1

Ung thư gan - bệnh viện 103

1. Đại cương

1.1. Định nghĩa

  • Ung thư gan là khối u ác tính phát sinh từ các tế bào biểu mô hoặc tế bào liên kết cấu tạo của gan.
  • Đa số ung thư gan thuộc về biểu mô, hiếm gặp ung thư liên kết. Vì vậy, trong phạm vi bài học chúng tôi chỉ giới thiệu ung thư thuộc thành phần biểu mô.

1.2. Nguyên nhân

Hiện nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết rõ cơ chế bệnh sinh cũng như nguyên nhân cụ thể gây ra ung thư gan, nhưng người ta đã đề cập tới nhiều yếu tố, nhiều tác nhân có liên quan đến ung thư gan ở người:

– Độc tố:

Bằng những thực nghiệm trên súc vật, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy ngày càng nhiều những chất sinh ung thư gan bao gồm những chất tổng hợp và những chất có trong thiên nhiên.

Ví dụ: chất độc nitrosamin, aflatoxin…

– Giới tính:

Nhiều thống kê cho thấy ung thư gan ở nam giới bao giờ cũng nhiều gấp 4 lần so với nữ giới. Thực nghiệm trên chuột cũng cho thấy khi cùng sử dụng một chất sinh ung thư thì chuột đực bị ung thư gan nhiều hơn chuột cái.

– Tuổi:

Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng với ung thư gan thì tuổi mắc bệnh thường thay đổi theo địa dư:

  • Châu Âu và Bắc Mỹ hay gặp ở tuổi 60 – 69, tỷ lệ ung thư gan cũng thấp hơn so với các loại ung thư khác.
  •  Châu Phi hay gặp ở tuổi 20 – 40, trên 60 tuổi rất ít gặp, tỷ lệ ung thư gan lại cao hơn so với các loại ung thư khác.
  •  Một số quốc gia vùng Đông Nam Á hay gặp ở tuổi 40 – 55 và tỷ lệ ung thư gan cũng khá cao.

– Tiền sử bệnh gan:

Càng ngày các nhà nghiên cứu càng thấy rõ mối quan hệ giữa ung thư gan với các bệnh gan mạn tính, đặc biệt là viêm gan mạn tính thể tấn công và xơ gan. Có lẽ vi rút viêm gan B có vai trò trực tiếp sinh ung thư gan ở người.

– Dinh dưỡng:

Thiếu dinh dưỡng kéo dài, đặc biệt là thiếu protein và các sinh tố có thể gây ra ung thư gan. Chế độ ăn thích hợp là một yếu tố quan trọng khiến cho ung thư gan thực nghiệm không xuất hiện hoặc khó xuất hiện.

1.3. Sơ lược về dịch tễ và tình hình tử vong

– Trên thế giới: theo thống kê của tổ chức y tế thế giới cho đến năm 2000 ung thư gan là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 5 ở nam giới và đứng hàng thứ 8 trong các bệnh ung thư nói chung.

Hơn 80% ung thư gan ở khu vực Viễn Đông và Đông Nam Châu Á. Hàng năm có khoảng 500 nghìn đến 1 triệu người bị ung thư gan được phát hiện. Tại Trung Quốc ung thư gan là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh ung thư.

Tuổi trung bình mắc bệnh cũng thay đổi theo từng khu vực và từng quốc gia trong châu lục, lứa tuổi 40 – 50 là hay gặp nhất.

– Tại Việt Nam: hiện nay vẫn chưa có thống kê đầy đủ về ung thư gan trên phạm vi toàn quốc. Nhưng theo các số liệu dựa vào lâm sàng, sinh thiết, tử thiết tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tỷ lệ ung thư gan ở nước ta cũng khá cao:

Các tỉnh phía Bắc ung thư gan đứng hàng thứ 3 ở nam giới, hàng thứ 4 ở nữ giới. Còn các tỉnh phía Nam đứng hàng đầu ở nam giới.

2. Mô học

2.1. Đại thể

Ung thư gan được chia thành 3 thể chủ yếu sau:

2.1.1. Thể cục

Tổ chức ung thư gồm nhiều cục (nhân) hình tròn hoặc bầu dục, to nhỏ không đều đường kính từ 0,2 cm đến 5 cm, nằm rải rác ở các thuỳ gan và lồi hình bán cầu lên bề mặt gan. Ranh giới giữa các cục có khi rõ có khi không rõ. Có trường hợp chúng đứng riêng rẽ, có trường hợp chúng đứng chen chúc chèn ép lẫn nhau.

2.1.2. Thể khối

Tổ chức ung thư là một khối lớn thường có hình tròn, có khi chiếm cả một thuỳ gan đội vỏ Glisson lồi lên mặt gan khiến cho gan bị biến dạng, có khi trở thành một khối méo mó không phân biệt được gan trái với gan phải.

Ngoài khối ung thư lớn còn có thể có những khối ung thư nhỏ đứng riêng rẽ hoặc gần hoặc xa khối lớn.

2.1.3. Thể lan toả

Tổ chức ung thư là những dải màu trắng phát triển lan tràn khắp các thuỳ của gan. Bờ các dải này có khi rõ có khi nham nhở như răng cưa gài vào tổ chức gan lành. Tổ chức ung thư hầu như chỉ phát triển lan tràn dưới vỏ Glisson, vì vậy gan tuy to nhưng không bị biến biến dạng.

– Mặt cắt của tổ chức ung thư (chung cho cả 3 thể)

Mặt cắt của tổ chức ung thư thường có màu trắng, mật độ mềm, khi bị nhiễm mật thì có màu vàng, khi bị chảy máu thì có màu hồng. Có khi những vùng bị nhuyễn như bã đậu, thậm chí lỏng ra như mủ khiến ta nhầm tưởng là một ổ áp xe.

2.2. Vi thể

Ung thư biểu mô gan được chia thành 2 loại:

2.2.1. Ung thư biểu mô tế bào gan

Các tế bào ung thư có hình đa diện sắp xếp thành từng bè giống như bè các tế bào gan bình thường. Trong bào tương có thể có những hạt sắc tố mật màu nâu, nhân nằm ở giữa tế bào, hạt nhân rõ, nhưng hình dáng nhân méo mó, xù xì, bắt màu kiềm đậm, có những hình nhân quái. Tuỳ theo cách sắp xếp của các tế bào ung thư và mức độ bịêt hoá tế bào mà có các loại sau đây:

– Ung thư biểu mô tế bào gan biệt hoá cao:

Khối u có kích thước dưới 2cm, tế bào hơi mất điển hình, tăng tỷ lệ nhân/bào tương, các tế bào sắp xếp thành hình bè hoặc hình giả tuyến.

– Ung thư biểu mô tế bào gan biệt hoá vừa:

Khối u kích thước trên 3cm, đặc trưng của loại này là các tế bào ung thư sắp xếp thành từng bè và thành hình giả tuyến. Tế bào mất điển hình, nhân tế bào lỗ rỗ, tăng chất màu, chứa đựng một hạt nhân lớn nổi bật.

– Ung thư biểu mô tế bào gan kém biệt hoá:

Các tế bào ung thư đa hình thái, thậm chí thấy nhiều tế bào khổng lồ, chúng thường sắp xếp thành từng ổ. Các mạch máu mất cấu trúc dạng xoang trông giống như những khe hẹp.

2.2.2. Ung thư biểu mô tế bào ống mật

Các tế bào ung thư hình vuông hoặc trụ, bào tương tương đối sáng, nhân tế bào to nhỏ không đều bắt màu kiềm đậm, có những hình nhân quái và nhân chia, chúng sắp xếp theo hình túi tuyến hoặc ống tuyến, chỗ dày, chỗ mỏng. Trong lòng ống tuyến, túi tuyến có thể chất nhầy. Vây xung quanh các ống tuyến, túi tuyến là những dải tổ chức liên kết xơ nhiều mạch máu, đồng thời có xâm nhiễm các tế bào viêm loại một nhân.

Dựa vào khả năng của các tế bào khối u hình thành nên các ống tuyến và mức độ mất bình thường về kiến trúc và tế bào mà được chia ra thành 3 mức độ:

­Ung thư biểu mô tế bào ống mật biệt hoá cao:

Các tế bào ung thư có hình khối sắp xếp thành hình các ống tuyến, có thể có cấu trúc nhú, tế bào chế nhầy hoặc biệt hoá giống tế bào gai hoặc giống tế bào hạt. Mô đệm xơ phát triển vừa phải, nhưng một vài khối u có thể phát triển nhiều.

­Ung thư biểu mô tế bào ống mật biệt hoá vừa:

Cấu trúc u bao gồm đa hình thái các tế bào, chúng sắp xếp thành các ống tuyến không đều nhau dạng mắt sàng (dạng rây), có khi tạo thành những ổ, những dải tế bào. Mô đệm phát triển mạnh.

­Ung thư biểu mô tế bào ống mật kém biệt hoá:

Các tế bào u đa hình thái, tăng chất màu của nhân, chúng sắp xếp thành từng dải, từng ổ và chỉ hình thành từng ổ nhỏ các ống tuyến dạng mắt sàng.

Một vài loại có kiến trúc dạng sacôm với các tế bào có hình thoi, nhưng không có cảm giác lẫn với mô đệm. Phản ứng tạo xơ đôi khi có thể hoàn toàn không quan sát thấy.

3. Di căn và biến chứng

3.1. Di căn

Ung thư gan có xu hướng phát triển nhanh, sớm lan tràn ở trong gan tạo ra những ổ ung thư mới. Đồng thời lan ra các hạch bạch huyết ở lân cận và lên phổi, não (người ta thấy có tới 80% bệnh nhân bị ung thư gan có di căn lên phổi).

3.2. Biến chứng

  • Khi ổ ung thư ở sát bề mặt gan có thể bị hoại tử và vỡ.
  • Các tế bào ung thư có thể xâm nhập vào tĩnh mạch cửa và phá vỡ thành tĩnh mạch gây xuất huyết vào ổ bụng.

Nguồn: Bệnh viện 103

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây