Cách xử trí khi nghi ngờ bị đau tim
Không có gì lạ khi nhiều người lo lắng về việc mình sẽ có thể bị đau tim vì theo ước tính, cứ 40 giây lại có một người Mỹ bị đau tim. Mặc dù đau tim có nguy cơ gây tử vong nhưng mỗi năm, hàng chục nghìn người Mỹ vẫn sống sót sau cơn đau tim. Dù chỉ là nghi ngờ mình bị đau tim, bạn cũng cần hành động nhanh chóng để có thể gia tăng cơ hội sống sót.
Nên làm gì nếu nghi ngờ mình bị đau tim?
Cơn đau tim thường khởi phát dần dần từ cảm giác khó chịu, đau nhẹ và có các dấu hiệu cảnh báo trước khi thực sự xảy ra. Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy gọi cấp cứu hoặc nhờ ai đó liên hệ cấp cứu ngay lập tức:
- Cảm giác khó chịu ở ngực, đặc biệt là ở giữa ngực, kéo dài hơn vài phút hoặc thỉnh thoảng xuất hiện rồi biến mất. Cảm giác khó chịu có thể giống như cảm giác nặng nề, căng tức, bóp nghẹt hoặc đau.
- Cảm giác khó chịu ở các bộ phận phần trên cơ thể như cánh tay, lưng, cổ, hàm hoặc bụng. Cảm giác đau hoặc khó chịu này có thể giống như các tình trạng thường gặp.
- Khó thở: có thể xuất hiện kèm theo cảm giác khó chịu ở ngực.
- Cảm giác bất thường khác như đổ mồ hôi lạnh, buồn nôn, nôn, chóng mặt. Phụ nữ thường gặp các triệu chứng này nhiều hơn nam giới.
1. Gọi cấp cứu
Nếu có người khác ở gần, hãy nhờ họ gọi cấp cứu và ở lại với bạn cho đến khi nhân viên y tế đến. Thay vì nhờ ai đó lái xe đưa đến bệnh viện, bạn vẫn nên ưu tiên gọi cấp cứu vì thông thường thì đây là cách nhanh nhất để được chăm sóc khẩn cấp. Nhân viên dịch vụ cấp cứu được đào tạo để hồi sức cho những người bị đau tim và cũng có thể đưa bạn đến bệnh viện để được chăm sóc nhanh chóng.
Nếu bạn đang ở nơi công cộng như cửa hàng, trường học, thư viện hoặc nơi làm việc, rất có thể sẽ có sẵn máy khử rung tim.
Máy khử rung tim là loại thiết bị mà nhân viên cấp cứu y tế sử dụng để hồi sức cho những người đang lên cơn đau tim. Nếu bạn vẫn còn tỉnh táo khi đau tim khởi phát, hãy nhờ người khác tìm máy khử rung tim gần nhất. Máy khử rung tim có hướng dẫn sử dụng dễ dàng nên kể cả người không phải nhân viên cấp cứu y tế cũng có thể hồi sức cho bạn nếu đột nhiên bị đau tim.
2. Uống aspirin
Khi vẫn còn tỉnh táo, bạn hãy uống một liều aspirin thông thường (325 miligam) nếu có sẵn. Aspirin có tác dụng làm chậm quá trình đông máu và giảm thiểu kích thước của các cục máu đông có thể hình thành.
Khi nhân viên cấp cứu y tế đến, họ sẽ đưa bạn đến bệnh viện để được chăm sóc phù hợp tùy theo tình trạng đau tim cụ thể mà bạn gặp phải.
Cách xử trí nếu nghi ngờ mình bị đau tim khi ở một mình
Nếu bạn ở một mình và gặp phải bất kỳ triệu chứng đau tim nào nêu trên, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Uống aspirin nếu có sẵn. Sau đó, mở khóa cửa chính và nằm xuống gần đó để nhân viên cấp cứu có thể dễ dàng tìm thấy bạn.
Có thể nhanh chóng làm cơn đau tim ngừng lại không?
Không có cách nào có thể nhanh chóng khiến cơn đau tim ngừng lại mà không cần phải đến bệnh viện để cấp cứu. Bạn có thể sẽ tìm thấy nhiều phương pháp điều trị đau tim "nhanh" ở trên mạng. Tuy nhiên, những phương pháp này không hề hiệu quả mà còn gây nguy hiểm nếu trì hoãn việc cấp cứu.
Hồi sức tim phổi bằng ho
Một phương pháp điều trị được tìm thấy trên mạng được gọi là hồi sức tim phổi bằng ho (Cough CPR). Một số nguồn tham khảo trực tuyến cho rằng hít thở sâu, sau đó ho sâu, có thể làm tăng huyết áp trong giây lát. Các nguồn tin cho biết điều này có thể giúp máu được đưa đến não nhiều hơn. Những bài đăng này cũng nói rằng nếu tim đập bất thường, thì ho sâu có thể giúp tim trở lại bình thường.
Nhưng Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ không khuyến nghị phương pháp này. Nó không có tác dụng với người mất ý thức và không thể thay thế việc điều trị y tế.
Nước pha ớt cayenne
Một đề xuất khác được tìm thấy trên mạng mà không có hiệu quả nữa là uống một cốc nước có pha một thìa ớt cayenne. Một số người nói rằng ớt cayenne là chất kích thích có khả năng làm tăng nhịp tim và lưu thông máu khắp cơ thể, cân bằng tuần hoàn máu. Một số người còn khẳng định ớt cayenne có thể cầm máu ngay lập tức.
Tuy nhiên, không có bằng chứng nào chứng minh rằng ớt cayenne hay các loại ớt khác có tác dụng trong trường hợp bị đau tim. Hơn nữa, tương tác giữa capsaicin (thành phần chính trong ớt cayenne) và aspirin cũng chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Cách giảm nguy cơ bị đau tim
Mặc dù bạn không thể kiểm soát tất cả các yếu tố nguy cơ gây đau tim, chẳng hạn như tuổi tác, giới tính (nam giới có nguy cơ bị đau tim cao hơn) và di truyền, nhưng có một số yếu tố bạn có thể thay đổi được:
- Bỏ hút thuốc và hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Kiểm soát lượng cholesterol trong máu và huyết áp cao bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, giảm cân nếu cần thiết, dùng thuốc hoặc kết hợp áp dụng những biện pháp này.
- Duy trì hoạt động thể chất hàng ngày.
- Kiểm soát cân nặng nếu bạn thừa cân hoặc béo phì.
- Nếu bị tiểu đường, hãy tuân thủ phác đồ điều trị và duy trì đường huyết ổn định.
- Giảm căng thẳng bằng cách thử các kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu, yoga, hoặc trị liệu tâm lý.
- Hạn chế uống rượu.
- Chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng, giàu các loại vitamin và khoáng chất.