Viêm Giả U Hốc Mắt - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Ca bệnh

Bệnh nhân V.V.T (48 tuổi)  nhập viện với triệu chứng  đau ½ mặt phải dai dẳng gần một tháng kèm theo khả năng nhìn kém dần, trước đó bệnh nhân đã được các bác sĩ tại một bệnh viện khác điều trị theo hướng đau dây thần kinh V với các thuốc giảm đau mạnh, triệu chứng đau nửa mặt giảm nhưng bệnh nhân  vẫn thấy thị lực bị suy giảm.

Ngay sau khi nhập viện, ghi nhận Bệnh nhân (BN)  tỉnh táo hoàn toàn, đau nhiều vùng mắt và nửa mặt bên phải, nhìn kém, mạch 70 lần/phút, nhiệt độ 37 độ C, huyết áp 180/100 mmHg, mắt phải lồi rõ, mô xung quanh mắt nề, khám đồng tử 2 bên đáp ứng ánh sáng tốt, thị lực mắt phải 2/10, mắt trái 10/10 , nhãn áp mắt phải cao 45, mắt trái 23, nhãn cầu mắt phải lồi, kết mạc phù nề, vận nhãn hạn chế phía dưới, khám các cơ quan khác chưa phát hiện bất thường. Tiền sử cá nhân không có bệnh lí cao huyết áp, không bị bướu cổ, không có sang chấn vùng mặt, tiền sử gia đình không có gì đặc biệt.   

BN được làm các xét nghiệm thường qui như chụp phổi thẳng, đo điện tim, siêu âm bụng tổng quát… tuy nhiên chưa phát hiện bất thường. Hội chẩn giữa khoa nội và khoa mắt đã quyết định theo dõi  trường hợp tăng nhãn áp cấp tính / viêm giả u hốc mắt – gián biệt u hốc mắt và BN được chụp cắt lớp hốc mắt chẩn đoán. Kết quả chụp CT hốc mắt cho thấy nhãn cầu 2 bên không thấy bất thường về hình dạng và kích thước, thần kinh thị 2 bên trong giới hạn bình thường, tổ chức cơ vận nhãn bên phải hơi dày so với bên trái.

Sau khi hội chẩn bệnh nhân được điều trị theo hướng 1 trường hợp viêm giả u hốc mắt / tăng huyết áp với các loại

  • Kháng sinh :Levofloxacin 500 mg / ngày uống
  • Kháng viêm :solumedrol 80mg / ngày tiêm tĩnh mạch
  • Giảm đau mạnh :efferalgan codein 500mg X 3 viên / ngày uống
  • Hạ huyết áp dòng ức chế canxi:amlodipin 5mg / ngày  uống
  • Acetazolamide 250mg x 2 viên / ngày uống kèm kali
  • Nhỏ mắt phải bằng dung dịch Nyolon, travatan.  

Sau điều trị 3 ngày với các thuốc trên, bệnh nhân giảm đau mắt dần, ngủ được, thị lực mắt phải cải thiện dần, tổ chức quanh mắt bớt nề, nhãn cầu đỡ lồi hẳn, đo lại nhãn áp và thị lực kết quả thật ngoạn mục : mắt phải thị lực 10/10, nhãn áp giảm còn 21, kết mạc nhãn cầu bớt phù nề, bệnh nhân được xuất viện sau 3 ngày điều trị tại khoa nội, hẹn tái khám theo chuyên khoa sau 1 tuần, hiện nay bệnh nhân trở lại sinh hoạt bình thường.

BÀN LUẬN

Điều trị Viêm giả u hốc mắt: 

  • Điều trị viêm giả u hốc mắt có 3 phương pháp chính: corticoide liều cao, xạ trị và thuốc ức chế miễn dịch.
  • Với steroide đôi khi u lympho ác tính và các bệnh khác cũng đỡ tạm thời, Sau đó giảm dần liều lượng steroide. Nếu không có gì bất thường xảy ra thì không cần làm sinh thiết.
  • Cần phải thận trọng trong việc làm sinh thiết hốc mắt  vì có thể làm cho viêm nặng thêm dẫn đến mù và liệt vận nhãn.
  • Điều trị bằng steroide không hiệu quả cần được chữa trị bằng tia xạ tại chổ.
  • Một số giả u vô hiệu với steroide hoặc tia xạ lại đáp ứng tốt với hóa chất như chlorambucil hoặc cyclophosphamide.

Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Tin liên quan

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây