1

Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu và những điều cần biết - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Tổng phân tích nước tiểu

  • Là một xét nghiệm thường quy được thực hiện tại các cơ sở y tế. 
  • Hiểu về quy trình xét nghiệm và biên độ dao động của các thông số cơ bản, người bệnh cũng có thể nắm bắt được tình hình sức khỏe của bản thân.
  • Thường quy chỉ định  cho bệnh nhân đến khám lâm sàng, làm bilan chuẩn bị mổ và bệnh nhân nhập viện.
  • Là một phương pháp xét nghiệm nhanh, đơn giản, rẻ tiền nhưng lại có thể cung cấp rất nhiều thông tin quan trọng.

Trước khi làm xét nghiệm

  • Nên làm xét nghiệm nước tiểu vào buổi sáng sớm, lấy nước tiểu giữa dòng.
  • Trước khi làm xét nghiệm nước tiểu cần vệ sinh bộ phận sinh dục thật sạch bằng nước sạch, không được dùng chất tẩy rửa có tính kiềm hoặc acid.
  • Không sử dụng thực phẩm làm thay đổi tính chất của nước tiểu như: rượu, bia, dâu tây, củ cải đường, quả mâm xôi hoặc đại hoàng…
  • Không nên tập thể dục quá mức trước khi làm xét nghiệm.
  • Báo với bác sĩ nếu bạn đang có kinh nguyệt hoặc gần bắt đầu thời kỳ kinh nguyệt.
  • Không nên dùng bất cứ loại thuốc gì kể cả thực phẩm bổ sung chức năng.

Ý nghĩa

Tỷ trọng/Specific gravity (SG):

  • Thể hiện tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu, bệnh lý gan, tiểu đường, tiêu chảy mất nước, ói mửa, suy tim xung huyết hoặc tổn thương tại thận như: viêm thận cấp, suy thận mạn, viêm cầu thận, viêm đài bể thận.
  • Chỉ số bình thường: 1,005 -1,030.

Nitrite (Nit): 

  • Thể hiện nhiễm khuẩn thận, nhiễm khuẩn nước tiểu, viêm nội tâm mạc, nhiễm khuẩn nước tiểu không triệu chứng, bình thường: âm tính.

Leukocytes (Leu Bạch cầu): 

  • Chỉ ra tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm khuẩn thận.
  • Bình thường: âm tính.
  • Chỉ số cho phép: <10 Leu/µL.

pH:

  • Đánh giá tình trạng toan kiềm của nước tiểu.
  • Ở người bình thường, pH nước tiểu trung bình là 7.
  • Tình trạng quá toan hay quá kiềm dễ hình thành sỏi tiết niệu. pH cũng bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn.
  • pH nước tiểu tăng trong nhiễm khuẩn thận, suy thận mạn, hẹp môn vị, nôn mửa. pH nước tiểu giảm trong nhiễm ceton do đái đường, tiêu chảy mất nước.
  • Chỉ số bình thường: 4,6 – 8,0.

Ery/Blood (Bld) Hồng cầu: 

  • Dấu hiệu cho thấy có nhiễm trùng đường tiểu, sỏi thận, viêm thận cấp, xuất huyết từ bàng quang hoặc bướu thận.
  • Bình thường: âm tính.
  • Chỉ số cho phép: <5 Ery/µL.

Glucose (Glu): 

  • Dấu hiệu hay gặp ở bệnh nhân tiểu đường, bệnh lý ống thận, viêm tụy.
  • Trong bệnh Đái tháo đường thường xuất hiện đường trong nước tiểu nhưng không dùng để chẩn đoán.
  • Bình thường: âm tính hoặc có thể có ở phụ nữ mang thai.
  • Chỉ số cho phép: <1,7 mmol/L.

Protein (Pro): 

  • Dấu hiệu cho thấy có bệnh lý ở thận viêm thận cấp, bệnh thận do đái tháo đường, viêm cầu thận, hội chứng suy tim xung huyết, hội chứng thận hư, bệnh thận đa nang, viêm đài bể thận, bệnh lý ống thận…
  • Bình thường: âm tính.
  • Chỉ số cho phép: <0,15 g/L.

Thể Cetonic (Ket): 

  • Dấu hiệu hay gặp ở bệnh nhân tiểu đường không kiểm soát, nhiễm ceton do đái tháo đường, tiêu chảy mất nước, nôn mửa, nghiện rượu, nhịn ăn trong thời gian dài. 
  • Bình thường: Âm tính hoặc đôi khi có ở mức độ thấp đối với phụ nữ mang thai.
  • Chỉ số cho phép: <0,5 mmol/L.

Urobilinogen (UBG): 

  • Dấu hiệu cho thấy có bệnh lý ở gan hay túi mật. Urobilinogen là sản phẩm được tạo thành từ sự thoái hóa của bilirubin.
  • Nó cũng được thải ra ngoài cơ thể theo phân, chỉ có một lượng nhỏ urobilinogen có trong nước tiểu.
  • Urobilinogen có trong nước tiểu vượt quá ngưỡng cho phép có thể là dấu hiệu của bệnh về gan (xơ gan, viêm gan) làm dòng chảy của dịch mật từ túi mật bị nghẽn.
  • Bình thường: âm tính.
  • Chỉ số cho phép: <17 mmol/L.

Billirubin (Bil): 

  • Dấu hiệu cho thấy có bệnh lý ở gan hay túi mật.
  • Bilirubin là sản phẩm được tạo thành từ sự thoái hóa của hồng cầu. Nó đi ra khỏi cơ thể qua phân.
  • Billirubin bình thường không có trong nước tiểu.
  • Nếu như billirubin xuất hiện trong nước tiểu nghĩa là gan đang bị tổn thương hoặc dòng chảy của mật từ túi mật bị nghẽn.
  • Bình thường: âm tính.
  • Chỉ số cho phép: <3.4 mmol/L.

Nguồn: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Video có thể bạn quan tâm

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây