịp tim bất thường (rối loạn nhịp tim), nghĩa là tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều.
  • Nhạy cảm hơn với natri: Đôi khi, đối với người lớn tuổi, cơ thể trở nên nhạy cảm hơn với natri (muối), làm tăng huyết áp và nguy cơ đau tim.

Độ tuổi trung bình bị đau tim là bao nhiêu?

Theo một báo cáo năm 2018, độ tuổi trung bình bị đau tim lần đầu là 65,6 tuổi đối với nam và 72 tuổi đối với nữ.

Tuy nhiên, số liệu này không tính đến các cơn đau tim tái phát. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) cho biết, cứ 5 người bị đau tim thì có 1 người sẽ bị tái phát trong vòng 5 năm.

Đau tim có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Theo một nghiên cứu năm 2017, độ tuổi trung bình bị đau tim lần đầu đang có xu hướng trẻ hoá.

Người trẻ có thể bị đau tim không?

Theo một nghiên cứu năm 2018, số ca đau tim ở người trẻ đang gia tăng, đặc biệt là ở phụ nữ da đen trẻ tuổi.

Một đánh giá năm 2016 cho thấy yếu tố nguy cơ hàng đầu có thể kiểm soát được ở người trẻ là hút thuốc lá. Một nghiên cứu khác năm 2018 chỉ ra rằng lạm dụng chất kích thích phổ biến hơn ở người trẻ và có thể làm tăng nguy cơ đau tim.

Tuy nhiên, nguyên nhân gây đau tim không chỉ có hút thuốc và lạm dụng chất kích thích. Nguy cơ đau tim ở người trẻ có thể do nhiều yếu tố, chẳng hạn như:

  • Béo phì
  • Tiền tiểu đường
  • Rối loạn lipid máu (dyslipidemia), hay mỡ máu, như cholesterol LDL và triglyceride cao bất thường

Các chuyên gia cũng cho rằng lý do là vì việc chăm sóc y tế dự phòng và thực hiện các thay đổi trong lối sống chưa được áp dụng đủ sớm. Một số thói quen không lành mạnh, như chế độ ăn uống thiếu khoa học, ít hoạt động thể chất và sử dụng thuốc lá, có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tim mạch.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng việc xây dựng lối sống lành mạnh ngay từ giai đoạn vị thành niên hoặc giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành là cần thiết để giảm nguy cơ đau tim về sau.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, tiền sử bệnh lý gia đình cũng là yếu tố nguy cơ lớn gây đau tim ở người trẻ.

Các triệu chứng của cơn đau tim là gì?

Mặc dù triệu chứng đau tim có thể khác nhau tuỳ từng người nhưng một số dấu hiệu phổ biến sẽ bao gồm:

  • Đau ngực hoặc cảm giác khó chịu ở ngực
  • Khó thở hoặc thở dốc
  • Đau lan xuống cánh tay, cổ, vai hoặc hàm
  • Đổ mồ hôi
  • Cảm thấy chóng mặt
  • Mệt mỏi
  • Buồn nôn
  • Đau lưng trên

Ở nam giới, đau ngực thường nghiêm trọng hơn, trong khi phụ nữ thường cảm thấy ngực bị thắt chặt hoặc áp lực. Tuy nhiên, một số phụ nữ thậm chí còn không có triệu chứng đau ngực khi bị đau tim.

Thêm vào đó, triệu chứng ở nam giới thường xuất hiện nhanh chóng, trong khi ở phụ nữ, các triệu chứng có xu hướng xuất hiện dần dần. Một dấu hiệu cảnh báo sớm thường gặp ở phụ nữ là mệt mỏi bất thường hoặc mệt mỏi cực độ, có thể bắt đầu vài ngày trước khi xảy ra cơn đau tim.

Cần chăm sóc y tế ngay lập tức

Nếu bạn hoặc ai đó xung quanh có triệu chứng đau tim, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Càng được điều trị sớm, kết quả càng khả quan.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ đau tim là gì?

Ngoài tuổi tác, có nhiều yếu tố nguy cơ khác làm tăng khả năng bị đau tim. Một số yếu tố không thể thay đổi, nhưng vẫn cần tìm hiểu để nhận biết được các triệu chứng này.

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), các yếu tố nguy cơ chính không thể thay đổi bao gồm:

  • Tuổi tác: tuổi tăng lên thì nguy cơ đau tim cũng tăng lên.
  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ đau tim cao hơn phụ nữ trước khi mãn kinh. Tuy nhiên, sau mãn kinh, nguy cơ là ngang nhau. Nam giới thường bị đau tim ở độ tuổi trẻ hơn, nhưng phụ nữ có nguy cơ tử vong cao hơn sau cơn đau tim.
  • Tiền sử bệnh lý gia đình: Nếu có bố hoặc mẹ mắc bệnh tim, bạn cũng có nguy cơ cao bị bệnh tim, dẫn đến nguy cơ đau tim. Tiền sử bệnh lý gia đình là yếu tố nguy cơ đáng chú ý ở người trẻ.

Ngoài ra, có nhiều yếu tố nguy cơ khác có thể kiểm soát, bao gồm:

  • Hút thuốc
  • Mức cholesterol cao
  • Huyết áp cao
  • Thiếu vận động
  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Căng thẳng cao
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh
  • Uống rượu nhiều
  • Chất lượng giấc ngủ kém hoặc mắc chứng ngưng thở khi ngủ

Làm gì để cải thiện sức khỏe tim mạch?

Có nhiều cách để giảm nguy cơ đau tim, đặc biệt hiệu quả nếu bạn bắt đầu thay đổi lối sống từ sớm.

  • Bỏ hút thuốc: Theo Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia (NHLBI), các hóa chất trong khói thuốc lá có thể làm tổn thương tim và mạch máu, dẫn đến xơ vữa động mạch và làm tăng nguy cơ đau tim. Bỏ thuốc lá giúp cải thiện sức khỏe của tim, mạch máu, phổi và các cơ quan khác.
  • Tránh khói thuốc thụ động: Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), tiếp xúc với khói thuốc thụ động cũng làm tăng nguy cơ đau tim. Nên cấm hút thuốc trong nhà hoặc xe hơi nếu có thể.
  • Giảm cholesterol: Mức cholesterol LDL cao làm gia tăng đáng kể nguy cơ đau tim. Hãy trao đổi với bác sĩ để tìm giải pháp phù hợp nếu bị mức cholesterol cao.
  • Kiểm soát huyết áp: Huyết áp cao có thể làm thay đổi chức năng tim. Dùng thuốc hoặc thay đổi lối sống có thể giúp kiểm soát huyết áp. Tham khảo ý kiến bác sĩ để được hỗ trợ phù hợp.
  • Giảm căng thẳng một cách lành mạnh: Căng thẳng mãn tính là yếu tố nguy cơ đáng chú ý dẫn đến bệnh tim và đau tim. Thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng, như tập yoga hoặc thiền, có thể giúp bạn cảm thấy được thư giãn hơn.
  • Tập thể dục đều đặn: Theo CDC, người lớn cần vận động ít nhất 150 phút mỗi tuần với cường độ vừa phải. Cố gắng đi lại nhiều hơn và hạn chế ngồi.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Theo AHA, vòng eo là chỉ số quan trọng để đánh giá nguy cơ đau tim. Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về cách giảm cân lành mạnh.
  • Hạn chế rượu bia: Uống nhiều rượu có thể làm tăng huyết áp, triglyceride (một loại chất béo trong máu), và gây rối loạn nhịp tim. Hạn chế uống rượu, tối đa một ly mỗi ngày cho nữ và hai ly mỗi ngày cho nam.
  • Quản lý bệnh tiểu đường: Nếu bạn mắc tiểu đường, cần kiểm soát bệnh tốt để giảm nguy cơ đau tim.

Kết luận

Mặc dù đau tim có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng nguy cơ sẽ tăng lên khi bạn già đi. Tiền sử bệnh lý gia đình và giới tính cũng là những yếu tố nguy cơ đáng lưu ý.

Tuy nhiên, nhiều yếu tố nguy cơ khác có thể được kiểm soát thông qua việc thực hiện lối sống lành mạnh, chẳng hạn như bỏ thuốc lá, ăn uống khoa học, tập thể dục đều đặn, và giảm căng thẳng. Nếu bạn có huyết áp cao, cholesterol cao, hoặc tiểu đường, hãy trao đổi với bác sĩ để được điều trị phù hợp và giảm nguy cơ đau tim.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây